Song Chi.
Trong một số vụ án có liên quan đến các nạn quấy rối tình dục, xâm hại tình dục hoặc cưỡng hiếp ở VN, chúng ta thấy các cá nhân, cơ quan thuộc bộ phận điều tra và pháp luật ở VN rõ ràng chưa thực sự ý thức được mức độ nghiêm trọng của vấn đề.
Đơn cử qua 2 vụ việc gần đây nhất:
Vụ một nữ sinh 20 tuổi bị một kẻ biến thái sàm sỡ, hôn hít trong thang máy chung cư Golden Palm (phường Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội), cơ quan điều tra đã xử lý như sau: buộc kẻ biến thái phải xin lỗi công khai nhưng y đã không thực hiện, 2 lần hủy buổi xin lỗi. Và: “Xác định hành vi sàm sỡ nữ sinh trong thang máy của Đỗ Mạnh H. không cấu thành tội phạm, cơ quan công an đã xử phạt hành chính đối tượng này với mức phạt là… 200 nghìn đồng”. (“Kẻ biến thái” sàm sỡ nữ sinh trong thang máy bị xử phạt… 200 nghìn đồng!”, Dân Trí)
Không hiểu cơ quan công an nghĩ gì khi cho rằng hành động này không cấu thành tội phạm? Phải chăng, chỉ là một nụ hôn, vài lời nói suồng sã, có gì phải làm lớn chuyện?
Nếu theo lời luật sư Nguyễn Minh Long, Giám đốc công ty Luật TNHH Dragon trong bài “Vụ nữ sinh bị sàm sỡ trong thang máy: Nạn nhân tiếp tục bị làm phiền, quấy rối”, Đời Sống&Pháp Luật, thì luật pháp VN quả là xử quá nhẹ tội quấy rối tình dục hay tấn công tình dục: "… hành vi "cưỡng hôn" của người đàn ông đối nữ sinh chưa đủ căn cứ để xử lý bằng pháp luật hình sự. Hành vi này là sự xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác và sẽ bị xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội.”
Có lẽ vì vậy mà cơ quan công an mới xử phạt hành chính kẻ biến thái này 200 nghìn đồng VN tức chưa tới 9 USD! Hậu quả nhãn tiền là y không nhận thức được hành vi sai trái của mình, nhởn nhơ, không xin lỗi nạn nhân (“Vụ nữ sinh bị sàm sỡ trong thang máy: “Kẻ biến thái” không đến xin lỗi”, Dân Trí), thậm chí tiếp tục làm phiền, quấy rối nạn nhân.
Và những kẻ biến thái khác nhìn vào đó cũng sẽ không sợ hãi, vì cho rằng nếu có làm bậy cùng lắm chỉ bị phạt vài trăm ngàn mà thôi!
Thứ hai, vụ một bé gái 9 tuổi ở Hà Nội bị một kẻ lạ mặt dụ dỗ chở vào vườn chuối dùng tay xâm hại đến rách màng trinh, thủng tầng sinh môn, chảy nhiều máu; chưa kể còn dùng vũ lực khiến bé bị rạn xương tay phải, gãy 1 răng hàm dưới…nhưng khi trao đổi với PV báo Dân Trí sáng 18.2, ông Trần Trí Dũng - Trưởng Công an huyện Chương Mỹ (Hà Nội) lại khẳng định vụ việc đã được đơn vị này khởi tố đúng tội danh: “…Lời khai của cháu bé, lời khai của đối tượng phù hợp với hành vi dâm ô. Không có dấu hiệu của hành vi hiếp dâm” - ông Dũng nói.” (“Vụ bé gái 9 tuổi bị xâm hại: Công an khẳng định không có dấu hiệu hiếp dâm”, Dân Trí)
Có lẽ ông Trưởng Công an huyện Chương Mỹ, Hà Nội cho rằng dùng tay thì vẫn chưa phải là hiếp dâm nên khởi tố với tội danh dâm ô?
Cũng theo báo chí, đối tượng làm hại bé gái 9 tuổi đã có tiền án về tội cướp giật tài sản, và từ sau khi ra tù vào năm 1913, vẫn nằm trong diện quản lý, theo dõi của cơ quan chức năng địa phương, nhưng cơ quan công an huyện Chương Mỹ lại cho y được tại ngoại, áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú.
“Ông Tống Quang Hiếu, Đội trưởng Đội cảnh sát hình sự (Công an huyện Chương Mỹ, Hà Nội), cho rằng việc bị can Nguyễn Trọng Trình được tại ngoại sau khi bị khởi tố, tạm giữ 9 ngày để điều tra về hành vi xâm hại tình dục bé gái 9 tuổi đến rạn xương tay, gãy răng hàm là do phạm tội "ít nghiêm trọng" (“Xâm hại bé gái 9 tuổi đến rạn xương tay: Cho tại ngoại do phạm tội 'ít nghiêm trọng', Tiền Phong)
Việc này đã gây uất ức cho gia đình nạn nhân (“Bé gái 9 tuổi bị xâm hại tình dục: Bố cháu bé uất hận khi hay tin nghi can được tại ngoại”, Tin tức online) và sự phẫn nộ trong dư luận xã hội.
Phản ứng của dư luận đã dẫn tới những hiệu quả tích cực bước đầu. Báo chí lên tiếng: “Vụ bé gái 9 tuổi bị xâm hại: Phạm tội hiếp dâm hay dâm ô?”, Dân Trí. Và Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đã có công văn gửi giám đốc Công an TP Hà Nội, viện trưởng VKSND TP Hà Nội đề nghị xem xét lại (“Xâm hại bé gái 9 tuổi đến rạn xương: Đề nghị bắt giam bị can, truy trách nhiệm cơ quan điều tra”, Người Lao Động)
Tuy nhiên, đây là sức ép từ dư luận. Nó có thể tạo ra sự thay đổi trong một vài vụ việc, nhưng điều quan trọng hơn là phải thay đổi toàn bộ nhận thức cho tới cách xử lý, mức xử lý…từ các cơ quan công an điều tra cho tới cơ quan làm luật.
Có 2 điều đáng nói:
1. Cơ quan công an, điều tra cho tới pháp luật ở VN cần có nhận thức đúng về những loại tội danh này và xem lại mức xử phạt, mức án cho đích đáng, thì mới có tác dụng ngăn chặn, hoặc ít nhất làm giảm bớt những tội phạm loại này.
2. Báo chí truyền thông khi đưa tin về những vụ như vậy, đặc biệt nếu liên quan đến trẻ em, cần phải tránh hết mức tối đa để nạn nhân không bị nhận diện, cuộc sống sẽ càng thêm xáo trộn bởi dư luận và vết thương càng thêm khó lành. Ngay cả khi có làm mờ nét mặt và viết tắt tên nạn nhân nhưng nếu lại đưa những chi tiết về gia đình, trường học, chỗ cư ngụ thì người trong khu vực, bạn bè ở trường cũng sẽ nhận ra. Sự thật là trẻ con và ngay cả nhiều người lớn ở VN vẫn chưa thực sự tế nhị trước những vụ việc như vậy xảy ra cho một em bé, cô gái nào đó mà mình biết, và sự tò mò, kỳ thị sẽ càng làm cho tâm lý, tinh thần nạn nhân bị ảnh hưởng.
Thử so sánh với những tội danh tương tự, các nước khác họ xử ra sao:
Dubai: Một quản lý người Ấn độ đã bị bỏ tù 3 tháng vì sờ mó (bóp) một người phụ nữ khi cô đang đi bộ với bạn của mình trên vỉa hè. Ngoài ra, nạn nhân còn yêu cầu được bồi thường Dh 21,000 (AED or Arab Emirate Dirham)) tương đương 5, 700 USD. Vụ việc xảy ra vào tháng Sáu, 2018 (“ Manager jailed for groping woman in public”, Gulf News).
Ireland: Một người đàn ông, nhân viên Sức khỏe và An toàn (A Health and Safety officer) bị bỏ tù 6 tháng sau khi thò tay dưới váy một người phụ nữ và sờ mó khi cô đi bộ ngang qua Temple Bar, sau đó bỏ đi. Anh ta đã phải nhận tội “tấn công tình dục” (sexual assault). Vụ việc xảy ra vào tháng Ba năm nay, 2019. (“Man jailed after 'forcibly groping' woman in Temple Bar”, Independent).
Anh: Một người đàn ông ngồi đối diện với một phụ nữ trên chuyến tàu đi Brighton trong đêm Giáng Sinh 2017, hỏi chuyện cô sau đó đặt tay lên đùi cô, khi cô đẩy tay anh ta ra và bỏ đi chỗ khác, anh ta liền đi theo và lao vào hôn cô. Người đàn ông này sau đó bị bắt và bị bỏ tù 26 tuần, ngoài ra còn phải trả một khoản phụ phí cho nạn nhân là £ 115 và bị đăng ký tên là tội phạm tình dục trong năm năm. (“Pervert jailed for groping woman on Chritmas Eve”, Brighton&Hove News)
Pháp: Một người đàn ông say xỉn đã bị bỏ tù 3 tháng vì đã gọi một phụ nữ là “con điếm”, nhận xét về kích cỡ bộ ngực của cô, và vỗ vào mông cô trên một chuyến xe bus. Anh ta là người đầu tiên bị bỏ tù theo luật quấy rối tình dục mới (new sexual harassment laws) của Pháp. Anh ta cũng bị phạt số tiền tương đương khoảng 355 đô la vì những bình luận đồi bại đối với người phụ nữ. Vụ việc xảy ra vào tháng 9, 2018. (“First man jailed under France’s new sexual harassment law", New York Post).
Mỹ: Bị xử nặng hơn nhiều là vụ một kỹ thuật viên người Ấn bị kết án 9 năm tù vì tội tấn công tình dục trơ trẽn” ("brazen sexual assault") một người phụ nữ trên máy bay từ Vegas đến Detroit. Anh ta ngồi cạnh nạn nhân và lợi dụng lúc cô ngủ để thò tay vào quần cô sờ mó. Không những thế, anh ta, người đến Mỹ theo diện đi làm, visa H-1B, còn bị trục xuất về nước sau khi mãn hạn tù.Vụ việc xảy ra vào tháng 1, 2018.(“Indian tech worker who sexually assaulted woman on an overnight flight while his WIFE sat next to him is sentenced to nine years in US prison”, Dailymail)
Sơ sơ vài vụ để thấy các nước ngày nay rất nghiêm khắc với các tội danh tình dục. Mà đó chưa phải là tội xâm hại tình dục hay cưỡng hiếp. Như trường hợp cô gái bị ép hôn trong thang máy họ sẽ xếp vào tội “tấn công tình dục”, còn trường hợp với trẻ em mà lại bị tổn thương nghiêm trọng như bé gái 9 tuổi nói trên thì còn bị xử nặng hơn nhiều.
Suy cho cùng, chỉ khi nào nhân phẩm, giá trị, sự an toàn của mỗi một con người trong xã hội được coi trọng và đặt lên trên tất cả thì mọi thứ sẽ khác.
Bài bình luận gần đây