Phát biểu kém thông minh là hội chứng của rất nhiều lãnh đạo cấp trung ương của Việt Nam. Sự thật này vừa được khẳng định thêm một trường hợp nữa từ ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ GTVT, tại phiên giải trình trước Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Bộ trưởng Thể đã nói như đinh đóng cột “Ai mất giấy phép lái xe đều phải thi lại”. Ngay lập tức một trận cuồng phong sỉ vả xuất hiện trên mạng xã hội về phát biểu được cho là “ngu độn” này.
Rất nhiều bộ trưởng có chung một ý nghĩ rằng người dân vốn thấp cổ bé họng nói gì thì họ cũng phải nghe và dù có nổi lên một đợt sóng gió nào đó thì cũng chỉ đủ để gây một vài nụ cười trong lúc Đảng trà dư tửu hậu khi ngồi lại đánh giá những thành tựu đã qua, trong đó có những phát ngôn mà đảng viên cho là “thú vị”.
Không thể tranh cãi được với câu nói bất hủ của Lord Acton: “Quyền lực làm con người tha hóa. Quyền lực tuyệt đối sẽ dẫn đến tha hóa tuyệt đối”, tuy nhiên nếu quyền lực được nằm trong tay của các chóp bu Đảng Cộng sản thì có thể cộng thêm một ý nữa đó là “càng quyền lực thì càng trì độn”.
Muốn biết tầm trì độn của bộ phận này ra sao chỉ cần nhìn vào cách phát ngôn của họ thì rõ. Bao nhiêu năm nay hàng trăm câu nói đi vào sổ tay ghi chép của dân gian về mức độ thiếu thông minh của giới chóp bu. Từ Thủ tướng tới Chủ tịch Quốc hội. Từ Bộ trưởng tới Chủ tịch UBND các cấp, mười lần họ phát biểu thì ít nhất có một lần lộ ra thiểu năng trí tuệ mà ai cũng thấy. Mức độ ngớ ngẩn thường tập trung vào những phát biểu của cấp cao nhất như Thủ tướng hay Tổng Bí thư. Dụng chữ một cách lệch lạc, quê mùa lại thường xuất hiện trên những câu phán từ các đại biểu Quốc hội, và nhiều đời Chủ tịch Quốc hội cũng không hề thua kém trình độ hiểu biết của 500 vị ngồi trên ghế đại biểu.
Sự thiếu thông minh của những người này có thể thấy rải rác trong các ý kiến đóng góp ngay tại nghị trường hay trong những lần trả lời báo chí. Hiếm khi gặp một Đại biểu quốc hội có khả năng trả lời mọi câu hỏi một cách thông minh và ấn tượng. Lâu lâu hứng lên họ đưa ra những câu nói mà một người chăn vịt cũng phải lấm lét khi thốt lên trước đám đông bao vây chung quanh.
Chỉ riêng ông Thủ tướng Phúc đã làm chủ 27 lần phát biểu bị xem là nông nổi, thiếu cân nhắc về các “đầu tàu” khắp nước. Tuy nhiên ở những lĩnh vực khác thì phát ngôn của các Bộ trưởng không còn chỗ để chứa những lời lẽ thiếu cân nhắc, võ đoán, thiếu trí tuệ và nhất là xem dân như cái thùng rỗng có thể hét vào đấy điều gì cũng được.
Người ta còn nhớ như in ông Nguyễn Sinh Hùng khi đang giữ chức Chủ tịch Quốc hội đã không ngần ngại khi cho rằng: “Quốc hội tức là dân, dân quyết sai thì dân chịu chứ kỷ luật ai?” Rồi bà Nguyễn Thị Kim Ngân cũng hăng hái cho cả nước biết: “Bảo vệ hòa bình không phải hô hào cho thật to, kích động thế này thế khác là có được chủ quyền, không có đâu. Một số tổ chức, cá nhân lên tiếng hô hào thế này thế nọ nhưng những người đó, tổ chức đó làm gì cho đất nước? Chưa làm gì cả…”
Khi ông Bộ trưởng Văn phòng chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định với báo chí rằng: “Nếu chúng ta sai chúng ta nhận lỗi trước dân. Nếu dân sai thì dân phải chịu trách nhiệm trước pháp luật” thì một cơn cuồng nộ trên mạng xã hội đã xảy ra. Tuy nhiên nếu bình tâm suy nghĩ kỹ lại thì câu nói của ông Dũng chỉ xác nhận một sự thật đã đang và sẽ xảy ra trên đất nước ngày nào Đảng cộng sản còn cầm quyền. Câu nói của ông Dũng chưa bằng nhận xét của ông Nguyễn Duy Chiến, Phó ban Biên giới Chính phủ khi cho rằng “Việc Trung quốc xâm nhập lãnh hải, cắt cáp cũng là cách yêu cho roi cho vọt”.
Mức độ nguy hiểm trong câu nói của ông Chiến là khẳng định vai trò cha chú của Trung Quốc đối với Việt Nam và khuyến khích sự vâng lời một cách nhu nhược trước họa diệt vong từ Trung Quốc. Trong cái “Yêu cho roi cho vọt” ấy người ta thấy in đậm tâm lý nô lệ và cúc cung tận tụy với kẻ đã từng xâm lược đất nước và vẫn đang chiếm giữ một phần da thịt Việt Nam của một bộ phận không nhỏ của các lãnh đạo.
Lãnh đạo nhà nước không những thích nói những câu vượt hàng rào chữ nghĩa, họ còn xem thường mức độ hiểu biết của quần chúng trong đó không ít người từng dạy cho họ học trong mái trường XHCN. Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước không cần suy nghĩ chi cho sâu xa, phán rằng “Nợ xấu tăng vì lợn rớt giá”. Đối với một Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chỉ lấy đơn vị “lợn” để làm chuẩn mực khi cân đo tài chánh cho cả quốc gia thì thật là hồng phúc cho dân tộc.
Nhắc tới “hồng phúc” người Sài Gòn không thể nào quên bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND thành phố từng tuyên bố: “Con lãnh đạo làm lãnh đạo là hồng phúc của dân tộc”. Một lần nữa bà Quyết Tâm không hề hớ hênh mà đã có chủ đích khi phát biểu điều này. Chân lý nằm ở chỗ hãy xem có bao nhiêu con cái lãnh đạo đang bơi trong chiếc hồ đầy ắp tiền bạc và quyền hành do cha mẹ chúng mang vào tiếp tục đè đầu nhân dân?
Vừa hãnh tiến lại vừa giảo biện là tính chất chung của lãnh đạo Việt Nam ở cấp thành phố. Ông Bùi Xuân Cương, giám đốc sở GTVT thành phố cho rằng: “Kẹt xe kéo dài ở TP HCM chỉ là ùn ứ vì xe vẫn có thể nhúc nhích được”. Nhúc nhích tức là cử động, còn kẹt xe theo ông Cương thì phải hoàn toàn bất động mới được xem là kẹt xe! Chỉ có thánh mới tranh biện được với ông mặc dù một người bán hàng rong quê mùa trên cái đất Sài gòn này cũng thừa khả năng biết được hai chữ nhúc nhích là gì.
Trở lại với phát biểu của ông Thể. Trong vai trò Bộ trưởng GTVT ông đã từng bao che cho các BOT bẩn khi áp dụng chữ “thu giá” thay vì “thu phí” như trước đó các BOT vẫn sử dụng tại các chốt thu phí. Phí và giá hoàn toàn khác nhau trên ngữ nghĩa lẫn mục đích nhưng ông vẫn kiên định lập trường về sự thông minh hoán chữ của ông. Sau khi dư luận phản ứng quyết liệt thì “thu giá” trở về với vị trí ban đầu của nó: vô nghĩa và được nghĩ ra từ một cái đầu không ngu cũng độn.
Sau ông Thể là những ai nữa thì nhân dân không cần biết. Dân chỉ biết rằng họ đông như ruồi và việc vo ve bên tai người dân không thể nào tiêu diệt được khi mà cả guồng máy chỉ chú ý tới mục tiêu “mị dân” là chính.
Bài bình luận gần đây