You are here

Hỏi và Đáp về Phong trào Dân chủ (Bài 15)

Ảnh của nguyenvubinh

     Câu hỏi: Tham nhũng là gì? ở Việt Nam có tham nhũng không?

     Trả lời: Tham nhũng là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi. Ở Việt Nam  có tham nhũng, đảng cộng sản và nhà nước trong các văn bản đã nói đến quốc nạn tham nhũng, tức là mức độ tham nhũng rất nghiêm trọng.

     Câu hỏi: Mức độ tham nhũng ở Việt Nam trầm trọng thể hiện ở những vấn đề gì?

     Trả lời: Mức độ tham nhũng ở Việt Nam trầm trọng ở hai vấn đề, quy mô và tỷ trọng (tỷ lệ) tham nhũng. Quy mô tham nhũng ở Việt Nam là rộng khắp, tuyệt đối. Tất cả các ngành, các cấp, các lĩnh vực, ngành nghề và các địa phương đều tham nhũng. Tỷ lệ tham nhũng ở mức không thể tưởng tượng nổi. Nếu là các công trình xây dựng, giao thông... tỷ lệ tham nhũng thường là 75% giá trị công trình. Các ngành nghề khác, có thể hơn hoặc kém chút ít.

     Câu hỏi: Tham nhũng ở các nước dân chủ và ở Việt Nam có khác nhau không? Và khác nhau như thế nào?

     Trả lời: Tham nhũng ở các nước dân chủ và Việt Nam có khác nhau. Ở các nước dân chủ, nơi có sự công khai, minh bạch và thông tin trung thực, cùng với hệ thống tam quyền phân lập, đối trọng quyền lực và các định chế ngăn ngừa và phòng chống tham nhũng, thì việc tham nhũng là có, nhưng chỉ là số ít, các vụ việc đơn lẻ và mức độ không quá nghiêm trọng. Sự việc tham nhũng ở các nước này, nếu bị phát hiện thì tuyệt đại bộ phận đều bị truy tố, dù cấp bậc và chức vụ của người tham nhũng ở vị trí nào đi chăng nữa. Động cơ tham nhũng ở đây, thường là kẻ tham nhũng gặp khó khăn bất ngờ về tài chính, hoặc những phút bốc đồng nổi máu tham không kiềm chế được. Phần lớn công chức, quan chức trong hệ thống công quyền đều nhận thức được cái giá phải trả vô cùng nặng nề so với công sức họ bỏ ra để học hành, thi cử và làm việc để có được vị trí họ đang nắm giữ. Chính vì vậy, trong suy nghĩ và hình thành động cơ đã có sự khác biệt rất lớn với Việt Nam trong vấn đề tham nhũng. Tóm lại, với các định chế hiện hành cùng với mức lương đủ sống, tham nhũng ở các nước này là những hiện tượng cá biệt, trong các điều kiện và hoàn cảnh cụ thể, không phải phổ biến và không thành hệ thống.

     Tham nhũng ở Việt Nam là câu chuyện khác hẳn. Đầu tiên, mức lương của tất cả các chức danh, của quan chức hoàn toàn không đủ sống theo nhu cầu bình thường của họ. Do hệ thống chính trị độc tài, toàn trị ở Việt Nam đã duy trì hai hệ thống tổ chức song song, đó là hệ thống đảng và hệ thống chính quyền. Đồng thời, Việt Nam còn có các tổ chức ngoại vi là các hội, đoàn thể cùng với hệ thống an ninh, mật vụ, đặc tình để giám sát và kiểm soát dân chúng. Chính vì vậy, số lượng người thông thường hưởng lương ngân sách của một quốc gia tương ứng với 90 triệu dân là khoảng 3-4 triệu người thì ở Việt nam, con số này khoảng 20-25 triệu người. Nếu tính cả số người nhận phụ cấp hàng tháng và khối doanh nghiệp nhà nước trong ngân sách chi quốc gia, thì số người hưởng phụ cấp từ 200.000 VNĐ trở lên, tới lương Tổng bí thư số lượng khoảng từ 30-40 triệu người. Một con số khủng khiếp. Với một số lượng lớn chi thường xuyên của ngân sách như vậy, thì mức lương của công chức và quan chức hoàn toàn không thể đủ sống. Chính vì vậy mà nguyên nhân đầu tiên dẫn tới động cơ tham nhũng ở Việt nam chính là do cơ chế, do mức lương không đủ sống mà tất cả mọi người bắt buộc phải tham nhũng, kiếm chác để duy trì cuộc sống.

     Lý do thứ hai, quan trọng không kém là tình trạng mua quan, bán tước đút lót, hối lộ để vào làm công chức, viên chức, vào biên chế nở rộ hiện nay. Tất cả những ai, có lương tâm và hiểu biết ở Việt Nam đều phải thừa nhận, gần như tuyệt đối, các suất biên chế, các chức danh ở Việt nam đều phải có một cái giá nhất định nào đó. Trường hợp các suất biên chế, các chức danh không mất một đồng nào chỉ có con cháu của cán bộ cao cấp gửi gắm ở cấp dưới mà thôi. Với việc mua các suất biên chế, mua các chức danh như vậy, các công chức, quan chức bắt buộc phải tham nhũng để bù vào số tiền, số vốn đã bỏ ra để mua các chức danh đó.

     Câu hỏi: Công cuộc chống tham nhũng, “đốt lò” của đảng cộng sản, mà đại diện là ông tổng bí thư, chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đang thực hiện có giải quyết được triệt để tình trạng tham nhũng hiện nay không?

     Trả lời: Không. Quốc nạn tham nhũng của Việt Nam như trên đã nói, là do cơ chế của chế độ, nhà nước sinh ra. Chỉ có thay đổi cơ chế, và trên thực tế, là thay đổi chế độ mới giải quyết được triệt để vấn nạn, quốc nạn tham nhũng./.

Hà Nội, ngày 14/02/2019

N.V.B