Ngày 30/1 vừa qua, tòa án nhân dân (TAND) Hòa Bình đã tuyên án cho 7 bị cáo trong vụ án chạy thận làm 9 người chết ở bệnh viện đa khoa Hòa Bình, trong đó, BS Hoàng Công Lương, người được dư luận quan tâm nhất, bị tuyên án 42 tháng tù với tội vô ý làm chết người, theo Khoản 2, Điều 98 Bộ luật Hình sự 1999 (có hiệu lực vào thời điểm vụ án xảy ra).
Hình: BS Hoàng Công Lương (Nguồn: Internet)
TAND Hòa Bình cho rằng BS Lương là bác sỹ điều trị có chứng chỉ hành nghề, được đào tạo chuyên môn thận nhân tạo, và được giao trách nhiệm chuyên môn ở đơn nguyên thận nhân tạo. Theo quy chế lọc máu, anh không phải chịu trách nhiệm về nguồn nước nhưng phải biết rõ tầm quan trọng của nước trong chạy thận, anh chưa biết hệ thống nước đã đảm bảo an toàn hay chưa mà chỉ nghe điều dưỡng viên thông báo rồi đưa hệ thống nước vào chạy thận. Từ đó, hội đồng xét xử (HĐXX) đã kết luận anh "cẩu thả, làm việc theo thói quen và tự tin vào kinh nghiệm bản thân".[1] Đây cũng là luận điểm của viện kiểm sát (VKS) Hòa Bình.[2]
Để bị kết án về tội vô ý làm chết người do cẩu thả, một người phải bị cáo buộc rằng đã không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước khả năng gây ra hậu quả đó. Đây được gọi là lỗi vô ý do cẩu thả, một mặt chủ quan của tội phạm trong khoa học pháp lý hình sự. Như vậy, lập luận của TAND và VKS Hòa Bình là BS Lương đã không thấy trước nhưng phải thấy trước và có thể thấy trước rằng hệ thống nước có thể không an toàn sau khi được sửa chữa và do đó có thể gây ra cái chết cho các bệnh nhân.
Bất kể lập luận của TAND và VKS Hòa Bình, một bộ phận dân chúng theo dõi vụ án đã phản đối bản án và cho rằng BS Lương vô tội.
Để bảo vệ cho BS Lương, các luật sư và những người bảo vệ khác đã đưa ra nhiều lập luận, trong đó có một số lập luận chính sau đây:
1. BS Lương không phải chịu trách nhiệm về nguồn nước, mà kỹ thuật viên phải chịu trách nhiệm này.
Theo BS Nguyễn Hữu Dũng, trưởng khoa thận nhân tạo, bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, "Về nguyên tắc, người sửa chữa phải đảm bảo nguồn nước an toàn để tiến hành lọc máu".[3]
2. BS Lương ra y lệnh đúng và phù hợp với các quy trình mà Bộ Y tế đã ban hành.
Cũng theo BS Dũng, "Khi điều dưỡng viên hoặc kỹ thuật viên thông báo đã sửa chữa xong thì bác sỹ có thể ra y lệnh".[4]
3. Biên bản kiểm tra tình trạng thiết bị được dùng để buộc tội BS Lương có dấu hiệu bị làm giả.
LS bào chữa cho BS Lương cho rằng biên bản đã bị sửa chữa nhiều chi tiết nên đặt nghi vấn về tính khách quan của nó khi nó được dùng làm chứng cứ buộc tội đối với BS Lương. LS cũng cho rằng việc sửa chữa có dấu hiệu của hành vi làm giả tài liệu, hồ sơ vụ án.[5]
Các lập luận này có đủ thuyết phục để bác bỏ hoàn toàn lập luận của TAND và VKS Hòa Bình hay không?
Về lập luận 1, TAND và VKS Hòa Bình cũng thừa nhận rằng BS Lương không phải chịu trách nhiệm về nguồn nước (như trên đã nêu), cho nên điều này không cần được nhắc lại.
Về lập luận 2, báo chí dẫn lời VKS Hòa Bình rằng BS Lương chỉ nghe thông báo từ một điều dưỡng viên không được giao trách nhiệm về nguồn nước mà đã ra y lệnh.[6] Câu hỏi được đặt ra là nghe thông báo từ điều dưỡng viên như vậy có thực sự đúng và phù hợp với các quy trình hay không? Ngay cả khi câu trả lời là 'Có', câu hỏi tiếp theo là khi làm theo một quy trình sơ hở và dẫn đến hậu quả, liệu vấn đề chỉ nằm ở quy trình hay nằm ở cả người làm theo quy trình đó?
Về lập luận 3, nếu đúng là BS Lương đề xuất sửa chữa hệ thống nước, biết rõ việc sửa chữa diễn ra vào ngày 28/5/2017, và đã thừa nhận điều này (*) như VKS Hòa Bình cho hay[7] thì ở đây, lỗi vô ý do cẩu thả (như trên đã nêu) là vẫn tồn tại.
Trên lý thuyết, lỗi vô ý do cẩu thả trong khoa học pháp lý hình sự được xác định dựa vào 2 điều kiện sau đây:
Một là người phạm tội phải thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội. Điều kiện này xuất phát từ các yêu cầu về sự thận trọng cần thiết nhằm tránh gây ra thiệt hại cho xã hội trong các hoạt động chuyên môn, nghề nghiệp, các quy tắc của đời sống, pháp luật, v.v.[8]
Hai là người phạm tội có thể thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội. Điều kiện này xác định rằng một người cụ thể với các đặc điểm cá nhân và nghề nghiệp của mình, cũng như hoàn cảnh thực hiện tội phạm có thể thấy trước hậu quả nguy hiểm của hành vi của mình cho xã hội.[9]
Liệu 2 điều kiện này có được thỏa mãn trong trường hợp của BS Lương hay không? Câu trả lời, theo người viết, là 'Có'. BS Lương có chuyên môn để hiểu rằng chất lượng của nước là quan trọng. Đặt vào hoàn cảnh của sự cố, BS Lương biết rằng hệ thống nước được sửa chữa và chuẩn bị điều trị cho một số lớn (mà ở đây là 18) bệnh nhân, lẽ ra BS Lương phải thận trọng hơn bình thường để đảm bảo nguồn nước đã an toàn thay vì đơn thuần dựa vào thông báo từ một điều dưỡng viên không được giao trách nhiệm về nguồn nước. BS Lương hoàn toàn có thể xác minh lại với người nào có trách nhiệm, và nếu được người đó cho biết là không chắc nguồn nước an toàn, anh có thể thông báo điều này cho cấp trên để có phương hướng xử lý. BS Lương không thể biện hộ với lý do rằng mình tin điều dưỡng viên[10] hay làm việc theo thói quen, vì hoàn cảnh của sự cố có những tình tiết đặc thù khiến lý do này không thuyết phục.
Do đó, người viết cho rằng lập luận của TAND và VKS Hòa Bình, rằng BS Lương lẽ ra phải đảm bảo các điều kiện an toàn của hệ thống nước, là có phần hợp lý, tuy nhiên, để thuyết phục thì điều (*) phải được hỗ trợ bởi chứng cứ thích hợp.
Như vậy, trong 3 lập luận bảo vệ cho BS Lương, trừ lập luận 1 không cần được nhắc lại nữa, còn lại lập luận 2 cần được xem xét thêm để kết luận về tính thuyết phục, và lập luận 3 không thể bác bỏ hoàn toàn lỗi vô ý do cẩu thả của BS Lương, mà lỗi này chính là căn cứ quan trọng để cáo buộc BS Lương phạm tội vô ý làm chết người.
Tóm lại, mặc dù bản án của TAND Hòa Bình cần phải được mổ xẻ thêm vì vụ án còn những tình tiết chưa được làm rõ, song nói chung, nếu điều (*) là đúng, thì lập luận mà TAND và VKS Hòa Bình đưa ra là có phần hợp lý, còn các lập luận bảo vệ cho BS Lương thì không đủ thuyết phục, cho nên kết luận của một bộ phận dư luận rằng BS Lương vô tội là có phần khiên cưỡng.
Chú thích:
[1] Hoàng Công Lương bị phạt 42 tháng tù
https://vnexpress.net/phap-luat/hoang-cong-luong-bi-phat-42-thang-tu-387...
[2] VKS: Hoàng Công Lương không phải chịu trách nhiệm về nước chạy thận
https://vnexpress.net/phap-luat/vks-hoang-cong-luong-khong-phai-chiu-tra...
[3][4] Giáo sư Nguyễn Gia Bình: 'Hoàng Công Lương ra y lệnh đúng'
https://tuoitre.vn/giao-su-nguyen-gia-binh-hoang-cong-luong-ra-y-lenh-du...
[5] Có dấu hiệu làm giả hồ sơ để buộc tội Hoàng Công Lương?
https://plo.vn/phap-luat/co-dau-hieu-lam-gia-ho-so-de-buoc-toi-hoang-con...
[6][7] Như [2]
[8][9] Khoa Luật Hình sự, ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh, Những vấn đề chung về luật hình sự và tội phạm
[10] Hoàng Công Lương: Bị cáo không phạm tội vô ý làm chết người
https://news.zing.vn/hoang-cong-luong-bi-cao-khong-pham-toi-vo-y-lam-che...
Bài bình luận gần đây