Chính phủ Hoa Kỳ đóng cửa và hậu quả
Nền chính trị Hoa Kỳ vừa bước qua một sự kiện sôi động: Chính phủ Hoa Kỳ đóng cửa một phần kéo dài đạt mức kỷ lục 35 ngày.
Việc chính phủ Hoa Kỳ đóng cửa không là việc mới, là một nét riêng của hệ thống chính trị Hoa Kỳ, có nhiều vấn đề không thể bàn tới, ở đây chỉ suy nghĩ về một khía cạnh: Hiệu quả của một Chính phủ, hay nói cách khác, đó là sự cần thiết của một chính phủ đối với đời sống xã hội như thế nào.
Việc chính phủ Hoa Kỳ đóng cửa một phần trong 35 ngày đã gây nên tình trạng 800.000 người mất việc làm, chưa được trả lương trong thời gian đó.
Theo công ty Capital Economics, khoảng 4 triệu nhân viên các nhà thầu với chính phủ, trong khu vực tư nhân, sẽ không có lương trong thời gian đóng cửa. Còn theo các dữ kiện do Bloomberg thu thập thì hàng ngàn công ty có giao kèo cung cấp cho chính quyền liên bang có thể mỗi ngày bị mất tổng cộng khoảng 200 triệu đola.
Những người không lãnh lương sẽ giảm bớt tiêu thụ. Cho nên đóng cửa càng lâu thì càng ảnh hưởng hơn đến số chi tiêu của những người không được trả lương. Họ bớt mua sắm hoặc giải trí, đi ăn tiệm, các ngành bán lẻ và dịch vụ sẽ xuống. Và qua đó, nền kinh tế Hoa Kỳ sẽ bị tổn hại.
Những tính toán của các chuyên gia kinh tế cho thấy rằng cứ mỗi tuần, chính phủ Hoa Kỳ đóng cửa một phần, kinh tế Hoa Kỳ thiệt hại 1,2 tỷ đola. Báo chí cho biết, đợt đóng cửa một phần chính phủ lần này, đã gây thiệt hại cho nền kinh tế Hoa Kỳ 11 tỷ đô la.
Các nhà phân tích ước tính cứ mỗi hai tuần đóng cửa của Chính phủ Hoa Kỳ, thì mức thiệt hại rơi vào khoảng 0,1 điểm phần trăm trong tốc độ tăng trưởng GDP. Giới chuyên gia kinh tế nhận định, tình trạng đóng cửa Chính phủ đang gây hao tổn cho nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Điều này có nghĩa là với khoảng ¼ số nhân viên Chính phủ Hoa Kỳ nghỉ việc, hệ thống kinh tế Hoa Kỳ và thế giới có những ảnh hưởng nghiêm trọng và thiệt hại rất lớn. Nó cũng đồng nghĩa với việc hoạt động của chính phủ Hoa Kỳ hết sức cần thiết và hữu hiệu cho xã hội và đất nước Hoa Kỳ cũng như cả thế giới.
Chính phủ Việt Nam không đóng cửa và hậu quả
Theo tờ báo Lao Động của Việt Nam, ngày 29/10/2017, thì Bộ máy nhà nước của Việt Nam hiện nay có khoảng 2,8 triệu cán bộ, công chức, viên chức trên 90 triệu người dân. Hoa Kỳ có dân số gần gấp 4 lần Việt Nam, nhưng đội ngũ công chức của Hoa Kỳ chỉ có 2,1 triệu.
Tuy nhiên, trong cuộc trả lời ngày 13/6/2015 của đại biểu Quốc hội, thì Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay cả nước có gần 4 triệu cán bộ công chức, viên chức (chưa tính lực lượng vũ trang).
Như vậy, trung bình ở Việt Nam có 1 công chức trên 25 người dân, trong khi Hoa Kỳ có 1 công chức trên 155 người dân.
Hệ thống công chức của Hoa Kỳ với một tỷ lệ rất nhỏ trên số người dân phải phục vụ, hiệu quả của việc phục vụ đó ra sao, chỉ cần một mặt về kinh tế bị thiệt hại khi ¼ số người trong chính phủ nghỉ việc như thời gian qua thì đã rõ.
Hệ thống công chức Việt Nam có tỷ lệ nhiều gấp 6 lần tỷ lệ trên số dân của Hoa Kỳ. Nhưng hoạt động của bộ máy chính phủ Việt Nam như thế nào mới là điều đáng quan tâm.
Ngay từ khi đang là Phó Thủ tướng chính phủ, phát biểu tại cuộc họp thứ nhất Ban chỉ đạo Đề án đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức chiều 25/1/2013, Nguyễn Xuân Phúc nói rằng: “Trong bộ máy chúng ta có tới 30% số công chức không có cũng được, bởi họ làm việc theo kiểu sáng cắp ô đi, tối cắp về, không mang lại bất cứ thứ hiệu quả công việc nào". Nghĩa là trong hệ thống có 30% trong số gần 4 triệu công chức, có khoảng 1,3 triệu người chỉ ăn và chơi rồi lĩnh lương.
Ngoài số 30% chỉ ăn và chơi nói trên, thì con số 70% còn lại cũng chỉ “vừa làm vừa chơi” rồi ăn lương ngân sách, nghĩa là ăn tiền thuế của dân.
Chính phủ Việt Nam đã phát động việc giảm biên chế từ những năm 1985, nghĩa là cách đây mới có… 34 năm. Nhưng cũng như khi Đảng cộng sản phát động “Chống tham nhũng” từ mấy chục năm qua. Tất cả theo quy luật nói một đằng, làm ngược lại.
Vì thế, càng kêu gọi giảm biên chế, thì biên chế công chức tăng vùn vụt, càng kêu gọi chống tham nhũng, thì tham nhũng ngày càng phát triển “mạnh mẽ và rộng khắp” hơn, càng công khai và trắng trợn hơn.
Có thể không cần nói nhiều thì người ta cũng biết vì sao con số công chức cứ tăng vùn vụt với số lượng khủng khiếp như vậy.
Trước hết, đó là nạn độc tài chính trị dẫn đến độc tài về nền kinh tế. Hệ thống “con ông, cháu cha”, hiện tượng cả họ làm quan, cả nhà làm lãnh đạo… đã trở nên phổ biến.
Và con mồi béo bở nhất, dễ kiếm nhất và “công khai, đàng hoàng” nhất là cứ vào biên chế, vào đảng, rồi “Cơ cấu” mà thành một đám bâu quanh chiếc vú sữa là ngân sách nhà nước – tiền thuế của dân, tiền cướp được từ dân, từ bán tài nguyên khoáng sản của đất nước.
Nhưng điều đó chỉ là một phần, điều mà Nguyễn Xuân Phúc có biết từ rất lâu, cũng như mọi người biết từ xa xưa, nguyên nhân của 30% người ăn lương công chức sáng cắp ô đi tối cắp về đó là hệ thống Đảng song trùng với hệ thống nhà nước. Ngoài ra là hệ thống các Hội, Đoàn, Mặt trận, Ủy ban… do Đảng thò bàn tay nối dài lập nên để bảo vệ đảng. Do vậy, hiện có đến 3,4 hệ thống song trùng từ Trung ương đến địa phương. Vì thế thực tế không chỉ là 30% không có cũng được, mà phải là một con số khổng lồ hơn nhiều.
Chính vì vậy, dù kêu gào đến đâu, thì hệ thống chính trị này cũng không bao giờ có thể giảm biên chế mà ngược lại chỉ có thể ngày càng bành trướng hơn, lớn hơn mà thôi.
Điều nguy hại hơn, là với hệ thống này, khi những người không làm việc, không có tác dụng cho công việc, lại chính là những kẻ ngồi vẽ ra đủ thứ để tiêu phá tiền của, vòi vĩnh, hành hạ để tham nhũng và buộc người dân phải hối lộ mình.
Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, thì ngân sách nhà nước Dự kiến năm 2018, nếu tính cả dự kiến chi cải cách tiền lương và tinh giản biên chế, chi thường xuyên là hơn 976 nghìn tỷ đồng, chiếm 64% tổng chi ngân sách nhà nước.
Nghĩa là năm 2018, số tiền chi cho bộ máy nhà nước hoạt động là 42,5 tỷ đola.
Điều đó cũng có nghĩa là cứ theo nhà nước công bố thì mỗi năm, có gần 13 tỷ đola mà hệ thống chính trị này đã dùng cấp lương cho những kẻ hoàn toàn không có ích cho người dân.
Ngoài ra, số ngân sách còn lại cũng cấp cho những kẻ “vừa làm, vừa chơi” “vừa ăn vừa phá hoại, “phá đến tàn canh đất nước” như lời Nguyễn Bá Thanh, một quan chức cộng sản nổi tiếng về những vụ hối lộ và tham nhũng đang bị phanh phui, nhưng cũng nổi tiếng rao giảng về đạo đức cán bộ.
Trước những con số phân tích như ở trên, chúng ta thấy điều gì?
Nếu chính phủ Việt Nam đóng cửa một phần như chính phủ Hoa Kỳ thời gian qua. Nghĩa là ít nhất hàng năm đã tiết kiệm được 13 tỷ đola tiền vô bổ kia cho quan chức không làm việc.
Và nếu chính phủ đóng cửa toàn bộ, thì sẽ không có hệ thống quan chức ngồi vẽ ra những dự án theo “Chủ trương lớn của Đảng” như Bauxite Tây Nguyên, Lọc dầu Dung Quất, Khai thác khoáng sản… mà mỗi năm đất nước vẫn phải bỏ ra hàng tỷ đola để bù lỗ. Cũng không có những dự án đầu tư khai thác Dầu Khí ở Venezuela, không có những tượng đài ngàn tỷ, không có những Đặc Khu, hay Formosa đầu độc cả dân tộc.
Đặc biệt, sẽ không có những vụ hối lộ, ăn cắp cả ngàn tỷ đồng, đánh bạc hàng chục ngàn tỷ, đồng thời người dân không bị hà hiếp, bóp nặn đến đồng cắc cuối cùng như hiện nay.
Và khi đó, người dân không bị sự hành hạ của cả hệ thống tứ trùng, không bị o ép bằng đủ mọi cách, không bị cướp đất cướp nhà bởi các sân sau, bởi BOT và các dạng tương tự. Khi đó người dân sẽ phấn khởi hơn và nền kinh tế sẽ khởi sắc.
Và tin chắc rằng con số làm lợi cho nền kinh tế sẽ là hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ mỗi năm là điều không khó dự đoán.
Ngày 31/1/2019
J.B Nguyễn Hữu Vinh
Bài bình luận gần đây