Những ngày gần đây, tin tức về cuộc khủng hoảng chính trị tại Venezuela thu hút sự quan tâm của thế giới. Theo dõi tình hình quốc gia Nam Mỹ này, một bộ phận người Việt Nam không khỏi háo hức và hi vọng vào sự chuyển đổi chế độ chính trị từ độc tài sang dân chủ tại đất nước mình trong tương lai không xa.
Hi vọng ấy có lẽ xuất phát từ một điều giản đơn rằng chế độ độc tài nào rồi cũng sụp đổ. Có lẽ điều giản đơn này đúng. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là thời điểm sụp đổ của một chế độ độc tài, và điều quan trọng hơn nữa là sự chuẩn bị của cả xã hội cho sự chuyển đổi đó.
Trong giới bất đồng chính kiến Việt Nam tồn tại đồn đoán về thời điểm sụp đổ của chế độ độc tài. Quãng những năm 2006 – 2008, đồn đoán ấy là về năm 2014. Gần đây hơn, đồn đoán ấy là về tương lai gần, nhất là trong bối cảnh chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Dường như hi vọng và đồn đoán ấy đều xuất phát từ… ước muốn, một ước muốn thiếu thực tế và thừa mơ mộng.
Năm 2014 đã qua đi và chế độ chính trị Việt Nam vẫn vậy. Tương lai gần, chẳng hạn 10 năm nữa (nếu 10 năm nữa chưa đủ gần thì 5 năm nữa) sắp đến và người ta sẽ sớm có câu trả lời. Song điều quan trọng hơn nữa, như trên đã nêu, là sự chuẩn bị của cả xã hội cho sự chuyển đổi chế độ chính trị từ độc tài sang dân chủ.
Nhìn Venezuela, có thể thấy quốc gia này có sẵn một số tiền đề cho dân chủ. Đó là sự tồn tại (hợp pháp) của nhiều đảng phái khác nhau. Đó là các cơ chế bầu cử, bao gồm phổ thông đầu phiếu để người dân lựa chọn nguyên thủ quốc gia, mà ở đây là tổng thống. Đó là thói quen thực hành các quyền con người, quyền công dân, mà điển hình là quyền biểu tình qua cuộc xuống đường với quy mô hàng trăm ngàn người để ủng hộ Juan Guaido như tổng thống lâm thời, v.v.
Những tiền đề đó là những tiền đề mà Việt Nam chưa có, và nếu không được chuẩn bị một cách thỏa đáng, sự chuyển đối chế độ chính trị tại Việt Nam trong tương lai có khả năng cao sẽ dẫn đến một chế độ độc tài khác hoặc một chế độ dân chủ nửa vời mà thôi.
Để có được những tiền đề đó, những người đấu tranh cho dân chủ cần xây dựng một lực lượng đối lập đủ mạnh để có thể đòi hỏi chính quyền thực hiện các cải cách chính trị. Hẳn nhiên, lực lượng này phải được dẫn dắt bởi một bộ phận có đủ tài năng lẫn phẩm chất cần thiết và được hậu thuẫn bởi một bộ phận dân chúng tối thiểu (có lẽ chừng 30%). Cùng với đó, họ cần bồi đắp một nền tảng nhận thức và ý thức nhất định về dân chủ cho một bộ phận dân chúng tối thiểu (có lẽ cũng chừng 30%).
Xây dựng một lực lượng đối lập đủ mạnh là rất khó, nhất là khi những người đấu tranh cho dân chủ hầu như không có một chiến lược hay một con đường rõ ràng nào cho chính họ cũng như cho dân chúng đi theo. Họ thiếu một hệ thống tư tưởng hay triết lý để làm kim chỉ nam cho những suy nghĩ và hành động của mình. Họ cũng thiếu sự quan tâm cần thiết tới việc phát triển bản thân và hội nhóm để trở nên đủ tâm lẫn tầm cho mục tiêu dân chủ mà họ theo đuổi.
Khó hơn cả việc trên là bồi đắp một nền tảng nhận thức và ý thức về dân chủ cho dân chúng. Dân chủ không đơn thuần là một thể chế mà còn là một giá trị. Theo nghĩa thứ hai, dân chủ đòi hỏi người dân cần có một số phẩm chất thiết yếu để làm chủ quốc gia, như chấp nhận sự đa dạng và khác biệt, tôn trọng quyền của thiểu số, có trật tự và kỷ luật, quan tâm tới cộng đồng, giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, v.v. Đây là những phẩm chất mà người Việt Nam rất thiếu.
Nếu yếu tố thứ nhất – lực lượng đối lập đủ mạnh – là sự chuẩn bị cho dân chủ về mặt thể chế, thì yếu tố thứ hai – nền tảng nhận thức và ý thức nhất định về dân chủ – là sự chuẩn bị cho dân chủ về mặt giá trị, và chỉ khi có cả hai yếu tố, thì một nền dân chủ mới thực sự bền vững.
Chừng nào hai yếu tố trên đây chưa xuất hiện, khó có thể hi vọng vào một Việt Nam dân chủ trong tương lai gần. Và vì vậy, thay vì hi vọng thiếu thực tế vào một Việt Nam dân chủ trong tương lai gần, cần chuẩn bị cho một Việt Nam dân chủ trong tương lai có thể rất xa, và tương lai đó sẽ càng bớt xa khi sự chuẩn bị càng kỹ lưỡng.
Bài bình luận gần đây