Một thời gian dài, khi con cháu của những người cộng sản được tấp nập gửi đi ra học hành ở các nước tiên tiến văn minh, nhiều người cho rằng: Chính những thế hệ này sẽ học tập, quan sát và nhìn thấy thực tế ở những đất nước tự do, dân chủ và sau khi trở lại, chính họ sẽ xây dựng một xã hội Việt Nam dân chủ hơn, tự do hơn và hy vọng Việt Nam sẽ thoát khỏi một chế độ độc tài chính bằng những con người đó.
Tuy nhiên, họ đã nhầm lẫn lớn về không chỉ người cộng sản, mà ở chính bản chất của thể chế cộng sản đang ngự trị trên đất nước Việt Nam.
Hiện tượng Nguyễn Thiện Nhân
Nguyễn Thiện Nhân sinh năm 1953, vốn là người được học hành rất nhiều ở nước ngoài. Những tấm bằng của ông ta sau khi học ở Cộng hòa dân chủ Đức, rồi sang học tại Hoa Kỳ tại Viện Đại học Oregon, và Viện Đại học Harvard đã nói lên điều đó.
Năm 2006, Nguyễn Thiện Nhân được cơ cấu thành Ủy viên Trung ương Đảng rồi được giao cái ghế Bộ Trưởng Bộ Giáo dục rồi Phó Thủ tướng Chính phủ.
Năm 2016, Nguyễn Thiện Nhân được đưa vào làm Ủy viên Bộ Chính trị ĐCSVN.
Khi nghe tin Nguyễn Thiện Nhân được đặt vào chiếc ghế quan trọng trong Đảng Cộng sản, rất nhiều người đã tỏ ý hy vọng rằng với một cái đảng Cộng sản mà xưa quan niệm giai cấp công nhân là giai cấp tiên tiến nhất được chọn để làm lãnh đạo đảng và đất nước cùng với cương lĩnh “Trí, Phú, Địa, Hào đào tận gốc, trốc tận rễ”, thì việc sử dụng một trí thức được đào tạo tại nhiều nơi ở nước ngoài, nhất là tại Viện Đại học Harvard thì sẽ có những điều tiến bộ, thay đổi lớn trong chính sách và hành động của Đảng CS.
Bởi Viện Đại học Harvard là nơi lừng danh trên thế giới, là cái nôi đã sản sinh ra những con người lỗi lạc, từ những người đứng đầu các tập đoàn tài chính thế giới cho đến Tổng Thống Hoa Kỳ.
Nơi đó đã sản sinh ra những người quyền lực của thế giới, đưa đất nước họ đi đến dân chủ, văn minh và hiện đại. Đó cũng là nơi đã từng được mệnh danh là “Cỗ máy sản xuất tỷ phú thế giới”.
Và khi Nguyễn Thiện Nhân được gắn cái mác học hành Viện Đại học Harvard thì đã làm dậy lên nhiều hy vọng trong nhiều người.
Họ hy vọng rằng với những thứ lượm lặt được trong những năm tháng ăn cơm dân để ngồi mài đít trên ghế những trường này, cũng như những ngày tháng ra đi nước ngoài để chứng kiến, mở mắt cho biết thế giới ra sao, thì Nguyễn Thiện Nhân sẽ là nhân tố đem đến những thay đổi lớn cho đảng CS và qua đó cho đất nước.
Thế nhưng, dù có phải công nhận đầu óc Nguyễn Thiện Nhân có một số hàm lượng tri thức nào đó, thì khi đặt vào hệ thống chính trị Việt Nam, mọi cái đều chỉ là con số không tròn trĩnh mà chẳng hề giúp ích được gì cho đất nước, có khi còn ngược lại.
Khi được đặt vào ghế Bộ trưởng Bộ Giáo dục, ngay lập tức Nguyễn Thiện Nhân đã phát động cuộc vận động hai không: "Nói không với tiêu cực trong thi cử" và "Nói không với việc chạy theo thành tích". Rồi ngay năm sau đó là cuộc vận động "năm không"[22] gồm: "nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích, nói không với vi phạm đạo đức nhà giáo và việc "ngồi nhầm lớp".
Về nguyên tắc việc đưa ra các tiêu chí như trên để vận động cho nền giáo dục là điều đúng đắn. Thế nhưng nó có thể đúng đắn trong môi trường không cộng sản. Còn ở môi trường Cộng sản, thì điều đó không có chỗ để sử dụng.
Bởi vì ngay kỳ thi tốt nghiệp năm đó, chấm thi đúng thực chất hơn thì học sinh cả nước có tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT nhiều tỉnh sụt giảm đột ngột, có tỉnh chưa đạt 15%. Thậm chí có nơi, cả trường bị trượt tốt nghiệp.
Và số lượng học sinh không thể tốt nghiệp là con số khổng lồ đổ ra xã hội nếu không được học lại, là cuộc khủng hoảng về trường lớp nếu cho học lại cho có chút tri thức cần thiết. Cuối cùng, Bộ Giáo dục phải cho thi lại, mà đã thi lại thì phải “Vũ như cẩn”- Vẫn như cũ – để lại lôi tất cả vào diện tốt nghiệp.
Thế rồi bệnh thành tích ngày càng phát triển, đến mức học sinh phải chịu đến 231 cái tát phải nhập viện vì áp lực “thành tích”. Thế rồi học sinh vẫn cứ ngang nhiên ngồi nhầm lớp như thường.
Thế rồi bệnh thành tích được nuôi dưỡng bằng những cuộc thi dạy giỏi – những cuộc biểu diễn kệch cỡm và chỉ có tác dụng dạy sự dối trá, đối phó gian xảo cho học sinh. Và cũng bệnh thành tích, đã đưa các cô giáo trở thành tiếp viên thay cave, trở thành những cái loa tuyên truyền dối trá cho đảng, đi ngược lại sự thật và lợi ích người dân.
Thế là những ý tưởng tốt đẹp, những kiến thức được đem ra sử dụng trở thành trò cười cho thiên hạ, cái tác dụng nếu có, chỉ là dân lại è cổ ra đổ một đống tiền vào những cuộc vận động đẹp đẽ và hay ho đó.
Sau khi thất bại trong vai trò Phó Thủ tướng chính phủ, Bộ Trưởng Giáo dục, Nguyễn Thiện Nhân được đưa vào chiếc ghế Bí thư Thành Ủy TpHCM thay Đinh La Thăng đi tù. Tưởng rằng với những nhận thức được về quyền của con người, về nhân cách và những điều đã thấy, đã học được từ các nước văn minh, Nguyễn Thiện Nhân sẽ hành xử khác đi với đám quan chức tiền nhiệm ở đây đã ngày càng hiện nguyên hình là những tên cướp có tổ chức và cướp bằng Nghị quyết. Tưởng rằng những cảnh khốn khổ và thái độ người dân như vụ Thủ Thiêm sẽ làm cho Nguyễn Thiện Nhân có chút bản lĩnh mà thức tỉnh lương tâm.
Nhưng không.
Nguyễn Thiện Nhân đã sớm trở thành một tên quan lại dối trá, lừa đảo và lại hùa nhau cướp bóc dân lành.
Dù đã thề thốt rằng: “Tôi nói giọng bắc nhưng người Nam, không dối gạt bà con đâu”, thì cũng ngay sau đó, Nguyễn Thiện Nhân đã trắng trợn xua quân đi cướp Vườn Rau Lộc Hưng, mảnh đất bao đời thuộc quyền sử dụng, tài sản thuộc quyền sở hữu của bà con nơi đây đã khai khẩn, đã sử dụng từ khi Cộng sản miền Bắc còn trên rừng rú.
Việc cướp phá nhà cửa, đất đai một cách vô luân, vô pháp của hàng ngàn người dân tay không, đuổi họ ra đường ngay khi kề cận dịp tết, thì Nguyễn Thiện Nhân cho rằng “đó là chuyện bình thường”.
Thế nhưng, vài thằng quan chức tham nhũng, trấn lột, cướp bóc của dân bị đưa ra hảnh xử trong cuộc chiến phe nhóm trong đảng, Nguyễn Thiện Nhân cho rằng “đó là tổn thất lớn của nhà nước”.
Nhiều người hỏi rằng, chẳng lẽ một người đã đi khắp đông tây, nam bắc của quả địa cầu, học hành đủ mọi tầng cấp, lại có thể có nhận thức đến mức ngu xuẩn vậy sao?
Có lẽ không phải thế.
Bản chất thể chế cộng sản
Trong xã hội, nhiều khi một cá nhân làm nên lịch sử, và một giai đoạn lịch sử nào đó tạo nên những cá nhân để đáp ứng nhu cầu của nó. Thế nhưng, trong thể chế xã hội Cộng sản, một cá nhân rất khó có thể làm thay đổi bản chất của một chế độ độc tài.
Ngược lại, bản chất của chế độ độc tài đã dung túng, kích thích con người phát triển sự ích kỷ, lợi ích cá nhân bởi vật chất, kéo níu vào ràng buộc họ trong mọi mặt của đời sống để không thể dứt ra khỏi những sự trói buộc với chủ nghĩa duy vật, vô thần.
Với chủ nghĩa duy vật, khi mà nguyên tắc được sử dụng là “Vật chất quyết định ý thức” sẽ kích thích con người bằng mọi cách chiếm đoạt và sở hữu nhiều vật chất nhất có thể.
Với bản chất vô thần, mọi yếu tố về tâm linh, tình cảm, lương tâm, luân lý, đạo đức… hầu như không có tác dụng ràng buộc người cộng sản ở một mức độ nào đó có thể chấp nhận được với nguyên tắc xã hội loài người, không dừng tay trước mọi tội ác cũng như những hành động thiếu tính đồng loại. Bởi chẳng có điều gì ngăn cản họ đạt được mục tiêu “vật chất”.
Vì thế, việc trông mong vào chính những người cộng sản tự thay đổi đất nước, dân tộc bởi nhận thức của mình sau khi cướp được chính quyền và sau này là mua bán đổi chác được những chiếc ghế quyền lực là một điều vô vọng.
Khó có thể trông vào một Gorbachev như ở Liên Xô trong điều kiện hoàn cảnh Việt Nam. Bởi bản chất văn hóa người phương Đông, nhất là văn hóa Việt Nam sau thời Cộng sản cai trị, là lối sống vô cảm từ lâu được cha ông cảnh báo: “Cháy nhà hàng xóm, bình chân như vại”, để rồi sau đó chờ đến lượt cháy nhà mình mà không hề suy nghĩ xa hơn miếng ăn của mình.
Bởi văn hóa người Việt muôn đời nay vẫn bị miếng ăn chi phối - thậm chí ngay cả khi người chết vẫn phải lo đầu tiên là bát cơm quả trứng và đôi đũa để khỏi đói, thì người sống thường chăm lo vào những giá trị vật chất là chính. Cộng thêm thứ lý thuyết vô luân, vô thần và vô đạo là Chủ nghĩa Cộng sản, đã nhào nặn qua nhiều đời thành một lớp người coi miếng ăn, của cải là giá trị cuối cùng của đời người.
Không phải Nguyễn Phú Trọng không biết rằng thời đại Cộng sản là thời kỳ khốn nạn nhất trong lịch sử dân tộc. Chủ nghĩa Cộng sản là tai họa đối với đất nước và dân tộc này. Nhưng với bản chất dối trá và vô cảm, chỉ lo phe phái và quyền lợi của phe nhóm mình, Nguyễn Phú Trọng vẫn có thể nói lên những câu gây cười làm quặn lòng đất nước như: ”Thời đại Hồ Chí Minh là một thời đại rực rỡ nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam” mà không hề biết ngượng.
Không phải Tô Lâm không biết sự phẫn nộ của người dân Việt Nam cũng như sự ngạc nhiên đến mức thảng thốt của những quốc gia khác khi biết chế độ tù tội ở Việt Nam chỉ là nơi trả thù là chính với chế độ tù đày tàn bạo dưới bàn tay của hệ thống công an. Nhưng anh ta vẫn có thể nói rằng: “Nếu chế độ phạm nhân tốt, nhiều người sẽ tìm cách để vào tù”.
Đó là một sự sỉ nhục với chính người dân Việt Nam sau gần thế kỷ được đảng lãnh đạo toàn diện để đi đến “thời đại rực rỡ nhất” ngày nay của Nguyễn Phú Trọng.
Không phải Bộ Trưởng Chủ nhiệm Văn Phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng không nhận thức được thế nào là trách nhiệm của người tự nhận lãnh trước dân. Nhưng thực tế quái đản ở Việt Nam đã khiến anh ta không thể nói khác hơn điều này: “Nếu chúng ta sai, chúng ta nhận lỗi trước dân. Nếu dân sai thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”- Đây là hành động nhổ nước bọt vào cái gọi là “Nhà nước pháp quyền XHCN” và cái gọi là Hiến pháp quy định rằng mọi người đều bình đẳng trước pháp luật.
Cũng không phải Nguyễn Thiện Nhân không hiểu được điều đơn giản rằng việc đẩy hàng ngàn người dân ra đường và đến chỗ khốn cùng khi cái tến cổ truyền đã đến, là hành động hết sức mất tính người, tình đồng loại và là sự độc ác đến mức khốn nạn. Tôi tin rằng anh ta hiểu đấy, nhưng bản chất của chế độ cộng sản vốn là bạo lực, dối trá, thì đó là cách nói duy nhất có thể từ miệng quan chức cộng sản được đảng chấp nhận, mặc dân phỉ nhổ.
Và Nguyễn Thiện Nhân cũng thừa biết, việc đuổi những tên quan tham, phá phách, đục khoét của người dân một nắng hai sương hàng đống tiền bạc, tài sản, tài nguyên là một niềm vui của người dân. Nhưng đó lại là “tổn thất” của một đảng vốn chứa trong đó những tên cướp không có tính người, không biết đến lương tâm.
Chỉ vì nếu nói đúng sự thật, như lòng dân, thì chắc chắn Nguyễn Thiện Nhân cũng bị đẩy ra khỏi guồng máy Cộng sản không thương tiếc và khó mà tồn tại bình thường.
Bởi những người có tinh thần dân tộc, sự trung thực, lòng yêu nước và tính nhân văn, hiểu biết lẽ sống, lẽ đời… sẽ đều bị thể chế Cộng sản đẩy văng ra khỏi hệ thống của nó thành “thế lực thù địch”.
Cũng giống như những chiếc đinh dù có tốt đến mấy, nhưng cả bộ máy rệu rã, suy sụp và gây hại, thì nó ắt sẽ bị bật văng ra khỏi cỗ xe đó mà thôi.
Do vậy, những quan niệm rằng khi có những kẻ được học hành, được giáo dục tốt vào trong hàng ngũ quan chức cộng sản, sẽ làm thay đổi được hệ thống này theo chiều hướng tốt hơn, chỉ là những mơ ước hão huyền và vô vọng.
Ngày 17/1/2019
J.B Nguyễn Hữu Vinh
Bài bình luận gần đây