Ngay sau khi một clip dài khoảng 9 phút ghi lại hình ảnh Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung và các cộng sự tiếp dân, được phát tán nhanh một cách chóng mặt trên mạng xã hội ít ngày. Người ta không ngạc nhiên khi thấy Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội ra một quy định "công dân không được ghi âm, ghi hình khi chưa được sự đồng ý của cán bộ tiếp dân", mà người ký không ai khác vẫn là ông Chung, Chủ tịch Hà Nội. Đáng chú ý trong clip này có ghi lại việc đôi bên đã xảy ra việc cãi cọ, kể cả việc có các phản ứng ngăn cấm, giằng co thiết bị ghi hình.
Đó là việc thiếu tôn trọng quyền của công dân, với mục đích giám sát nhà nước trong khi tiếp dân. Đây được coi là hành động "ăn miếng, trả miếng" đẫm chất công an, đã thể hiện một thứ tư duy kém hiểu biết, thiếu tôn trọng luật pháp nhà nước, không tôn trọng người dân... của ông Nguyễn Đức Chung.
Người ta không thể tưởng tưởng được rằng, với tư cách từng là một ủy viên của Ủy Ban Tư pháp Quốc Hội, một Tiến Sĩ Luật, mà ông Nguyễn Đức Chúng lại không nhớ rằng, tại điều 28, Hiến Pháp Nước Cộng hòa Xã hội Chủ Nghĩa Việt Nam năm 2013, đã ghi rõ:
"1. Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở,địa phương và cả nước.
2. Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân.".
Chưa nói đến, Luật Tiếp công dân năm 2013 - có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2014 đã quy định rất cụ thể "Không cấm ghi âm, quay phim, chụp ảnh tại nơi tiếp công dân".
Theo Luật sư Trần Vũ Hải đã nhận định về văn bản trái luật đó khi cho rằng, "Đây thực chất là quy định trá hình để cấm người dân ghi hình, ghi âm trong các buổi tiếp công dân, vì người tiếp dân sẽ lạm dụng để ngăn chặn công dân giám sát chính mình bằng việc ghi hình ghi âm.".
Và vẫn theo Luật sư Hải đã nhắc nhở ông Nguyễn Đức Chung cần phải nhớ lại rằng, "Ông Chung từng là đại biểu Quốc hội khoá 2011-2016, tức đã tham gia biểu quyết thông qua Luật tiếp công dân vào tháng 11/2013, chắc chắn ông đã đọc giải trình của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trước khi Quốc hội thông qua Luật TCD: “Đối với quy định về các hành vi bị nghiêm cấm (Điều 6), có ý kiến đề nghị bổ sung quy định nghiêm cấm ghi âm, quay phim, chụp ảnh tại nơi TCD…. Báo cáo giải trình của UBTVQH cho rằng, việc ghi âm, quay phim, chụp ảnh tại nơi TCD là quyền của công dân và không bị cấm theo quy định của Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo. Do đó, đề nghị không bổ sung quy định nghiêm cấm các hành vi này trong Luật TCD”."
Chưa hết sai lầm này đã phạm tiếp những sai lệch khác, ngày 8/1/2018, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã trả lời báo giới những vấn đề được dư luận quan tâm xung quanh quy định "không được quay phim, chụp ảnh, ghi âm, ghi hình cán bộ tiếp công dân khi chưa xin phép".
Theo đó, Chủ tịch Hà Nội cho biết: "Tất cả các phòng tiếp công dân trên địa bàn TP Hà Nội và của Trung ương trên địa bàn đều đã trang bị camera ghi âm và ghi hình. Người dân có yêu cầu muốn trích xuất lại toàn bộ, chúng tôi sẽ trích xuất đầy đủ bàn giao và có biên bản cẩn thận. Trong trường hợp người dân có nhu cầu ghi âm, ghi hình thì trao đổi với cán bộ tiếp công dân. Sau khi ghi âm, ghi hình xong thì hai bên cùng kiểm tra lại nội dung và xác nhận bằng biên bản với nhau để làm tài liệu sử dụng trên cơ sở công khai minh bạch". :D
Đáng ngạc nhiên hơn cả là tư duy của một tướng công an ngây thơ đến mức, khi lý giải tại sao có quy định vi hiến trên, ông Nguyễn Đức Chung cho rằng, đây là giải pháp nhằm "chống tình trạng một số người đi theo người nhà đến trụ sở tiếp dân nhưng lại dùng các thiết bị bí mật ghi âm, ghi hình rồi về cắt xén nội dung buổi tiếp, sau đó đưa lên mạng phục vụ những mục đích khác". Người ta cho rằng, nói như thế hóa ra pháp luật nhà nước không đủ để xử lý các hành động bôi nhọ nhà nước hay sao?
Dưới nhan đề "Phải thu hồi văn bản 'cấm' dân quay phim cán bộ của Hà Nội vì trái luật", báo Thanh Niên ngày 9.1, dẫn ý kiến của TS Lê Hồng Sơn - nguyên Cục trưởng Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) cho rằng, Quyết định số 12/QĐ-UBND về Nội quy tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân thành phố Hà Nội có hàng loạt sai sót, cả về nội dung lẫn hình thức. Theo TS Sơn, không cơ sở nào để cấm đoán người dân thực hiện việc ghi âm, ghi hình. Với lý do,"Đây là cơ quan công quyền, được tổ chức, thành lập để tiếp người dân đến kiến nghị, phản ánh, khiếu nại tố cáo. Anh đang thi hành công vụ mà trong khi thi hành công vụ thì không có quyền cấm người dân ghi âm, chụp hình, quay phim được”.
Không hiểu vô tình hay hữu ý, ngày 08/1/2018, báo VNN có bài "Thủ tướng: Tiếp dân cũng phải ghi âm, ghi hình", theo đó phát biểu trong Hội nghị tổng kết công tác ngành Tư pháp cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định rằng, “Tiếp dân cũng phải ghi âm ghi hình, hỏi cung cũng phải ghi âm ghi hình, quy định như vậy để đảm bảo quyền con người. Đó là những cải cách rất quan trọng trong hệ thống”. Không biết phát biểu này của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, xuất phát từ nhận thức pháp luật hay nhằm chỉ trích Chủ tịch Hà Nội nguyễn Đức Chung?
Ở Việt Nam, khái niệm Hiến pháp bị biến tướng cố tình làm cho người ta hiểu sai, để giảm nhẹ vai trò quan trọng bậc nhất của Hiến pháp trong hệ thống các văn bản pháp luật. Điều minh chứng rõ nhất là, ngày 28/09/2013 Tổng BT đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng hùng hồn tuyên bố rằng, "Hiến pháp là văn kiện chính trị pháp lý quan trọng vào bậc nhất sau Cương lĩnh của Đảng”.
Lẽ ra, Hiến pháp cần phải hiểu là một hệ thống quy đinh những nguyên tắc chính trị căn bản và thiết lập kiến trúc, thủ tục, quyền hạn và trách nhiệm của một chính quyền. Đồng thời Hiến pháp là đạo luật cơ bản nhất của một nhà nước, thể hiện ý chí và nguyện vọng của tuyệt đại đa số dân chúng. Khi Hiến pháp là một bản Khế ước xã hội cơ bản nhất, một bản hợp đồng trên đó các thành viên xã hội thống nhất các nguyên tắc để cùng chung sống với nhau và nó là nền tảng cho tất cả các thỏa ước (luật pháp) khác của cộng đồng. Nói một cách dễ hiểu thì, Hiến pháp như một cái khuôn (khổ) mà các văn bản pháp luật chỉ được phép trong giới hạn đó. Tuyệt đối không được phá rào.
Qua đó để thấy, tư duy chính trị của các chính khách ở Việt Nam không đầy đủ để quản trị một nhà nước pháp trị chưa chưa nói đến một nhà nước pháp quyền. Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung hay Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng cũng trong những số đó.
Theo quy định hiện hành, Cục Kiểm tra Văn bản Quy phạm Pháp luật của Bộ Tư pháp không có thẩm quyền thụ lý khiếu nại của công dân về các vấn để văn bản pháp luật. Vì thế, trong trường hợp công dân thấy một quyết định hay văn bản dưới luật không phù hợp, hoặc có dấu hiệu trái luật hay vi phạm Hiến pháp, thì họ sẽ không biết bấu víu vào đâu? Điều đó cho thấy, việc ra đời của một Toà án Hiến pháp, ngoài việc tổ chức bảo vệ Hiến pháp mà còn đảm trách chức năng giám sát các văn bản phám luật cũng như chức năng giải thích luật pháp ở Việt nam là điều hết sức cần thiết.
Ngày 10 tháng 01 năm 2019
© Kami
* Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA
Bài bình luận gần đây