Lê Diễn Đức
Hà Nội "xuống đường" đêm ngày 24 tháng 3 năm 2011 - Ảnh: Việt Báo
Khoảng 9 giờ tối ngày 24 tháng 3 năm 2011, thủ đô Hà Nội bị động đất nhẹ, dưới 4 độ richter.
Nhiều ngày nay, từ khi có các cuộc cách mạng Hoa Nhài bên Bắc Phi, nhà cầm quyền Hà Nội chắc hẳn khó ngủ vì sợ nhân dân xuống đường làm cách mạng.
Sợ đến mức báo chí chính thống đưa tin về động đất nói bà con từ trên các nhà cao tầng chạy xuống đường, đăng rồi đã chỉnh sửa lại thành "xuống dưới đường", “xuống đất”… Nhiều tờ khác tìm sự yên thân, tự kiểm duyệt, cho biến luôn cả từ ngữ đó!
Ông bạn Trần Đông Đức trao đổi với tôi về bài viết tức thì sau khi có thông tin về động đất.
Bài viết có nội dung xúc động về tình đất, nghĩa trời, mang đậm màu sắc của lý trí cũng như nhân bản. Tác giả còn có những suy diễn thú vị và hợp lý.
Mới ngày hôm trước, ngày 23 tháng 3, chính quyền tung ra lực lượng an ninh chìm nổi chiếm đến một phần ba số người có mặt, theo dư luận trong nước, nhằm uy hiếp và ngăn cản không cho mọi người “xuống đường” dự lễ tang ông Trịnh Xuân Tùng, người bị Trung Tá công an Hà Nội Nguyễn Văn Ninh đánh dã man, tàn ác, đưa đến cái oan ức một tuần sau đó.
Cũng không thiếu bóng dáng công an chìm, nổi, trên khu vực quanh Toà án Hà Nội, trước cơn động đất trong ngày 24 tháng 3, là ngày dự kiến xử công khai tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, dù đã được hoãn tới ngày 4 tháng 4.
Chính quyền không cho mọi người “xuống đường” thì nghịch lý thay, ông trời bắt mọi người phải “xuống đường”!
Cứ cho là tôi suy diễn vớ vẩn hay ngớ ngẩn chăng nữa, cũng giống bạn Trần Đông Đức, tôi cho mình cái quyền cười đểu, và được nghĩ rằng, đây là cú quả báo ngoạn mục cho các nhà chức trách đang sống tại Ba Đình!
Nó còn là tín hiệu cảnh báo cho tình người của dân chúng Hà Nội, cho tất cả những ai vô cảm, bàng quan trước các bất công xã hội ngút trời đang diễn ra trong xã hội Việt Nam hiện nay.
Thật may mắn, động đất trong đêm 24 tháng 3 đã không gây ra thương vong hay thiệt hại gì đáng kể.
Đây không phải lần đầu tiên Hà Nội bị động đất. Hà Nội, Sài Gòn và Vũng Tàu, theo các chuyên gia trong nước, đều nằm trong vùng cảnh báo đặc biệt, bởi có thể xảy ra động đất tới 5-7 độ richter. Nếu tâm địa chấn nằm ở giữa các thành phố, với mức này, có thể gây thiệt hại khủng khiếp, 30-40% nhà cửa, hoặc hơn thế, sẽ bị đổ sập hoàn toàn!
Hà Nội "xuống đường" do động đất, tháng 5 năm 2008 - Ảnh Dân Trí
Cho đến giờ phút này, cả phía nhà nước lẫn dân chúng đều không có sự chuẩn bị kỹ thuật an toàn nào trước thảm kịch động đất!
Chẳng ai lường trước được tai hoạ! Cũng chẳng ai đoán trước được số phận nghiệt ngã sẽ rơi vào mình lúc nào!
Cứ sống với sự vô cảm, với chủ nghĩa “makeno” (mặc kệ nó), chủ nghĩa “măm”, “xúc” (mammonism/chạy theo đồng tiền bất chấp đạo đức) và không chỉ vô cảm với chính trị, mà còn vô cảm ngay cả với người bị nạn quanh mình, thì một mai (nói dại) không may Hà Nội, Sài Gòn bị hoạn nạn, lúc ấy không biết ai sẽ giúp ta?
Không thể nào kể hết vô số ý kiến của người Việt, rộng khắp trong và ngoài nước, biểu lộ sự cảm phục trước tình người, tình đoàn kết cộng đồng, thái độ làm việc mẫn cán của các quan chức chính phủ Nhật Bản đối với dân chúng trong thảm họa động đất vừa qua.
Nhưng từ sự kiện này, trên các diễn đàn, rất nhiều người đã hoài nghi và thất vọng về con người Việt Nam trong thời buổi nhiễu nhương hôm nay. Dường như những đức tính truyền thống cao quý của dân tộc Việt, không thua kém gì người Nhật, đã bị đánh mất hoặc bị đánh tráo khái niệm.
Ôi! Những câu ngạn ngữ, ca dao dân gian như “tôn sư trọng đạo”, “lương y như từ mẫu”, “cô giáo như mẹ hiền”, “hàng xóm có nhau khi tối lửa tắt đèn”, “nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng”, “khôn ngoan đối đáp người ngoài, gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”,... chỉ còn trong các câu chuyện cổ tích, hay phảng phất đâu đó của một thời xa vắng...
Trong trận lụt kỷ lục ở miền Bắc năm 2008, ngày 2 tháng 11 năm 2008, trả lời phỏng vấn tờ “Vietnamnet” về tình hình chống lũ, ông Pham Quang Nghị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam nói: “Tôi thấy nhân dân ta bây giờ so với ngày xưa ỷ lại Nhà nước lắm. Cứ chờ trên về, chờ cung cấp cái này, hỗ trợ cái kia chứ không đem hết sức ra tự làm...”. Ông Nghị nói câu đó hai ngày sau khi dân chúng Hà Nội kêu trời về sự vắng mặt của nhà chức trách trong khi toàn dân thủ đô đang bơi lội trên khắp phố phường.
Thật khó quên cái ngày Hà Nội tô son trát phấn, cờ đỏ, đèn hoa giăng giăng khắp phố, khắp ngõ, pháo hoa nổ vang trời, tưng bừng và háo hức kỷ niệm Lễ Nghìn năm Thăng Long - Hà Nội.
Hôm ấy, ngày 1 tháng 10 năm 2010, đúng ngày quốc khánh nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, trên quảng trường Ba Đình, bên cạnh xác ướp của Hồ Chí Minh "vĩ đại", Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đọc diễn văn khai mạc dài mười mấy phút, không hề có một lời chia buồn với hàng chục ngàn đồng bào miền Trung đang đói khát, màn trời, chiếu nước và đến thời điểm ấy đã có mấy chục người thiệt mạng, không kể mất tích!
Không một lời nào!
Những người đứng ở vị trí quyền lực cao nhất của một nhà nước được rêu rao suốt mấy chục năm nay là “của dân, do dân và vì dân”, là “đấy tớ trung thành của nhân dân”, rằng Đảng Cộng sản Việt Nam được nhân dân trao cho sứ mệnh lãnh đạo đất nước, bla bla…, mà lại có thể ăn nói trơ tráo và có thái độ vô tâm đến thế!
Không có gì quá đáng khi tôi kết luận rằng, đây là một chế độ mà trong đó những kẻ đại diện đã thể hiện sự kiêu căng, ngạo mạn nhất, vô tâm đến mức bất nhân, coi mạng dân như cỏ rác!
Tôi nhớ trong trận lụt lớn tháng 7 năm 1997 ở Ba Lan, Thủ tướng Ba Lan lúc bấy giờ là ông W. Cimoszewicz nói nông dân Ba Lan không có thói quen mua bảo hiểm tài sải nên bây giờ nhiều người trắng tay. Chỉ có thế thôi, mà bị báo chí truyền thông Ba Lan quần cho cho lên bờ xuống ruộng, đòi ông từ chức. Ông đã lên TV xin lỗi vì lời phát biểu không đúng lúc của mình, khi mà dân chúng đang hoảng loạn vì chết chóc và tổn thất. Trong cuộc bầu cử quốc hội tháng 9 sau đó, đảng cầm quyền SLD của ông đã bị thất bại thảm hại, chỉ giành được 27% số phiếu. Hậu quả này sẽ còn đeo đuổi ông mãi, vì được gắn với tiểu sử của ông trên pl.Wikipedia.
Vào tháng 6/2010, Ba Lan cũng trải qua một trận lụt thế kỷ. Chính quyền Ba Lan đã huy động hết công suất lực lượng cảnh vệ, cảnh sát, quân đội, cùng các tổ chức thiện nguyện khắp đất nước giúp đỡ dân chúng trong và sau trận lụt.
Đang đúng kỳ nghỉ phép, Quốc hội Ba Lan triệu tập phiên họp bất thường, nhiều vị dân biểu đi nghỉ xa tắp bên Ấn Độ, Thái Lan, Brazil… tức tốc về nước để có đủ con số thông qua luật bổ sung ngân sách cứu trợ. Nhà nước Ba Lan tạm thời cấp không hoàn lại số tiền tương đương 2.000 đôla cho mỗi gia đình trong khu vực bị lụt và hứa sau khi tổng kết xong toàn bộ thiệt hại, chính phủ sẽ có kế hoạch dài hạn giải quyết tiếp hậu quả. Vậy mà, Hiệp hội “Cùng nhau phản kháng” của các sinh viên đã tốt nghiệp và đang theo học Khoa luật và Hành chính của Đại học Warszawa, vẫn đệ đơn tập thể lên tòa án kiện nhà nước Ba Lan ứng phó chậm hơn khả năng có thể, gây thiệt hại cho dân chúng.
Với người Việt, không chỉ chính quyền, dường như số đông cũng dửng dưng, vô cảm trước các cảnh bất công thường trực trong đời sống. Thậm chí thái độ này đã trở phổ biến, bình thường.
Thật khó tìm ra ngôn ngữ nào thích hợp thay cho sự nguyền rủa thậm tệ đối với một xã hội mà trong đó công an thường xuyên ngang nhiên đánh chết dân ngay giữa chốn công đường chỉ vì họ vi phạm luật giao thông; học sinh tỉnh bơ nhìn các bạn gái cấu xé nhau, hay thả chó bécgiê cắn nát người phụ nữ đến chết, trước con mắt lạnh lùng của người khác!...
Chị Chiến đã bị cho bécgiê cắn nát sau hàng rào này ngày 22 tháng 1/2010 - Ảnh: Tuổi Trẻ
Cho nên, nhìn không khí xung quanh lễ tang ông Trịnh Xuân Tùng ngày hôm qua, nhà văn Võ Thị Hảo, một người đang sống giữa lòng Hà Nội, đã phải nói lên sự xót xa, cay đắng và phẫn uất trước nhân tình thế thái, qua bài “Văn tế Dân Oan” (trích):
"Hỡi dòng người vô cảm!
Rùng rùng đi mê loạn
Đàn kiến khốn khổ quằn quại kiếm ăn
Câm lặng nhìn đồng bào mình chết
Dưới bàn tay bạo tàn"…
"Người người
Xin đừng vờ ngủ
Đừng giả điếc
Rồi đến lượt mình
Một ngày tức tưởi nhập dòng oan"…
Tôi cứ băn khoăn suy ngẫm.
Đời của bản thân mình coi như xong, chẳng có gì đáng nói. Nhưng may mắn làm sao, tất cả các con tôi đều không phải lớn lên và trưởng thành trong môi trường xã hội khủng khiếp ấy.
Nhưng còn hàng triệu, hàng chục triệu em thơ khác của đất nước mà số người sinh ra sau chiến tranh 1975 chiếm tới hai phần ba, không có điều kiện, cơ hội như các con tôi?
Lẽ nào mãi mãi chúng ta thản nhiên tự nhận mình hèn giữa đám đông? Cảm thấy mình hèn nhát, cam phận với văn hoá nô lệ và sợ hãi, thì im lặng đã là đáng trách, thế mà còn thản nhiên tự nhận, thì còn gì để nói!
- Vâng! Tôi không quan tâm đến chính trị!
- Vâng! Tôi không dây vào chính trị!
- Vâng! Chủ nghĩa “múc” và “rúc” muôn năm!
Nhưng đáng tiếc thay! Bạn có thể không quan tâm đến chính trị nhưng quan tâm đến chính trị lại là đạo đức; chính trị, oái oăm thay, lại là thứ tạo ra cái xã hội đang quấn trói lấy bạn, không buông tha bạn, từ miếng ăn, giấc ngủ, công việc, đến tương lai của bạn, của con cái bạn và cao hơn, cả tiền đồ, số phận của dân tộc!■
© 2011 Lê Diễn Đức
-----------------------------------------------------------
* Đây là Blog của cá nhân Lê Diễn Đức. Nội dung bài viết không phản ánh quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA.
Bài bình luận
"Thật may mắn, động đất trong
hu hon
hu hon
Cá nhân chủ nghĩa và chính trị