You are here

Bóng đá, Chính trị và bài học "Không ưa thì dưa có giòi"

                                                                                                                                         Không ưa thì dưa có giòi - Tục ngữ

Câu chuyện "bão" bóng đá ở Việt Nam tạm lắng xuống, mọi người đã trở lại với cuộc sống thực tại của họ. Tôi phải chờ cho bão lắng xuống mới dám viết ra điều này.

Trong gần 20 năm trước đây, bởi bị hụt hẫng trước sự thất bại liên tiếp và triền miên của đội tuyển bóng đá Việt Nam ở các giải đấu quốc tế, bản thân tôi đã thề đoạn tuyệt không theo dõi các trận đấu của đội tuyển Việt Nam. Vì xem đội tuyển Việt Nam thi đấu là tự mua sự bực mình. Sau này mới biết, lứa tuyển thủ thời ấy họ toàn bán độ để làm giàu.

Tôi thực sự xem lại bóng đá tuyển Việt Nam, bắt đầu từ trận thi đấu chung kết giữa trời mưa tuyết trong giải Asiad 2018.

Bóng đá được mệnh danh là môn thể thao Vua, cũng bởi là một môn thi đấu thể thao đầy kịch tính. Môn thể thao này đòi hỏi nhiều yếu tố kết hợp không chỉ đối với cầu thủ, trọng tài mà còn cả vai trò của khán giả. Có lẽ chính vì thế, người hâm mộ của môn bóng đá lên đến hàng tỷ người. Nói vậy để thấy, những người hâm mộ bóng đá là số đông.

Bóng đá có liên quan đến chính trị hay không? Câu trả lời mà tôi được nghe từ ông cậu tôi từ những năm Liên xô chưa sụp đổ, khi nói về giải World Cup rằng, các nước tư bản sẽ không bao giờ chịu để cho Liên xô và các nước XHCN khác đoạt cúp vô địch thế giới. Sau này ngẫm lại đó là điều rất chính xác.

Trên mạng xã hội facebook, tình cờ tôi được đọc bài viết "VN cần chấn chỉnh tình trạng truyền bá Chính trị từ Sân bóng đá" (bit.ly/2SaeFsv) của tác giả Phạm Lê Vương Các, một nhà hoạt động xã hội ở Việt Nam.  Cảm giác của tôi là hết sức ngạc nhiên về cách đặt vấn đề.

Theo tác giả Phạm Lê Vương Các thì "Việt Nam đang có tình trạng cổ động viên bóng đá khi đến sân vận động hay mang theo ảnh Cụ Hồ, Cụ Giáp hay cờ búa liềm của Đảng Cộng sản VN để cổ động cho đội nhà trong các trận đấu quốc tế, đã gây ra một số tranh cãi. Bài viết này sẽ xem xét liệu hành vi này có phù hợp với luật lệ quy định trong hoạt động bóng đá hay không."

Đồng thời tác giả bài viết cũng cảnh báo, "Trong vấn đề này, nếu FIFA nhận được các báo cáo về tình trạng “hành động chính trị” trên sân vận động Việt Nam không bị ngăn chặn mà còn ngầm khuyến kích, truyền bá cho nó, thì Liên Đoàn Bóng đá Việt Nam sẽ phải gặp nhiều rắc rối.".

Đội tuyển bóng đá Thái Lan

Lý do bài viết làm cho tôi hết sức ngạc nhiên vì, việc vận động viên, cổ động viên, khán giả xem các môn thể thao mang theo ảnh nhà Vua và Hoàng hậu để cổ vũ, là điều hết sức phổ biến ở đất nước Thái Lan. Không chỉ thế, các vận động viên Thái Lan khi nhận huy chương trong mỗi cuộc thi đấu thể thao, ngoài cờ tổ quốc thì họ luôn luôn giương những tấm hình nhà Vua và Hoàng hậu. Đây là một việc làm hết sức phổ biến, không thể thiếu được.

Vận động viên boxing Thái lan Vichan giành huy chương vàng Olympic

Vẫn theo tác giả Phạm Lê Vương Các thì, theo Quy định của FIFA về An toàn và An ninh của Sân vận động, tại khoản 1 điều 60 nêu rõ: “Việc thúc đẩy hoặc quảng bá các thông điệp chính trị hoặc tôn giáo hoặc có bất kỳ hành động chính trị hoặc tôn giáo nào khác, bên trong hoặc trong vùng lân cận của sân vận động, dưới bất kỳ hình thức nào cũng đều bị nghiêm cấm trước, trong và sau trận đấu.”.

Điều này được tác giả Phạm Lê Vương Các diễn giải như sau, "Quy định này rõ ràng cho thấy việc cổ động viên mang hình ảnh những nhân vật chính trị hay biểu tượng đảng phái chính trị vào sân vận động nhằm cổ vũ bóng đá là cấu thành một hành động chính trị trong sân vận động, nó là một hành động bị nghiêm cấm theo quy định của FIFA.

Hành động chính trị này dù vô tình hay cố ý cũng đã tạo ra một hành động tuyên truyền chính trị đến từ sân vận động."

Đánh giá của tôi ngay từ ban đầu đã thấy rằng, tác giả Phạm Lê Vương Các đã có sự nhầm lẫn, ở chỗ là,  việc cổ động viên mang hình ảnh lãnh tụ hay cờ các loại vào nơi thi đấu đã chắc là "Việc thúc đẩy hoặc quảng bá các thông điệp chính trị hoặc tôn giáo" hay không? Hay nó chỉ biểu hiện cho lòng ngưỡng một hay tôn kính của một bộ phận khán giả?

Song quan trọng hơn là, nếu đây là việc làm vi phạm Quy định của FIFA về An toàn và An ninh của Sân vận động, tại khoản 1 điều 6 ở các quốc gia Thái Lan hay Việt Nam trong một thời gian dài, trong nhiều chục năm mà FIFA không có biện pháp xử lý. Điều đó có thể cho ta khẳng định rằng, tác giả Phạm Lê Vương Các đã có phần võ đoán trên tinh thần "Không ưa thì dưa có giòi".

Ai thích bóng đá là quyền của họ, ai thích xuống đường đi bão cũng vậy vì họ có quyền. Đó chính là cái mà hàng ngày chúng ta nói đến, quyền tự do biểu đạt. Khi bạn lấy quyền để chỉ trích người đi bão bóng đá thì bạn cũng dùng cái quyền như thế giống như họ. Nó cũng như, việc nhà nước Việt Nam lợi dụng thành tích bóng đá để khuếch trương nhằm che đậy những sự yếu kém của họ là điều đương nhiên. Đơn giản cũng vì, bóng đá mang yếu tố chính trị.

Song, chính vì không hiểu việc "bóng đá mang yếu tố chính trị" không đầy đủ, nên có một số người nhân danh đấu tranh dân chủ do bất đồng với nhà cầm quyền, họ trút nỗi "hờn căm" lên đầu những cổ động viên bóng đá nhiệt thành. Họ không hiểu rằng, nhà cầm quyền lợi dụng bóng đá như đã nói, nhưng người hâm mộ họ không có nhu cầu lợi dụng chính trị. Việc họ mang cờ đỏ, mặc áo đỏ hay các dụng cụ cần thiết để cổ vũ đội nhà là chuyện bình thường. Vì trong thể thao có câu "màu cờ sắc áo".

Việc đi bão bóng đá quá đà, gây ra những thiệt hại về người (chết, bị thương...) là chuyện cần phải chấn chỉnh. Đây là trách nhiệm của nhà nước. Nhưng không thể dùng lý do đó để cấm hay ngăn chặn.

Bạn không thể lấy sở thích của riêng mình không thích thấy số đông người dân dùng lá cờ đỏ để ăn mừng. Đó không chỉ là sự ích kỷ, nếu như bạn là một người quan tâm hoặc tham gia làm chính trị thì cần phải hiểu, trong chính trị lẽ phải thuộc về số đông.

Làm chính trị thì bạn phải biết, vui với cái vui của số đông, buồn với cái buồn của số đông (kể cả bạn không thích). Phải hiểu được như thế thì các bạn mới có thể làm chính trị. Nói trắng ra rằng, làm chính trị thì bạn phải biết nói một đằng, làm một nẻo thì mới có cơ hội thành công. Đây chính là nguyên nhân khiến cho những nhà hoạt động xã hội ở Việt Nam bị quần chúng ghét và cô lập. Họ luôn xuất hiện trong mắt nhân dân với tâm thế của những kẻ lạc loài.

Trong vòng chung kết của giải AFF Suzuki 2018, đội tuyển Việt Nam thi đấu  thực sự cho tôi một cảm giác mới về bóng đá Việt Nam, đó là trình độ kỹ thuật, bản lĩnh thi đấu và nhất là sự hết sức tự tin của các tuyển thủ. Những cái đó, đại diện cho một thế hệ người Việt Nam được đào tạo nghiêm túc, một cách có hệ thống và bài bản.

Bóng đá Việt Nam đã cho chúng ta bài học, trong mọi việc nếu chúng ta thực sự nghiêm túc, thì người Việt sẽ thành công.

Ngày 19 tháng 12 năm 2018

© Kami

* Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA