You are here

Về công văn cấm học sinh vui Giáng sinh 2018: “Họ quyết tâm không buông tha cho người dân được tự do”

Mùa Giáng Sinh năm 2018 sẽ thật khó quên với câu chuyện các trường học ở Sài Gòn đột nhiên nhận được công văn yêu cầu không được tổ chức hay tham gia vui chơi Lễ Giáng Sinh. Dù công văn này bị rút lại ngay trong ngày 6/12, vài tiếng đồng hồ khi bị tiết lộ trên mạng xã hội, nhưng có cái gì đó bất an vẫn lưu lại trong lòng hàng triệu người về một đất nước hãnh tiến “có bao giờ được như thế này đâu?”

Không có quan chức nào phải chịu trách nhiệm về chủ trương gây bất an đó. Không có lời nào giải thích từ phía nhà cầm quyền, rằng vì sao tự do tín ngưỡng là cái gì đó rất mong manh trong nắm tay thô lậu của những kẻ có thể ra quyết định mà không cần nhớ đến Hiến pháp Việt Nam đã nói gì về quyền tự do cơ bản của con người, bao gồm tự do tín ngưỡng.

Câu chuyện Công văn số 1054/GDDT, ký tên Lê Thanh Hải, Phó Phòng Giáo dục và Đào tạo Huyện Nhà Bè chỉ là một ví dụ nhỏ về vấn đề Công giáo và nhà cầm quyền. Nhưng nó là một điểm tựa để tìm về những điều bất an nhiều cấp độ, vốn cũng đang diễn ra với Tin Lành Mennonite, Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Hòa Hảo Thuần túy, Cao Đài Chơn truyền… trên đất nước Việt Nam, đặc biệt qua cuộc trò chuyện với linh mục Antôn Lê Ngọc Thanh, Dòng Chúa Cứu thế tại Sài Gòn.

 

Những trò tiểu xảo gây bất an trong mùa vui Giáng Sinh, tạo nên những cảm giác hiềm khích hay dè chừng với Công giáo như kiểu công văn huyện Nhà Bè không cho các trường học tham gia vui chơi lễ Giáng Sinh, vẫn diễn ra hàng năm, theo nhiều cách ở Việt Nam. Hà Nội đang muốn gì khi một mặt vẫn niềm nở với Tòa thánh Vatican, khoe khoang các bước cải thiện về tự do tín ngưỡng nhưng một mặt vẫn tạo căng thẳng như vậy?

Nói đến chữ tự do tôn giáo, thì nhà nước CSVN không bao giờ muốn cho người dân hiểu theo cái nghĩa bình thường, mà phải hiểu tự do là thứ họ ban cho, họ cho phép. Với CSVN thì tự do không có nghĩa là quyền hiển nhiên của một con người phải được có.

Do đó, tự do tôn giáo đối với họ, kể từ miền Bắc năm 1954 và miền Nam từ 1975 đến nay, họ không bao giờ có sự thay đổi. Khi chúng tôi làm việc với quan chức, thì họ luôn nói đi nói lại cái gọi là chính sách tôn giáo nhất quán – tức không có sự thay đổi nào hết. Dù họ có khoe là có thay đổi, thì rồi cũng nằm trong chính sách nhất quán. Một mặt thì họ vẫn giao tiếp với quốc tế, với Tòa thánh Vatican và một mặt thì luôn tạo ra sự căng thẳng về đời sống tôn giáo trong nước, nguồn gốc sâu xa là như vậy. Họ không muốn người dân tự do.

Về mặt xã hội mà nói, đến giờ phút này, chỉ còn những đảng viên ngoan ngoãn thì mới nghe lời lãnh đạo, chứ đảng viên trí thức, đảng viên có lương tri thì đã không hoàn toàn như vậy. Đảng không điều khiển được chính nhân sự của họ, trong khi họ nhìn về Giáo hội Công giáo và nghĩ rằng giáo hội có thể kiểm soát được giáo dân. Thậm chí còn có ý nghĩa rằng Giáo hội Công giáo đối lập và cạnh tranh với họ về mặt quyền lực. Quan niệm sai lầm đó dẫn đến những thù hằn vô cớ.

Tổ chức tôn giáo nếu có can thiệp vào xã hội thì chỉ để mong xã hội tốt hơn. Chứ tổ chức tôn giáo, ở đây nói rõ là Công giáo, chẳng bao giờ có ý giành chính phủ với chế độ CS.

Về vấn đề đã xảy ra, có thể thấy rõ, thứ nhất là họ mang nặng sai lầm quan niệm về tổ chức tôn giáo và thứ hai là vẫn quyết tâm không buông tha cho người dân được tự do.

Nhưng theo Cha, đây là hành động ngu xuẩn của một quan chức đơn lẻ nhằm tạo thành tích, hay là một phép thử thí điểm về sự phản ứng từ Nhà nước, đối với người Công giáo Việt Nam? Nhất là trong bối cảnh Công giáo và người Công giáo bị nhà cầm quyền coi là “khó ưa” về việc tích cực tham gia các hoạt động mang tính công bằng xã hội, nhân quyền, môi trường…?

Theo văn bản ghi rõ, là lệnh cấm tổ chức lễ Noel, trang trí… là thực hiện theo chỉ đạo. Tức đây không phải là việc làm tùy ý, mà làm theo chỉ đạo. Tôi cũng nhận được cái tin đích danh một trường ở quận 11, cũng nhận được thông báo như vậy, và họ đã ngoan ngoãn chấp nhận. Như vậy thì không chỉ có huyện Nhà Bè, mà còn những nơi khác nữa mà các văn bản chúng ta chưa được tiếp cận. Những việc này không có cải thiện, chẳng hạn như việc thường xuyên xếp ngày thi của học sinh rơi vào ngày 24-25 tháng 12 cũng là cách muốn người không còn nhớ đến tôn giáo nữa.

Điều đáng nói nhất, là ngay sau phản ứng nhanh của người dân nói chung trên mạng xã hội về việc cấm đoán vui chơi Giáng Sinh, nhà cầm quyền đã rút lại quyết định này. Nhưng cũng cùng giai đoạn này, trên cổng thông tin của Giáo Hội Phật giáo Việt Nam (tổ chức do Nhà nước thiết lập và kiểm soát) lại chỉ trích ngày lễ Noel của người Việt Nam, nói rằng đó là “một hình thức truyền bá tôn giáo bị cấm được ghi trong Luật Giáo Dục…” Có cái gì đó vừa trơ trẽn và thô bỉ, mà bất kỳ ai có chút hiểu biết về Phật giáo đều cảm thấy bất thường. Thậm chí thấy rõ những nghi vấn chia rẽ tôn giáo từ hệ thống thế quyền. Cha nghĩ sao về điều này?

Thủ đoạn chia rẽ tôn giáo là cách mà CS đã sử dụng từ rất lâu rồi. Thời gian gần đây thì họ mạnh tay hơn do gần như đã điều khiển được 100% Giáo hội Phật giáo Việt Nam do họ lập ra. Nắm truyền thông thì họ muốn đưa vấn đề gì ra thì cứ đưa thôi.

Còn Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất thì hiện nay cũng có những vấn đề tế nhị trong nội bộ, có hai cộng đồng, nên không tạo thành được mạch chung. Chính giới Phật tử cũng chông chênh trong việc đón nhận việc làm thế nào cho đúng.

Trong vấn đề mà anh đặt ra thì họ dùng bàn tay cộng sản trong hệ thống Phật giáo Việt Nam để nói những điều sai rất căn bản về Công giáo. Mà thật ra họ đã làm như vậy từ nhiều năm trước chứ không phải mới đây.

Họ gây hiềm khích bằng cách nói Công giáo là ngoại lai, nhưng ngay chính Phật giáo cũng là tín ngưỡng du nhập. Nhưng các đạo sinh ra trong nước như Cao Đài, Hòa Hảo cũng bị đánh te tua. Nói chung đó là thủ đoạn chia rẽ tôn giáo của chính mấy anh CS. Và dù bị lợi dụng thế nào, từ tên ai, cũng cần phải hiểu đó là thủ đoạn của Cộng sản.

 

Tuấn Khanh (ghi)