You are here

Tát. Tát nữa. Tát mãi

Ảnh của canhco

Cứ tưởng sau vụ 231 cái tát thì Bộ Giáo dục ít ra cũng ban bố tình trạng...khẩn cấp cho toàn ngành, nào ngờ toàn ngành tiếp tục ... tát tai học sinh như không hề nghe thấy những căm phẫn của người dân chung quanh mình.

Ngày 3 tháng 12 vừa rồi một cô giáo được báo chí ghi tên là T tại trường tiểu học Quang Trung Quận Đống Đa Hà nội đã tiếp tục tấn tuồng bắt các em trong lớp tát tai bạn mình là em P vì em này can tội nói bậy. Cô giáo ra lệnh tát 50 cái nhưng sau cái thứ 20 em P la khóc quá nên cô giáo tạm ngưng hình phạt và câu chuyện kể như ... xong.

Nó xong trong lớp nhưng không xong bên ngoài vòng rào nhà trường. Báo chí vào cuộc và cô giáo T giống như mọi cô giáo tát tai học sinh khác trước đây nhận được sự bảo vệ tích cực của nhà trường và cuối cùng là một lời xin lỗi như người ... không có lỗi.

Trong khi dư luận tạm lắng xuống về việc cô giáo cho cả lớp tát 231 cái vào má một em học sinh tại trường Duy Ninh huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình lại nổi lên một tình huống mới, tình huống mà nhà báo Vũ Kim Hạnh, nguyên Tổng biên tập của tờ Tuổi Trẻ gọi là “tội ác không có điểm dừng”, đó là hành vi “lấy lời khai” của các em trong vụ 231 cái tát vào bạn của mình.

Bà hiệu trưởng Phạm Thị Lệ Anh không biết do ai xúi dại, đã yêu cầu các cháu “phân loại” những cái tát này theo tiêu chí của ... Quốc hội, đó là tát nhẹ, tát vừa và tát mạnh. Bà Lệ Anh chứng tỏ là một công dân gương mẫu, sống làm việc theo hành...vi mà Quốc hội vẫn thường làm.

Bà Lệ Anh rất trong sáng và chứng tỏ là một hiệu trưởng giỏi trong thời buổi 4.0, bà cho các em trả lời một danh sách rất chọn lọc các câu hỏi mà các em chắc chắn rất có hứng thú như sau:

1. Cô T quy định phạt tát thời gian nào?

2. Bạn N bị tát vào thời gian nào?

3. Khi tát bạn N cô T có mặt ở lớp không?

4. Em tát vào mặt bạn N bao nhiêu cái?

5. Em tát vào bạn N mạnh hay nhẹ?

6. Bạn N có nói tục không?

7. Khi tát bạn N có khóc không?

8. Sau khi tát má bạn N có đỏ không?

9. Cô T vào đã tát được mấy bạn?

10. Cô T có bắt tát nhẹ phải tát mạnh không?

12. Cô T tát bạn N mấy cái?

13. Sau khi tát bạn N có bị chảy máu không?

14. Sau khi tát bạn N cả lớp có sợ hãi bật khóc không?

15. Trước khi tát bạn N cô T có ra lệnh tát phạt mấy bạn?

16. Khi tát bạn N cô T ra lệnh hay tự ý?

17. Cô T có phải là người cuối cùng tát bạn N không?

18. Cô T đứng cùng chiều hay ngược chiều bạn N?

19. Sau khi tát bạn N có ở lại học không?

Với 19 câu hỏi này người xem thấy ẩn hiện giữa hai giòng chữ là hình ảnh của bản hỏi cung từ Đội điều tra xét hỏi, và những câu hỏi được gợi ý hoàn toàn có mục đích mà người hỏi nhắm tới: Tìm kiếm sự thật nào có lợi nhất cho hành động phạt tát tai không ảnh hưởng đến điểm thi đua của nhà trường.

Chỉ áp dụng cho nhà trường mà thôi vì cô giáo T gây làn sóng phẫn nộ đã bị công an chính thức làm việc và chuyện khởi tố không phải là điều khó xảy ra bởi phản ứng mạnh mẽ của dư luận.

Thế nhưng phản ứng ấy miễn nhiễm tới ít nhất là ba người: Cô giáo T của trường tiểu học Quang Trung, bà Hiệu trưởng Phạm Thị Lệ Anh của trường Duy Ninh và nhất là ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo.

Cả ba người, mỗi người một vẻ nhưng gần như...mười phân vẹn mười.

Cô giáo T tiếp tục noi gương người đi trước dùng biện pháp tát tai thay lời bào chữa cho đồng nghiệp của cô với 231 cái tát để đời cho toàn ngành giáo dục nói riêng và xã hội nói chung.

Bà Hiệu trưởng Lệ Anh tiếp tục công tác giữ vững ngọn cờ thi đua mà trường Duy Ninh đang theo đuổi. Tấm bảng mang dòng chữ “Chất lượng là danh dự của nhà trường” trước cửa trường của bà không thể bị hạ xuống vì vậy bà quyết bảo vệ đến cùng những cái tát tai ấy là tát nhè nhẹ, tát theo kiểu giơ tay đánh khẽ, kiểu mà Quốc hội vẫn thường làm trong mọi khóa họp với tiêu chuẩn vàng: Tín nhiệm thấp, tín nhiệm vừa và tín nhiệm cao.

Nhưng hai nhà giáo này suy cho cùng họ làm những việc mà họ phải làm, mặc dù sự lệch lạc trong cách đối phó đã vượt quá giới hạn của người mang công tác giáo dục khiến họ trở thành những kẻ không thể...giáo dục được nữa.

Tất nhiên, nhân vật thứ ba tuy không trực tiếp vào những cái tát nhưng có lẽ là người đáng nhận những cái tát từ phụ huynh học sinh, từ những người tuy không có con cái theo học trong mái trường XHCN nhưng sự quan tâm của họ về nền giáo dục nước nhà vẫn canh cánh bên mình, chính là ông Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ, người trực tiếp chịu trách nhiệm cho sự thành bại của từng ngôi trường dưới quyền chỉ đạo và giám sát của ông.

Bởi cho tới nay ông ta không nói gì, không làm gì, không có một phản ứng gì của một người đứng mũi chịu sào trước hành vi tát tai học sinh mà dư luận chưa nguôi giận dữ. Ông Nhạ tuy nói ngọng nhưng ông vẫn nói được. Tuy khó nghe nhưng người dân vẫn cố hiểu nội dung ông ấy phát biểu vì vậy sự im lặng thách thức quần chúng là hành vi của một kẻ xem thường nhân dân, nếu nói chính xác hơn đó là sự khinh bỉ sức phản kháng của cả nước.

Và vì vậy chúng ta sẽ còn nhận những cái tát tương tự trong những ngày sắp tới.