Thiên hạ vốn chỉ biết trên đời này có: Chuẩn tướng, Thiếu tướng, Trung tướng, Đại tướng, Thống tướng, Nguyên soái. Giờ, sau… Tâm tư tướng, Việt Nam sắp sửa có thêm… Tủi thân tướng!
Dưới lá cờ vẻ vang của đảng CSVN, Việt Nam vốn đã có nhiều thứ không giống ai nhưng không giống ai đã được khẳng định là “đặc thù” - thiên hạ không theo Việt Nam thì thôi chứ Việt Nam dứt khoát không theo thiên hạ.
Theo khuynh hướng đó, tướng của Việt Nam tất nhiên phải khác tướng của thiên hạ. Thành tướng không phải do kinh nghiệm, bản lĩnh, khả năng mà đơn giản chỉ vì cần giữ cho bầy đàn “vững mạnh” không bị “tâm tư”, “tủi thân” làm nội bộ mất đoàn kết.
Tướng Việt Nam đã, đang và sẽ còn vừa nhiều, vừa rẻ. Đó không phải là luận điệu của thế lực thù địch, nhận định của những phần tử bất mãn, hay chuyện trà dư, tửu hậu của đám thường dân nhẹ dạ, thiếu hiểu biết, nhận thức kém…
Chính vì tướng Việt Nam quá nhiều, cuối năm 2014, Quốc hội khóa 13 phải dùng luật khống chế số lượng tướng: Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân mới, chỉ cho quân đội có 415 ông tướng. Luật Công an nhân dân mới, cấm công an có hơn 205 ông tướng.
Vào thời điểm ấy, dựa trên số lượng tướng mà hai bộ luật vừa kể ấn định (tối đa 620 ông tướng cho cả quân đội lẫn công an) và số lượng tướng trên thực tế, người ta phát giác Việt Nam dư… 74 ông tướng thiệt, chưa kể các ông mà dân gian ví von là “tướng chìm” - mang cấp bậc đại tá nhưng hưởng lương tướng – đang chờ lên tướng.
Đâu phải tự nhiên mà ông Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Quốc phòng lúc đó, phụng phịu, cảnh cáo Quốc hội: Không phong tướng anh em sẽ… tâm tư!
Cũng vào thời điểm ấy, bị cử tri truy vấn, ông Huỳnh Ngọc Sơn, vốn cũng là tướng đang giữ vai trò Phó Chủ tịch Quốc hội khóa 13, thú thật, chỉ có khoảng 70% đại biểu Quốc hội tán thành việc cho phép quân đội, công an có 620 ông tướng.
Cứ theo lời ông Sơn thì do việc phong tướng từng hết sức tùy tiện nên “giảm xuống ‘họ’ không chịu” và cũng không thể để quân đội, công an “tâm tư” nên “chưa thật ưng” vẫn phải chấp nhận!
“Tâm tư tướng” chào đời, biến những ông thiếu cả kinh nghiệm, bản lĩnh, lẫn khả năng làm tướng thành... tướng, ngăn chặn nguy cơ, vì… "tâm tư" mà các ông bớt “trung thành với đảng” hay ngưng tụng niệm “còn đảng còn mình”.
Nếu chỉ ngừng ở “Tâm tư tướng” thì đó chưa thật đúng là… Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nơi tất cả những yếu tố quái đản đều phải liên tục đạt… đỉnh cao.
Dù Luật Công an nhân dân mới, mới được Quốc hội khóa 13 thông qua năm 2014 nhưng ngay sau đó, Bộ Công an tiếp tục đề nghị Quốc hội khóa 14... sửa nữa.
Một trong những nội dung liên quan tới Luật Công an nhân dân mới hơn Luật Công an nhân dân mới có năm 2014 và được Bộ Công an Việt Nam bảo vệ tận tình là chuyện phong tướng.
Tuy Luật Công an nhân dân mới có năm 2014 cho phép lực lượng Công an nhân dân có 205 ông tướng nhưng qui định về tương quan chức vụ - quân hàm đã chặn con đường thành tướng của nhiều sĩ quan công an và ngăn một số ông tướng khác kiếm nhiều sao hơn.
Thành ra trong Dự thảo sửa Luật Công an nhân dân, Bộ Công an đề nghị phong thiếu tướng cho Giám đốc Công an của 11 tỉnh, thành phố. Phong Đại tướng cho Bộ trưởng, Thượng tướng cho các Thứ trưởng, Trung tướng cho các Cục trưởng…
Kịch bản về tướng phát triển tới đoạn này mở ra một tình huống mới. Chẳng lẽ Giám đốc Công an 11 tỉnh, thành phố là tướng mà Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự các tỉnh, thành phố ấy chỉ là… Đại tá?
Ông Nguyễn Văn Được, Thượng tướng Quân đội, Thứ trưởng Quốc phòng, giờ công tác tại Quốc hội khóa 14, khuyến cáo: Lực lượng vũ trang vốn là một thể thống nhất thành ra làm như thế sẽ khiến “anh em bên quân đội buồn, tủi thân”.
Nhiều người bỉ bôi, ông Được – đại biểu cho nhân dân tại Quốc hội - nói vậy nghe… không được nhưng chắc chắn “anh em bên quân đội” thấy rất… được vì rõ ràng ông Được vẫn giữ gìn… được “phẩm chất tốt đẹp của bộ đội cụ Hồ”.
Nguyện vọng, ý chí của nhân dân là thứ yếu, tâm tư, quyền lợi của “anh em bên quân đội” mới là chính yếu. Ông Được không hiểu, không nhớ điều đó thì còn lâu ông mới... được đưa vào Quốc hội.
Công an nhân dân đã sửa Luật Công an nhân dân mới sửa hồi 2014 để mở rộng đường trở thành tướng thì làm gì có chuyện quân đội sẽ ngần ngừ, không đề nghị Quốc hội khóa 14 sửa Luật Sĩ quan quân đội nhân dân để thêm tướng, bảo đảm sự... công bằng đối với toàn bộ lực lượng vũ trang?
Đừng nghĩ ông Được đố kị với công an. Nghĩ thế phải… tội! Ông ủng hộ Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an thành Đại tướng mà. Đúng không? Do vậy, nên nhìn cảnh báo “tủi thân” như một kiểu tung hứng để bên nào cũng thắng, ngoài "Tâm tư tướng", cả công an lẫn quân đội cùng có thêm các "Tủi thân tướng"!
Ít ngày nữa, Quốc hội khóa 14 thông qua Luật Công an nhân dân mới hơn Luật Công an nhân dân mới sửa năm 2014, mở thêm một đường nữa cho... “Tủi thân tướng” vào đời, dư luận có râm ran như đã từng râm ran cách nay bốn năm thì cũng sẽ lắng xuống sớm thôi.
Kính trọng “Tâm tư tướng”, “Tủi thân tướng” hay không thì cũng phải nuôi, phải thắt lưng, buộc bụng đãi ngộ các “Tâm tư tướng”, “Tủi thân tướng” như những ông tướng đúng nghĩa cho đến hết đời. Đó là nghĩa vụ đã được mặc định cho các công dân Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Về lý thuyết, tướng quân đội đảm đương trách nhiệm vệ quốc, tướng công an lo bảo vệ - thực thi pháp luật, duy trì trật tự - trị an. Trên thực tế, tướng quân đội, tướng công an tham nhũng, lạm quyền ở đâu cũng có, nhìn đâu cũng thấy.
Bổ sung thêm “Tâm tư tướng”, “Tủi thân tướng” để bù vào số bị… khiển trách, cảnh cáo, nhằm minh họa cho nỗ lực “chỉnh đốn Đảng” rõ ràng là “sáng suốt”. Chưa kể nhờ vậy mà lực lượng vũ trang không “tâm tư”, “tủi thân”, tiếp tục phò đảng đến cùng.
Còn gì tài tình hơn?
Bài bình luận gần đây