Mấy bữa này nghe người ta nhắc đến Việt Vương Câu Tiễn bên nước Tàu, người từng nếm mật nằm gai, thậm chí là chấp nhận nếm phân cho Phù Sai để lấy lại cơ đồ. Nghĩ mà tủi cho dân Việt.
Càng ngày càng chẳng có hy vọng gì về sự thay đổi chính trị ở Việt Nam, nhất là trong bối cảnh lực lượng đối lập chính trị đúng nghĩa thì hầu như chưa hình thành. Còn lại thì toàn loại chống đối sai sách, thiếu tổ chức và năng lực. Các tổ chức chính trị trong và ngoài nước đa phần đấu tranh kiểu đánh tiếng, nhằm gây tiếng vang. Không chú trọng đến tính hiệu quả.
Tuy vậy, trong những ngày này, bỗng nhiên cá nhân tôi có linh tính, sẽ có sự thay đổi lớn. Và điều đó nếu có nó sẽ ập đến rất nhanh. Nếu...
Nhớ lại trong quá khứ, vào cuối thời Lê Trung Hưng, bối cảnh xã hội thời ấy cũng nát bét y như chính sự Việt Nam ngày hôm nay. Khi đó triều chính rối ren, thối nát; tranh giành quyền bính; quan lại tham nhũng tràn lan; nhân dân đói khổ, lại thêm nạn kiêu binh gây rối nhiễu nhương. Khi ấy, Cụ Lê Quý Đôn (1726 - 1784) đã chỉ ra năm (5) nguy cơ có thể mất nước. Đó là, "Trẻ không kính già; Trò không trọng thầy; Binh kiêu tướng thoái; Tham nhũng tràn lan; Sĩ phu ngoảnh mặt"
Thời ấy, trong bối cảnh rối ren, chán cảnh thế sự, cộng với bệnh tật Cụ Lê Quý Đôn trả ấn từ quan về quê để sống những ngày cuối đời. Và chẳng bao lâu sau nghĩa quân Tây Sơn được sự ủng hộ của đông đảo dân chúng vùng lên khởi nghĩa, và triều đại cũ đã đổ sụp.
Đến nay, nếu đối chiếu với năm nguy cơ có thể mất nước như vừa kể, thì thấy không sai một ly, thậm chí còn trầm trọng hơn thời ấy. Nhận định của cây đại thụ Nhà văn Nguyên Ngọc, đại tá quân đội, nguyên Phó tổng thư ký Hội nhà văn, nguyên tổng biên tập báo Văn Nghệ trong thư tuyên bố ra khỏi Đảng CSVN đã viết rằng, "Từ nhiều năm qua, tôi nhận thấy Đảng ngày càng xa rời lý tưởng ban đầu của mình, “tự diễn biến” thành một tổ chức chuyên quyền, phản dân hại nước. Tôi không thể còn đứng trong một tổ chức như vậy." đã cho thấy điều đó.
Trong một thể chế chính trị nửa dơi, nửa chuột như ở Việt Nam hiện nay, trong một thời gian dài, đã hình thành một nhà nước kiểu tư bản hoang dã, được nằm trong cái khuôn định hướng Xã hội Chủ nghĩa. Hệ thống chính quyền ở Việt Nam dưới sự lãnh đạo của những phần tử cơ hội, biến chất thoái hóa, với phương châm cái gì lợi cho cá nhân hay nhóm lợi ích là họ sẵn sàng làm, bất kể lợi ích của đất nước và nhân dân. Lãnh đạo đảng và chính quyền ở mọi cấp, từ trung ương cho đến địa phương coi dân chúng như cỏ rác. Những tiếng nói phản biện đều bị dập tắt. Hậu quả dẫn đến là, pháp luật không nghiêm minh, công lý bị xóa bỏ tạo ra một xã hội vô luân, vô pháp hỗn loạn.
Tuy vậy, nội bộ ban lãnh đạo đảng CSVN đang ở trong một giai đoạn rệu rã, bởi một cuộc thanh trừng khốc liệt nhất để tranh giành quyền lực tuyệt đối, của một bộ phận trong đảng. Điều đáng lo ngại nhất là, với sự hậu thuẫn tích cực từ Trung Nam Hải. Đằng sau những con số tỷ lệ phần trăm bằng hay xấp xỉ 100% là những cơn sóng ngầm. Những cơn sóng ngầm đó không chỉ từ nội bộ đảng CSVN, mà nó còn là những cơn sóng của lòng dân.
Thực chất chế độ ở Việt Nam hiện nay mục ruỗng lắm rồi, trực chỉ ngày sụp đổ nếu có đủ điều kiện. Chỉ cần một tia lửa. Lòng dân hôm nay ví tựa như một kho thuốc súng, chỉ chờ một tia lửa là có thể tiêu hủy một chính quyền buôn dân bán nước. Việc người dân vui mừng, hoan hỉ hay sung sướng mỗi khi có lãnh đạo cao cấp chết, hay dém giầy vào mặt người đại diện của chính quyền là những chỉ dấu rõ nhất của lòng dân. Tôi chưa thấy ở bất kỳ quốc gia nào, mà người dân có thứ tình cảm "khốn nạn" như thế đối với lãnh đạo quốc gia.
Chợt mơ tới một đám tang vĩ đại như của Cụ Phan Châu Trinh, một cuộc biểu dương lực lượng hùng vĩ của quần chúng yêu nước, báo hiệu những chuyển động xã hội sẽ không còn gì ngăn cản được. Sự kiện ngày 04/4/1926 đã có tới 100.000 người đã đi theo linh cữu Cụ Phan Châu Trinh, kéo dài trên 2 cây số. Được biết khi ấy, tổng dân số cả Sài Gòn và Chợ Lớn chỉ là khoảng 345.000 người. Nghĩa là đã có tới hơn một phần tư người Sài Gòn - Chợ Lớn đã xuống đường, để tiễn đưa nhà ái quốc yêu quý của mình đến nơi an nghỉ cuối cùng.
Nhắc tới đám tang của Cụ Phan Châu Trinh, vì thấy có tên Nhà Văn Nguyên Ngọc và Giáo sư Chu Hảo trong ban lãnh đạo Quỹ Văn Hóa Phan Chu Trinh. Đây hai tên tuổi lớn đang nóng trong ngày hôm nay.
Thấy bạn Trương Duy Nhất ca thán rằng, "Hiện tượng Chu Hảo. Liệu đã đủ để đánh rung những trí thức cấp tiến với tư duy "phản biện trung thành"? Liệu có tạo nên một phong trào phản tỉnh để thoát đảng.". Chợt nghĩ, "Thoái đảng chỉ là sự phản đối. Lập chính đảng mới, mới là sự thách thức, xem chúng nó dám làm gì? Hỡi các cây Đại thụ của dân tộc!"
Đêm 26 tháng 10 năm 2018
© Kami
* Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA
Bài bình luận gần đây