You are here

KHI NỖI ĐAU ĐỦ LỚN

Ảnh của nguyenlanthang

Xem tin tức trên facebook, các bạn có bao giờ cảm thấy khó chịu, bực bội, chán nản, thậm chí chả còn thiết làm gì nữa khi quan tâm đến các chủ đề chính trị - xã hội không? Nay thì chết trong đồn công an, mai thì cướp vàng của dân, kia thì lại ô nhiễm môi trường, giáo dục xuống cấp, y tế quá tải, tham nhũng tràn lan... nói chung là bạn sẽ gặp đủ cả những thông tin rất nhức nhối trong xã hội ngày nay. Tôi biết và hiểu tình trạng này không hay ho gì cho sức khoẻ tinh thần của mỗi chúng ta. Theo thống kê của Bộ Y tế vào năm 2017, tại Việt Nam, có khoảng 15% dân số mắc các rối loạn tâm thần phổ biến liên quan tới stress, 3 triệu người bị rối loạn tâm thần nặng. Còn thông báo tại Viện Sức khỏe Tâm thần cho thấy có 30% dân số Việt Nam mắc các bệnh rối loạn tâm thần, trong đó tỷ lệ trầm cảm chiếm 25%. Và không chỉ về mặt tinh thần, các trạng thái stress, rối loạn tâm lý được các bác sỹ chỉ ra là nguyên nhân rất lớn gây ra các bệnh về tim mạch, mất ngủ, mất trí nhớ, béo phì... thậm chí cả những bệnh như ung thư, tiểu đường.

Vậy làm thế nào để thoát khỏi tình trạng sống như thế này? Thờ ơ bỏ qua ư? Tìm vui trong các hoạt động khác ư? Chạy ra nước ngoài sinh sống ư? Tôi nghĩ có lẽ chúng ta cần phải nói thẳng với nhau rằng, đó là những giải pháp ngu ngốc, tệ hại nhất nếu bạn chọn nó. Những gì bạn đang phải chứng kiến, đang phải chịu đựng là hệ quả tất yếu khi đất nước được dẫn dắt bởi một chủ thuyết sai lầm gần một thế kỷ qua. Dù bạn có cố sống theo kiểu mũ ni che tai, bỏ mặc sự đời, hay vào chùa đi tu... thì những vấn nạn xã hội vẫn tác động đến tất cả chúng ta bằng giá xăng dầu, bằng thực phẩm bẩn, bằng ô nhiễm môi trường, bằng khói bụi chúng ta phải hít vào hàng ngày. Giả sử bạn có may mắn, có tiền bạc để thoát ra được nước ngoài để sống, hãy nhìn đời sống của người Việt hải ngoại mà xem. Cho dù đã được hưởng những điều kiện sống tốt đẹp nhất, nhưng họ vẫn đau đớn vật vã khi nhìn về quê hương, vì dù đi đâu đến đâu ta cũng chỉ như là công dân hạng hai. Không có cách nào khác, chỉ có một con đường duy nhất, đấy là Việt Nam phải thay đổi, người Việt chúng ta phải thay đổi, thay đổi tất cả ngay chính trên mảnh đất này. 

Nói về việc thay đổi, tôi biết là rất khó. Ngay trong đời sống hàng ngày, những thói quen xấu bình thường đã rất khó bỏ, chưa nói gì đến việc thay đổi thái độ chính trị hay làm một việc gì khác ngoài xã hội để thúc đẩy sự tiến bộ. Chúng ta không thay đổi được vì chúng ta trì hoãn. Trong các môn nghiên cứu về tâm lý và tư duy con người có một biểu đồ gọi là biểu đồ Trì hoãn - Hành động (The Procrastination-Action Line)

Nhìn vào biểu đồ, chúng ta có thể thấy con người chỉ có thể hành động (action) khi nỗi đau (pain) đủ lớn. Chưa đủ nỗi đau, chúng ta chưa hành động. Điều đó có thể lý giải rất rõ hiện tượng những người đã từng bị oan sai, bị cướp đất trong xã hội Việt Nam lại dễ dàng trở thành những nhà hoạt động xã hội, những người đấu tranh nhiệt thành cho tiến bộ xã hội. Càng nhiều bất công thì sẽ có càng nhiều người đấu tranh. Và khi số lượng đủ lớn, xã hội này ắt sẽ phải thay đổi.

Chính vì thế, cho dù tình trạng Việt Nam đang ở một thời khắc vô cùng tăm tối, nhưng tôi luôn lạc quan tin tưởng một điều rằng, con đường tôi đang đi sẽ dẫn tới một tương lai rạng rỡ cho đất nước này. Trước mặt tôi đã có một ít người đi trước mở đường, sau lưng tôi đã nhiều người nối gót, và sau nữa sẽ có hàng triệu triệu người khao khát tự do. Xin hãy nén nỗi đau lại, chờ những người đi sau, vì không chỉ có mỗi mình bạn cảm thấy đau đâu.

Xin được chép lại ở đây một lời bài hát của nhạc sỹ Nguyễn Đức Quang mà tôi vô cùng yêu thích để kết thúc bài viết này:

"...Chúng ta thành một đoàn người hiên ngang 

Trên bàn chông hát cười đùa vang vang 

Còn Việt Nam, triệu con tim này còn triệu khối kiêu hùng..."