Song Chi.
Ra đi, là lựa chọn khó khăn, cuộc sống mới đâu chỉ toàn màu hồng
Thông tin tù nhân lương tâm, blogger Mẹ Nấm tức Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, được nhà cầm quyền VN trả tự do và sang Mỹ tỵ nạn chính trị cùng mẹ và hai con vào ngày 17.10 khiến tất cả những ai quan tâm đến Mẹ Nấm và hoàn cảnh của chị đều vui mừng.
Mạng Lưới Blogger Việt Nam cho biết: “ngày 17/10/2018 Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và gia đình đã đáp chuyến máy bay EVA 398 rời Hà Nội, quá cảnh tại Taipei và sẽ đến Houston trên chuyến bay EVA 52 vào lúc 11 khuya cùng ngày.”
Blogger Mẹ Nấm bị bắt vào tháng 10.2016, sau đó vào ngày 29 tháng Sáu, 2017, chị bị tuyên án 10 năm tù với cáo buộc “Tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 88 Bộ Luật Hình Sự của nước Cộng hòa XHCN VN.
Việc blogger Mẹ Nấm được ra tù và phóng thích đi Mỹ là cả một quá trình nỗ lực vận động của nhiều người, trong đó có tổ chức Mạng Lưới Blogger Việt Nam mà chị là một thành viên, tổ chức VOICE, Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, các tổ chức quốc tế và các cơ quan truyền thông để tạo sức ép chính trị lên nhà cầm quyền VN.
Trong thư cảm ơn được bạn bè đăng trên facebook, blogger Mẹ Nấm nói:
«Tôi đã trải qua 737 ngày buộc phải sống chung với sự dối trá, chịu nhiều áp lực về tinh thần nhưng tôi biết tôi không hề cô đơn vì xung quanh tôi vẫn còn có rất nhiều người đang chung tay nỗ lực vì nhân quyền cho Việt Nam. Tôi tin rằng nếu chúng ta luôn bền bĩ đấu tranh cho tự do, luôn giữ ngọn lửa khát vọng dân chủ cho nhau, cùng nhau nuôi dưỡng ý chí bảo vệ Tổ Quốc, chúng ta sẽ chiến thắng độc tài cộng sản.
Sau những gì đã trải qua tôi tin rằng còn rất nhiều điều phía trước đang đợi chúng ta cùng nỗ lực thực hiện để biến giấc mơ tự do cho Việt Nam thành hiện thực. Mục tiêu tự do không thể và không bao giờ cho riêng tôi hay gia đình tôi mà phải cho tất cả 90 triệu công dân Việt Nam...»
Trước đó vào tháng Sáu, luật sư Nguyễn Văn Đài cũng được nhà cầm quyền thả ra và phóng thích sang Đức dưới sự vận động của nhiều người và sức ép của chính phủ Đức.
Và bao giờ cũng vậy, giữa những lời chúc mừng chân thành, những lời động viên, nhắn nhủ blogger Mẹ Nấm cố gắng ổn định cuộc sống, hội nhập vào xã hội nước người và tiếp tục lên tiếng nếu có thể, là những lời lẽ không đẹp của một số người. Chẳng hạn, luận điệu «đấu tranh để được đi Mỹ» hoặc đặt vấn đề « tại sao Mẹ Nấm được thả mà những người khác thì không, Mẹ Nấm là Việt Cộng nằm vùng» v.v...
Những người có luận điệu như vậy sao không thử làm một cuộc khảo sát, chỉ chừng mười, mười lăm năm trở lại đây thôi, có bao nhiêu người bất đồng chính kiến, nhà hoạt động xã hội dân sự bị bắt, bị kết án tù nặng nề và trong số đó có bao nhiêu người được phóng thích và đưa sang nước khác? (Chưa kể con số nhiều hơn là những người đã và đang thầm lặng phải trả giá cho việc lên tiếng từ bị mất việc, gia đình tan vỡ, bị xách nhiễu, bị công an giả dạng côn đồ hành hung...). Còn việc tại sao người này được thả mà người kia không, còn tùy theo mức độ dư luận biết đến, sự lên tiếng của gia đình, sự vận động của các tổ chức nhân quyền VN và các nước.
Cá nhân người viết bài này tin rằng, đối với một người bình thường, ở vào lứa tuổi U40, U50, U60...ra đi là một chọn lựa bất đắc dĩ, chứ chưa nói đến những người bất đồng chính kiến khi niềm mong mỏi, khao khát lớn nhất của họ là được sống và đấu tranh giữa vòng tay bạn bè, được nhìn thấy những thành quả nhỏ bé từ sự dấn thân của mình và những người khác, và nhất là, được nhìn thấy quê hương một ngày nào đó thay đổi.
Chấp nhận ra đi với một người bình thường khi tuổi không còn trẻ nữa đã là muôn vàn khó khăn khi phải làm lại từ đầu ở một nước khác. Huống hồ những người bất đồng chính kiến khi lựa chọn ra đi cũng có nghĩa là không thể trở về thăm lại quê hương, bạn bè, người thân...ít nhất trong nhiều năm nữa. (Tất nhiên, trừ bọn con ông cháu cha, tư bản đỏ, đám quan chức, đã hoặc sẽ chủ động chọn ra đi để tiếp tục thụ hưởng một cuộc sống sung sướng ở nước người, điều mà họ hoàn toàn có thể thực hiện với số tiền ăn cắp, tham nhũng tích cóp được)
Đó là chưa kể việc họ phải đối mặt với những người cực đoan trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài, sẵn sàng nghi kỵ, soi mói từng lời ăn tiếng nói, chụp cho họ đủ loại «mũ»...Cựu tù nhân lương tâm, blogger Điếu Cày tức Nguyễn Văn Hải, có lẽ là một trong những người thấm thía điều này khi anh, cũng bị nhà cầm quyền VN đưa thẳng từ nhà tù sang Mỹ, đã phải “đối mặt” với bao nhiêu tỵ hiềm, nghi kỵ, cả những lời chửi bới, bôi nhọ từ người lạ và cả người quen, có thể nói là bị “đánh” cho bầm dập!
Và đừng quên, đội ngũ VC nằm vùng thật sự, do chính nhà cầm quyền VN cài cắm, hiện nay đã có mặt hầu như bất cứ quốc gia nào có cộng đồng người Việt sinh sống khá đông để gây chia rẽ, tạo hiềm khích trong cộng đồng, nhằm làm cho phong trào đấu tranh của người Việt ở nước ngoài không sao mạnh mẽ được, giống như họ đang đánh phá phong trào trong nước bao lâu nay. Cuộc sống không có gì là dễ dàng cả!
Thắng lợi của nhà cầm quyền
Vài năm trở lại đây, việc tống xuất những người bất đồng chính kiến sang nước ngoài là một sự tính toán của nhà cầm quyền. Trước hết, nhà cầm quyền dùng tù nhân lương tâm, tù nhân chính trị để mặc cả, đổi chác lấy những quyền lợi về mặt chính trị, kinh tế hay ngoại giao với Hoa Kỳ và các nước dân chủ phương Tây. Thứ hai, để cho một người bất đồng chính kiến ra đi là cách tốt nhất để làm yếu đi tiếng nói hoặc sức ảnh hưởng của họ.
Giáo sư Tiến sĩ, nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc viết trên facebook của mình khi nghe tin Mẹ Nấm đi Mỹ:
«...Tuy nhiên, hẳn có nhiều người thắc mắc: Chị sẽ làm gì khi được tự do?
Thật ra, theo tôi, cũng giống bao nhiêu người khác trước chị, chị sẽ không làm được gì cả. Riêng những việc như học tiếng Anh (cũng như bao nhiêu cái học khác) và việc ổn định đời sống cho cả gia đình sẽ vắt kiệt hết thời gian và tâm sức của chị rồi. Bởi vậy, sau một quãng ồn ào ngắn ngủi, tất cả lại sẽ chìm vào im lặng. Và quên lãng.
Như bao nhiêu người khác.
Qua đó, chúng ta càng hiểu âm mưu thâm độc của nhà cầm quyền Việt Nam: Cho những nhà tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền ra nước ngoài là một cách tốt nhất để làm tắt tiếng nói của họ. Để vô hiệu hoá họ.
Dĩ nhiên, chúng ta không phê phán những người quyết định ra đi. Chúng ta không có cái quyền ấy: Đó là sự lựa chọn của họ. Họ đã chịu quá nhiều sự khốn khổ rồi. Họ cần được yên bình. Cho họ. Và cho con cái họ.”
Gần như cùng lúc, việc thả blogger Mẹ Nấm ra khỏi tù là việc kết án một nhà hoạt động xã hội, một con người yêu nước khác, ông Lê Đình Lượng với bản án 20 năm! Kết án nặng để "có giá" mà thương lượng, đổi chác với các nước phương Tây chứ!
Cái trò thả người này bắt người kia sẽ còn tiếp tục dài dài, khi đối với nhà cầm quyền đằng nào họ cũng có lợi, đằng nào họ cũng là kẻ thắng-đày ải những nhà hoạt động trong lao tù để răn đe những người khác, hay tống cổ họ đi sang nước khác, như vừa nói, để dập tắt tiếng nói của họ!!
Tù nhân chính trị ở VN
Mừng cho blogger Mẹ Nấm được ra tù, chúng ta càng thương cho hàng trăm tù nhân chính trị, tù nhân lương tâm khác đang ở trong tù, trong đó có những người bị kết án từ 8, 10 năm cho tới mười mấy, hai chục năm như nhà hoạt động Trần Thị Nga, cũng là một người phụ nữ với hai đứa con còn nhỏ như blogger Mẹ Nấm (bị kết án 9 năm), kỹ sư-doanh nhân Trần Huỳnh Duy Thức (16 năm), nhà hoạt động Hoàng Đức Bình (14 năm), Hồ Đức hòa (13 năm), Nguyễn Bắc Truyển (11 năm), Nguyễn Hoàng Quốc Hùng (9 năm), Ngô Hào (15 năm), Đại tá Trần Anh Kim (13 năm), nhà báo Trương Minh Đức (12 năm)…Và những khuôn mặt nổi bật khác nữa như nhà báo Nguyễn Hữu Vinh tức Anh Ba Sàm (5 năm), nhà báo tự do Lê Anh Hùng (chưa có án), bác sĩ Hồ Văn Hải (Hồ Hải, 4 năm), kỹ sư Phạm Văn Trội (7 năm), blogger Nguyễn Viết Dũng (7 năm) v.v…
Dù sao, từ khoảng 20 năm nay, nhờ có internet, việc làm cũng như những bản án phi nhân mà chế độ này tròng lên cổ những người bất đồng chính kiến ít ra còn được dư luận trong và ngoài nước biết đến, bạn bè gần xa còn có thể lên tiếng hoặc hỗ trợ cách này cách khác, khiến cho người ở tù cũng phần nào cảm thấy bớt cô đơn. Còn trước đó bao nhiêu người bị tù không ai biết.
Chỉ riêng từ sau 30.4.1975, ngoài việc lùa hàng trăm ngàn binh lính sĩ quan, dân quân cán chính của chế độ VNCH vào các trại tù dưới tên gọi “đi học tập cải tạo”, còn có những người tù chính trị khác bị bắt trong những thập niên 70, 80 của thế kỷ XX nhưng công luận không biết đến nhiều. Thời đó lao tù thập chí còn khắc nghiệt hơn, một phần do kinh tế của VN những năm đó còn đói kém, một phần “tinh thần đấu tranh giai cấp” và lòng thù hận của những người cộng sản đối với những người thuộc chế độ VNCH hoặc chống đối lại chế độ này khi đó rất mạnh, nên họ đày ải những tù nhân chính trị rất kinh khủng. Chỉ những ai là nhân chứng sống hoặc được nghe kể về những đọa đày đó mới hiểu ngục tù cộng sản là như thế nào!
Và giai đoạn này tù chính trị thường phải ở tù rất lâu, kể cả dạng bị đưa đi "học tập cải tạo" không có án nhưng cứ ở tù hoài, có người mười mấy năm mới về; hay có án thì cũng lắm án rất nặng. Chẳng hạn như ông Nguyễn Hữu Cầu, Trương Văn Sương... ba mươi mấy năm, hay như ông Nguyễn Văn Trại cuối cùng chết trong tù trước khi hết án...
Hơn 7 thập niên đảng cộng sản cầm quyền, là bao thế hệ bất đồng chính kiến nối tiếp nhau bước vào nhà tù. Và bây giờ là thêm cái mốt mới, tống xuất tù nhân chính trị ra khỏi nước, buộc họ phải sống lưu vong.
Chế độ càng dài càng gây nhiều tội ác, với nhân dân nói chung và với những người yêu nước, dám lên tiếng phản kháng, nói riêng.
Bài bình luận gần đây