You are here

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và ảnh hưởng của nó đối với Việt Nam (gỡ băng cuộc phỏng vấn Live stream chương trình Đối Diện 84) tiếp theo

Ảnh của nguyenvubinh

     ...

     Chị Thanh Tâm: Trung Quốc cũng tuyên bố sẵn sàng đáp trả, nhưng thưa nhà báo, Trung Quốc có khả năng đương đầu với cuộc chiến tranh thương mại này hay không?

     Nhà báo Nguyễn Vũ Bình: Chúng ta cần hiểu, trong cuộc chiến này, Trung Quốc có gì trong tay, Mỹ có gì trong tay? Mỹ có nền kinh tế đứng đầu thế giới, với GDP 20.000 tỷ đô la/năm, một nền kinh tế thị trường phát triển mấy trăm năm, một nền kinh tế lành mạnh. Trung Quốc là nền kinh tế thứ hai thế giới, với GDP là 12.000 tỷ đô la/năm, mới phát triển được mấy chục năm nay. Nhưng quan trọng là cơ chế, cấu trúc của nền kinh tế Trung Quốc không đi theo nền kinh tế thị trường, rất mong manh. Theo nhiều thông tin, Trung Quốc làm ra 12.000 tỷ, nhưng nợ hơn 30.000 tỷ đôla. Trung Quốc rất giống Việt Nam, là nền kinh tế Việt Nam phóng chiếu lên nhiều lần, nó không lành mạnh, vững chắc. Đấy là nói về thực lực, còn trong cuộc chiến này, hàng hóa của Mỹ vào Trung Quốc chỉ có 175 tỷ thôi, hàng Trung Quốc vào Mỹ là hơn 500 tỷ đô la. Mỹ đánh thuế mới 250 tỷ, Trung Quốc đánh 60 tỷ vừa rồi là hết không còn gì để đánh thuế. Hơn nữa, khi cuộc chiến mới xảy ra, thị trường chứng khoán Trung Quốc giảm rất sâu, chứng tỏ nền kinh tế rất mong manh, không lành mạnh. Nếu Mỹ cứ tiếp tục đánh thuế thì Trung Quốc cũng phải chịu. Còn sức chịu đựng của nền kinh tế Trung Quốc như thế nào, đến đâu cũng rất khó nói, khó nhận định.

     Chị Thanh Tâm: Có một câu hỏi của một khán thính giả cho nhà báo Nguyễn Vũ Bình, theo sự leo thang của cuộc chiến kinh tế, liệu có khả năng tiến tới một cuộc chiến quân sự hay không?   

     Nhà báo Nguyễn Vũ Bình: Tôi để ngỏ nhận định này, với thực lực của một nước như Trung Quốc hiện nay, nếu họ khơi mào cuộc chiến quân sự thì đúng là tự sát. Nhưng có một điểm, đối với chế độ cộng sản chúng ta không nói trước được điều gì cả. Nếu là một nước dân chủ, với nhà lãnh đạo, giới cầm quyền được nhân dân bầu lên thì phải quan tâm nguyện vong của nhân dân. Nhân dân nói chung thì nhìn ra với một cuộc chiến tranh thì không có lợi ích gì, hơn nữa nhìn trước cái thua thì nhân dân không bao giờ đồng ý. Nhưng đối với Trung Quốc thì lãnh đạo không do dân bầu lên, mà do đảng bầu lên, đảng bầu lên thì theo ý của đảng, nên chúng ta phải để ngỏ khả năng đó. Với một lo-gic thông thường, đối với một nước tiềm lực kinh tế, chính trị, quân sự thua kém nước khác, rất khó xảy ra một cuộc chiến quân sự. Nhưng đối với một nước cộng sản, chúng ta không nói trước được điều gì, bởi vì lãnh đạo của nước đó không do người dân bầu ra.

     Chị Thanh Tâm: Thưa nhà báo, tâm thế của Mỹ trong cuộc chiến này là gì? Hay nói cách khác, quyết tâm của Mỹ trong cuộc chiến này là gì?

     Nhà báo Nguyễn Vũ Bình: Mỹ rất là quyết tâm trong cuộc chiến này. Chúng ta thấy, việc tuyên bố khơi mào cuộc chiến, các bước đi, việc chuẩn bị cho cuộc chiến rất đầy đủ và chu đáo. Đã nói là làm, và làm rất quyết liệt. Ví dụ việc ký lại các hiệp định thương mại với các nước, Bắc Mỹ..., rồi các quyết định gần đây chứng tỏ sự quyết tâm của Mỹ là rất cao, quyết liệt, mạnh mẽ. Mỹ sẽ đi tới cùng cuộc chiến cho dù sẽ phải trả bất kể giá nào. Tôi nghĩ hiện nay là như vậy.

     Chị Thanh Tâm: Vừa rồi nhà báo có nhắc đến người khơi mào cuộc chiến thương mại là tổng thống D.Trump của nước Mỹ, như vậy theo nhà báo vai trò của tổng thống D.Trump trong cuộc chiến là gì, và nhà báo đánh giá như thế nào về con người cá nhân ông tổng thống đặc biệt này?

     Nhà báo Nguyễn Vũ Bình: Có thể nói đây là hiện tượng rất là thú vị. Ông tổng thống này rất đặc biệt, có thể nói kỳ lạ và kỳ quặc. Nói kỳ lạ và kỳ quặc nhưng mang lại lợi ích cho người dân, cho thế giới thì đó là sự thú vị. Nếu như kỳ lạ và kỳ quặc mà không mang lại lợi ích cho ai, mà hại dân hại nước thì cũng chả có gì thú vị cả. Phải nói vai trò cá nhân tổng thống D.Trump là vai trò quyết định và bao trùm. Xuất phát điểm là từ tổng thống Trump, và ông còn truyền cái quyết tâm cho chính thể, cho người dân trong cuộc chiến thương mại này. Nói về ông Trump, ban đầu ông ấy là một tỷ phú, ông ấy chưa tham gia chính trị bao giờ. Khi ông ấy tranh cử, ban đầu có sự chế nhạo của nhiều người, của các đối thủ chính trị từ đảng Dân chủ, vì cho rằng ông ấy không hiểu gì về chính trị. Ông Trump luôn nói thẳng, nói thật và rất quyết tâm. Cuối cùng ông ấy chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống. Kể cả khi ông đã làm tổng thống, nhiều người vẫn nghĩ rằng những điều khi ông nói lúc tranh cử chỉ là để tranh thủ sự bất mãn của người dân, sau khi lên tổng thống cũng sẽ làm như những người tiền nhiệm mà thôi. Không ngờ là khi làm tổng thống rồi, ông Trump đã nói cái gì là làm cái đó, ví dụ việc hủy bỏ hiệp định thương mại TPP. Như vậy, ông Trump đã nói cái gì là làm cái đó, thực hiện đúng lời hứa với người dân khi tranh cử. Phong cách của ông Trump là như vậy, riêng phong cách này đã khác với tất cả các đời tổng thống trước rồi.

     Ông D.Trump này tôi đánh giá có hai vấn đề về phong cách, chính vì hai vấn đề này, mà có sự đánh giá trái ngược nhau về ông. Phong cách thứ nhất, là ông D.Trump làm việc theo ý tưởng, theo quan niệm của ông ấy, chứ ông ấy không làm việc theo cách bài bản, lớp lang như tất cả các đời tổng thống trước. Ví dụ, các đời tổng thống trước, trong đối ngoại với một quốc gia, ví dụ Việt Nam thì phải có một chiến lược, có các chương trình, kế hoạch cụ thể, từng năm, từng quý, từng tháng, tức là phải rất bài bản, trình tự, lớp lang. Nhưng đối với ông D.Trump thì không như vậy, ông ấy làm việc theo ý tưởng, bản thân ông ấy là nhà kinh doanh và ra các quyết định theo suy nghĩ và các diễn biến, chứ không theo các chiến lược kế hoạch định trước.  Chính vì cách thức làm việc như vậy, mà cấp dưới, các cơ quan hành pháp rất khó theo. Từ trước tới nay, nhưng cơ quan và quan chức, nhân viên đều làm việc theo các chiến lược, kế hoạch bài bản. Vậy nên có rất nhiều quan chức, nhân viên không thể quen được, không thể thích nghi được với cách thức làm việc như vậy, đã phê phán tổng thống D.Trump và xin nghỉ việc. Vấn đề thứ hai về phong cách, đó là ông D.Trump rất coi thường những phát ngôn của ông trên cương vị tổng thống. Đáng ra một tổng thống thì việc phát biểu, phát ngôn phải cẩn trọng, chau truốt, nhưng ông D.Trump không đặt vấn đề quan trọng việc này. Có những điều ông Trump nói, sau đó lại nói ngược lại... chính điều này làm cho những người mô phạm, những nhà đạo đức rất khó chịu... nhiều người đánh giá những phát biểu như vậy là lôm côm.

     Hai điều về phong cách của tổng thống D.Trump đã tạo ra một trạng thái kỳ lạ ở nước Mỹ, những người ủng hộ tổng thống thì ủng hộ hết lòng, những người ghét ông Trump thì ghét cay ghét đắng. Nhưng kết quả sự lãnh đạo của tổng thống D.Trump là nền kinh tế Mỹ phát triển, các chỉ số như tăng trưởng kinh tế tăng, tỷ lệ thất giảm, thị trường chứng khoán tăng điểm... đó là những chỉ số căn bản để đánh giá năng lực lãnh đạo đất nước của một tổng thống, những vấn đề khác, cũng quan trọng nhưng không phải cơ bản và quan trọng nhất. Phong cách làm việc của tổng thống Trump, làm việc theo ý tưởng và quan niệm làm cho cấp dưới khó nắm bắt, đoán biết được việc của tổng thống, đó là mặt bất tiện, bất cập. Tuy nhiên, mặt tích cực của vấn đề này lại là đối thủ của ông Trump, các nước không có thiện chí với Mỹ cũng sẽ không đoán biết được ý đồ và việc làm của tổng thống D.Trump. Trung Quốc và Việt Nam là những nước có nhiều kinh nghiệm trong việc đoán biết, tác động có tính chất thao túng đối với các đời tổng thống trước đây, nhưng đến ông D.Trump thì không làm được việc đó nữa, vì không hiểu nổi đường đi nước bước cũng như cách thức làm việc của tổng thông D.Trump. Tổng quát lại, tất cả những việc ông tổng thống D.Trump đã làm đều mang lại lợi ích cho nước Mỹ, người dân nước Mỹ. Đối với thế giới thì ông ta đang thiết lập lại luật chơi chung, nghiêm túc, đàng hoàng. Đó là đánh giá chung về ông tổng thống D.Trump...

     (còn nữa)

Hà Nội, ngày 18/10/2018

N.V.B