Cổ nhân từ xa xưa có câu dạy rằng: "Bệnh từ miệng mà vào, hoạ từ miệng mà ra". Nhỡ mồm nhỡ miệng nói điều gì đó để rồi gây hoạ cho bản thân là chuyện ai cũng đã từng gặp phải trong đời. Tuy nhiên mức độ thảm hoạ là khác nhau, tuỳ thuộc vào vị thế và độ nổi tiếng của người phát ra câu nói dại dột nào đó. Trong thời đại 4.0, hoạ từ miệng có một danh từ chuyên môn gọi là khủng hoảng truyền thông, nó có thể gây ảnh hưởng đến rất nhiều người, nhiều tổ chức. Ai cũng có thể có sai lầm, nhưng người ta khác nhau ở chỗ đối diện và giải quyết sai lầm của mình như thế nào.
Khủng hoảng truyền thông luôn là điều xảy ra bất ngờ như một đám cháy. Đám cháy lớn luôn bắt nguồn từ một đốm lửa nhỏ. Chữa cháy sai cách thì càng cháy lớn. Bí quyết ở đây là phải phòng bị, phải tập luyện từ trước, kể cả khi chưa có đám cháy nào xảy ra. Và khi đám cháy xảy ra rồi thì phải huy động mọi nguồn lực, mọi nhân lực, mọi phương tiện, hành động thật mau lẹ, quyết liệt và có phương pháp.
Khi đám cháy xảy ra, khói bắt đầu mù mịt, có thể bạn không nhìn thấy gì, nhưng bạn phải biết ngọn lửa bắt nguồn từ đâu, vật liệu gì đang nuôi ngọn lửa, khu vực nào xung quanh có nguy cơ bắt lửa gây cháy lan. Hiểu và biết chính xác những điều này bạn mới có thể có cơ may từng bước khống chế, kiểm soát rồi dập tắt ngọn lửa. Cháy nhà gỗ, bạn có thể dùng nước dập lửa. Nhưng cháy xăng dầu thì chớ có dại dùng nước, vì xăng dầu sẽ nổi lên và tiếp tục cháy lan theo dòng nước ra chỗ khác nữa. Khi đó phải dùng cát, chăn chiên tẩm nước, bọt khí foam... mới là phương pháp đúng để cách ly và dập tắt ngọn lửa.
Khủng hoảng truyền thông cũng y như vậy. Điều đầu tiên, khi khủng hoảng truyền thông xảy ra, người lâm nạn trước hết phải nhận lỗi về mình. Mình không nói ra thì đâu có vạ miệng. Đừng đổ tại công chúng. Công chúng thì như ngọn gió. Gió thì có ở khắp mọi nơi, lửa càng cháy to và bốc cao thì càng hút gió lùa vào cấp oxi thêm cho đám cháy.
Điều thứ hai, ngọn lửa khi cháy cần đủ 3 yếu tố: vật liệu cháy, oxi, nguồn nhiệt. Thiếu bất cứ một trong ba yếu tố trên thì đám cháy mới được khống chế. Khủng hoảng truyền thông thì cũng có 3 yếu tố: sai phạm của chủ thể, công chúng, phát ngôn của chủ thể. Tuy nhiên khác với đám cháy, sai phạm của chủ thể và công chúng là hai yếu tố tĩnh, đã tồn tại lâu dài trước khi sự việc xảy ra. Ở đây, chính yếu tố phát ngôn của chủ thể mới là điều cần phải xem xét cẩn trọng nếu muốn dập lửa. Càng hung hăng thách thức công chúng càng chết. Nhưng im lặng cũng chết. Người ta thường hay khuyên: nếu không nói được điều gì tử tế thì hãy im lặng... sai! Trong trường hợp này là sai! Đã cháy rồi thì không thể im lặng. Càng im lặng thì sự đồn đoán, tranh cãi trong công chúng càng lớn, đám cháy càng to. Đối mặt với khủng hoảng truyền thông mà im lặng thì không khác gì con đà điểu cắm đầu xuống cát, mối nguy hiểm đâu có mất đi? Vì vậy, khôn ngoan nhất là phải tìm cách nhanh chóng đưa ra những phát ngôn hạ nhiệt công chúng. Đời hơn thua nhau ở cái thái độ đó đấy các bạn ạ.
Điều cuối cùng, về phương tiện và nhân lực chữa cháy. Con người ta ở đời dù nổi tiếng cũng đều có những quan hệ họ hàng, bạn bè, đồng nghiệp. Khi thấy người thân bị nạn thì phản ứng xông vào bênh vực giúp đỡ là lẽ đương nhiên. Tuy vậy đám cháy hay khủng hoảng truyền thông là một điều bất thường và hoàn toàn khác những gì vốn diễn ra trong đời sống bình thường. Vì vậy muốn dập đám cháy hay khủng hoảng truyền thông thì phải có đội ngũ chuyên nghiệp, có đào tạo. Để những người thân nhúng vào thì đôi khi lợi bất cập hại, như cháy rồi mà có người cứ đứng quạt lửa cho to thêm. Có rất nhiều người chuyên nghiệp trong việc xử lý khủng hoảng truyền thông, đừng tiếc tiền thuê họ. Không thì thiệt hại về mặt danh tiếng sẽ chuyển thành thiệt hại về mặt vật chất thực sự.
Khi tôi viết những dòng này, cơn bão ở Sóc Sơn đang ầm ầm nổ ra. Đám cháy là quá to và có thể cháy lan sang nhiều nhà hàng xóm. Vì vậy tôi muốn nói những điều đó với một thành ý là để những người trong cuộc tự nhận thức và tự cứu mình theo một cách thức phù hợp nhất. Ai cũng có thể có những sai lầm, nhất là khi sống trong một xã hội được dựng lên bằng những điều dối trá. Chấp nhận sống chung với điều xấu, thoả hiệp với cái xấu thì nhất định có ngày điều xấu sẽ vận vào mình, gây thiệt hại cho mình, đừng trách ai. Cháy thì đã cháy rồi, hãy xác định đối mặt với nó một cách dũng cảm và khôn ngoan nhất./.
Bài bình luận gần đây