Câu chuyện về Nhà hát Giao Hưởng còn đang trên bàn mổ chưa ngã ngũ thì chính quyền thành phố lại tung ra con bài mới, thách thức người dân cả nước, đặc biệt những ai đang phản biện vụ Nhà hát Giao hưởng khi Chủ tịch UBND thành phố đề nghị đặt tên quảng trường Hồ Chí Minh cho dự án Quảng trường Trung tâm & Công viên Bờ sông.
Nếu nhà hát tốn 1.500 tỷ thì Quảng trường Hồ Chí Minh tốn tới 2.000 tỷ. Quảng trướng này rộng 27 héc ta có sức chứa hơn 4 trăm ngàn người và quần thể chung quanh nó là nhà sàn, ao cá, công viên…nói chung là nơi để nhắc nhở người dân về Hồ Chí Minh, một lãnh tụ vĩ đại luôn “ám ảnh” những kẻ tai to mặt lớn, đến nỗi cứ có chuyện gì khó xử thì đem ông ấy ra như một cái bung xung nhằm che chắn cho những chính sách, hành động dối trên lừa dưới.
Theo báo chí phát hiện thì công ty Đại Quang Minh được thành phố chọn giao nhiều dự án với phương thức đổi đất lấy hạ tầng. Công ty Đại Quang Minh đầu tư 4 trục đường chính của khu Đô thị mới Thủ Thiêm và thành phố giao cho công ty này một số lô đất mà không phải qua đấu thầu. 4 trục đường có chiều dài 12 cây số và giá thành mỗi cây số là 1.000 tỷ, 12 ngàn tỷ được Đại Quang Minh đổi lấy đất của dân Thủ Thiêm thì ra bao nhiêu héc ta?
Dự án Quảng trường Trung tâm & Công viên Bờ sông ( Nay đang được đề nghị đổi tên là Quảng trường Hồ Chí Minh) cũng do công ty này thực hiện trên phương thức đổi đất lấy hạ tầng, vì vậy nói rằng thành phố bỏ ra 2.000 tỷ là không chính xác, phải nói thẳng là thành phố đã cướp đất của dân Thủ Thiêm để xây dựng quảng trường này.
Trước cửa UBND thành phố đã hiện diện một pho tượng của bác nhiều chục năm nay, cũng công viên, ghế đá, chung quanh là khu vui chơi giải trí nhưng thú thật ngàn lần như một khi chạy xe ngang lúc nào tôi cũng tự hỏi tại sao lại vắng người như thế? Mặc dù đây là địa điểm vàng của thành phố, người dân lúc nào cũng tấp nập qua lại nhưng không ai ghé vào những chiếc ghế đá trong công viên có tượng Bác để ngồi nghỉ hay ngắm nghía khung cảnh chung quanh.
Lý do thì có nhiều nhưng nói là người dân Sài Gòn không thích loại tượng đài như vậy cũng là một cách trả lời.
Khi Quảng trường Hồ Chí Minh thành hình, người dân thành phố chắc chắn sẽ đến vui chơi trong thời gian đầu tiên vì tò mò, vì muốn xem mức độ hoành tráng của nó như thế nào và nhất là họ sẽ ghé vào nhà sàn của Bác thăm ao cá, và sau đó thì … thôi, không đến nữa vì quá xa và nhất là không có gì hấp dẫn để xem.
Sẽ có từng đoàn khách tham quan do các UBND các tỉnh (Hay chính UBND Thành phố) vận động về thăm Quảng trường như một cách ghi nhớ công ơn của Bác, còn phía sau cái kết quả “ghi nhớ” ấy đố ai mà biết được có bao nhiêu phong bì sẽ tiêu tốn trong các lần “ghi nhớ” như vậy?
Còn người dân Thủ Thiêm thì sao?
Họ đâu còn ở Thủ Thiêm nữa mà đến những nơi sang trọng như Nhà hát Giao Hưởng hay hoành tráng như Quảng trường Hồ Chí Minh. Nhưng có lẽ thời gian đầu họ sẽ lặn lội từ những nơi mà họ bị buộc di dời như Cát Lái, Bình Trưng, Thạnh Mỹ Lợi và Nam Rạch Chiếc để đến mục kích những công trình mọc lên từ nước mắt lẫn máu của họ. Giống như thân nhân chết vừa mới chôn, sau ba ngày thì phải về mở cửa mả vậy.
Đó là những gia đình chấp nhận di dời vì không còn cách nào khác, còn hàng ngàn hộ đang vất vưởng người không ra người, ma không ra ma thì chắc chắc họ sẽ gọi nhau mà đến. Thay vì khiếu kiện tận Hà Nội thì sẵn có Bác đang ở đây họ thay nhau trình bày nỗi oan ức của mình cũng như sự tha hóa tận cùng của những cán bộ lãnh đạo của Thành phố. Đây là cơ hội vàng cho những con người khốn khổ lầm than mà không bút mực nào tả cho hết nỗi đau thấu trời của họ.
Rồi sẽ bắt bớ, sẽ xuống đường, sẽ đánh đập người dân như đã và đang xảy ra. Nhưng cùng khổ như dân Thủ Thiêm thì có gì làm họ khiếp sợ được nữa?
Bài bình luận gần đây