You are here

EVFTA: KHÚC QUANH Ở NỘI BÀI

Ích lợi to lớn của Hiệp định Thương mại Tự do EU - Việt Nam (EVFTA) đối với kinh tế đất nước cũng như triển vọng Việt Nam nhờ Hiệp định mà tiến lại gần hơn với Âu-Mỹ để giảm dần lệ thuộc vào Trung Quốc là hết sức rõ ràng và không có gì bàn cãi [1]. Điều này càng có ý nghĩa hệ trọng hơn nhiều trong bối cảnh chiến tranh thương mại giữa Mỹ, và theo sau là toàn bộ khối Tây phương, với Trung Quốc đang dần leo thang.

Thế nhưng con đường EVFTA lại chẳng bằng phẳng chút nào. Khởi động từ 2012, sau một giai đoạn đàm phán và ký kết tương đối suôn sẻ, EVFTA đã bị trì hoãn phê chuẩn, lúc thì bởi vướng mắc pháp lý từ phía EU, khi thì do những quan ngại đối với vấn đề lao động, môi trường và nhân quyền của phía Việt Nam.

Và tối nay, con đường EVFTA gập ghềnh này sẽ có một khúc quanh đặc biệt ở Nội Bài khi Tiến sĩ Nguyễn Quang A (A Nguyen Quang) lấy chuyến bay đi Brussels, Bỉ tham dự phiên điều trần trước Ủy ban Thương mại Quốc tế thuộc Quốc Hội EU (INTA) trong tư cách đại diện xã hội dân sự Việt Nam.

INTA hiện nắm chìa khóa của EVFTA, và phiên điều trần lần này là dịp quan trọng để họ cân nhắc những vấn đề quan trọng nhất còn sót lại của EVFTA, bao gồm lao động, môi trường và nhân quyền, trước khi đi đến quyết định có trình ra Quốc Hội EU để phê chuẩn trong kỳ họp cuối cùng vào tháng 3/2019 hay không.

Sau thời điểm này, EU sẽ bầu Quốc Hội mới và chẳng ai biết số phận của EVFTA sẽ đi về đâu, theo lời của chính Chủ tịch INTA Bern Lange trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 7 vừa rồi. [2]

Thế thì vì sao chuyến bay của Tiến sĩ Nguyễn Quang A chiều nay lại là một khúc quanh đặc biệt của EVFTA?

Vì một trong hai kịch bản sau có thể xảy ra:

Nếu chuyến bay suôn sẻ thì qua những gì lâu nay Tiến sĩ thể hiện trong những bài viết và phỏng vấn, chúng ta có thể dự đoán được Tiến sĩ sẽ tập trung vào việc hoàn thiện những cơ chế để EVFTA đem đến lợi ích bao trùm hơn, không chỉ cho các doanh nghiệp hai bên mà còn là quảng đại người lao động, không chỉ cho những con số tăng trưởng mà còn vì môi trường môi sinh, không chỉ mở mang đời sống vật chất mà còn nâng lên phẩm giá con người.

Còn trong trường hợp Tiến sĩ bị chặn lại như hôm 18 tháng 9 vừa rồi (và sau đó, hộ chiếu đã bị chỉnh sửa như hình bên dưới) [3], thì những điều sau sẽ xảy ra:

Ảnh: Trang hộ chiếu của Tiến sĩ Nguyễn Quang A bị cơ quan an ninh chỉnh sửa năm sinh trong lần cấm xuất cảnh ngày 18/9/2018.

(1) Thông tin về việc Tiến sĩ bị chặn sẽ được thông báo tại phiên điều trần như một dẫn chứng để INTA đánh giá tình hình Việt Nam;

(2) Hình ảnh trang hộ chiếu bị tẩy xóa như một cách thức của chính quyền Việt Nam ngăn chặn tiếng nói xã hội dân sự sẽ xuất hiện trong phiên điều trần và chắc chắn sẽ còn được bàn tán nhiều về sau;

(3) Quan trọng hơn, người được INTA chọn thay thế Tiến sĩ Quang A không ai khác chính là đại diện của Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền (FIDH) - tổ chức có bà Tổng Thư ký Debbie Stothard tháng trước vừa bị chặn và câu lưu cũng tại Nội Bài khi trên đường đến Việt Nam tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF). Không khó để dự đoán FIDH sẽ nói gì trong phiên điều trần khi đây là tổ chức nhiều năm vừa qua chỉ trích quyết liệt các nhà đàm phán EU quá ưu tiên thương mại lên trên nhân quyền. [*]

Con đường EVFTA vốn đã gập ghềnh, theo đó, sẽ còn lắm chông gai hơn nữa.

Tóm lại, nếu tối nay Tiến sĩ Nguyễn Quang A bị chặn thì khả năng cao là khúc quanh Nội Bài sẽ dẫn lối EVFTA vào vực thẳm, và những người nắm quyền hiện nay sẽ phải chịu trách nhiệm trước lịch sử vì đã để Việt Nam, trong một giai đoạn gay go của thời cuộc, lỡ tàu hội nhập một lần nữa.

[Update] Sau khi bài viết này được đăng lên ít lâu, TS Nguyễn Quang A đã lên máy bay với cuốn hộ chiếu mới được Bộ Công an trao tận tay sát giờ lên máy bay. 

[*] Nói thế không có nghĩa là giữa Tiến sĩ Nguyễn Quang A và FIDH (hoặc là các tổ chức quốc tế về nhân quyền khác) có gì mâu thuẫn nhau. Giữa họ kỳ thực chỉ khác nhau đôi chút về cách tiếp cận khi một bên coi EVFTA là công cụ để thúc đẩy xã hội Việt Nam theo hướng văn minh, tiến bộ toàn diện trong dài hạn, còn bên kia thì tin rằng có thể tận dụng Hiệp định để gây áp lực khiến Chính phủ Việt Nam phải nhượng bộ ngay lập tức - đôi bên đều hướng tới mục tiêu chung là một Việt Nam tốt đẹp hơn.

[1]https://www.facebook.com/nguyen.anh.tuan8690/posts/2274259595922254

[2] https://nhipcaudautu.vn/thuong-truong/fta-viet-nam-eu-ap-luc-toi-phan-viec-sau-cung-3325146/

[3] https://www.facebook.com/a.nguyenquang.16/posts/2312466328981396
https://www.facebook.com/a.nguyenquang.16/posts/2323697807858248


Đọc thêm:

AI ĐANG CẢN TRỞ EVFTA? 
https://www.facebook.com/nguyen.anh.tuan8690/posts/2274259595922254

EVFTA: VIỆT NAM LẠI LỠ TÀU?
https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=113076786322386&id=100028601956750