You are here

Nhất thể hóa và thuyết âm mưu

Ảnh của canhco

Dư luận mạng xã hội bị đánh thức sau cái status trên Facebook của Trương Huy San, tức Osin hay nhà báo Huy Đức bàn về nhất thể hóa nhân việc Chủ tịch nước Trần Đại Quang vừa từ trần. Ý tưởng sát nhập, hay nói theo thuật ngữ của Đảng là “Nhất thể hóa” chức danh Chủ tịch nước và Tổng bí thư làm một đã nhắc nhở cho nhiều người quan tâm đến vấn đề này nảy sinh rất nhiều câu hỏi, mà câu hỏi đầu tiên lại chỉa thẳng vào Trương Huy San, tại sao lại đưa ra chủ đề này chỉ sau một vài ngày khi chiếc quan tài của ông Quang chưa kịp ấm đất?

Tôi không đặt câu hỏi với nhà báo Huy Đức, tôi chỉ ngẫm nghĩ về một số điều xoay chung quanh câu chuyện nhất thể hóa, nó vừa đúng vừa sai. Đúng với người này nhưng sai với người khác. Đúng với địa phương nhưng lại tỏ ra không hiệu quả với trung ương, và có lẽ nhất thể hóa là một chương trình dài hơi đã chuẩn bị kỹ lưỡng từ kịch bản tới nhân vật trong đó không ít vai phản diện đã bị đào thải khỏi sân khấu.

Nhất thể hóa là tinh giảm nhân sự giữa Đảng và chính phủ. Nếu Đảng được xem là cơ quan quyền lực hoạt động trên căn bản lý luận, định hướng, dẫn dắt đảng viên phục vụ đất nước cũng như phục vụ cho chính nó thì vai trò chính phủ được xem là điều hành và phát triển đất nước. Nếu một Bí thư đảng ủy không được người dân bầu ra mà do Đảng chí định thì Chủ tịch một Hội đồng Nhân dân phải đi nhặt từng lá phiếu để chứng minh rằng mình được nhân dân bầu lên.

Theo lẽ đó, nếu một Bí thư cấp xã cũng sẽ thay thế Chủ tịch Hội Đồng Nhân dân Xã để trở thành Chủ tịch Xã theo tinh thần nhất thể hóa thì Đảng đã vi hiến trầm trọng bởi tiếm quyền và tước đoạt tính chính danh của thể thức bầu cử do hiến pháp lập ra.

Báo chí hết lời ca ngợi mô hình nhất thể hóa đã áp dụng thành công tại nhiều tỉnh phía Bắc nhưng báo chí cũng như hệ thống chính trị do Đảng cầm đầu không chứng minh được cho dân chúng thấy một cách cụ thể sự thành công này đã làm họ hưởng được kết quả thế nào? Tiết kiệm được bao nhiêu và con số tiết kiệm được đó đã giúp ích được gì dân chúng trong hai năm qua?

Người dân bình thường hẳn nhiên không quan tâm tới việc nhất thể hóa. Cái họ quan tâm là kinh tế gia đình, là giáo dục cho con em họ và biện pháp y tế của chính quyền có giúp gì được cho gia đình họ hay không. Liệu nhất thể hóa có làm cho ba mối quan tâm hàng đầu ấy của người dân tốt hơn so với thực trạng trước đó?

Nếu ai tham gia vào mạng xã hội và chú ý tới chính trị thì phía sau ba chữ “Nhất thể hóa” là một kịch bản lớn của Trung ương mà sự chuẩn bị của nó không kém công phu lẫn kiên trì để trở thành sự thật vào ngày 2 tháng 10 trong Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa  XII tại Thủ đô Hà Nội. Trong Hội nghị này vấn đề nhân sự nhất thể hóa chắc chắn sẽ được bàn tới và kịch bản đang hoàn tất đúng quy trình.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không những được các chính khách trong nước bàn bạc mà các nhà nghiên cứu tình hình Việt Nam cũng không rời mắt tới từng động tác của ông trong sự nghi ngờ hết sức hợp lý khi cho rằng ông sẽ trở thành Chủ tịch nước thay vì Tổng bí thư như từ trước tới nay. Nguyên nhân của sự nghi ngờ này rất dễ thấy vì báo chí đã dành sẵn nhiều trang để nhắc nhở tới sự nhất thể hóa cấp trung ương từ những tháng trước. Ông Trọng ngầm chứng minh với dư luận về vai trò hợp lý của mình trong chức danh Chủ tịch nước qua các hoạt động đối ngoại mà rõ và mới nhất là những chuyến công du Bắc Kinh và Moskva trước khi ông Quang mất.

Ông Đinh Thế Huynh, người được xem sẽ thay thế ông Trọng sau khi ông TBT về hưu vào giữa nhiệm kỳ, nhưng ông Huynh không còn xuất hiện trong gần hai năm qua làm cho thuyết âm mưu có cơ đứng vững hơn vì ông Trọng chưa muốn về nhà an dưỡng trong lúc này khi đang bận đút những thanh củi được xem là “phe thù nghịch” của mình.

Ông Trần Đại Quang cũng thế, nhân vật chính trong thuyết âm mưu khi mắc chứng bệnh nan y như Nguyễn Bá Thanh vài năm trước dưới hình thức bị đầu độc. Ông Quang chết thì ông Trọng mới có cơ hội thực hiện giấc mơ nhất thể hóa. Từ những điểm đen vừa kể ông Trọng trở thành kẻ bị tình nghi số một nếu Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa  XII bỏ phiếu cho ông thỏa mãn giấc mơ mà Tập Cận Bình đã thành công trước đó.

Ngồi nghe Hội Nghị biểu quyết “buộc” mình phải nhận trọng trách Chủ tịch nước, ông Trọng hẳn sẽ ưu tư nếu còn chút tự trọng, bởi người đồng chí Trần Đại Quang vừa nằm xuống để ông bước lên không phải là một hình ảnh đẹp. Cách tốt nhất để ông thoát khỏi sự nghi ngờ đã chín muồi trong dân gian là ông nên để cho người dân tỏ thái độ về việc nhất thể hóa bằng lá phiếu trưng cầu dân ý của họ. Nếu ông tin Đảng do ông lãnh đạo vẫn được nhân dân tin yêu như nhiều lần tuyên bố thì không việc gì phải mang cái xú danh “giết bạn để làm vua”.

 

* Đây là trang Blog cá nhân của Cánh Cò. Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA