Tin ông Trần Đại Quang qua đời lúc 10h05 ngày 21 tháng 9 năm 2018 dường như không làm người nghe ngạc nhiên, thậm chí còn tạo ra nhiều luồng dư luận trái chiều và gây ngạc nhiên cho giới quan sát. Điều đáng ngạc nhiên nhất là thái độ của đại bộ phận nhân dân trước cái chết của một nguyên thủ quốc gia. Thay vì thương tiếc một vị Chủ Tịch, không ít người tỏ ra vui mừng, thậm chí reo mừng. Tại sao lại đến nông nỗi như đang thấy?
Hiện tại, sau tin Chủ tịch Trần Đại Quang chết chưa đầy nửa ngày, đã có nhiều facebook kêu gọi “tuần hành” tưởng nhớ ông. Đương nhiên, đây là cuộc tuần hành không phải để “tưởng nhớ” như chủ trang này “kêu gọi”. Bởi điều này không cần phân tích, mổ xẻ nhiều lắm cũng đủ nhận ra chủ trang facebook này là ai và họ có thiện cảm gì với chế độ cầm quyền.
Vấn đề đáng nói ở đây là người Việt vốn giữ đạo lý “nghĩa tử nghĩa tận”, cho dù ghét nhau đến mức nào thì khi nhắm mắt lìa đời, người ta cũng tránh nói đến những thói hư tật xấu của người chết và chỉ nhắc đến những gì tốt đẹp như một sự yên ủi, tiễn biệt nhẹ nhàng, ấm tình người… Nhưng ở đây thì không, thay vì hoặc im lặng, hoặc bày tỏ sự phân ưu, người ta lại vui mừng, thậm chí reo mừng! Phải chăng người Việt đã trở nên vô cảm? Hoặc nền giáo dục Việt Nam đã đẩy con người đến chỗ không còn tinh thần tương thân tương ái, nghĩa tử nghĩa tận hoặc có một vấn đề gì khác?
Cái khả năng thứ nhất và thứ nhì có vẻ như không hẳn đúng. Vẫn biết là người Việt Nam có phần vô cảm hơn so với trước, nền giáo dục Việt Nam cũng góp phần không nhỏ đến việc làm băng hoại nhiều thế hệ. Nhưng điều đó không có nghĩa là tính nhân cảm của dân tộc này bị loại bỏ hoàn toàn một sớm một chiều. Hơn nữa, giếng mối tộc họ, xóm làng, tình anh em đồng nghiệp, tình đồng hội, đồng thuyền, đồng hương, tình luyến lưu giọng nói cùng quê… Là chất keo gắn kết con người với con người trong mọi hoàn cảnh.
Và điều này càng được minh chứng rõ hơn giữa xã hội ngày càng khắc nghiệt này, vẫn có nhiều nghĩa cử, nhiều tấm lòng làm đẹp cuộc sống. Phải nói là những nghĩa cử, tấm lòng này không hề ít! Như vậy, hai khả năng trên nghe có vẻ không hợp lý để giải thích cho sự vui sướng của đại bộ phận nhân dân trước thông tin về cái chết của Chủ tịch Trần Đại Quang.
Mà vấn đề đáng sợ ở đây là mối thiện cảm có được của đảng Cộng sản dường như hoàn toàn mất dấu trong nhân dân và trong chính nội bộ đảng Cộng sản. Nếu như cái chết của Chủ tịch Hồ Chí Minh cách đây 49 năm khiến cho hàng triệu trái tim người miền Bắc và hàng trăm ngàn trái tim người Cộng sản tại miền Nam Việt Nam thổn thức bao nhiêu thì hiện nay, cái chết của một vị Chủ tịch của cùng một chế độ Cộng sản lại khiến cho hàng triệu người miền Bắc cười thầm và hàng triệu người miền Nam reo hò. Chưa dừng ở đó, nếu như cái chết của Hồ Chí Minh khiến cho không ít các đồng chí của ông thấy tuyệt vọng, rớt nước mắt thì cái chết của Chủ tịch Trần Đại Quang lại khiến cho rất nhiều đồng chí của ông mừng thầm vì mới có một cái ghế quyền lực bỏ trống, và cơ hội tranh đoạt lại bắt đầu!
Điều này cho thấy ngay trong nội bộ đảng Cộng sản cũng đã có nhiều chuyển biến và càng ngày, sự chuyển biến này càng lớn. Nếu như trước đây, cơ chế cũng như động cơ hoạt động của đảng Cộng sản chủ yếu dựa vào lý tưởng xây dựng đảng thì bây giờ, cơ chế và động cơ hoạt động của những người Cộng sản đã hoàn toàn phá bỏ những lý tưởng đó và hai chữ Cộng sản chỉ duy trì trên mặt khẩu hiệu, hình thức. Mục tiêu lớn nhất của người Cộng sản bây giờ là tranh đoạt quyền lực và vinh thân phì gia, bất chấp sự thăng trầm của hệ thống hay cái chết của đồng chí.
Và đây cũng là cốt lõi dẫn đến sự mất niềm tin trong nhân dân. Một phần nhân dân trở nên vô cảm bởi sống trong cơ chế kiểm kẹp gắt máu của chế độ, thụ đắc nền giáo dục lạc hậu và vô cảm của chế độ, một phần khác, chính những cú áp phe quyền lực, bất chấp số phận của nhân dân và thậm chí biến nhân dân thành một đám dân đen dốt nát để dễ bề sai bảo và ngày càng thể hiện sự xa hoa, sự coi thường nhân dân một cách trơ tráo, thô bạo của người Cộng sản đã khiến cho nhân dân nhìn đảng Cộng sản bằng con mắt khác.
Theo thời gian, nếu như cái chết của người lãnh đạo Cộng sản những năm thập niên 1970 là một quốc tang thực sự của nhiều người theo lý tưởng Cộng sản, thì đến những năm 1980, nó đã phai nhạt, đến thập niên 1990 thì chuyện quốc tang chỉ còn là hình thức, đến những năm 2000, quốc tang đã chia đôi dư luận một cách rõ rệt, kẻ khen, người chê nhà lãnh đạo. Và đến thời điểm hiện nay, dường như quốc tang đang trở thành trò cười hoặc sự hả hê của số đông, đáng sợ nhất là trong số đông ấy có cả số đông các đồng chí thuộc nhóm lợi ích đối lập với nhà lãnh đạo vừa chết!
Có thế nói rằng cuộc sống dằng dai sau 6 lần đi điều trị bệnh “nhiễm virus lạ” tại Nhật Bản mà sau mỗi lần điều trị, ông Trần Đại Quang lại xuất hiện với một diện mạo khác thường, điều này gây ra nhiều nghi vấn về “Quang thật Quang giả” (cũng giống như năm sinh trên giấy tờ của ông cũng khiến cho người ta không thể không nghi vấn) thì dù sao đi nữa, cái chết chính thức của ông lần này cũng cởi bỏ được nhiều nghi vấn Quang thật Quang giả. Và đúng như Ông Nguyễn Quốc Triệu, Trưởng ban bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương đảng CSVN nói là ông Quang đi Nhật chữa bệnh 6 lần, thì ông cũng có 6 lần xuất hiện trước công chúng với 6 diện mạo khác nhau.
Con số 6 lần này đặt ra dấu hỏi liệu có thật hay không thật 6 lần đi điều trị bệnh tại Nhật Bản? Hay con số 6 lần là một sự tính toán để trùng khớp với 6 lần ông Trần Đại Quang xuất hiện một cách khác thường? Và liệu có phải ngày công bố cái chết là ngày chết thực sự hay ông đã chết một ngày nào đó không phải là ngày công bố?
Nói cho cùng, những câu hỏi đặt ra cũng chẳng giài quyết được gì một khi ông Trần Đại Quang đã chết. Nhưng cái chết của ông lại đóng vai trò nhiệt kế về lòng tin của người dân vào chế độ. Công tâm mà nói thì mặc dù ông Quang từng làm Bộ trưởng Bộ Công an, thời ông làm Bộ trưởng cũng khá gắt máu. Nhưng trên cương vị Chủ tịch nước, đứng trước bộ sậu “tứ trụ”, ông là người chiếm được thiện cảm của nhân dân hơn cả. Vì chí ít, lựa chọn chuyến thăm đầu tiên sau khi nhậm chức Chủ tịch nước, ông không thăm Trung Quốc như các tiền nhiệm đã làm mà ông chọn thăm Hoa Kỳ. Chính điều này giúp ông chiếm được thiện cảm nhân dân nhiều hơn ba nhân vật còn lại trong bộ tứ.
Thử hỏi, một người chiếm được lòng dân trong bộ tứ chóp bu đảng Cộng sản mà khi chết, người dân còn tỏ ra hồ hỡi, các đồng chí còn tỏ ra vui mừng vì có ghế trống để tranh đoạt như vậy, thì liệu các quan chức Cộng sản khác chết, phản ứng của người dân sẽ đi đến đâu? Dù sao chúng tôi cũng xin cầu nguyện ông – vị Chủ tịch Cộng sản Việt Nam được ra đi thanh thản! Bởi ra đi thì mọi thứ đã không còn gì, đã về cát bụi, về với đất mẹ. Tiếng thơm hay tiếng xấu rồi cũng chỉ ở lại với nhân gian, nó không thuộc cõi khác!
Bài bình luận gần đây