Ngày 12 tháng 8 vừa qua, tại Hội nghị toàn quốc về công tác phòng chống tham nhũng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có một chỉ đạo đáng chú ý, khi ông yêu cầu “Ủy ban Kiểm tra Trung ương được quyền kiểm tra và thi hành kỷ luật đảng xuống đảng bộ cấp huyện và cơ sở khi cần thiết”. [1]
Ít lâu sau đó, trong một động thái hưởng ứng chỉ đạo của TBT, Ủy ban Kiểm tra Trung ương ra thông báo sẽ rút hồ sơ của Trương Quý Dương, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình để xử lý kỷ luật, vì mặc dù ông Dương được xác định là có khuyết điểm, vi phạm nhưng Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình lại không xem xét. [2]
Những diễn biến này, tuy không trống giong cờ mở, nhưng lại đang phản ánh một xu hướng quan trọng trong lĩnh vực kiểm tra - kỷ luật ở Việt Nam, khi mà bộ máy kiểm tra đang chuyển dần từ mô hình “cấp ủy cùng cấp lãnh đạo”, sang mô hình “ngành dọc”, theo đó Ủy ban Kiểm tra Trung ương sẽ có nhiều quyền hơn trong việc xử lý cán bộ ở các cấp vốn lâu nay không nằm trong thẩm quyền của cơ quan này, và ủy ban kiểm tra các cấp sẽ phụ thuộc vào Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhiều hơn.
Theo Điều lệ Đảng CSVN hiện hành, ủy ban kiểm tra các cấp do “cấp ủy cùng cấp bầu”, “làm việc theo chế độ tập thể, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy cùng cấp và sự chỉ đạo, kiểm tra của ủy ban kiểm tra cấp trên” - chế độ song trùng trực thuộc (dual leadership) [3]. Tuy nhiên, vì được bầu ra từ cấp ủy cùng cấp và được coi như cấp dưới của các lãnh đạo cấp ủy nên trên thực tế ủy ban kiểm tra có xu hướng trở thành một cơ quan thanh tra nội bộ của cấp ủy địa phương. Đây là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng “bao che sai phạm trong nội bộ của các địa phương, cơ quan, đơn vị” như trong kết luận của Hội nghị toàn quốc về công tác phòng chống tham nhũng vừa qua.
Sự chuyển đổi này cũng không phải là sáng kiến của Đảng CSVN mà, tương tự như nhiều cải cách khác, là học hỏi từ Trung Quốc. Hệ thống Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật của Đảng CSTQ, tuy khác với Việt Nam ở chỗ do Đại hội chứ không phải cấp ủy bầu ra, song một thời gian dài cũng hoạt động thực chất dưới cơ chế ‘cấp ủy lãnh đạo’ (dù trên danh nghĩa vẫn là song trùng trực thuộc như Việt Nam). Tuy nhiên, Trung Quốc đã cải cách liên tục cơ cấu, chức năng, quyền hạn của hệ thống Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật bắt đầu từ Đại hội 16 năm 2002 dưới thời TBT Hồ Cẩm Đào và đạt cao điểm từ Đại hội 18 năm 2012 dưới thời TBT Tập Cận Bình, theo hướng tăng quyền cho hệ thống này, tiến dần tới một cơ quan kiểm tra ngành dọc có thực quyền sinh sát xuyên suốt hệ thống chính trị từ trung ương tới cơ sở. Đến lượt nó, những thay đổi này phản ánh xu hướng tập quyền trong chính trị nội bộ Trung Quốc.
Nếu vẫn theo chiều hướng ‘học hỏi’ này như lâu nay, rất có thể tới đây Đảng CSVN sẽ tiếp tục ban hành các quy định như sau:
(1) Trung ương sẽ trực tiếp quyết định các vị trí Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra ở các thành phố lớn như Hà Nội và TPHCM, các vị trí này báo cáo và chịu sự chỉ đạo trực tiếp từ Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
(2) Ủy ban Kiểm tra các cấp sẽ phụ thuộc vào Ủy ban Kiểm tra cấp trên về nhân sự, tổ chức và hoạt động, và độc lập với cấp ủy cùng cấp.
(3) Tăng thêm số lượng các đoàn kiểm tra (tuần thị tổ - xunshizu) được Ủy ban Kiểm tra Trung ương cử về địa phương ‘đánh án’.
(4) Ủy ban Kiểm tra Trung ương sẽ thành lập thêm các cơ quan phụ trách việc tuyển dụng nhân sự (riêng cho Ủy ban) cũng như tuyên truyền nhằm tăng sức mạnh của Ủy ban.
Cũng như Trung Quốc, những thay đổi này, một khi xảy ra, sẽ củng cố xu hướng tập quyền trong chính trị nội bộ Việt Nam, được khởi động từ sau Đại hội 12 và đang có dấu hiệu tăng tốc thời gian gần đây.
—
[1] https://vov.vn/chinh-tri/toan-van-phat-bieu-cua-tong-bi-thu-ve-phong-chong-tham-nhung-779201.vov
Bài bình luận gần đây