You are here

Tìm hiểu về cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư hay Cách mạng công nghiệp 4.0 (tiếp theo)

Ảnh của nguyenvubinh

     ...

     Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ ba xuất hiện cũng sau gần 100 năm so với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ hai, tức là vào khoảng năm 1969-1970, với sự ra đời và lan tỏa của công nghệ thông tin, sử dụng điện tử và công nghệ thông tin để tự động hóa sản xuất. Cuộc cách mạng này thường được gọi là cuộc cách mạng máy tính hay cách mạng số vì nó được xúc tác bởi sự phát triển của chất bán dẫn siêu máy tính, máy tính cá nhân và Internet. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba được thúc đẩy nhờ cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại. So với các cuộc cách mạng lần thứ nhất và lần thứ hai trước đây chỉ thay thế một phần chức năng lao động chân tay của con người bằng máy móc cơ khí, hoặc tự động hóa cục bộ thì khác biệt của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại là sự thay thế phần lớn và hầu hết chức năng của con người (cả lao động chân tay và lao động trí óc) bằng các thiết bị máy móc tự động hóa hoàn toàn trong quá trình sản xuất nhất định.

     Cơ sở năng lượng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba, bao gồm  việc phân rã hạt nhân với những chất thải gây ô nhiễm môi trường và tổng hợp hạt nhân, hay còn gọi là tổng hợp nhiệt hạch. Tổng hợp nhiệt hạch chính là nguồn năng lượng mới cho tương lai, không kèm theo các sản phẩm gây ô nhiễm môi trường.

     Cách mạng công nghiệp lần thứ ba đã làm thay đổi chức năng và vị trí của con người từ nền tảng điện - cơ khí sang nền tảng cơ - điện tử và cơ - vi điện tử, đồng thời chuyển nền sản xuất sang các ngành công nghệ cao như công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu Nano, công nghệ sinh học, công nghệ năng lượng mới, công nghệ vũ trụ... Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba không chỉ góp phần tiết kiệm lao động sống như hai cuộc cách mạng công nghiệp trước mà đã tạo điều kiện tiết kiệm hơn các tài nguyên thiên nhiên và các nguồn lực xã hội, cho phép chi phí ít hơn để tạo ra cùng một khối lượng hàng hóa tiêu dùng.

     Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang được hình thành trên nền tảng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba và cách mạng khoa học công nghệ hiện đại. Cuộc cách mạng này có đặc trưng là sự kết hợp các  công nghệ giúp xóa nhòa ranh giới giữa các lĩnh vực khoa học vật lý, sinh học, số hóa.    

     II/ Bối cảnh ra đời, đặc trưng và bản chất cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư

     Thuật ngữ “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, tiếng Anh là The Fourth Industrial Revolution, hay còn gọi là “Công nghiệp 4.0”, lần đầu tiên được đưa ra tại Hội chợ Công nghệ Hannover, Cộng hòa Liên bang Đức vào năm 2011. Trong tháng 10/2012, Nhóm công tác của Cộng hòa Liên bang Đức về “Công nghiệp 4.0” dưới sự chủ trì của hai ông, Siegfried Dais (thuộc Robert Bosch GmbH) và Henning Kagermann (thuộc Acatech) đã trình bày các nguyên tắc Công nghiệp 4.0 đề xuất thực hiện đối với chính phủ Đức. Ngày 08/4/2013 cũng tại Hội chợ hannover, báo cáo cuối của Nhóm công tác đã được trình bày. Đó cũng là tên gọi làn sóng thay đổi sản xuất đang diễn ra tại Đức.

     Ở một số nước khác, cuộc cách mạng này được gọi là “Công nghiệp IP”, “Sản xuất thông minh” hay “Sản xuất số”. Dù tên gọi có khác nhau, nhưng ý tưởng chung vẫn là một: sản xuất tương lai mang thế giới ảo và thế giới thực xích lại gần nhau. Từ đó, thuật ngữ “Công nghiệp 4.0” được sử dụng khá rộng rãi trên thế giới để mô tả cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

     1/ Bối cảnh ra đời của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư    

     Một cuộc Cách mạng công nghiệp ra đời, luôn được xác định bởi hai lực đẩy và kéo. Lực đẩy chính là các cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật, khoa học công nghệ, có những công nghệ thúc đẩy các cá nhân, doanh nghiệp, và chính phủ áp dụng để nâng cao năng suất, hiệu quả công việc, quy trình sản xuất và cơ cấu lại nền kinh tế, từ đó đem lại nhiều lợi ích, thậm chí có tính bùng nổ, bước ngoặt. Tức là từ những công nghệ mới được sáng tạo ra, người ta áp dụng để mang lại hiệu quả cao hơn cho doanh nghiệp và nền kinh tế. Như vậy gọi là lực đẩy của cách mạng khoa học công nghệ. Lực kéo lại là những mong muốn, sức ép và hi vọng từ thực tế vận động của các doanh nghiệp và nền kinh tế. Lực kéo có thể đến từ các cuộc khủng hoảng, từ nỗi lo bị doanh nghiệp, nền kinh tế khác vượt qua và từ nhiều nguyên nhân khác.

     Đối chiếu vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chúng ta thấy một loạt các sáng tạo công nghệ là nền tảng và tạo cảm hứng cho sự ứng dụng cũng như các sáng tạo tiếp theo. Đó là sự kết nối của con người trên hệ thống Internet, trên quy mô toàn cầu. Sự kết nối của con người thông qua Internet đã xóa bỏ khoảng cách về địa lý giữa con người, làm cho sự giao tiếp, trao đổi và hợp tác của con người được trực tiếp, không phụ thuộc vào khoảng cách địa lý. Đây là một bước ngoặt, và bước ngoặt này chín muồi khi phần lớn nhân loại được tương tác trực tiếp với nhau. Chính từ sáng tạo này, đã đẩy tới một sáng tạo khác, vạn vật kết nối, tức là không chỉ con người kết nối mà cả đồ vật cũng được kết nối. Cùng với vạn vật kết nối là một loạt các sáng tạo công nghệ như năng lượng mới, năng lượng nhiệt hạch, công nghệ vật liệu mới, công nghệ cảm biến, trí tuệ nhân tạo, vv...

     (còn nữa)

Hà Nội, ngày 26/8/2018

N.V.B