You are here

Tìm hiểu về cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư hay Cách mạng công nghiệp 4.0

Ảnh của nguyenvubinh

     Khoa học và công nghệ hiện nay đang phát triển nhanh chưa từng có, đã  và đang tạo ra một cuộc cách mạng khoa học và công nghệ mới, thúc đẩy loài người bước vào cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (thường được gọi là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0). Để không bị đẩy ra khỏi tiến trình phát triển chung của nhân loại tiến bộ, các quốc gia đều phải tiến hành đổi mới và hội nhập để khai thác tốt nhất và hạn chế tối đa những khó khăn do cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đưa tới. Tìm hiểu về cuộc Cách mạng công nghiệp đang diễn ra là một việc làm cần thiết và ý nghĩa.

     I/ Tổng quan về các cuộc Cách mạng công nghiệp     

     Cách mạng công nghiệp là khái niệm để chỉ những thay đổi cơ bản, có tính chất bước ngoặt của nền sản xuất và các điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội dựa trên sự thay đổi mang tính cách mạng của khoa học kỹ thuật, khoa học công nghệ. Cách mạng công nghiệp liên quan chủ yếu đến sản xuất, và có các bước đột phá về kinh tế, xã hội. Cách mạng công nghiệp là hệ quả và kết quả của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật, khoa học công nghệ.

     Cách mạng khoa học kỹ thuật là những phát triển vượt bậc, có tính bước ngoặt của khoa học và kỹ thuật. Cách mạng khoa học công nghệ về cơ bản không khác nhiều với cuộc mạng khoa học kỹ thuật, ở đó kỹ thuật được nâng lên, tổ hợp lại thành công nghệ.

     Các cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật, cách mạng khoa học công nghệ ra đời từ nhu cầu tăng cao của con người trong suốt tiến trình phát triển của lịch sử. Trong khi đó, sức lực và khả năng của con người có hạn không thể đáp ứng tất cả các nhu cầu ngày càng tăng cao ấy, đồng thời tài nguyên cũng có hạn, không thể đáp ứng được những yêu cầu mới nảy sinh trong cuộc sống. Để khắc phục những khó khăn, những tác động tiêu cực của các hiện tượng tự nhiên và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của con người, con người buộc phải đẩy mạnh việc nghiên cứu khoa học để hiểu rõ về tự nhiên nhằm khắc phục các tác hại và tận dụng các điều kiện thuận lợi cho mình.

     Các cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật, khoa học công nghệ làm biến đổi triệt để về chất của lực lượng sản xuất, biến khoa học kỹ thuật thành nhân tố chủ đạo của nền sản xuất xã hội, thành lực lượng sản xuất trực tiếp, dẫn đến việc biến đổi cơ sở vật chất kỹ thuật của xã hội và sự phân công lao động xã hội. Từ các cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật, theo thời gian đưa tới các cuộc cách mạng công nghiệp.

     Trong lịch sử, đã có ba cuộc cách mạng công nghiệp. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ nhất được cho rằng ra đời từ khoảng năm 1784 với việc sử dụng hơi nước để cơ giới hóa sản xuất, cơ khí hóa sản xuất, được bắt đầu bằng việc phát minh ra động cơ hơi nước và xây dựng các tuyến đường sắt. Phát minh này của James Watt, được công bố vào năm 1775, đã làm bùng nổ nền công nghiệp thế kỷ XIX lan rộng từ Anh đến châu Âu, đã mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử nhân loại, kỷ nguyên sản xuất cơ khí. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất đã thay thế hệ thống kỹ thuật truyền thống của thời đại nông nghiệp kéo dài trong lịch sử, chủ yếu dựa vào gỗ, sức mạnh cơ bắp hay lao động thủ công, sức nước, sức gió và sức kéo của động vật bằng một hệ thống kỹ thuật mới với nguồn động lực là máy hơi nước. Cùng với nguồn nguyên, nhiên vật liệu và năng lượng mới là sắt và than đá khiến lực lượng sản xuất được thúc đẩy phát triển mạnh mẽ, tạo nên sự phát triển vượt bậc của nền công nghiệp và nền kinh tế.

     Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ hai ra đời sau gần 100 năm so với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất, từ khoảng  năm 1870 đến khi thế chiến thứ nhất nổ ra với việc sử dụng năng lượng điện để sản xuất quy mô lớn. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai diễn ra khi có sự phát triển của ngành điện, vận tải, hóa học, sản xuất thép và đặc biệt là sản xuất và tiêu dùng hàng loạt đã tao nên những tiền đề mới và là cơ sở vững chắc để phát triển nền công nghiệp ở mức cao hơn. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai dựa trên nền sản xuất đại cơ khí, sản xuất trên cơ sở điện - cơ khí và tự động hóa cục bộ. Cuộc cách mạng này đã mở ra kỷ nguyên sản xuất hàng loạt, được thúc đẩy bởi sự ra đời của điện và dây chuyền lắp ráp...

     (còn nữa)

Hà Nội, ngày 25/8/2018

N.V.B