NGUYỄN TƯỜNG THỤY
Không phải bây giờ mà từ lâu, nhà cầm quyền ở Việt Nam đã chà đạp lên pháp luật. Từ khi phong trào xã hội dân sự độc lập phát triển mạnh thì sự chà đạp này rõ ràng hơn, lộ liễu và ngang ngược hơn. Tới mức bà Phạm Thị Thanh Vân (Ngô Bá Thành), người từng giữ nhiều trọng trách trong hệ thống chính trị của chế độ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt nam phải thốt lên: "Ở Việt Nam ta đã có cả một rừng luật nhưng khi xét xử lại dùng luật rừng!".
Nhiều người hoạt động bị đánh đến trọng thương, tàn phế. Kẻ thủ ác giấu mặt có, công khai có, bằng chứng có nhưng chỉ biết chịu đau đớn, tự chữa trị vết thương, chấp nhận thương tật và tiếp tục công việc của mình, cống hiến nốt sức tàn cho công cuộc chấn hưng đất nước và nòi giống.
Những nạn nhân hàng đầu của sự hành xử phi pháp có thể kể ra: Trương Minh Đức, Nguyễn Bắc Truyển, Nguyễn Trung Tôn, Trương Văn Dũng, Nguyễn Chí Tuyến, Lã Việt Dũng, Trần Bang, Phạm Đoan Trang, Trần Thị Nga và cả những dân oan như Trịnh Bá Tư, Trần Ngọc Anh, Trần Văn Sang... Đó là những người bị đánh gây thương tích rất nặng thậm chí tàn phế. Còn nhẹ hơn có thể kể ra hàng trăm.
Điều cay đắng nữa là khi ra tòa lại là những người trong số đó với di chứng của những trận đòn thù, đi lại không vững, chứ không phải là những kẻ đã đánh đập họ.
*
Tuy nhiên, bước đột biến về sự xé bỏ pháp luật có thể tính từ đợt biểu tình chống Luật đặc khu và Luật An ninh mạng. Nếu như trước đây, sự đàn áp được nhận xét là nhà cầm quyền chà đạp lên hiến pháp thì từ ngày 17/6/2018 (tuần biểu tình thứ 2) phải dùng chữ “cởi hiến pháp”. Lần đầu tiên người biểu tình bị xử tù và con số đó tiến thẳng tới hàng chục chứ không phải bắt đầu từ con số 1.
Khi đã vứt bỏ hiến pháp để chiến với dân thì nhà cầm quyền nắm chắc phần thắng vì họ được tổ chức chặt chẽ, quân đông, công cụ tinh vi và trớ trêu thay là sức mạnh ấy lại được nuôi bằng tiền của phe kia. Còn phe dân tay không, chỉ biết dựa vào pháp luật mà pháp luật lúc này không được phe cầm quyền thừa nhận. Kết quả là hàng trăm người bị bắt làm tù binh, hàng chục người vào tù. Người sưng vù mặt mũi, người gãy đến ba cái răng, có người vì uất hận mà nuốt cả răng trộn máu vào trong ruột. Tức là một cuộc đấu không theo hạng cân, không có trọng tài và đầy tính man rợ của chất rừng rú.
Nếu bình đẳng, có pháp luật, lẽ phải làm trọng tài thì kết quả sẽ đảo ngược, phe cầm quyền thua là điều không có gì phải bàn cãi. Chẳng thế mà nhiều người đã thách nhà cầm quyền tôn trọng pháp luật và đương nhiên họ không bao giờ dám chấp nhận.
*
Theo đà cởi hiến pháp, nhà cầm quyền đẩy tội ác của họ lên nấc thang mới, khốc liệt hơn, tàn bạo hơn bằng hai sự kiện diễn ra chưa đầy 24 giờ: Tối 15/8/2018 là phá buổi liveshow của Nguyễn Tín và sáng 16/8 là kết án ông Lê Đình Lượng 20 năm tù và 5 năm quản chế.
Đêm hát của Nguyễn Tín chỉ hát nhạc vàng, không trình diễn bài nào của Việt Khang, Trần Vũ An Bình hay Nguyễn Đức Quang, Trúc Hồ mà bảo chọc giận họ. Vấn đề ở đây không phải là nội dung thế nào mà đơn giản là sự có mặt của những người họ sợ. Cho hát thì được hát, không thích thì phá, thế thôi. Không có lý lẽ, điều khoản pháp luật nào ở đây. Nhiều người bị đánh và bắt đi trong đó 3 người bị đánh tàn bạo nhất là Nguyễn Tín, Phạm Đoan Trang, Nguyễn Đại.
Cả ba người bị đánh đi đánh lại nhiều lần, bầm dập toàn thân, đi không nổi. Máy tính, điện thoại, thẻ ATM, tiền, giấy tờ bị tước đoạt. Đoan Trang bị đưa đi thẩm vấn rồi đi bệnh viện cấp cứu. Tác giả “Chính trị bình dân” bị chúng dồn tất cả lòng căm thù, đánh cô đến nát cả chiếc mũ bảo hiểm. Nguyễn Tín và Nguyễn Đại bị trói, bịt mắt đưa đến Củ Chi rồi thả mỗi người một nơi lê lết giữa đồng không mông quạnh để không biết được phương hướng và khó tìm được sự giúp đỡ. Tóm tắt là như vậy, còn lời kể của nạn nhân và những người chứng kiến nghe thật rùng rợn, cho thấy tội ác của công an HCM quá ghê tởm.
Vụ này làm ta liên tưởng đến vụ Nguyễn Trung Tôn bị bắt ở Ba Đồn, Quảng Bình. Anh bị mật vụ thay nhau đánh đập trong nhiều giờ rồi đem vứt ở một khu rừng thuộc tỉnh Hà Tĩnh sau khi đã lột sạch từ tài sản cho đến quần áo của anh. Có phải đây là kiểu khủng bố đã được đưa vào giáo trình hoặc được phổ biến trong ngành công an để học tập?
Nguyễn Tín, Đoan Trang bị đánh đêm 15/8/2018 và tang vật gây án do công an HCM thực hiện Hình từ bạn bè của Đoan Trang.
Còn vụ thứ hai xảy ra sáng hôm sau tại Nghệ An: xử ông Lê Đình Lượng.
Trước đây mức án cao nhất chụp lên cuộc đời tù nhân lương tâm dừng lại ở con số 16 năm tù giam, đó là trường hợp Trần Huỳnh Duy Thức. Năm 2017, dư luận phẫn nộ bởi các bản án tới 9 và 10 năm đối với hai người phụ nữ đang nuôi con nhỏ là Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và Trần Thị Nga; 12, 13 năm đối với Trần Anh Kim và Lê Thanh Tùng. Tới năm 2018, trong vụ đại án Hội anh em dân chủ, dư luận tiếp tục phẫn nộ với các mức án quá nặng 11,12 và 15 năm.
Thế rồi đến vụ án Lê Đình Lượng, kỷ lục về mức độ tàn bạo đã nâng lên bước nhảy vọt: 20 năm tù giam. Cũng như các vụ án tù nhân lương tâm khác, Lê Đình Lượng bị quy chụp hết sức tùy tiện, bừa bãi với các tội rất vớ vẩn như có tình cảm với Việt Tân, ca ngợi Việt Tân, sử dụng mạng xã hội facebook để tuyên truyền. Trong khi đó, so với rất nhiều trang fb khác, trang Lỗ Ngọc lại là trang ít người biết tới và nói năng khá chừng mực. Có khi vài ngày, anh mới viết một cái status vài dòng, hoặc chia sẻ một bài viết với mấy lời bình kèm theo.
Lối làm việc tùy tiện của Hội đồng xét xử là kết luận hành vi hoạt động lật đổ của Lê Đình Lượng chỉ dựa vào lời khai của hai nhân chứng. Đến khi hai nhân chứng phản cung tại tòa, tố cáo bị tra tấn, ép cung nên phải khai theo ý công an thì lập tức họ lôi hai nhân chứng đi và không bao giờ dám đưa trở lại với lý do không ai tin là người đau răng, người đau bụng.
Về nguyên tắc xét xử, không được chỉ dựa vào lời khai để kết tội bị cáo, kể cả lời khai của chính bị cáo. Lịch sử xét xử từng ghi nhận Nguyễn Thanh Chấn buộc phải nhận tội giết người để lãnh án chung thân vì không chịu được tra tấn, sau 10 năm ở tù mới được minh oan. Đó chỉ là 1 ví dụ.
Còn ở phiên tòa Lê Đình Lượng, nhân chứng đã tố cáo bị tra tấn, ép cung và rút lời khai nhưng tòa vẫn kết tội cho bằng được mà chẳng có bằng chứng gì. Hơn thế, có lẽ do tức tối vì bị hai nhân chứng tố cáo và phản cung mà chủ tọa phiên tòa Trần Ngọc Sơn lạnh lùng tuyên 20 năm tù, mặc dù trước đó, bên công tố đề nghị 17 năm. Được biết trong suốt quá trình điều tra, Lê Đình Lượng giữ quyền im lặng. Ngay cả khi ra tòa, Lê Đình Lượng vẫn giữ thái độ im lặng và... cười, nghĩa là không có lời khai nào từ bị cáo, còn nhân chứng thì đã phản cung, tức là kết án một người không có bằng chứng gì.
Trần Ngọc Sơn cũng từng xét xử vụ 14 thanh niên công giáo với mức án cao nhất tới 13 năm.
Thẩm phán Trần Ngọc Sơn. Hình Internet
Những chỉ dấu trong thời gian gần đây cho thấy chế độ đang ở giai đoạn suy tàn. Nhà nước vốn không phải là nhà nước pháp quyền mà ngày càng thiên về bạo lực. Lẽ ra, xã hội rối ren, quan chức hủ bại, lòng dân không yên thì họ phải tìm cách chấn chỉnh lại hệ thống chính trị, sửa sang pháp luật, lấy đạo trị quốc để gây dựng lòng tin của nhân dân thì nhà cầm quyền lại làm ngược lại là tăng cường đàn áp.
Việc tăng cường đàn áp là không có điểm dừng. Rồi đây, có thể người hoạt động không chỉ bị thương tích mà còn bị tước đi tính mạng, không chỉ là án 20 năm mà có thể có án tử hình dành cho những người tranh đấu.
Nguyễn Tín hát cho Doan Trang nghe khi trên mình đầy thương tích. Hình cắt từ video của Đoan Trang
Nụ cười Lê Đình Lượng. Hình Internet
Mục đích đàn áp của nhà cầm quyền là làm cho dân sợ, không dám phản kháng, điều này ai cũng hiểu. Nhưng mục đích ấy có đạt được không và đạt được ở mức độ nào? Chỉ biết rằng, khi nhà cầm quyền gia tăng đàn áp, số người phản kháng lại càng đông lên. Hàng vạn người biểu tình ở Sài Gòn, Nha Trang, Biên Hòa, Bình Thuận và ở nhiều tỉnh thành khác trong tháng 6 vừa qua từ đâu ra, có phải sinh ra từ nỗi sợ hãi? Sự sợ hãi không nảy ra hàng vạn người xuống đường như vậy. Nguyễn Tín, Đoan Trang, Nguyễn Đại vừa bị đánh đến bầm dập vẫn cười ngạo nghễ. Nguyễn Tín vẫn đàn hát cho Đoan Trang nghe, hình ảnh tuyệt đẹp này cũng là câu trả lời. Rồi nụ cười Lê Đình Lượng khi bị kết án 20 năm tù là hình ảnh nhà cầm quyền không bao giờ muốn nhìn thấy.
Lịch sử loài người cho thấy không một chế độ nào có thể tồn tại lâu dài bằng bạo lực.
Viết nhân ngày Việt Minh cướp chính quyền ở Hà Nội
19/8/2018
Bài bình luận gần đây