You are here

Giáo dục tệ hại, xã hội lãnh đủ hậu quả-P.1.

Ảnh của songchi

Song Chi.

Báo Pháp Luật TP.HCM có bài “Kỳ thi THPT quốc gia: Cần cuộc đại phẫu!” rằng: “Sau những sự cố nghiêm trọng ở Hà Giang, Sơn La và Hòa Bình, ngành giáo dục nếu không “đại phẫu” thì cũng phải “tiểu phẫu” kỳ thi THPT quốc gia để bịt lỗ hổng”.

Thực tế, từ năm 1975 đến nay có ai nhớ được nền giáo dục VN dưới sự lãnh đạo của đảng và nhà nước cộng sản đã trải qua bao nhiều lần sửa chữa, cải cách, cải tiến (hay cải…lùi?), thay đổi cứ xoành xoạch từ chữ viết, cách phát âm, bộ chữ cái, sách giáo khoa, chương trình học, việc tổ chức thi cử...v.v...? Bao nhiêu thế hệ học sinh VN đã bị làm "chuột bạch" cho vô số lần thí nghiệm hỏng bét đó? Nhưng cứ càng “cải” thì càng nát bét, còn người dân thì đổ xô nhau cho con đi du học, như một cách "tị nạn giáo dục"!

Rồi lại còn mơ học theo phương pháp, hệ thống giáo dục của Singapore, Phần Lan...gi đó. Nói thật, trước khi mơ xa như vậy (mà khó thành công lắm vì mỗi nước từ hoàn cảnh kinh tế, bối cảnh văn hóa, lịch sử, hệ thống chính trị...khác xa nhau), hãy học lại từ nền giáo dục của miền Nam VN trước năm 1975, vẫn còn khối điều hay và đáng học, mơ đâu cho xa. Nền giáo dục của miền Nam VNCH với triết lý giáo dục “dân tộc-nhân bản-khai phóng”, “lấy con người làm gốc, lấy cuộc sống của con người làm căn bản, không xem con người như một phương tiện hay công cụ phục vụ cho mục tiêu của bất cứ cá nhân, đảng hay tổ chức nào…. lấy quyền con người, quyền dân sự và lấy với bản Tuyên Ngôn Quốc Tế nhân quyền làm nền tảng để xây dựng con người” (trích “Ưu việt của giáo dục miền Nam” của tác giả Nguyễn Quang Duy, BBC).

…“Trong những thành tựu này, có thể nói, không gì sánh bằng nền giáo dục VNCH. Tuy non trẻ, ảnh hưởng của nó còn kéo dài, vị ngọt của nó còn thấm đẫm theo nhiều thế hệ người Việt ở hải ngoại lẫn quốc nội sau này. VNCH là một trong những quốc gia đưa giáo dục vào chính hiến pháp, bảo đảm công dân được học hành miễn phí, và nền đại học không bị chi phối bởi chánh trị. Giáo dục thời VNCH chú trọng các yếu tố nhân bản, dân tộc, và khai phóng, có thể kể vài con số ước lượng sơ khởi vào đầu thập niên 1970. VNCH có 2.5 triệu học trò tiểu học, trên nửa triệu học trò trung học, và hơn 100 ngàn sinh viên đại học.

Trên cả nước, số người biết đọc / viết chiếm khoảng 70% dân số. Ngành giáo dục VNCH có đến 3 máy chấm bài thi trắc nghiệm điện tử IBM thế hệ đầu của Mỹ. Lúc đó Singapore mới có 1 máy, và ở VN hơn ba mươi năm sau mới biết sử dụng trở lại ...VNCH có hệ thống trường học cả công lẫn tư rất mạnh, ở mọi cấp học. Nhiều trường còn lưu danh đến ngày nay như: Viện Đại học Sài Gòn, Viện Đại học Huế, Viện Đại học Đà Lạt, Viện Đại học Vạn Hạnh, Viện Đại học Minh Đức, Học viện Quốc gia Hành chánh, trường Quốc gia Âm nhạc, trung học Pétrus Ký, Chu Văn An, Gia Long, Quốc Học (Huế), Nguyễn Đình Chiểu (Mỹ Tho), Lasan Taberd, Regina Pacis, Regina Mundi, Bác ái, v.v…” (Trích: “VNCH-Quốc gia trẻ trung của Đông Nam Á”)

Đọc thêm: “Giáo dục trước và sau năm 1975”, RFA, “Nền giáo dục ở miền nam 1954-1975”, Nguyễn Thanh Liêm, “Nhìn lại nền Giáo dục VNCH: Sự tiếc nuối vô bờ bến”, blog Huỳnh Minh Tú)…

Điều quan trọng nhất, giáo dục của VNCH không phải chỉ đào tạo ra những con người có kiến thức vững vàng, chuyên môn tốt (điều này thể hiện rất rõ khi so sánh trình độ chênh lệch từ học sinh, sinh viên, công nhân viên chức, kỹ sư bác sĩ... của miền Nam và miền Bắc sau khi thống nhất vào tháng 4.1975), mà nền giáo dục đó đã tạo ra những thế hệ con người có tư cách, có liêm sỉ, có tinh thần trách nhiệm với công việc và xã hội, có tinh thần quốc gia, dân tộc rất cao. Đồng thời nền giáo dục đó cũng đã tạo ra một môi trường giáo dục đàng hoàng, thầy ra thầy, trò ra trò.

Còn bây giờ?

Một nền giáo dục không có tính triết lý giáo dục, nhồi sọ, nặng tính tuyên truyền, lạc hậu, chạy theo thành tích, không đặt mục tiêu đào tạo Con Người với đầy đủ phẩm chất làm người, phẩm chất công dân mà chỉ nhằm đào tạo những tầng lớp thanh thiếu niên bàng quan về chính trị, vô cảm với thực trạng của đất nước xã hội, học để lấy bằng ra làm quan hay kiếm tiền, kiếm một chỗ đứng trong xã hội…Sau hơn 40 năm, hai hậu quả nặng nề nhất từ nền giáo dục này là bệnh thành tích và gian dối, dối trá, ngày càng trơ trẽn, lộ liễu hơn.