You are here

Tản mạn ngày Tám tháng Ba

Ảnh của canhco

Ngày Quốc tế phụ nữ đang đến rất gần. Ở đâu đó trên các con phố, người ta bày bán các loại hàng từ truyền thống đến hiện đại.


Mua và nghĩ đến quà tặng còn lan sang cả những vùng quê, làm bừng lên không khí của ngày lễ đặc biệt này.
Thế nhưng không phải quà tặng nào cũng chứa đựng trong đó tâm tình chân thành của người tặng.
Hơn thế nữa, mấy ai chịu lắng lòng mình lại để suy nghĩ về công lao và sự hi sinh thầm lặng của một nửa nhân loại đang ngày đêm âm thầm làm việc, cống hiến, hi sinh cho gia đình và cho xã hội?
 
Vai gầy… gánh nặng
 
Ngày còn làm việc ở một cơ quan nhà nước, hàng năm, cứ đến ngày Quốc tế phụ nữ, thì các đấng mày râu lại tổ chức tiệc mừng cho các chị em. Rồi hát, rồi uống, rồi no say... Cũng chỉ thế thôi. Rồi sau đó, mọi gánh nặng lại đổ dồn trên đôi vai gầy của người phụ nữ. 
Tôi biết có một gia đình trong xóm, nhà chỉ có ba cô con gái thì hai cô bị lừa bán sang Trung Quốc khi đang độ tuổi vị thành niên.
 
Từ bấy đến nay, một cô mất tích chưa thấy về, còn cô em gái, thì mãi 15 năm sau mới trốn về quê, thăm cha mẹ chưa được một tuần đã vội vã rời nhà để quay về thăm con. Trên người cô lúc ra đi cho đến khi về, không hề có một thứ giấy tờ tùy thân nào.
 
Cô kể cho tôi về những chuỗi ngày tủi nhục nơi đất khách quê người, bị đánh đập, bị đối xử tàn tệ, làm cho tôi cảm thấy thắt lòng. Biết thế mà tôi chẳng có cách nào giúp họ được.
Có biết bao cô gái ở Việt Nam bị bán sang làm nô lệ tình dục ở Trung Quốc, bị đánh đập tàn nhẫn, bị đối xử như trong thời kỳ nông nô? Đó không phải là con số hàng chục, hàng trăm, mà thậm chí là hàng nghìn, hàng vạn. Con số đó không hề giảm đi mà ngày một gia tăng.
 

Các nạn nhân là phụ nữ Việt Nam trong đường dây đẻ thuê bị cảnh sát Thái phanh phui hôm 24/2/2011. AFP photo

 
Có biết bao cô gái xếp hàng chờ được lấy chồng Đài Loan mà không hề biết số phận ngày mai của mình sẽ ra sao nơi đất khách quê người, để rồi cuối cùng có những cô gái bị chồng đánh đập đến chết? Ôi, thân phận người phụ nữ có được quan tâm, có được yêu thương và tôn trọng đúng với phẩm chất của một con người hay chưa? Câu hỏi đó, khi cất lên, ai cũng có thế tự tìm cho mình một đáp số thật buồn.
 
 
Còn biết bao nhiêu hình ảnh người phụ nữ Việt Nam ngày ngày tảo tần với những công việc thầm lặng, oằn vai với những gánh hàng rong trên khắp các con ngõ ở phố phường với cuộc sống mưu sinh trong thời bão giá như hiện nay?
 
Có biết bao nhiêu người phụ nữ mà mỗi người chúng ta khi nghĩ về họ, và cũng có thể cả họ nữa, cũng chẳng bao giờ đếm hết được những nỗi vất vả của họ qua từng tháng năm của cuộc đời?
 
Ngày 8 tháng 3…
 
Tôi ngờ rằng, trong số họ, có rất nhiều những người chưa một lần biết đến ngày 8.3.  Chưa một lần được trải nghiệm cảm giác nhận quà tặng từ tay người khác.
Ngày 8.3 đối với họ, có thể chỉ là những thức quà xa xỉ, mà có thể suốt đời họ chẳng có cơ hội để đón nhận. Họ chỉ biết sống một cuộc đời thầm lặng và kiên nhẫn, chịu thương, chịu khó, chu toàn bổn phận của một người phụ nữ trong nỗi thăng trầm của kiếp người.
 
Tôi đã từng có những năm tháng sống gần gũi với những người phụ nữ ở vùng cao. Trong chế độ mẫu hệ, người phụ nữ cũng không vì thế mà tìm được sự an nhàn. Đa phần trong số họ, nhiều người không biết sử dụng các loại phương tiện giao thông để đi lại. Trời phú cho họ sức khỏe phi thường, ít khi ốm đau để đủ sức cáng đáng những công việc đồng áng, những công việc của gia đình hết sức nặng nhọc.
 
Và ngày nay, trong thời đại bão giá, lạm phát gia tăng, cuộc sống của mọi người trở nên chật vật, thiếu thốn, thì chính các ông chồng lại phó mặc cho sự khôn ngoan và khéo léo của các bà vợ. Mọi sự cứ phó thác cho vợ là chắc ăn nhất. Làm như người phụ nữ nhỏ bé có thể gánh nặng cả giang san trên đôi vai nhỏ bé của họ không bằng!
 
Nói đến hình ảnh người phụ nữ, bất chợt tôi liên tưởng đến hình ảnh của Hai Bà Trưng năm xưa. Khi quân nhà Hán tiến sang xâm lược nước ta, chúng nó đi lại, nghênh ngang, ngạo nghễ. Khi đó biết làm thế nào? Cánh đàn ông thì cúi gằm mặt xuống không dám nhìn ai, nhìn giặc thì sợ, nhìn dân thì nhục. Và thế là những người đàn bà phải xông trận. Sao lại treo gánh nặng đó trên đôi vai gầy của những người quanh năm chỉ biết trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa?
 
 

Một gánh hàng rong trong ngày Valentines 14/2/2011. AFP photo

Hãy lắng nghe lời của sử gia Lê Văn Hưu: “Trưng Trắc, Trưng Nhị là đàn bà, hô một tiếng mà các quận Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố, cùng 65 thành ở Lĩnh Ngoại đều hưởng ứng, việc dựng nước, xưng vương dễ như trở bàn tay, có thể thấy hình thế nước Việt ta đủ để dựng được nghiệp bá vương. Tiếc rằng nối sau họ Triệu cho đến trước họ Ngô, trong khoảng hơn nghìn năm, bọn đàn ông chỉ biết cúi đầu bó tay, làm tôi tớ cho người phương Bắc, há chẳng xấu hổ với hai chị em họ Trưng là đàn bà hay sao? Ôi, có thể gọi là tự vứt bỏ mình vậy”. 
 
Chưa hết, vua Tự Đức viết trong Khâm định Việt sử thông giám cương mục như sau: “Hai Bà Trưng thuộc phái quần thoa, thế mà hăng hái quyết tâm khởi nghĩa, làm chấn động cả triều đình Hán. Dẫu rằng thế lực cô đơn, không gặp thời gặp thế, nhưng cũng đủ làm phấn khởi lòng người, lưu danh sử sách. Kìa những bọn nam tử râu mày mà chịu khép nép làm tôi tớ người khác, chẳng những mặt dày, thẹn chết lắm ru!”
 
Ngày nay mọi giá trị của luân thường đạo lí dường như bị xáo trộn hoàn toàn. Hàng ngày, trên các tờ báo, có rất nhiều hình ảnh nữ sinh đánh nhau rồi tung lên mạng. Có những dịch vụ đẻ thuê, buôn bán người,... coi phụ nữ chỉ như một thứ hàng hóa để trao đổi, bạo lực gia đình vẫn hoành hành mà nạn nhân vẫn là người phụ nữ... Nạn phá thai tràn lan khắp nơi... Nói sao cho hết những chuyện đau lòng...
 
Ngày tôn vinh phụ nữ không chỉ là một ngày duy nhất trong năm, mà đó phải những việc làm thiết thực và có ý nghĩa được thực hiện liên lỉ với một tấm lòng bao dung, độ lượng sẻ chia, để cánh đàn ông không phải cảm thấy hổ thẹn trước sự cao cả và vĩ đại của người phụ nữ chân yếu tay mềm.
 
Bằng không, việc tặng hoa, tặng quà, hay tặng những lời có cánh... tất cả chỉ là những giả dối ngụy tạo để che đậy những thành kiến xem phụ nữ chỉ là công dân hạng hai ngay cả trong những gia đình được xem là hiện đại.
 
Trong Kinh Thánh có một câu rất đáng suy ngẫm: “ Đức tin không có việc làm là đức tin chết”. Những hành động cụ thể thường hùng hồn hơn những lời nói suông. Ước gì những tấm chồng hàng ngày vẫn xem vợ là ô sin thì ngày này khi trở về nhà sẽ nói lên được lời biết ơn đối với người Ô sin-vợ của mình.
 
http://www.rfa.org/vietnamese/ReadersOpinions/women-s-day-listener-03072011155342.html