Nhân cách, phẩm hạnh, danh dự, lòng tự trọng, liêm sỉ, biết xấu hổ… Những khái niệm này nghe ra vừa xa vời vừa xa xỉ đối với ngành giáo dục Việt Nam nói riêng và với hệ thống lãnh đạo Cộng sản Việt Nam nói chung. Mặc dù đây là sự thật đau lòng và nói rồi, nghe rồi, biết rồi, thấy rồi… Nhưng sao nó chẳng bao giờ nhàm chán. Mỗi lần nghe lại thêm một lần mới mẽ! Cái hay của nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam nằm ở chỗ họ luôn biết làm mới mẽ một cách sáng tạo những điều sỉ nhục đã nằm bám bụi trong kho tàng lịch sử nhân loại.
Đơn cử tuần này, câu chuyện nổi cộm nhất Việt Nam phải nói đến chuyện nâng điểm thi ở Hà Giang, sau đó là Lạng Sơn, Sơn La và nhiểu tỉnh thành khác vẫn chưa thò kim ra khỏi bọc. Theo quan sát và nhận định của nhiều trí thức Việt Nam, đây là câu chuyện vừa mang tính chính trị vừa mang tính văn hóa. Câu chuyện nâng điểm cho thấy hệ thống tổ chức chính trị tại Việt Nam mang đậm yếu tố cát cứ, trên bảo dưới không nghe và nó cũng cho thấy vấn đề văn hóa của các nhà quản lý giáo dục có vấn đề trầm trọng.
Nói về vấn đề này, nhà nghiên cứu Phạm Xuân Nguyên, Cựu Chủ tịch Hội nhà văn Hà Nội, chia sẻ quan điểm của mình rằng: “Nói rõ một câu là nó phản ánh một hệ thống giáo dục đang rất có vấn đề, có nhiều lỗ hổng, nói đúng ra là nó lỗi hệ thống. Thì phải đặt kỳ thi này không phải là một kỳ thi không mà là một hệ thống, dạy –học – thi, cứ loay hoay kiểu này, cải cách thi cử thế này thì… cho nên có thể nói là cả một hệ thống giáo dục đang bị lỗi trầm trọng. Những nổ lực, công sức của các thầy cô trên khắp cả nước thì rất đáng trọng, nhưng các quan chức giáo dục, điều hành thì có vấn đề, công sức của các thầy cô rất đáng trọng nhưng họ bị vận hành trên một hệ thống giáo dục như thế thì đành bất lực, còn những quan chức thì nó tìm được những kẻ hở để nó sống.”
Đồng cảm với nhà nghiên cứu Phạm Xuân Nguyên, vào hôm thứ Năm ngày 19 tháng 7, nhà văn Vũ Thành Sơn chia sẻ trên trang facebook các nhân của ông: “Vụ gian lận thi cử ở Hà Giang, Lạng Sơn, Sơn La... cùng với nhiều vụ tai tiếng trước đây, một lần nữa cho thấy chính quyền cộng sản đã bất lực không thể kiểm soát được các địa phương, kiểm soát được lẫn nhau nữa. Mỗi một tỉnh, một bộ, ngành bây giờ có thể được coi là một ốc đảo tự trị và tình trạng sứ quân cát cứ đang là một sự thật. Chế độ trung ương tập quyền phá sản. Mọi thứ sẽ tan rã theo thuyết các lục địa trôi dạt”.
Một trí thức, không muốn nêu tên, hiện đang là giảng viên khoa Luật Quốc Tế của trường đại học luật thành phố Hồ Chí Minh cho rằng vấn đề gian lận điểm nó không dừng ở chuyện gian lận của một tỉnh thành nào mà có thể đây là câu chuyện có mặt trên khắp đất nước. Nhưng mật độ và cường độ có thể gia giảm tùy từng vùng, miền. Sở dĩ Hà Giang có câu chuyện gian điểm nổi cộm bởi đây là một tỉnh thành mà theo ông, nó có quá nhiều vấn đề để bàn.
Mà vấn đề đáng để bàn nhất là thang bậc văn hóa của giới chức cán bộ ở tỉnh này. Trước đây gần mười năm, hiệu trưởng Sầm Đức Xương, cũng ở tỉnh Hà Giang, đã đi tù vì tội môi giới, ép buộc các nữ sinh phổ thông trung học đi bán dâm cho các quan chức tỉnh. Sầm Đức Xương đi tù nhưng hệ thống qua lại từng dang díu trong câu chuyện đáng xấu hổ và sỉ nhục này vẫn nhơn nhơn ngoài vòng pháp luật. Và một khi nhóm cán bộ này còn tiếp tục làm việc, tiếp tục “phục vụ nhân dân”, thì chuyện gian lận điểm thi chỉ là một cây kim nhỏ trong bọc kim mới bị phát giác. Sẽ còn rất nhiều chuyện để bàn.
Và chuyện cây kim bao giờ mới chịu thò ra khỏi bọc, có bao nhiêu cây kim trong cái bọc vốn dĩ đã căng cứng này, khi chúng thò ra thì tiếp theo sẽ là chuyện gì? Mọi câu hỏi nghe ra chỉ thêm đau đầu. Và trong cách nhìn của giới trẻ, mọi chuyện càng không mấy khả quan. Một bạn trẻ vừa tốt nghiệp đại học, hiện đang làm việc trong phòng quản trị kinh doanh của một trường đại học tại thành phố Hồ Chí Minh, chia sẻ cảm nghĩ của mình rằng: “Theo tôi thì việc gian lận thi cử ở Hà Giang chuyến này có thể đã lộ ra nhưng nó lộ ra quá trễ so với những gì xã hội chúng ta cần. Theo tôi được biết thì Hà Giang không phải là đơn vị duy nhất và cũng không phải mới đây mới có chuyện này. Trên cương vị một người tạm gọi là trí thức của Việt Nam thì những gì chúng ta đang thụ hưởng ở nền giáo dục xã hội chủ nghĩa này đều mang đến cho chúng tôi một mặc cảm, một sự không hoàn thiện trong chính kiến thức của mình. Những chuyện này không lạ trong xã hội, mọi người đều biết nhưng tất cả mọi người đều không có khả năng thay đổi nó bởi vì đó là một cơ cấu chính sách từ trên xuống dưới trải qua bao lâu nay rồi. Do đó đối với những người có học thật trong xã hội này thì họ đều có tự ti, mặc cảm nào đó với những chuyện xảy ra… Tuy nhiên nó cũng chỉ dừng trên cái cảm xúc cá nhân chứ không có hành động cương quyết nào có thể thực hiện được cho đến lúc này, đó cũng là một điều đáng tiếc.”
Bạn trẻ này đưa ra kết luận là hình như không còn gì để xấu hổ hơn khi nhắc đến câu chuyện giáo dục Việt Nam. Và bạn trẻ này nói rằng không ngạc nhiên khi có người cho rằng nếu đem soi các tấm bằng, các học hàm, học vị của giới chức giáo dục Việt Nam, sẽ có không dưới 50% bằng cấp có vấn đề và kiến thức của những quan chức này sẽ chẳng giống ai. Chính cái chẳng giống ai nhưng lại mang quyền lực đảng này làm lãnh đạo ngành đã khiến cho ngành giáo dục Việt Nam trở nên ngày càng lộn xộn và ô uế.
Dưới góc nhìn của một học sinh cấp ba vừa tham gia thi tốt nghiệp ở tỉnh Quảng Ngãi, một học sinh nữ tỏ ra thất vọng: “Do mình học, mình bỏ thời gian rất nhiều để học, nhưng lại có nhiều bạn học không có bằng mình nhưng kiểu như mấy bạn có điều kiện nên kết quả hơn mình, kiểu như có tiền là có tất cả, mất công bằng, việc này đáng xấu hổ lắm. Việc này là do mấy bạn, rồi các bậc phụ huynh cũng như những người nghĩ tới vấn đề đó…”.
Em học sinh này cho rằng việc làm của những quan chức giáo dục Hà Giang, Sơn La, Lạng Sơn và nhiều tỉnh thành chưa được đưa ra ánh sáng là một việc làm nhục nhã và đáng xấu hổ. Điều này gây tổn thương không nhỏ đến những học sinh lấy sự học làm mục đích cuộc đời và coi trọng sự học như em. Không riêng gì em mà hầu hết các bạn cùng khóa tốt nghiệp với em cũng như các anh chị lớp trước mà em tiếp xúc đều cảm thấy thất vọng, ê chề cho sự học của mình.
Có thể nói rằng câu chuyện giáo dục và quản lý giáo dục tại Việt Nam hiện nay là câu chuyện dở khóc dở cười nhất, nó cho thấy sự quản lý lỏng lẽo và không đuổi kịp nhịp điệu tri thức thế giới ngày càng hiện rõ. Cái lổ hổng giáo dục có nguy cơ làm hỏng nhiều thế hệ Việt Nam trong tương lai. Và đáng sợ hơn cả là công việc này được giao cho một đám người không biết tự trọng, gian lận một cách trơ tráo. Hay nói theo ngôn ngữ bình dân là không biết nhục.
Bài bình luận gần đây