You are here

Thân phận làm báo ở đất nước dân chủ gấp vạn lần tư bản (tiếp kỳ trước)

NGUYỄN TƯỜNG THỤY

 “Bản án” cho báo Tuổi trẻ

Gần đây nhất, ngày 16/7/2018 là vụ báo Tuổi trẻ, một tờ báo uy tín hàng đầu bị phạt 220 triệu đồng và trang online bị đình bản 3 tháng. Vụ này đang làm chấn động làng báo. Căn cứ để xử phạt tờ báo này có vẻ rất lãng xẹt.

Theo facebooker Lê Nguyễn Hương Trà thì dưới con mắt của các nhà canh báo chí, báo này có nhiều lỗi như ca ngợi trùm ma túy Lóng Luông yêu thương con là... không phù hợp; vụ vợ 61 lấy chồng 26 bị cho là… quá soi mói, cuốn sách Gạc Ma vòng tròn bất tử bị cảnh cáo việc đưa tin, bài “Ba Đặc khu cần trả lời ba câu hỏi” dù đã nhanh nhẹn gỡ từ trước. Tuy nhiên, trong quyết định phạt chỉ đề cập hai tội chính:

Tội thứ nhất là báo này đưa tin Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho rằng cần có Luật biểu tình, tội thứ hai là đăng bài “Sao trong quy hoạch chưa thấy cao tốc miền Tây?”.

- Bài “Sao trong quy hoạch chưa thấy cao tốc miền Tây?” chỉ điểm một số comment xung quanh thắc mắc “chưa có cao tốc miền Tây”, thế thôi. Thế nhưng lại bị nâng lên thành quan điểm rất to tát là gây chia rẽ, mất đoàn kết dân tộc.

- Trong bài viết “Chủ tịch nước đồng ý cần ban hành Luật Biểu tình” đăng ngày 19/6/2018, có đoạn: "Tiếp xúc cử tri với vai trò đại biểu Quốc hội TP.HCM, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nói, ông đồng tình với kiến nghị cử tri cần có Luật biểu tình và hứa báo cáo Quốc hội về nội dung này". Với bài này, Tuổi trẻ bị cho là thông tin sai sự thật, gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng.

Xung quanh câu chuyện này có nhiều bàn tán. Người ta không cho là Tuổi trẻ đưa tin sai mà cho là chủ tịch nước bị bịt miệng. Dư luận đăt ra câu hỏi, một tờ báo nhiều kinh nghiệm lách luật... rừng như Tuổi trẻ, khó có thể có sai sót như vậy. Mặt khác, khi ông Quang phát biểu, chắc hẳn phải có người ghi âm, trong đó có thể có cả phóng viên báo Tuổi trẻ. Vấn đề là ai đủ gan đưa băng ghi âm ấy ra? Cay đắng chấp nhận hình phạt nói trên trên hay chấp nhận “mất đầu”, điều này Ban Biên tập Tuổi trẻ hoặc ai đó có băng ghi âm “minh oan” cho Tuổi trẻ nếu có, đủ khôn ngoan để lựa chọn.

Về mặt hình thức của quyết định xử phạt, có độc giả còn soi ra điều vô lý của nó. Cục báo chí vừa yêu cầu Tuổi trẻ omline đình bản ngay khi có quyết định vừa yêu cầu Tuổi Trẻ Online phải cải chính, xin lỗi. Đã đình bản ngay thì đăng lời cải chính, xin lỗi ở đâu. Hay là đăng... nhờ báo khác?

Đã có nhiều vụ báo chí bị xử oan. Nhưng tới vụ Tuổi trẻ bị phạt lần này thì mới xuất hiện từ điển vui: Báo oan (tương tự dân oan)

Làm nghiêm trọng một việc không đáng nói (bài “Sao trong quy hoạch chưa thấy cao tốc miền Tây?”) và một bài chỉ cần đính chính, xin lỗi là được cho thấy sự nghẹt thở trong nền báo chí ở Việt Nam hiện nay. Việc xử lý không thương tiếc hàng loạt cơ quan báo chí, kể cả khi đưa thông tin đúng sự thật cho thấy đây là một nền báo chí của bạo chúa. Bóp nghẹt báo chí tới mức này thì con người chẳng mấy lúc hóa câm.

Báo chí ở đất nước được khoe là dân chủ gấp vạn lần tư bản thực chất chỉ là công cụ minh họa đường lối của đảng chứ đâu phải là nền báo chí theo đúng thiên chức của nó là phản ánh sự thật. Những người làm báo trong chế độ đều cảm nhận được điều đó. Ông Nguyễn Như Phong, báo PetroTimes có vẻ rất tâm đắc khi dẫn lời của một đồng nghiệp: “Nghề phóng viên là phải như con chó ấy…”. Câu nói có vẻ khó chấp nhận, có thể làm tự ái nhiều người nhưng nó phản ánh đúng thân phận của người làm báo hiện nay. Phóng viên phải như con chó, trong nghĩa thính nhạy, trung thành, chịu đựng có nghĩa cụ thể là cho sủa thì được sủa, rọ mõm lại thì phải câm. Ví dụ gần đây nhất là vụ cướp đất của dân ở Thủ Thiêm được phanh phui. Nhân dân đang phấn khởi theo dõi thì đột nhiên, ngày 12/5/2018, báo chí đồng loạt im bặt làm hàng triệu độc giả chưng hửng, ngẩn tò te.

Việc VN luôn luôn lẹt đẹt ở tốp cuối bảng xếp hạng tự do báo chí của Tổ chức phóng viên không biên giới nói lên bức tranh ảm đạm về tự do báo chí ở VN. Bảng xếp hạng mới nhất vào năm nay 2018 cho thấy VN đứng thứ 175 trên tổng số 180 nước được xếp hạng.

Đi tìm tự do báo chí

Không phải nhà báo nào cũng cảm thấy ngột ngạt khi tự do báo chí bị bóp nghẹt. Có những nhà báo coi việc định hướng, kiểm duyệt là điều đương nhiên cần phải thế, có những người coi viết báo là nghề kiếm sống và chấp nhận môi trường làm báo.

Có những nhà báo thất vọng và mệt mỏi đã chủ động bỏ nghề, đi làm nghề khác như bán... chân gà.

Tuy vậy, vẫn có những người luôn luôn trăn trở với thiên chức của người làm báo. Viết thế nào để đóng góp sức mình vào sự phát triển của đất nước, đem lại công bằng xã hội, tôn vinh những giá trị nhân bản.

Việc hàng loạt cơ quan báo chí bị xử phạt, có tờ báo bị xử phạt nhiều lần cho thấy xu hướng “nổi loạn” trong giới báo chí hiện nay. Họ không cam chịu thân phận tôi đòi, hễ có cơ hội thì lại thể hiện ra chất khảng khái, yêu sự thật và bày tỏ chính kiến. Nhưng dù sao, khi mang trong mình tấm thẻ nhà báo do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp, họ chỉ loay hoay được trong cái “vòng kim cô”. Để tự giải phóng, nhiều nhà báo đã phải bỏ cơ quan báo chí nhà nước để có thể tự do viết với đúng lương tâm và bút lực của mình, làm theo mệnh lệnh của trái tim chứ không cam tâm chịu sự chi phối của người khác. Có thể nêu ra đây trường hợp Nguyễn Đắc Kiên, báo Gia đình và Xã hội.

Ngày 25/2/2013, Nguyễn Đắc Kiên viết “Vài lời với TBT ĐCS VN Nguyễn Phú Trọng” đăng lên mạng Internet, phản bác lại phát biểu cùng ngày của ông Trọng tại Phú Thọ.

Ngay hôm sau, ngày 26/2/2013, Nguyễn Đắc Kiên bị sa thải khỏi báo Gia đình và Xã hội. Điều này Kiên đã dự đoán từ trước nên với anh không có gì bất ngờ.

Nhà báo Đỗ Cao Cường mới 26 tuổi. Ngay từ khi còn là sinh viên Cường đã rất ngưỡng mộ Kiên, từng có bài viết chia sẻ, gửi nhà báo Nguyễn Đắc Kiên. Sớm hiểu được sự kiểm duyệt khắc nghiệt của môi trường làm báo nhà nước nên ra trường, Cường chỉ ghé mỗi báo một thời gian để trải nghiệm, chủ động đi và viết chứ không làm hẳn cho một tờ báo nào.

Tuy nhiên việc bỏ hoặc tránh cơ quan báo chí nhà nước để viết báo tự do cũng chỉ là thoát khỏi cái lồng nhỏ ra cái lồng rộng hơn mà thôi. Cái lồng rộng hơn cũng đang bị thu hẹp sao cho nó không hơn cái lồng nhỏ là mấy. Luật An ninh mạng vừa thông qua ngày 12/6/2018 cho thấy điều đó.

Trên thực tế, nhiều người viết báo tự do đã phải trả giá để đánh đổi lấy việc đem lại thông tin trung thực cho độc giả, truyền bá kiến thức, tư tưởng, quan điểm theo hướng làm báo khai phóng. Có thể kể ra đây những người viết báo tự do phải chịu tù đày như Nguyễn Văn Hải (Điếu Cày) và anh chị em thuộc Câu lạc bộ Nhà báo Tự do, Trương Duy Nhất, Phạm Viết Đào, Hồng Lê Thọ, Trần Đình Ngọc, Nguyễn Quang Lập, Nguyễn Hữu Vinh, Nguyễn Thị Minh Thuý, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Hồ Văn Hải, Đặng Xuân Diệu, Hồ Đức Hòa, Trần Huỳnh Duy Thức....

Số bị bắt tù nhiều hơn trong tổng số ít hơn rất nhiều của những người viết báo tự do so với khu vực báo chí nhà nước cho thấy viết báo tự do cũng đầy nguy hiểm. Những người viết báo tự do nếu chưa thành tù nhân lương tâm thì cũng bị sách nhiễu, bị ngăn cản đi lại và bị gây nhiều khó khăn khác trong cuộc sống, tức là bị đặt ra ngoài vòng pháp luật.

Một nền báo chí tự do chỉ có thể có được khi có đa nguyên chính trị, tam quyền phân lập và nhà nước pháp quyền. Nhưng để sớm có được trước hết phải cần đến những cây bút chiến đấu, hy sinh vì nền báo chí tự do ấy.

18/7/2016