Cách đây mấy năm, báo chí đưa một số bài viết về hiện tượng “Linh mục không có đạo”. Vấn đề khá nhạy cảm gây tò mò làm tôi chú ý, bởi lẽ đã là linh mục tại sao lại không có đạo? Bài viết về trường hợp Linh mục Phero Nguyễn Thái Từ, quản Hạt Nghĩa Yên, Giáo Phận Vinh, Sở Hạt thuộc Huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh.
Sở dĩ bài viết nói về vấn đề ở Linh mục này, bởi trên trang Webiste của Hội đồng Nhân dân Tỉnh Hà Tĩnh có tên ngài, ghi rõ tên tuổi, ngày tháng năm sinh của ngài, ở mục nghề nghiệp ghi rõ: Linh mục Quản xứ và Quản hạt Nghĩa Yên, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Thế nhưng, phần Tôn giáo lại khi: “Không”.
Thế mới nên chuyện bàn bạc ầm ĩ. Mỗi người bàn về một khía cạnh tùy theo mức độ nhận thức và hiểu biết.
Riêng tôi, tôi chỉ thấy rằng: Đây lại là một nạn nhân của Cộng sản trong chiến lược cai trị lừa bịp người dân, chia rẽ giáo hội Công giáo và nói lên nhiều vấn đề liên quan đến chính sách, chiến lược tiêu diệt không chỉ tôn giáo, mà thủ tiêu các quyền cơ bản của con người như quyền về tôn giáo, quyền bầu cử, ứng cử…
Thế rồi mọi chuyện cũng qua đi, có sự ồn ào, bàn tán đôi chút rồi cũng chìm xuống.
Cho đến gần đây, tôi nhìn lại trên Website kia, thì lại oái oăm hơn nhiều khi phần về Linh mục Phero Nguyễn Thái Từ đã được sửa lại. Có điều là lần sửa này, lại tệ hại hơn cả lần trước.
Nếu như lần trước, phần khai về Tôn giáo của Linh mục Nguyễn Thái Từ được ghi là “Không” mà đã làm bùng lên dư luận về một “Linh mục không có đạo”, thì lần này, tên khai sinh được ghi là “Linh mục Nguyễn Thái Từ” hẳn hoi, còn tên thường gọi là “Nguyễn Thái Từ”. Điều này hẳn là đứa trẻ học lớp 3 cũng phải bật cười. Bởi chẳng ai khi con mới sinh lại đi khai sinh tên là “Linh mục” hoặc “Chủ tịch nước”. Ngược lại, khi đã là linh mục, thì có thể tên thường gọi lại là “Linh mục Nguyễn Thái Từ” chứ không phải cách gọi trống không.
Đặc biệt, phần Tôn giáo, thay vì phải ghi tên tôn giáo mà người đó đang theo như Công giáo, Phật giáo, Hồi giáo hay Ấn Độ giáo… thì ở đây ghi: “Có”. Và tôi dự đoán có thể đây là “Có giáo”?
Điều này nói lên trình độ ở một cơ quan “quyền lực cao nhất” ở tỉnh Hà Tĩnh là Hội đồng Nhân dân Tỉnh. Ở một cơ quan như vậy, mà chữ nghĩa thông thường còn chưa biết viết, chưa hiểu cách diễn đạt, thì thử hỏi làm sao có thể là nơi ra mọi quyết sách cho sự tiến bộ của địa phương? Mặt khác, đây là sự coi thường trước hết là một đại biểu của Hội đồng Nhân dân Tỉnh, chưa nói đến là một chức sắc tôn giáo.
Về trình độ, có thể chỉ dùng một từ để diễn tả, theo cách của Nguyễn Phú Trọng hay dùng để ca ngời thời đại HCM rằng: “Ngu rực rỡ”.
Linh mục Phê rô Nguyễn Thái Từ và những sự kiện liên quan
Năm 2009, một số sự kiện đã xảy ra tại vùng Giáo phận Vinh, làm nổi sóng dư luận thế giới.
Đó là việc nhà cầm quyền Tỉnh Quảng Bình đã ngang nhiên đánh đập giáo dân, khi họ đến ngôi nhà thờ của mình dựng mái tôn để che nắng mưa lúc phụng vụ.
Điều cần nói ở đây, là vào thời “Cách mạng tư tưởng và văn hóa” của cộng sản được thi hành, chính sách tiêu diệt tôn giáo được thực hiện bằng mọi cách. Hầu hết mọi đình đền, miếu mạo và chùa chiền đều bị đập phá. Nhà thờ bị chiếm đoạt làm kho cho Hợp tác xã, đựng phân, nhốt trâu bò…
Cả thành phố Đồng Hới không có bóng dáng một ngôi nhà thờ nào, dù ở đó đã có một xứ đạo từ lâu đời - Giáo xứ Tam Tòa. Nhà thờ Tam Tòa bị hư hỏng trong chiến tranh, người dân đã bị ngăn chặn không được xây dựng lại. Sau khi cướp đoạt ngôi Thánh đường Giáo xứ Tam Tòa, nhà cầm quyền CS lại lấy làm “Chứng tích tội ác Đế quốc Mỹ”.
Một ngôi Thánh đường là nơi truyền bá, rao giảng một Giáo lý của Tình yêu thương, lại được lấy làm nơi “Chứng tích tội ác” thì có thể nói rằng không có một hành động nào thâm hiểm và đểu cáng hơn để sỉ nhục một tôn giáo lớn.
Nhưng, bản chất của nó lại là ở chỗ sau khi chiếm đoạt ngôi Thánh đường Tam Tòa, nhà cầm quyền đã chia chác khu đất rộng lớn ở đó cho các quan chức, tạo thành “Phố Đông Quan” ở đây. Bởi nơi xây dựng Thánh đường là những khu đất đẹp mà cha ông đã chọn từ xa xưa.
Việc người dân phục hoạt lại ngôi Thánh đường, là một việc mà nhà cầm quyền phải đối diện với chính tội ác cướp đoạt của mình. Do đó, nhà cầm quyền Quảng Bình đã huy động đủ mọi trò ma quỷ và bạo lực để hòng trấn áp. Nhiều giáo dân bị đánh đập, bị bắt đi, Thánh giá bị cướp đoạt, công trình của giáo dân bị phá bỏ…
Tiếng thét từ Tam Tòa đã làm lay động cả cộng đồng tôn giáo khắp nơi. Cả giáo phận Vinh gồm 3 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình nổi sóng bất bình, hàng chục vạn người đã nhất quyết đứng bên cạnh giáo dân Tam Tòa.
Ngay tối hôm đó, tại La Vang, chúng tôi đã thắp nến cầu nguyện cho Tam Tòa được bình an. Rồi ngày hôm sau, gần 100 người chúng tôi đã đến tận Tam Tòa để chứng kiến tội ác với giáo dân ở đây và hiệp thông với họ. Ngày tiếp sau đó, 200 giáo dân và linh mục của Hạt Kỳ Anh đã đến hiệp thông với Tam Tòa.
Nhà cầm quyền Quảng Bình đã không lường đến trường hợp này. Bởi họ “chưa thấy quan tài, chưa đổ lệ”.
Thế rồi việc đánh đập giáo dân, linh mục đến Tam Tòa đã diễn ra công khai và trắng trợn.
Thế nhưng, đúng như cha ông đã nói: “Chưa đánh được người mặt đỏ như vang, đánh người xong mặt vàng như nghệ”.
Cơn phẫn uất của cả Giáo phận Vinh đã làm nhà cầm quyền hoảng loạn. Việc điều động công an, quân đội và biết bao lực lượng để ngăn chặn cơn sóng lòng dân trước tội ác của họ là vô ích.
Người ta kể lại rằng, gần cả năm sau, những chiếc xe biển xanh mang biển số 73 không dám qua lại đường bộ quốc lộ 1A từ Quảng Bình ra Hà Nội. Nhà văn Nguyễn Quang Vinh kể lại với tôi rằng: Những ngày đó, kể cả đêm biểu diễn văn nghệ kỷ niệm gì đó của Quảng Bình, tổ chức rầm rộ nhưng dưới sân khấu vẫn phải bố trí hàng loạt cảnh sát cơ động và lực lượng nằm chui dưới đó để đề phòng giáo dân…
Thế rồi trước những bất bình, phản ứng của dư luận khắp nơi và cả thế giới, nhà cầm quyền Quảng Bình đã phải cấp đất mới cho Giáo xứ Tam Tòa, một giáo xứ mà họ đã từng tuyên bố “không có Giáo xứ Tam Tòa ở Quảng Bình”. Ngôi Thánh đường mới dù phải chịu nhiều sự gây khó khăn từ nhà cầm quyền, vẫn đang đi vào hoàn thiện phục vụ dân chúng ở đây.
Sự kiện thứ hai, là việc nhà cầm quyền Hà Tĩnh lúc bấy giờ đã bắt đầu một dự án bán nước, rước tai họa về cho đất nước: Dự án Formosa.
Để thực hiện dự án này, người dân Hà Tĩnh cho biết: Một cái giá được đặt ra bởi nhà thầu Trung Quốc là chức Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh là cái giá đặt cược cho ai đưa được dân ra khỏi khu vực đó, giải phóng được mặt bằng kịp thời cho Formosa.
Và nhà cầm quyền Hà Tĩnh đã bằng mọi biện pháp từ bạo lực, mua chuộc và dụ dỗ… để đưa hàng ngàn hộ dân, các công trình tôn giáo, phúc lợi… ra bằng khỏi khu vực giao cho Formosa với giá mỗi mét vuông đất chỉ bằng bó rau muống trong 70 năm. Trong dự án này, có một số nhà thờ, trong đó có nhà thờ Họ Thiên Lý.
Trên trang Nữ Vương Công Lý có bài viết cảnh báo Dự án này. Bài báo cho biết sự nguy hiểm của dự án “Bán đất, bán biển trọn gói cho Tàu”. Trong đó, nêu lê việc ngôi nhà thờ bị đập phá và việc nhận tiền đền bù ngôi nhà thờ này có giá rẻ mạt.
Sở dĩ nhắc lại những chuyện này hơi dài dòng, bởi có liên quan đến Linh mục Phê rô Nguyễn Thái Từ mà tôi đang nói đến ở trên.
Trong vụ việc ở Formosa, linh mục Từ là linh mục Hạt trưởng Hạt Kỳ Anh, là người có liên quan đến việc quản lý, nhận tiền đền bù Nhà thờ Giáo họ Thiên Lý cũng như những vấn đề khác.
Đặc biệt, sau đó linh mục Phê rô Nguyễn Thái Từ lại ra ứng cử Hội Đồng Nhân dân Tỉnh Hà Tĩnh. Điều này đã làm cho nhiều người đặt câu hỏi.
Sau đó, việc nhà cầm quyền Hà Tĩnh đưa danh sách đại biểu Hội đồng Nhân dân Tỉnh có tên Linh mục Nguyễn Thái Từ với phần tôn giáo ghi “Không” đã làm dậy lên nhiều dư luận và đặt nhiều câu hỏi về hiện tượng “Linh mục không có đạo” này.
Linh mục Phê rô Nguyễn Thái Từ như tôi biết
Tôi gặp Linh mục Phê rô Nguyễn Thái Từ khi tôi đến Giáo xứ Nghĩa Yên vào một thời gian sau đó, khi ngài đã về làm Quản Hạt ở nơi này. Lần đầu tiếp xúc với ngài, một vị linh mục dáng mạo bình dân, hiền lành và không lắm lời cũng không tỏ ra cách biệt. Sau khi giới thiệu, ngài nói:
- À ông Vinh, tôi nhớ hồi ở Kỳ Anh, đọc bài viết của ông về Tam Tòa, thấy ông mô tả ở đó cũng bình thường như những cọng dừa mà giá dân nấu nước uống còn vương vãi, những cảnh xung quanh yên tĩnh và tinh thần giáo dân Tam Tòa. Đọc những mô tả của ông về nơi đó, tôi quyết định hôm sau đưa 200 giáo dân và linh mục vào thăm. Đâu ngờ chúng nó đánh cho một trận tơi bời.
Khi đó, tôi mới nhớ lúc xảy ra vụ việc Tam Tòa thì ngài còn quản Hạt Kỳ Anh, và Hạt Kỳ Anh là nơi hiệp thông sớm nhất với Tam Tòa sau đoàn viếng thăm của Giáo xứ Thái Hà, Hà Nội.
Khi tôi đến đó ngài mới về quản Hạt, ngôi nhà thờ Nghĩa Yên là ngôi nhà thờ đã lâu, cũ kỹ và nhỏ, nhiều hư hỏng. Ngài đã bắt đầu xây dựng lại hệ thống nhà học giáo lý, các công trình cần thiết và xây dựng lại Thánh đường Nghĩa Yên.
Thế rồi ngài cũng bận bịu với công việc xây dựng giáo xứ và tôi không có dịp gặp lại.
Cách đây hai năm, tôi đọc được những thông tin về việc ngài kiên quyết đòi lại đất nhà thờ Giáo họ Yên Trung bị Cộng sản chiếm đoạt. Thậm chí có thông tin rằng: “Chúa nhật 18.9.2016 sẽ có biểu tình tại Hà Tĩnh" với mục đích là "để đòi lại đất nhà thờ giáo họ Yên Trung" thuộc giáo xứ Nghĩa Yên, hạt Nghĩa Yên, giáo phận Vinh… Ngài nói "nếu trong tuần này mà họ (nhà cầm quyền) không giải quyết, thì sẽ tổ chức biểu tình sau thánh lễ 3 giờ chiều Chúa nhật tại giáo họ Yên Trung." Cha hạt và toàn thể giáo dân sẽ đi bộ lên trụ sở ủy ban huyện cách nhà thờ 500 m. Mỗi người sẽ cầm các biểu ngữ tự viết, thể hiện yêu cầu đòi đất".
Tình hình ở đó căng thẳng đến mức đám Công an, an ninh đã phải dùng đòn Dư luận viên giấu mặt, mạo danh là trang Người Công giáo trên Facebook – thủ đoạn bẩn thỉu thường thấy của cộng sản - để nói xấu và công kích ngài trên các trang bẩn thỉu của chúng.
Bọn An ninh đóng vai Dư luận viên viết: “Ngoài ra được biết, Cha Phê Rô Nguyễn Thái Từ từng là đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, từng bị xem là "linh mục không có đạo". Và trước những cáo buộc "Linh mục Cộng sản" Cha Từ đã giữ vững ý chí và tuyên bố rằng: "việc nào tốt với dân, giúp ích cho dân thì ông làm và ngược lại, việc nào bức bách dân nghèo thì tôi phản đối" nhưng xem chừng Cha đang làm ngược lại điều mình nói thì phải?”
Và như vậy, Linh mục Phê rô Nguyễn Thái Từ đã đứng giữa hai làn đạn mà không thể nói được gì hơn.
Những thông tin lúc đó ồn ào, sau đó trên mạng Internet đã xuất hiện một tờ đơn của Linh mục Phê rô Nguyễn Thái Từ gửi Tòa Giám mục Giáo phận Vinh xin được nghỉ việc quản Hạt để chữa bệnh.
Rồi sau đó, trên Website của Giáo phận có thư của Đức Cha Phaolo Nguyễn Thái Hợp đồng ý cho cha Từ về Tòa Giám mục chữa bệnh.
Tưởng rằng mọi việc ồn ào đến đó là xong.
Nhưng thực tế không đơn giản thế.
(Còn nữa)
Ngày 17/7/2018.
J.B Nguyễn Hữu Vinh
Bài bình luận gần đây