You are here

ĐỀ ÁN ĐẶC KHU CỦA VIỆT NAM: ẢO TƯỞNG THÀNH CÔNG (P.2)

Điều kiện thứ sáu là tiếp thu công nghệ và sáng tạo không ngừng. Đề án đặc khu của Việt Nam đúng là có mang kỳ vọng thu hút được những dự án công nghệ cao, song như đã nói ở điểm 1, vì không đặt trong tương quan với thực trạng nền kinh tế hiện nay, kỳ vọng này khả năng cao chỉ là một ảo vọng.

Vị trí chiến lược và khả năng kết nối tạo thành điều kiện thứ bảy cho thành công của đặc khu. Đúng là cả ba vị trí được chọn có một số thuận lợi, nhưng nếu so với các trường hợp điển hình thành công trên thế giới như Thâm Quyến, Thượng Hải (TQ), Masan (Hàn Quốc), Singapore, Hong Kong thì khó có thể nói là vượt trội? Cả ba vị trí đó có nằm trên tuyến thương mại hàng hải quốc tế nào không? Có gần thị trường quốc tế rộng lớn nào không? Có được hậu thuẫn bởi thị trường hoặc tổ hợp công nghiệp nội địa nào không? Hoàn toàn không.

Yếu tố thứ tám là liên kết với nền kinh tế quốc gia. Những trường hợp đặc khu thành công đều chứng tỏ được khả năng kết nối các nhà đầu tư quốc tế với các doanh nghiệp địa phương, giúp lan tỏa ảnh hưởng tích cực cho toàn bộ nền kinh tế. Trong khi đó, 30 năm thu hút hơn 170 tỷ USD đầu tư nước ngoài (FDI) nhưng với trọng tâm đặt sai chỗ, Việt Nam đã thất bại trong việc xây dựng nền công nghiệp hỗ trợ tạo đà cho nền sản xuất quốc nội, thì làm sao có thể tin rằng chính phủ lần này sẽ thành công với 3 địa điểm vừa tách biệt về mặt địa lý, vừa khác biệt với phần còn lại của nền kinh tế.

Sự hài hòa giữa phát triển công nghiệp và phát triển xã hội/đô thị là điều kiện thứ chín góp phần cho thành công của đặc khu. Đó phải là những đô thị đáng sống với môi trường trong sạch, hạ tầng phát triển và chi phí cư trú không quá đắt đỏ (ít nhất là giai đoạn ban đầu). Với trường hợp Việt Nam, thực tiễn đầu cơ đất đai và phá hoại môi trường thời gian vừa qua, đặc biệt là ở Phú Quốc, Vân Đồn đang khiến khả năng xây dựng những đô thị đáng sống như trên trở nên xa vời.

Cuối cùng, chương trình đặc khu thành công cần một cơ chế đánh giá hiệu quả khách quan để biết khi nào nên tiếp tục hay dừng lại. Với số tiền khổng lồ dự kiến lấy từ ngân sách quốc gia đầu tư cho các đặc khu, quả thật rất thiếu sót khi đề án hoàn toàn vắng bóng một cơ chế đánh giá như thế để có thể rút ra kịp thời trong trường hợp không thành công như mong đợi.

Tóm lại, xét trên cả 10 điều kiện/yếu tố góp phần vào thành công của một đặc khu theo kinh nghiệm quốc tế, chương trình đặc khu của Việt Nam tỏ ra thật kém cạnh tranh và thiếu triển vọng. Những người bảo vệ đề án này có thể có những lý giải khác nhau, song không khó để nhận ra đối tượng hưởng lợi lớn nhất từ đề án này. Trong dự thảo luật, họ được gọi tên là “nhà đầu tư chiến lược”, còn trên thực địa họ chính là một vài tập đoàn đã gom đất ở ba địa phương này với giá rẻ mạt trong nhiều năm qua, đang chờ luật thông qua sẽ kéo theo hàng tỷ USD mỗi năm (chắt bóp từ ngân sách quốc gia vốn đang eo hẹp) đổ về đầu tư giúp tăng giá trị dự án của họ lên gấp nhiều lần. [2]

---

[2] Dự kiến ngân sách nhà nước thời gian tới phải bỏ ra 7.5 tỷ USD cho Phú Quốc, 3.5 tỷ USD cho Vân Phong và 1.7 tỷ cho Vân Đồn - đều là những con số khổng lồ đối với tình trạng ngân sách thâm thủng của Việt Nam hiện nay.

http://baodauthau.vn/thoi-su/von-nha-nuoc-chi-la-von-moi-cho-dac-khu-684...