Trên mạng xã hội, không khó để các bạn bắt gặp các comments hay status có nội dung đại loại như "Trước đây, Singapore, Thái Lan nhìn Sài Gòn thời Việt Nam Cộng hòa (VNCH) với một sự ngưỡng mộ, những dân tộc ấy thèm khát để bao giờ mới được như Sài Gòn". Thậm chí còn "...cách đây hơn 50 năm trước, ông Lý Quang Diệu nhìn Sài Gòn và mơ ước để một ngày Singapore sẽ được như Sài Gòn" v.v...
Điều đó cho thấy số đông người Việt mình rất giàu trí tưởng tượng, vì những suy đoán kể trên chỉ là sự cảm tính mang tính bốc đồng hơi thái quá. Có lẽ đây là kết quả của việc lười đọc sách, tra cứu mà chỉ nghe truyền miêng. Và sự thù hận phần nào cũng đã góp phần tạo nên một thứ tư duy xấu của người Việt, đó là ta luôn tốt, luôn đúng và kẻ thù của chúng ta thì luôn luôn sai và xấu xa.
Trong bài viết "Sài Gòn có phải là 'Hòn ngọc Viễn Đông'?" của tác giả Trương Thái Du đăng trên BBC (bbc.in/2sdrmYy) có một nhận xét khá hóm hỉnh khi cho rằng, "Việc ngợi ca "hòn ngọc Viễn Đông số một" và "Singapore mơ thành Sài Gòn" chỉ là suy nghĩ của những người Việt Nam Cộng hòa hoài cổ và dí dỏm sau 1975." Thậm chí tác giả còn trích dẫn các tư liệu lịch sử về nhận xét của các học giả, những người nổi tiếng như các cụ Phạm Quỳnh, Trần Trọng Kim... đã mô tả Bangkok, Singapore... ngày xửa ngày xưa, từ thời thế chiến thứ 2 đã bỏ xa Hà nội cũng như Sài Gòn nhiều lắm.
Nhận xét của tác giả Trương Thái Du là một điều có thật, khi sự ca ngợi những thành tựu được coi là của Việt Nam Cộng Hòa của một số không ít người đã được phóng đại tới mức quá đáng, thậm chí trở thành một sự ngốc nghếch. Không biết tác giả Trương Thái Du sau khi viết bài viết ấy có nhận được số gạch đá kha khá của bạn đọc để xây cho mình một ngôi nhà hay không?
Không thể chối bỏ, Sài Gòn nói riêng và VNCH nói chung trong một thời gian tồn tại ngắn ngủi đã hiện hữu rõ nét sự tiến bộ cả về hành chính lẫn kinh tế, văn hóa, giáo dục và chính trị. Tôi từng được người Sài Gòn cũ kể lại, kể cả đến thời Đệ Nhất Cộng hòa Sài gòn khi đó kinh tế hết sức phồn vinh, phồn vinh tới mức học trò dùng một nửa đồng bạc giấy bị rách vẫn mua được quà v.v... Song những thành tựu đó của VNCH có được đến trước khi sụp đổ cũng bởi được thừa hưởng sự cai trị văn minh, tiến bộ và phát triển của nhà nước Liên bang Đông Dương thuộc Pháp trong thời gian nhiều thập kỷ. Và chắc chắn đó không phải là thành tựu của chính thể VNCH tạo nên.
Ngược dòng lịch sử, nhà nước VNCH được hình thành ngày 22 tháng 5 năm 1949, sau khi Quốc hội Pháp chính thức bỏ phiếu thông qua việc trao lãnh thổ Nam Bộ cho Quốc gia Việt Nam quản lý về hành chính. Và đến ngày 30 tháng 4 năm 1975 sau 26 năm tồn tại, thì quốc gia VNCH bị biến mất khỏi bản đồ chính trị thế giới .
Theo sử sách, Nam kỳ là tên gọi Khu vực lãnh thổ cực Nam của nước Đại Nam triều Nguyễn, do vua Minh Mạng đặt năm 1832. Trong thời kỳ Pháp thôn tính Việt Nam, theo chính sách "chia để trị", nước Việt Nam bị chia cắt thành 3 xứ riêng biệt. Đó là các xứ: Nam Kỳ thuộc địa và hai xứ bảo hộ Bắc Kỳ và Trung Kỳ. Danh xưng Nam Kỳ được chính quyền Liên bang Đông Dương của Pháp duy trì cho đến năm 1945. Sau khi Việt Nam giành được độc lập năm 1945, Nam Kỳ bắt đầu được gọi là Nam Bộ, trong giai đoạn 1948-1954 thường gọi là Nam Việt. Quốc gia Việt Nam và Việt Nam Cộng hòa cũng dùng tên gọi Nam phần, vốn đã được sử dụng từ năm 1947 trong giai đoạn sau của Cộng hòa Tự trị Nam Kỳ.
Thực ra nền tảng của thể chế VNCH đã được hình thành từ năm 1949, một nhóm chính trị gia chống cộng lập ra dưới sự ủng hộ của người Pháp với cựu hoàng Bảo Đại là Quốc trưởng. Sau khi Vua Bảo Đại bị ông Ngô Đình Diệm phế truất vào năm 1955 sau một cuộc trưng cầu dân ý vào ngày ngày 26 tháng 10 năm 1955 thì quốc gia Việt Nam Cộng hòa mới chính thức được thành lập. Và ông Ngô Đình Diệm trở thành người lãnh đạo nền Đệ Nhất Cộng hòa (1955-1963). Có nghĩa là danh xưng VNCH chính thức được có từ thời điểm ngày 26 tháng 10 năm 1955. Có thể nói thời kỳ ông Ngô Đình Diệm cầm quyền, thì sự phồn vinh của Nam kỳ vẫn còn được tồn tại cho tới khi giới quân nhân dùng vũ lực để giết chết ông trong một cuộc đảo chính. Kể từ sau đó, chiến tranh lan rộng khắp miền Nam và với sự viện trợ khổng lồ của Hoa Kỳ trên mọi lĩnh vực, thì Sài gòn nói riêng và miền Nam nói chung vẫn vẫn sống động và phát triển nhưng bất an.
Thực ra việc Sài gòn nổi danh là hòn ngọc Viễn Đông, đó chỉ là một mỹ danh mà người Pháp dùng để chỉ thủ đô của Liên bang Đông Dương thuộc Pháp thời kỳ đầu thế kỷ XX. Theo sách vở, sở dĩ Sài gòn có tên là Viễn Đông cũng bởi, nó là địa danh chỉ 3 nước thuộc địa ở cực Đông của Pháp, gồm Nam Kỳ thuộc Việt Nam, và 2 nước Lào và Cambodia.
Vẫn theo tác giả Trương Thái Du (bbc.in/2sdrmYy) thì, "Sài Gòn chưa bao giờ là số một ở Đông Nam Á và danh xưng "hòn ngọc Viễn Đông" vô thực chất của nó hiện nay chủ yếu chỉ để quảng cáo du lịch" và "Chuyện ông Lý Quang Diệu mơ ước Singapore được như Sài Gòn khó tin hơn cả việc người ta từng cho rằng khắp quả đất đã mong một ngày thức dậy bỗng trở thành người Việt Nam trên tuyến đầu đánh Mỹ!".
Sở dĩ đặt vấn đề "Hòn ngọc Viễn Đông có phải là thành tựu của Việt Nam Cộng hòa hay không?", cá nhân tôi hoàn toàn không nhằm mục đích bôi nhọ hay nói xấu chế độ VNCH. Vấn đề ở đây là, chúng ta sẵn sàng chấp nhận những ý kiến khác biệt của mọi giới thuộc hạng bình dân, song với tầng lớp trí thức hay những người hoạt động xã hội, tự cho mình sứ mệnh khai dân trí thì không thể nhầm lẫn những điều mang tính giả tưởng như vậy.
Nghĩa là, Hòn ngọc Viễn Đông chỉ là một mỹ danh mà người Pháp dùng để chỉ thủ đô của Liên bang Đông Dương thuộc Pháp thời kỳ đầu thế kỷ XX và nó càng không phải là thành tựu của chế độ Việt Nam Cộng hòa? Sự phồn vinh, thịnh vượng của Sài Gòn có được trước năm 1975 là kết quả của nhiều chục năm khi Nam Kỳ là thuộc địa của Pháp.
Để hiểu rõ hơn, xin bạn đọc đọc lại bài viết "Sài Gòn có phải là 'Hòn ngọc Viễn Đông'?" của tác giả Trương Thái Du đăng trên BBC (bbc.in/2sdrmYy) sẽ rõ.
Ngày 28 tháng 05 năm 2018
© Kami
* Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA
Bài bình luận gần đây