Khi nghe tin Phạm Ngọc Cương tranh cử ghế Hạ viện Ontario, tôi nhắn anh “Hi vọng Cương thắng. Thắng lợi đó, không chỉ cho riêng anh, không chỉ của riêng, cho riêng cộng đồng người Việt tại Canada, mà của tất cả chúng ta, cho chúng ta, những “chiến binh” trên mật trận đòi dân chủ, nhân quyền cho nước Việt”.
Tôi quen Cương từ 2011. Những bài viết ngùn ngụt người đọc của anh trên Một Góc Nhìn Khác, cũng từ đây. Cảm ơn anh, đã cho Một Góc Nhìn Khác của tôi một hơi thở khác. Để từ đó, cái tên Phạm Ngọc Cương đã trở thành điều khiến bạn đọc phải khao khát đợi chờ.
Lâu, không thấy bài của anh, tôi điện nhắc. Cương bảo “có thay đổi được gì không anh?”. Cái khao khát “phải thay đổi một điều gì đó” nhiều khi đọc anh, muốn khóc.
“Bi kịch Việt ở chỗ chúng ta hay coi nhau là kẻ thù. Nhà Tây Sơn và nhà Nguyễn khi nắm quyền đều quật mồ cuốc mả nhau. Giải quyết chưa xong giặc Pháp đã nổ ra cải cách ruộng đất long trời lở đất. Chưa kịp hưởng hoà bình lại dấn sâu vào cuộc chiến Quốc Cộng hai chục năm. TBT Lê Duẩn hoan hỷ: Thắng lợi này không của riêng ai, vinh quang này thuộc về dân tộc! Vậy mà ngay sau đó- một phần dân tộc- hàng triệu quân cán chính quyền miền Nam bị tống vào các trại cải tạo. Hằng ngày, vẫn dư thừa tin về “các thế lực thù địch” do báo đài xào xáo. Những trí thức lương thiện, khác chính kiến luôn bị đày đoạ, thay nhau ngồi tù, bị cắt kế sinh nhai. Không thể có phát triển và ổn định bền vững, nếu cả xã hội bị ức chế tinh thần bằng sự căm thù” (trích “Chúng ta không phải là kẻ thù của nhau”, Phạm Ngọc Cương).
Tại sao chúng ta không thay đổi?
Lần nào gặp, anh cũng hỏi vậy.
Lần gặp tôi và Nguyễn Văn Hải (Điếu Cày) tại Philadenphia 2016, anh cũng hỏi thế. Câu hỏi, như túc trực, bất kể lúc nào. Đúng hơn, đó là lần anh giúp tôi có được cuộc hội ngộ bất ngờ, xúc động với người bạn tù thân quí. Anh lái xe, chở tôi xuyên đêm từ Toronto đến Philadenphia. Rồi tiếp tục hối hả về Washington DC, để kịp giao tôi cho VOA và RFA với những cuộc phỏng vấn nóng, đã hẹn trước về Trần Huỳnh Duy Thức.
Nhìn Cương quay xe, với chặng đường thăm thẳm một mình ngược về Toronto, thấy thương anh quá. Cương không chỉ vì bạn, vì tôi, vì Hải Điếu Cày, vì Trần Huỳnh Duy Thức… Chở theo anh, còn cả gánh nặng của một khát vọng lớn lao ở sự đổi thay.
Có lẽ, cũng vì khát vọng đổi thay đó, vì muốn “phải thay đổi một điều gì đó”, Cương dấn thân, tham chính bằng cuộc ứng cử Hạ viện lần này. Thắng cử giai đoạn đầu, thành ứng viên của đảng Bảo thủ (PC) tham gia tranh cử ghế Hạ viện Ontario.
Vậy mà vừa nghe, Cương đang bị “đánh” bởi một số nhóm Việt hải ngoại nghi anh “thân Cộng”.
Buồn!
Tại sao, một người như Phạm Ngọc Cương, lại nhìn ra… “Cộng sản”?
Khi tôi bị bắt. Từ Toronto, Cương chạy đôn chạy đáo vận động các nghị sĩ, đại sứ, tổ chức nhân quyền đòi chính quyền Việt Nam thả tôi, cùng với một nhóm bạn khác đứng ra thuê luật sư nhân quyền ở Mỹ và Canada, thảo thư yêu cầu gửi toà án và chính phủ Việt Nam, đề nghị để các luật sư quốc tế bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho tôi trước toà.
Anh gọi tôi là “phóng viên chiến trường”. Cương viết “Anh thành một phóng viên chiến trường thực thụ tại một chiến trường khốc liệt giữa cái khát khao thay đổi và ù lì, công bằng chung và lợi ích nhóm, phát triển và bảo thủ tụt hậu. Người phóng viên ấy đã trúng đạn từ một chính trường tối dạ, nông cạn, mù quáng và giáo điều” (trích “Trương Duy Nhất- phóng viên chiến trường”, Phạm Ngọc Cương).
Xúc động, khi nhận ra Cương luôn đồng hành cùng những cây bút độc lập, những tù nhân chính trị chúng tôi. Thì chính anh, cây bút Phạm Ngọc Cương chẳng đã là một “phóng viên chiến trường” mưu lược, gan dạ và quả cảm trên Một Góc Nhìn Khác đó sao?
Để rồi hôm nay, chính anh, lại đang thành một “ông nghị chiến trường”, giữa một “chiến trường” của những người Việt xa xứ.
Tại sao, chúng ta vẫn mãi nhìn và xem nhau như kẻ thù?
“Phải thay đổi một điều gì đó”. Nhưng, “tại sao chúng ta không đổi thay?”.
---------------------------------
- Ảnh 1: Phạm Ngọc Cương.
- Ảnh 2: Phạm Ngọc Cương với Nguyễn Văn Hải (Điếu Cày) và Trương Duy Nhất, Philadenphia, tháng 6/2016.
Bài bình luận gần đây