You are here

Gậy ông đập lưng ông

Ảnh của nguyenlanthang

Gậy ông đập lưng ông là câu thành ngữ mô tả một chiến thuật kinh điển từ ngàn xưa. Khái niệm này là cốt lõi của nhiều câu chuyện ngụ ngôn trên toàn thế giới, với nhiều loại ngôn ngữ khác nhau. Dù diễn tả bằng nhiều hình thức khác nhau, nhưng tựu chung cốt lõi của câu chuyện này là cách đối phó của người bị tấn công với kẻ ra tay trước. Bạn sẽ luôn giành được lợi thế nếu biết cách xoay chuyển đòn đánh của kẻ tấn công hướng vào chính lưng hắn.

 

Tôi đề cập đến câu chuyện này bởi trong một quan sát khá thú vị sau đây. Mỗi khi trong xã hội chúng ta có một chuyện trọng đại xảy ra, ví dụ như việc Trung Quốc gây hấn trên biển Đông, việc chặt phá cây xanh bừa bãi, việc ô nhiễm biển miền Trung... ta thấy một hiện tượng rất phổ biến trên các trang báo chính thống là: nhất định có một cô gái nào đó tụt quần, một thầy giáo nào đó đánh học sinh, một cây cầu ở xó xỉnh nào đó vừa mới khánh thành đã bị sụp, hay một quan chức phát biểu câu gì đó rất ngu ngốc. Những câu chuyện ngoài lề đó cực hút dư luận. Đó là một chiến thuật kinh điển của giới cầm quyền khi muốn lái dư luận vào một câu chuyện tầm phào khác, để tránh đi lời bình luận chỉ trích của dư luận vào sự kiện nghiêm trọng hơn, và nó đã thành công rất nhiều lần. Bằng lợi thế nắm mọi cơ quan truyền thông chính thống, những người cầm quyền luôn dùng chiến thuật lấn át này, phủ đầy các trang tin, trang báo câu chuyện số 2, và kết quả là dư luận sẽ nhạt dần đi sự quan tâm vào câu chuyện số 1.

 

Tôi đã từng rất bực tức trước chiến thuật đó và không biết làm thế nào để đối phó với trò này. Nếu cả xã hội bắt đầu đổ dồn vào câu chuyện số 2 mà mình cứ lải nhải nói câu chuyện số 1, thì chắc chắn mình thua. Thua bởi vì mình là số ít. Thua bởi vì nguồn lực của mình không thể so sánh được với họ. Vậy thì làm thế nào để chống đỡ đòn đánh truyền thông này? Đó là câu hỏi rất nhức nhối của những người quan tâm đến hiện tình đất nước và mong mỏi sự đổi thay.

 Chúng ta thường có hai lựa chọn. Một là bực tức phản kháng bằng việc đăng tin những vấn đề thứ nhất trong vô vọng. Hai là im lặng hoặc đăng chút chút câu chuyện thứ hai... và cuối cùng bạn vẫn thua, vì câu chuyện thứ nhất vẫn bị chìm đi. 

Nếu bây giờ tôi đứng lùi ra và đặt hai câu hỏi như sau:

  1. Nguyên nhân nào gây ra câu chuyện số 1?
  2. Nguyên nhân nào gây ra câu chuyện số 2?

Nếu đã hỏi được như vậy thì chắc chắn bạn đã hình dung ra câu trả lời.

Vậy thì để đối phó với đòn tấn công hoả mù lấn át truyền thông, theo tôi sự lựa chọn thông minh sẽ là: thay vì dùng cách thức đối phó cũ, hãy nương theo câu chuyện số 2, là câu chuyện mà cả xã hội đang quan tâm, bạn hãy viết bài theo hướng phân tích nguyên nhân, hãy tìm ra nguyên nhân gây ra cả câu chuyện số 1 và số 2. Trong bối cảnh cả xã hội đang bùng lên vì câu chuyện số 2, bạn đẩy xa vấn đề theo một cách khác, chắc chắn bạn sẽ nắm lại thế chủ động, và lực đánh cực mạnh của đối thủ sẽ quay ngược trở lại đập vào lưng hắn ngay lập tức.

Kết quả hiện tại luôn có được từ hành động trong quá khứ. Nếu bạn không thay đổi hành động trong hiện tại, chắc chắn kết quả trong tương lai vẫn như vậy mà thôi.