Song Chi.
Một trong những lý do khiến các quốc gia Bắc Âu như Na Uy, Đan Mạch, Thụy Điển, Phần Lan, Iceland…luôn luôn nằm trong top những quốc gia hạnh phúc nhất, hay người dân cảm thấy hạnh phúc nhất, là vì đời sống tại các quốc gia này không quá căng thẳng, con người không phải chịu nhiều sức ép bất kể là từ đâu-gia đình, nhà trường, nơi làm việc hay dư luận xã hội. Chẳng hạn, học sinh tại các quốc gia này không phải chịu sức ép về điểm số, kết quả học tập, học sinh đi học đến lớp 8 mới bắt đầu tính điểm nhưng điểm số cũng chỉ học sinh đó và mỗi giáo viên cho điểm biết, không công khai trước lớp hay toàn trường! Các em có thể học giỏi hay bình thường hay kém cũng chả sao, thầy cô, nhà trường và ngay cả bố mẹ không bao giờ thúc ép hay la mắng, làm khổ con em vì những chuyện như vậy.
Lớn lên một chút, nếu muốn học tiếp lên đại học, cao học, Tiến sĩ thì học, nếu muốn đi học trường nghề hay thậm chí đi làm những nghề bình thường trong xã hội như lau chùi, phục vụ trong nhà hàng, làm việc trong siêu thị, lái xe bus…cũng chả sao. Tại các quốc gia này mọi người đều bình đẳng, con người không bị đánh giá bởi bằng cấp, địa vị, và khoảng cảch giàu nghèo cũng không quá cách biệt, thậm chí học càng nhiều, lương càng cao thì càng bị đánh thuế nặng!
Và dù làm bất cứ công việc gì thì con người ta cũng đủ sống (chưa kể những việc lao động nặng nhọc lương lại nhiều), được hưởng mọi chế độ an sinh xã hội, giáo dục y tế miễn phí, về già có tiền giả, lương hưu…nên con người cứ thế mà thanh thản sống, không quá âu lo. Giàu có, thành đạt, xinh đẹp…càng tốt mà không giàu có, không thành đạt, không xinh đẹp, thậm chí bị tàn tật, khiếm khuyết về sức khỏe…cũng vẫn sống bình thường, không có gì phải mặc cảm! Không việc gì phải đua chen cho bằng với người khác vì như đã nói, xã hội không đánh giá con người bởi bằng cấp hay những cái bên ngoài!
Chính vì thế mà người dân tại các quốc gia này thường cảm thấy hài lòng về cuộc sống, ít căng thẳng, ít lo âu, và do đó, họ hạnh phúc!
Việt Nam, trái lại, con người có quá nhiều nỗi lo từ khi còn ở tuổi mẫu giáo cho tới khi nhắm mắt lìa đời! Sức ép đến từ xã hội, một xã hội quá chuộng bằng cấp, chuộng địa vị, chỗ đứng, cái danh cho tới những cái bên ngoài như phải có nhà lầu xe hơi, phải ăn mặc tiêu xài chưng diện cho bằng với người ta…Con người phải lao vào học, kiếm cái bằng, cái ghế, cái danh, và trên hết là kiếm tiền, vì nhà nước chỉ biết bóc lột, tận thu đủ loại thuế từ người dân mà chả lo cho dân cái gì, nên phải kiếm tiền phòng khi đau ốm, lúc thất nghiệp, khi gặp tai nạn rủi ro, khi về già, đám ma đám cưới, kiếm tiền cho con đi du học ở nước ngoài (cũng lại cho bằng với con người ta)!
Nhưng sức ép còn đến từ trong gia đình, từ trong suy nghĩ, quan niệm sống của đa số người Việt Nam. Bài viết này chỉ tập trung một khía cạnh: tâm lý kỳ vọng vào chuyện học hành từ các bậc phụ huynh người Việt đối với con em.
Ở trong nước, trẻ em VN khổ từ khi mới vào mẫu giáo cho tới suốt những năm đi học cấp một, cấp hai, cấp ba, rồi đại học, vì sự kỳ vọng này của cha mẹ. Học phải giỏi (hơn con nhà hàng xóm), phải điểm cao, phải vô được trường chuyên lớp chuyên, phải đậu đại học, phải học những ngành được xã hội đánh giá cao, trọng vọng như bác sĩ, dược sĩ, kỹ sư, kinh tế…Hết học ở trường lại phải đi học thêm, hết học chữ lại học 1, 2 ngoại ngữ, học nhạc, học hát, học khiêu vũ, bơi, các loại môn thể thao v.v…quanh năm suốt tháng học, không có thời gian nghỉ, không có mùa hè, không có tuổi thơ, chỉ vì cha mẹ muốn con mình trở thành một con người hoàn hảo, cái gì cũng biết, cái gì cũng giỏi!
Đã trở thành quá bình thường hình ảnh những ông bố bà mẹ chở con từ trường qua lớp học thêm này rồi lớp học khác, đứa nhỏ ngồi sau tranh thủ ăn lấy sức hoặc gà gật ngù vì buồn ngủ quá sức! Đã trở thành quá bình thường hình ảnh các ông bố bà mẹ đi thi cùng con, con ngồi trong thi thì bên ngoài bố mẹ vật vạ nằm ngồi chờ đợi; vì muốn con phải vào bằng được đại học mà nhiều người sẵn sàng bán ruộng bán vườn, làm đủ thứ nghề nặng nhọc nuôi con, dù những năm sau này số lượng Cử nhân, Thạc sĩ ra trường rồi thất nghiệp đầy rẫy, nhưng cha mẹ vẫn tự an ủi con mình thất nghiệp nhưng mà có học, chứ không phải do thất học nên không kiếm được việc làm!
Cũng đã trở thành bình thường những câu chuyện bố mẹ chọn ngành học cho con, bất chấp con có thích, có phù hợp hay không. Có nhiều bậc cha mẹ thất bại trong cuộc đời, không làm được một công việc nào đó mà họ ao ước, thế là họ muốn con mình cũng theo nghề đó, nối tiếp ước mơ dang dở của họ!
Cũng đã dần dần trở thành bình thường những câu chuyện có những em học sinh bị trầm cảm vì sức ép trong học hành, thậm chí tự tử! Mới đây nhất cái chết của một học sinh lớp 10 trường Nguyễn Khuyến (TP Hồ Chí Minh) bằng việc gieo mình từ tầng cao, để lại những lá thư tuyệt mệnh nói lý do tự tử vì không học giỏi, không đáp ứng được kỳ vọng của bố mẹ khiến cả xã hội bàng hoàng! Nhưng đó không phải là lần đầu tiên cũng không phải là lần cuối cùng, một câu chuyện kiểu như vậy xảy ra! (Đọc thêm bài “Học sinh tự tử vì áp lực học: Chết trong kỳ vọng”, báo Tiền Phong).
Nhưng không phải chỉ do sống trong một môi trường xã hội như ở VN, nhiều bậc phụ huynh mới thúc ép con em học hành, mà ngay cả khi đã ra bên ngoài, sống trong một xã hội tự do, dân chủ như Mỹ, như các nước phương Tây, các bậc phụ huynh người Việt nói riêng và các nước Đông Á nói chung cũng nổi tiếng là hy sinh tất cả cho con, đặt kỳ vọng lên con, vì vậy mà học sinh các nước Đông Á như Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…thường đạt thứ hạng cao hơn học sinh nhiều quốc gia khác ở bậc trung học, và thường học lên đại học! Nhưng mặt trái là các em phải chịu áp lực từ gia đình, cho dù đã ra sống ở nước ngoài!
Câu chuyện một sinh viên người Mỹ gốc Việt giết mẹ vì bị ép trở thành bác sĩ cách đây đã mười năm ("Thảm kịch giết mẹ trong gia đình gốc Việt vì bị ép trở thành bác sĩ”, VietnamNet, “Con giết mẹ vì bị ép học làm bác sĩ? Báo Người Việt)…đã cho thấy phần nào cái mặt trái ấy.
Là bởi vì, tuy đã ra sống ở nước ngoài, nhưng không phải bậc phụ huynh nào cũng thay đổi, tiến bộ về nhận thức, quan điểm cho phù hợp với một xã hội tự do, dân chủ, văn minh. Trong khi đối với phụ huynh các nước Âu Mỹ, họ đã quen với việc coi trọng con từ khi còn bé, cho con tự lập, tự quyết định hầu hết mọi vấn đề trong cuộc sống, cha mẹ chỉ lắng nghe, góp ý, ủng hộ hoặc khuyên nhủ thêm, thì đa số các bậc phụ huynh VN, dù còn sống trong nước hay đã ra bên ngoài, vẫn xem con cái như trẻ nhỏ, thậm chí, như “tài sản”, “vật sở hữu” của mình.
Con cái là phải nghe lời, phải tuân theo ý muốn của bố mẹ, phải học ngành này, chọn lấy người kia v.v…Và đối với đa số người Việt ở trong nước hay thuộc thế hệ thứ nhất, thứ hai ở nước người, bác sĩ vẫn là một nghề được trọng vọng, ước ao. Thành đạt với đa số những người Việt này sau nhiều năm sống ở nước ngoài là có một cái nhà, cái xe và có con học bác sĩ, cùng lắm thì dược sĩ, kỹ sư, luật sư! Còn bao nhiêu cái nghề khác trong lĩnh vực media, điện ảnh, nghệ thuật…họ không biết tới hoặc cho là…tào lao!
Đến bao giờ thì nhiều bậc cha mẹ VN hiểu được một điều đơn giản: Hãy để con cái sống cuộc đời của chúng, chứ đừng sống thay chúng hoặc bắt chúng sống thay cho những giấc mơ, những kỳ vọng của chính mình?
Bài bình luận gần đây