Kami
Chiều 02/3/2011, theo thường lệ tôi vào đọc tin trên trang baomoi.com, khi vào mục tin Xã hội đọc lướt qua thấy có 3 tin kì quặc như sau:
Những tin này có liên quan đến ông Nguyễn Anh Tuấn – Tổng biên tập trang web nổi tiếng VietNamNet, nhất là vào thời điểm cuộc chiến nội bộ của VNN tưởng sẽ còn kéo dài không có hồi kết,
điển hình là từ tháng 11.2010 VietNamNet nhiều lần bị hacker tấn công, có thời điểm đã xóa sạch nội dung của báo này hoặc làm tê liệt tờ báo. Đến nay, cơ quan điều tra vẫn chưa tìm ra thủ phạm của các vụ tấn công trên. Chính vì lý do đó nên tin này đã được rất nhiều người quan tâm tìm đọc, vì hẳn ai cũng biết, ông Nguyễn Anh Tuấn là người đã gây dựng trang web VietNamNet trở thành một trong những tờ báo điện tử Việt Nam có lượng truy cập lớn (khoảng 4 triệu lượt truy cập/tuần). Khi giữ chức vụ tổng biên tập VietNamnet thì ông Nguyễn Anh Tuấn còn kiêm chức vụ giám đốc VASC (thuộc tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam) và năm 2008, khi báo VietNamNet được chuyển giao về Bộ Thông tin và truyền thông, ông Tuấn vẫn là tổng biên tập của tờ báo này.
Nếu xếp thứ tự các thông tin trên thì có thể hiểu sự việc này diễn ra như sau: Vào hồi 13:26:00 ngày 02/3/2011 Thông tấn xã Việt nam đưa tin Tổng biên tập VietNamNet xác nhận xin thôi việc và tiếp theo vào hồi 16:33:00 cùng ngày Thông tấn xã Việt nam đưa tin Tổng Biên tập của VietNamNet đắc cử chức vụ mới. Thế nhưng vào lúc 18:14 ngày 02/3/2011 tức là sau từ 2-5 tiếng đồng hồ khi TTXVN đã đưa tin thì trên trang báo Doanh nhân VN có đưa tin “Thứ trưởng Bộ truyền thông: “Chưa nhận được đơn từ chức của TBT VietnamNet”. Bản báo nêu rõ (trích):
“Thứ tư, 02/03/2011 18:14 (DVT.vn) – Ông Trần Đức Lai, thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định cho đến 4h chiều nay chưa hề nhận được bất kì lá đơn nào của ông Tuấn.
Trong cuộc họp báo Chính phủ chiều nay, ông Trần Đức Lai, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết chưa nhận được đơn từ chức nào của ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập báo điện tử VietNamNet. Ông Lai cũng cho biết, trước đó đã từng nghe ông Tuấn đề cập đến việc nghỉ làm tại VietNamNet. Tuy nhiên, việc gửi đơn xin từ chức thì chưa xảy ra.”Cho đến 4h chiều nay (trước khi đến tham dự cuộc họp báo), tôi chưa hề nhận được bất kì lá đơn nào của ông Tuấn”.“
Thứ trưởng Trần Đức Lai
Qua tìm hiểu được biết ông Trần Đức Lai được bổ nhiệm chức vụ Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông theo Quyết định 708/QĐ-TTg ngày 20/5/2010 do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng ký và theo phân công thì ông ông Trần Đức Lai, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông chịu trách nhiệm sau (trích):
“Trách nhiệm:
- Trực tiếp phụ trách các lĩnh vực: Kinh tế, Tài chính, Kế hoạch của Bộ; Đầu tư – Xây dựng cơ bản, các dự án; Cơ sở hạ tầng thông tin; Đổi mới tổ chức quản lý sản xuất kinh doanh và quan hệ với các doanh nghiệp; Đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực; Công tác Đảng, Công đoàn, Đoàn Thanh niên; An ninh – Quốc phòng, Quân sự của Bộ.
- Trực tiếp theo dõi và chỉ đạo các đơn vị: Vụ Kế hoạch – Tài chính; Quỹ dịch vụ Viễn thông công ích Việt Nam; Trường Cao đẳng Công nghệ thông tin Hữu nghị Việt – Hàn; Trường Cao đẳng công nghiệp In; Trường Đào tạo, Bồi dưỡng cán bộ quản lý Thông tin và Truyền thông; Tổng công ty truyền thông đa phương tiện (VTC).“
Nếu đối chiếu vào chức năng nhiệm vụ được giao thì cho thấy ông Thứ trưởng Trần Đức Lai không phụ trách khâu Tổ chức – Cán bộ của Bộ Thông tin và Truyền thông. Vậy thì chuyện “Cho đến 4h chiều nay (trước khi đến tham dự cuộc họp báo), tôi chưa hề nhận được bất kì lá đơn nào của ông Tuấn” như ông trả lời trong cuộc họp báo Chính phủ là luôn đúng vì đơn giản là không bao giờ ông Nguyễn Anh Tuấn hay Vụ Tổ chức – Cán bộ chuyển cho ông xem hoặc thông báo cho ông biết cái đơn xin thôi việc đó vì không nằm trong trách nhiệm của ông Trần Đức Lai phụ trách.
Thứ là từ chỉ thứ tự âm Hán – Việt, là hàng sau Trưởng như thường thấy trong từ con trưởng, con thứ. Chức vụ Thứ trưởng thực chất là người giúp việc cho Bộ trưởng trong mảng công việc được Bộ trưởng chỉ định, có nghĩa là ông Thứ trưởng chỉ biết, nắm và chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng trong phạm vi các công việc được phân công theo dõi. Điều này hẳn ai đã từng làm việc trong ngạch công chức biết quá rõ.
Việc ông Thứ trưởng Trần Đức Lai trả lời phỏng vấn các nhà báo trong cuộc họp báo Chính phủ chiều ngày 02/3/2011 là phát biểu dạng nói để lấy oai để chứng tỏ ông có quyền như ông Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông là một việc làm đáng phê phán. Nguy hiểm hơn nó đang là tình trạng phổ biến trong công tác quản lý của các Bộ, Ngành Trung ương mà cái đó người ta gọi là thói vượt cấp, qua mặt lãnh đạo. Điển hình là vụ Tập đoàn Vinashin, khi mà Tổng giám đốc Phạm Thanh Bình đã nhiều lần từ chối làm việc với tất cả các đoàn thanh tra, kiểm tra các cấp, kể cả của Bộ GTVT là đơn vị chủ quản và luôn nói rằng sẽ báo cáo trực tiếp với Thủ tướng.
Nói như thế cũng phải xem lại cách điều hành của người đứng đầu chính phủ là ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vì sao ông hay thích thò tay sâu xuống các cấp cơ sở như thế. Liệu có vì cái lợi ích gì hay không?
Chuyện thường ở Việt nam mình là có thói xấu như thế, ông thủ trưởng A giúp đỡ cho anh (chị) B cùng cánh của mình được đề bạt làm cấp phó cho mình. Nhưng chỉ một thời gian anh (chị B) quay ra phản thùng, bứơc đầu thì hay qua mặt thủ trưởng A, dần dà chạy lên quan hệ với cấp trên của thủ trưởng A và vận động cấp trên phế truất ông A để mình giành lấy ghế của người ta. Phát biểu kể trên của ông Trần Đức Lai, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông có thể xếp vào dạng này.
Trở lại câu chuyện của ông Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trần Đức Lai là một bài học chung cho nhiều người, nhất là những ai đang ngồi ghế lãnh đạo ở mọi cấp, khi trả lời phỏng vấn của báo chí trong một cuộc họp báo đối với một vấn để nóng, dư luận xã hội quan tâm. Nếu ông Thứ trưởng không biết hoặc không rõ các thông tin ngoài trách nhiệm của mình thì ông nên trả lời thẳng là ông không nắm được vì vấn đề đó nằm ngoài chức trách được giao, chứ đừng nghĩ ông đi dự họp bào thay Bộ trưởng thì ông là Bộ trưởng, để rồi tỏ vẻ ta đây nói thánh nói tướng cho thêm phần quan trọng, đó là một lỗi phổ biến thường thấy của các cán bộ lãnh đạo thiếu sự khiêm tốn và năng lực thực sự thường thấy hiện nay.
Các cụ đã dạy rằng “Biết thì thưa thốt, không biết thì dự cột mà nghe“, chắc ông Trần Đức Lai, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông hẳn còn chưa quên điều này. Nhất là ở cương vị một cán bộ lãnh đạo cao cấp của một Bộ chuyên về quản lý thông tin của chính phủ mà phát biểu thiếu thận trọng với báo giới để mắc lỗi như vậy, nhất là khi người dân hiểu rằng ông Nguyễn Anh Tuấn và trang báo điện tử Vietnamnet là đơn vị cấp dưới do Bộ Thông tin và Truyền thông trực tiếp quản lýthì càng thật đáng tiếc. Và thử hỏi họ sẽ nghĩ gì tới chất lượng và năng lực của các thành viên trong bộ máy chính phủ của ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hiện nay?
Hay là ông Trần Đức Lai, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông định bằng cách ông nói gà, bà nói vịt để chứng minh cho bọn “phản động” thấy rằng không có chuyện hơn 700 tờ báo in, báo điện tủ, báo hình và báo nói của nhà nước hiện nay chỉ có chung một Tổng biên tập duy nhất mà bọn chúng vẫn thường hay nói?!
Hà nôi, ngày 03/03/2011
© Kami
——————-
*Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA
Bài bình luận
Re: Tổng Biên Tập VietNamNet Nguyễn Anh Tuấn xác nhận đã xin ...