Ngày 21/3/2018, Đỗ Thị Minh Hạnh, chủ tịch phong trào Lao Động Việt tại Việt Nam được Hoa Kỳ vinh danh với giải thưởng Người Phụ nữ Dũng cảm 2018 (International Women of Courage Awards), đối với những hoạt động không mệt mỏi của chị và các đồng sự cho quyền lợi của người lao động Việt Nam.
Trên trang Facebook Phòng đặc trách Dân chủ, Nhân quyền và Lao động thuộc Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ nêu rõ: Cô Đỗ Thị Minh Hạnh đã đồng sáng lập Phong trào Lao động Việt để cổ võ cho các công đoàn độc lập ở Việt Nam. Bà đã phải chịu 4 năm tù giam vì khuyến khích công nhân tại các nhà máy biểu tình đòi tăng lương và cải thiện điều kiện lao động.
Đỗ Thị Minh Hạnh, người tù nhân lương tâm, nhà hoạt động công đoàn bị bắt ngày 23 tháng 2 năm 2010 cùng với hai người bạn đồng hành là và Nguyễn Hoàng Quốc Hùng và Đoàn Huy Chương, sau khi giúp đỡ 10.000 công nhân nhà máy giầy Mỹ Phong ở Trà Vinh đình công đòi hỏi quyền lợi chính đáng của họ. Sau đó cô bị tuyên án 7 năm tù giam và được trả tự do vào ngày 27 tháng 6 năm 2014. Còn anh Nguyễn Hoàng Quốc Hùng hiện vẫn đang thụ án 9 năm tù giam. Một thành viên khác của Phong trào lao động Việt là ông Hoàng Đức Bình, Phó Chủ tịch của phong trào, vào năm ngoái cũng bị tuyên án 14 năm tù giam.
Cuộc phỏng vấn được thực hiện, trong lúc Đỗ Thị Minh Hạnh phải sống và di chuyển liên tục để làm việc, cũng như để tránh bị ngăn chận, cản trở liên tục từ phía chính quyền.
Cuộc phỏng vấn cũng bị ngắt đoạn bởi 2 lần Đỗ Thị Minh Hạnh nằm viện do sức khỏe suy sụp, và làm việc quá sức.
Chào chị Minh Hạnh, chúc mừng chị vừa được chính phủ Hoa Kỳ trao tặng danh hiệu Người Phụ nữ Dũng cảm 2018 (International Women of Courage Awards)…
Tôi rất cám ơn nước Mỹ đã trân trọng những phụ nữ tranh đấu cho nhân quyền trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Điều này là sự khích lệ sâu sắc, thúc đẩy sự tiến bộ của xã hội tốt hơn. Riêng bản thân tôi cảm thấy mình vẫn chưa thật sự xứng đáng, vì trên đất nước Việt Nam vẫn còn rất nhiều phụ nữ vô cùng dũng cảm như cô Cấn Thị Thêu, chị Phạm Đoan Trang... Tôi nghĩ rằng mình chỉ thay mặt cho anh chị em trong Phong trào Lao Động Việt đã dấn thân cùng tôi để hoạt động vì quyền lợi và danh dự của những người lao động trên đất nước mình. Tôi hy vọng trên thế giới này, mọi đất nước đều tôn trọng quyền lợi của người dân và không có đàn áp nhân dân bằng bạo lực và nhà tù một cách khốc liệt như Việt Nam.
Nhận được giải thưởng này, với ý nghĩa là cũng với những anh chị em đã hoạt động vì quyền lợi công nhân nhưng lại bị nhà nước Việt Nam hành xử thô bạo nặng nề, cô nghĩ sao về những người đồng sự của mình hiện đang rơi vào tình cảnh khốn khó, như anh Hoàng Bình, anh Trương Minh Đức, anh Đoàn Huy Chương…?
Trước khi nói về tình trạng của các anh em trong Phong trào Lao Động Việt, tôi xin được nhắc đến hoàn cảnh của anh Nguyễn Nam Phong, người bị án 2 năm tù chỉ vì đã chở anh Hoàng Bình và linh mục Nguyễn Đình Thục trên xe. Anh Phong có 2 con nhỏ, gia đình khó khăn. Anh chỉ làm hết trách nhiệm của mình là bảo vệ những người trên xe, khi thấy một đám đông côn đồ thường phục bao vây và hành hung, nhưng không có một dấu hiệu hay văn bản nào cho thấy là công an như họ tuyên bố. Bản án dành cho anh chỉ là một sự trả thù và răn đe đối với người dân ở Nghệ An.
Đối với Hoàng Bình, thì mọi hoạt động của anh ta đều chính đáng và không hề có chuyện “chống người thi hành công vụ” như bản án áp đặt cho anh. Chính những người tấn công anh Bình và những người trong xe của linh mục Nguyễn Đình Thục mới bộc lộ rõ sự hung bạo chống con người. Bản án 14 năm dành cho Hoàng Bình chỉ cho thấy tòa án đã bao che cho một thế lực độc ác đang gây thảm họa cho đất nước, đỡ đầu cho Formosa làm hại Việt Nam.
Đối với anh Đoàn Huy Chương và anh Trương Minh Đức là những trường hợp tôi và các anh chị em trong Phong trào Lao Động Việt đang theo dõi chặt chẽ và tìm cách vận động cho họ. Anh Đức là thành viên của Hội Anh em Dân chủ, nhưng là người tích cực giúp về truyền thông cho Phong trào. Anh Đoàn Huy Chương thì vừa mới ra tù đã lại bị sách nhiễu đến mức phải chạy sang Thái Lan. Cả hai anh đều là những người một lòng cho con người và đất nước Việt Nam. Họ vẫn luôn luôn hoạt động ôn hòa vì sự phát triển của đất nước. Những gì đang xảy ra với họ đều bất xứng và áp đặt khiên cưỡng.
Vì sao hoạt động của anh Hoàng Binh là đưa tin về người dân với thảm họa Formosa, tham gia tuần hành cùng người dân Nghệ An… nhưng mức án của anh lại tăng vọt đến 14 năm? Theo chị, mức án này được đưa ra có mục đích như thế nào?
Bản án nặng bất ngờ như vậy, tôi nghĩ rằng họ sợ anh Hoàng Bình, vì bởi những hoạt động hợp pháp của anh có sức ảnh hưởng rất lớn. Không chỉ giúp cho ngư dân, giáo dân mà anh Bình còn giúp cho các linh mục trong vùng. Người dân ở Nghệ An yêu mến anh. Khi anh bị bắt, hàng ngàn giáo dân đã đi đòi trả tự do cho anh. Đây chính là những điều mà chính quyền phải thấy lo ngại nên thấy cần hành động.
Theo mô tả, phiên sơ thẩm diễn ra với phần bào chữa của luật sư Hà Huy Sơn, đã khẳng định rằng cáo trạng là vô lý. Luật sư Hà Huy Sơn đã yêu cầu tòa trả tự do ngay tức khắc cho Hoàng Bình. Ấy vậy mà mọi thứ đã diễn ra như một sắp đặt trước mức án 14 năm. Hiện được biết Hoàng Bình đã gửi kháng cáo cho kỳ phúc thẩm. Chị có nghĩ rằng Hoàng Bình sẽ được giảm án trong kỳ này không?
Theo kinh nghiệm tôi thấy, thì rất hiếm có những vụ án chính trị xã hội thay đổi hay giảm nhẹ mức án. Tôi nghĩ là họ sẽ giữ nguyên mức án với anh Hoàng Bình mà bất cần tranh tụng gì cả.
Trong phiên tòa của tôi cách đây 8 năm, luật sư cũng không được tranh tụng tại tòa. Những phiên tòa như vậy, chỉ là che mắt thiên hạ. Lúc nào tòa xử cũng nói công khai, nhưng người đến dự thì bị ngăn cản. Bản thân tôi từng là bị cáo, có kinh nghiệm rằng cũng không được cho nói hay thắc mắc gì.
Nhưng vì sao họ lại làm vậy? Bởi họ đuối lý. Nên đặt ra mức án và không cho tranh tụng.
Trong năm 2017, Hội Anh em Dân chủ liên tục bị bắt giữ và khởi tố. Cùng thời kỳ thì các thành viên của Phong trào Lao Động Việt cũng bị thiệt hại nặng nề. Chị có nghĩ rằng sau Hội Anh em Dân chủ, sẽ đến những thành viên còn lại của Phong trào Lao Động Việt bị nhắm đến hay không?
Chúng tôi đã dự trù tình huống này, và đã chuẩn bị sẳn sàng đón nhận mọi thứ ập xuống. Bản thân tôi sẳn lòng đối đầu với mọi tình huống xấu nhất. Nhưng tôi tin rằng các thành viên của Phong trào Lao đông Việt luôn vững lòng, vì một tổ chức có thể bị cản phá, nhưng tinh thần của những người muốn cống hiến cho nhân dân, đất nước Việt Nam không thể nào bị tiêu diệt. Ngay cả sau sự tồn tại của chúng tôi, vẫn có những con người sẽ nối bước, nối ý chí của chúng tôi.
Chúng tôi quyết tiếp tục công việc yểm trợ cho công nhân, những người lao động mà các anh em đi trước đã thực hiện và để lại. Chúng tôi không cho phép mình ngừng nghỉ.
Tin tức mới đây cho biết là Nhà nước Việt Nam có thể cho phép hình thành luật về công đoàn độc lập, luật về hoạt động xã hội dân sự… theo thỏa ước EVFTA, muốn ký với liên minh Châu Âu. Chị nghĩ tình hình này có hứa hẹn điều gì tốt đẹp không?
Theo tôi., việc cho phép thành lập các công đoàn độc lập tại Việt Nam thật rất khó xảy ra. Trước đây, khi VN muốn được tham gia hiệp định TPP (cũ) thì cũng đã có những hứa hẹn về công đoàn độc lập, nhưng khi chữ ký chưa ráo mực thì họ đã ra tay đàn áp công nhân làm việc ở công ty Yupoong, Biên hòa, Đồng Nai, và cả những người hoạt động công đoàn, đồng thời phớt lờ những cam kết. Nhà cầm quyền CSVN chưa bao giờ thực hiện đúng, thậm chí là còn đi ngược lại với các giao ước mà họ ký kết với quốc tế.
Để đạt được mục đích, họ hứa hẹn đủ thứ nhưng lại không thực hiện. Đối với quốc tế, dùng sự mập mờ ngôn ngữ mà nhà cầm quyền CSVN đánh tráo khái niệm công đoàn độc lập thành công đoàn cơ sở. Vì vậy tại Việt Nam sẽ không có công đoàn độc lập mà chỉ có công đoàn cơ sở. Và tính độc lập thật sự của liên hiệp những người lao động sẽ không bao giờ có.
Xin cám ơn chị.
Tuấn Khanh (ghi)
Bài bình luận gần đây