You are here

Bản tính thứ nhì (tiếp theo và hết)

Ảnh của nguyenvubinh

     …      

     Chúng ta lấy một ví dụ để chứng minh cho nhận định này. Đó là vấn đề giao thông ở các thành phố lớn, ví dụ ở Hà Nội. Vấn đề giao thông ở thành phố lớn như Hà Nội không phải là vấn đề nhỏ, nhưng đối với một quốc gia, đó cũng không phải là vấn đề lớn. Để giải quyết tình trạng giao thông ở Hà Nội, chúng ta cần hiểu được chuẩn mực giao thông ở các thành phố lớn trên thế giới và cách thức phối kết hợp để xây dựng hệ thống giao thông hoàn chỉnh. Đối với tiêu chuẩn chung của thế giới, điều đầu tiên là quỹ đất dành cho giao thông (tức là làm đường đi, bãi đỗ xe…) bao giờ cũng chiếm tỷ lệ từ 15-20% tổng quỹ đất thành phố (trung tâm). Trong khi đó, ở Hà Nội, quỹ đất dành cho giao thông chưa tới 5% tổng quỹ đất!?! Vấn đề thứ hai, bản thiết kế xây dựng hệ thống giao thông thành phố từ ban đầu đã có quy hoạch tổng thể, với dự kiến dân số thành phố, các trục đường chính với các thiết kế phù hợp với hiện tại và tương lai, tính ổn định và kế thừa là nguyên tắc luôn được giữ vững. Vấn đề thứ ba, dân số toàn thành phố và từng khu vực cũng như từng dãy phố phải bảo đảm một tỷ lệ nhất định so với số km đường… đối với vấn đề này, chúng ta chỉ cần nhìn các khu chung cư hiện nay mọc lên như nấm, mật độ dân số các khu vực đó và toàn thành phố như hiện nay thì ai có thể giải quyết nổi vấn đề tắc đường, kẹt xe ở Hà Nội? Chưa kể một loạt các vấn đề đưa tới sự hỗn loạn trong giao thông như việc mua bằng lái xe và tình trạng mãi lộ của cảnh sát giao thông và rất nhiều vấn đề khác.

     III/ Đứng về phía người dân, sự thật và công lý

      Trong quá trình tìm hiểu, nghiên cứu về chế độ cộng sản, nếu như chúng ta chỉ đọc sách và suy nghĩ để đưa tới kết luận, trong khi từ nhỏ tới lớn sống trong môi trường giáo dục và xã hội của chế độ sẽ rất khó vượt thoát để có cái nhìn đa chiều, đúng đắn. Có một số người vô tình trải qua những cú sốc tâm lý, dẫn tới việc họ tự tìm hiểu về bản chất thật sự của chế độ. Và thật kỳ lạ, chỉ sau một thời gian rất ngắn, họ đã hiểu ra những điều mà trước đây họ chưa từng biết, chưa từng hiểu mà rất nhiều người mất rất nhiều năm cũng không nhìn ra được. Điển hình là, có một cô gái ở Hà Nội, cô còn rất trẻ và không bao giờ quan tâm tới vấn đề xã hội, chính trị. Cô vẫn nghĩ rằng xã hội giống như những điều mà cô được học ở trường, tức là những điều tốt đẹp và công lý tối thiểu phải có trong xã hội này. Biến cố đến với cô là ngày cha cô đi xe ôm, ngồi sau xe không cài mũ bảo hiểm trong lúc đứng chờ ở ngã tư đèn đỏ, đã bị công an bắt. Vì nghĩ rằng xe đang không lưu thông và việc chưa cài mũ bảo hiểm chưa thể coi là vi phạm lỗi tham gia giao thông, cha cô đã lên tiếng để phản đối việc phạt vi phạm giao thông của công an. Sự việc rất đơn giản như vậy, nhưng cha cô đã bị bắt giữ và bị công an đánh chết trong phòng tạm giữ. Cô gái và gia đình bàng hoàng nhờ pháp luật và công luận (báo chí) can thiệp. Quá trình giải quyết vụ việc và liên quan đến vụ kiện của gia đình cũng như những kết quả của vụ án đã làm cô bị sốc trước thực tế trần trụi và tàn bạo của xã hội hiện nay. Trong quá trình giải quyết vụ việc của cha mình, cô cũng đã gặp gỡ những gia đình có hoàn cảnh tương tự như của mình, cũng như nhiều hoàn cảnh đau lòng và khổ sở hơn. Cô đã đi vào tìm hiểu thêm về thực trạng xã hội theo hướng phản biện. Kết quả là chỉ sau một thời gian ngắn, cô đã hoàn toàn hiểu được bản chất của chế độ hiện hành, và cô đã dấn thân vào cuộc đấu tranh cho sự thật, công lý và lương tâm.

     Đối với những người muốn tìm hiểu về bản chất chế độ, mà chưa đưa ra được kết luận, có thể cần những trải nghiệm thực tế để làm “cú hích” tâm lý cho việc tìm hiểu, nghiên cứu của mình. Có một cách không cần trải qua cú sốc tâm lý, chỉ cần tiếp cận với những người dân đang bị áp bức, đàn áp để thăm hỏi, giao lưu và tìm hiểu. Có thể tới gặp gỡ những gia đình có nhà cửa, đất đai bị giải tỏa ngay tại trung tâm Hà Nội, Sài Gòn. Tìm hiểu và giúp đỡ những người này nói lên sự thật. Đó là những việc làm hoàn toàn bình thường, hợp pháp và nhân văn. Nếu ai làm những việc này, sẽ có những trải nghiệm, cọ sát với những mặt trái của xã hội, của chế độ ngay lập tức. Trong một phạm vi nhất định, đó sẽ là những trải nghiệm hữu ích cho việc xác định thái độ và định hướng nghiên cứu của họ.

     Lùi về lịch sử, năm 1954, có hơn một triệu người miền bắc (phần lớn là người Công Giáo) đã di cư vào miền nam. Mới chỉ tiếp xúc với người cộng sản, đảng cộng sản một thời gian ngắn, bằng thực tế trải nghiệm của mình, họ đã hiểu ngay ra được bản chất vấn đề và sợ hãi bỏ chạy. Trong khi đó, một số trí thức, trong đó có những trí thức lừng danh như triết gia Trần Đức Thảo, luật sư Nguyễn Mạnh Tường vv… lại từ kinh đô ánh sáng, thủ đô Pari của Pháp về nước tham gia phục vụ chính quyền mới, cách mạng. Kết cục số phận của hai người này cũng là câu trả lời quá rõ ràng đối với giới trí thức Việt Nam.

     Như vậy, cùng với việc nâng cao nhận thức, chúng ta cần đứng về phía người dân, đứng về phía sự thật và công lý. Chúng ta sẽ có trải nghiệm để làm tiền đề, chất xúc tác và cú hích cho việc nghiên cứu của mình ngõ hầu nhanh chóng hiểu ra được bản chất của chế độ cộng sản, bản chất xã hội mà chúng ta đang sống./.

     (hết)

Hà Nội, ngày 27/3/2018

N.V.B