Trên trang facebook của chàng thanh niên Nuseir Yassin, vẫn thường được gọi tên là Nas Dailly, có post một video cảm động và lạ thường.
Đó là câu chuyện của hai người đàn ông sau 44 năm tìm thấy nhau. Quá khứ của họ thăm thẳm tối nhưng nụ cười về tương lai thì tỏa sáng.
Chuyện của video được tóm tắt như sau: Nhiều năm trước khi còn là một quân nhân của Hy Lạp, Iannis kết thúc đời binh nghiệp của mình bằng kỷ niệm khó quên khi nhận một viên đạn vào đầu, được bắn từ phía đối phương là Fethi, quân nhân Thổ Nhĩ Kỳ.
Nhưng may mắn là Iannis không chết. 30 năm sau, ông viết lại câu chuyện đời mình trong một cuốn sách. Lạ lùng thay, Fethi lại ngẫu nhiên đọc được cuốn sách ấy. Với những mô tả rất rõ về trận đánh, sự kiện… ông Fethi nhận ra rằng tác giả cuốn sách chính là người mà ông ta đã nhắm bắn.
Fethi đã tìm cách liên lạc với Iannis và xin được tha thứ, và rồi ông nhận lại được một tình bạn từ kẻ mà mình đã từng muốn đoạt mạng sống. Cuộc xung đột chính trị ở Síp, quốc đảo xinh đẹp nằm ở phía Đông Địa Trung hải năm xưa, đã khiến hai thường dân hiền lành bị biến thành thù địch. Và giờ đây họ sánh vai với nhau, bước qua mọi thứ như những con người an nhiên nhất trên địa cầu.
Bản video đã nhận được hơn 100.000 like, hơn 35.000 lần chia sẻ và hàng ngàn lời bình luận. Có lẽ nó đã làm cảm động không ít người đã đi qua chiến tranh. Và chắc bản video này chắc rồi cũng sẽ làm nhiều người Việt Nam cảm động. Bởi Việt Nam có đủ các kinh nghiệm của một quốc gia bị xâu xé bởi các loại chủ nghĩa anh hùng và giải phóng, biến những người cùng màu da, tiếng nói trở thành hận thù. Câu chuyện của Fethi và Iannis tựa như một cánh cửa khác của sự tỉnh thức vào lúc này.
Vào lúc này – bởi đây là những ngày hệ thống truyền thông nhà nước rầm rộ tự ngợi ca về chiến dịch Mậu Thân 1968 tấn công tràn vào đời sống thường dân miền Nam. Sự rầm rộ ấy khiến người ta nhận ra rằng, sau nửa thế kỷ đã toàn trị, nhà cần quyền vẫn bước hoang mang tìm kiếm một hình dạng chính nghĩa. Thật khác với những người đàn ông vô danh trong bản video của Nas Daily, nhà nước rõ là không thể có được sự an nhiên, vì vẫn luôn còn tự đắc với những câu chuyện của ngày cầm súng.
Fethi và Iannis không còn trẻ con để biết rằng chuyện chĩa súng vào nhau là điều đáng để vứt đi. Họ ôm nhau và cười để nói những câu chuyện về ngày không phải còn phải cầm súng. Cuộc đời không phải là để cho bọn cầm quyền, bọn làm chính trị và tung hô chủ nghĩa lợi dụng. Và câu chuyện hai người đàn ông khoác vai nhau đi trên một con đường, đã không thể bị bất kỳ chính quyền nào sử dụng làm công cụ tuyên truyền chính trị.
“Hãy nhận rõ, bọn chính quyền không có lương tâm. Đôi khi chúng lêm giọng về chính sách, nhưng rồi sau đó không còn gì hơn nữa cả”. (By definition, a government has no conscience. Sometimes it has a policy, but nothing more). Albert Camus (1913-1960) đã nói. Quả vậy, khi con người vượt qua những thứ đó để tìm đến nhau, họ nhận rõ mọi thứ, kể cả rõ về kẻ đã tìm cách mở một cuộc chiến hay lên giọng sau một cuộc chiến.
Việt Nam cũng đã từng có nhiều cơ hội cảm động thuần túy để nhắc nhau như vậy, chẳng hạn như dịp cựu binh Frederic Whitehurst trao lại nhật ký Đặng Thùy Trâm. Câu chuyện một cô gái trẻ bị đẩy vào bom đạn, nếu được soi chiếu hoàn toàn dưới góc nhìn nhân bản, không nhuốm màu chính trị, ắt hẳn sẽ còn lưu truyền mãi về sau, hơn là qua một đợt truyền thông phong trào.
Một ngày nào đó, có thể người Việt sẽ được tự do làm nhiều video nhỏ như trên Nas Daily, nói về người Việt Nam thương yêu nhau, và biết ăn năn và biết đoàn kết chỉ cho vận mệnh quốc gia. Một ngày nào đó, con người trên đất nước này không còn bị đặt tên là kẻ thù, không còn bị xô vào trận làm kẻ sát nhân hay tội đồ, hoặc tự xướng danh một cách vô liêm sỉ.
-----------------------
Về trang Nas Daily:
Theo mô tả từ các trang giới thiệu Nas Daily, thì đây là trang video của Nuseir Yassin, một thanh niên mang hai giòng máu Palestinian Israeli, năm nay 26 tuổi. Trang facebook với các video ngắn khoảng 1 phút đủ các câu chuyện trên đường đi của anh ta, thu hút đến hơn 4,5 triệu người theo dõi trang.
Đang là một nhân viên viết nhu liệu của PayPal với mức lương rất cao, Nuseir Yassin đã bỏ việc và lên đường với một chiếc camera để ghi lại mọi việc trên thế giới mà anh thấy, từ hơn một năm trước.
Năm 19 tuổi, Nuseir Yassin nộp đơn học ở đại học Havard. Bài luận của anh gây chú ý khi mô tả nỗi thất vọng của mình khi là một người Ả rập sinh ra trên đất Do thái, và vấp phải nhiều chướng ngại của số phận trớ trêu.
Bằng những video dài trên dưới 1 phút, Nuseir Yassin đang tạo ra mọt phong cách đặc biệt của vblog, và tạo niềm cảm hứng cho hàng triệu thanh niên đang bắt đầu thực hiện những video ngắn đầu tiên của mình.
-----------------------
Để xem video về câu chuyện của Fethi và Iannis, xin vào:
Bài bình luận gần đây