You are here

SƯỚNG LÂU QUÁ.

NGUYỄN TƯỜNG THỤY

Không phải khi tiếng còi kết thúc trận chung kết giữa U23 Việt Nam và U23 Uzbekistan mà người ta đã sướng ngay. Bằng chứng là tại các tụ điểm theo dõi qua màn hình và ngay cả ở sân Thường Châu, cổ động viên lặng đi, ra về trong trật tự không ai nói với ai câu nào. Nhiều người hâm mộ, từ các sao Việt đến cả cụ già, em nhỏ bật khóc tu tu: “Việt Nam thua rồi”

Nhưng rồi những giờ phút nặng nề ấy cũng qua đi khi chợt nhận ra tuy thua nhưng vẫn có cái để tự hào bởi chức á quân, tuy chỉ là giải U23 chứ không phải là giải quốc gia. Dù sao đó cũng là thành tích mà VN chưa bao giờ vươn tới. Vậy là cơn sướng bùng lên và kéo dài không biết đến khi nào vì “tuy thua nhưng vẫn… vô địch” !?

Đội tuyển Việt Nam được đón về Hà Nội bằng một chuyến chuyên cơ do VietJet tặng. Màn biểu diễn hở hang đến mức không thể hở thêm được nữa được tặng không ngay trên máy bay khiến các cầu thủ xấu hổ ngoành mặt đi hay cắn răng chịu đựng. Màn diễn lố bịch, trơ trẽn đến nỗi người ta không gọi là hãng Vietjet mà nhạy bén đổi ngay thành Vietsex.

Xin có mấy câu thơ minh họa thay vì đăng hình ảnh:

Mở mạng ra xem bỗng cúi gầm

Hay mình lác mắt mới trông nhầm

Tày bay cứ tưởng nơi hoan lạc

Người mẫu mà ngờ gái mại dâm.

Sấn sổ quàng vai, em rụt lại

Sượng sùng ngoảnh mặt, chị đương tầm

Ngỡ như nhà thổ đang mùa ế

Bỏ chạy không đành phải nín câm.

Sự việc đón đội tuyển từ sân bay về trung tâm thành phố là ấn tượng nhất. Người hâm mộ kín hai bên tuyến đường dài 30 km nên xe chở các cầu thủ phải di chuyển với tốc độ đi bộ. Hẳn là các cầu thủ U23 rất vui và cảm động trước tình yêu mà người hâm mộ dành cho các em. Nếu không có ông Trung nào đó nhảy lên xe dành cho đội, cầm cái hô Việt Nam vô địch, át cả huấn luyện viên Park Hang-seo ngồi cạnh đấy gây ra nhiều chê trách, mai mỉa thì buổi chào đón các cầu thủ trên đường về Hà Nội đã diễn ra trọn vẹn.

Tuy nhiên, chương trình sau đó quá rinh rang. Về tới Ba Đình đội phải vào ngay lăng để  báo công mặc dù ông Hồ chẳng liên quan gì đến cái huy chương bạc ở Thường Châu cả.  Báo công xong, lại kéo nhau đến Văn phòng Chính phủ nhận khen ngợi. Ở đây, đội được chụp ảnh với thủ tướng trong cảnh bị các quan chức chen lấn, ép hẳn về phía sau, cứ làm như mấy ông mặc comple vừa đá ở Thường Châu về vậy.

Mãi 9 giờ tối,  Đội mới có mặt tại sân Mỹ Đình để tham gia gala báo công.

(Lộ trình này cồng kềnh hơn lộ trình dự kiến là từ sân bay về, đến Văn phòng Chính phủ chào Thủ tướng rồi về khách sạn Crowne Plaza West Hà Nội để nghỉ ngơi. Đến 19h ra Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình dự lễ Gala báo công).

Đêm ấy, hẳn là các em rất  mệt và thiếu ngủ. Hôm sau lại phải tới Hội trường Diên Hồng để Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân… xoa đầu.

Đấy mới ở cấp… nước. Còn cấp tỉnh thì sao. Hầu như tỉnh nào có cầu thủ U23 đều tổ chức vinh danh và báo công phát nữa như Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Tuyên Quang, Hải Dương, Thái Bình với mức độ hoành tráng khác nhau và đều chung một điểm là tràn ngập sự sung sướng. Nghệ An còn bỏ các em lên ô tô diễu khắp phố cho dân xem nữa chứ.

Đó là đoạn ở tỉnh. Không biết về đến huyện, xã, làng bản có đoạn này không.

Việc các địa phương tổ chức ngợi ca, khen thưởng cũng là việc cần làm nhưng không nên ầm ỹ quá; nhất là chuyện báo công. Đã báo ở Lăng rồi thì về tỉnh có cần thiết phải báo lại lần nữa ở tỉnh không, hay là “bác” ở Hà Nội và “bác” ở Nghệ An là hai người khác nhau.

Chưa hết, khác với các tỉnh vinh danh cầu thủ quê nhà, TP.HCM lại tổ chức mừng công đội tuyển U23 Việt Nam như Hà Nội đã làm vì Hà Nội tuy là thủ đô nhưng Hồ Chí Minh lại là thành phố to nhất nước, lẽ nào chịu kém cạnh. Nghe nói chương trình này sẽ được tổ chức rất “hoành tráng”. Ta để ý chữ “mừng công” chứ không phải “báo công” như Hà Nội hay các tỉnh. Nhưng nếu bắt các em đến bức tượng nào đó xì xụp vái lạy, lẩm bẩm này nọ thì lại là "báo công" đấy. Buổi mừng công này diễn ra vào ngày 4/2. Nghĩa là 8 ngày sau khi kết thúc giải vẫn còn sướng như thế này.

Lướt qua những sự việc từ hôm đội U23 về nước để thấy cái sự sung sướng kéo quá dài và khá nhiêu khê.

Người hâm mộ vui mừng là điều chính đáng vì đấy là niềm vui rất hiếm hoi ở một đất nước có quá nhiều cay đắng, buồn tủi. Bản thân tôi ngồi ở quán bia xem tường thuật trực tiếp cũng từng nín thở mỗi khi khung thành của U23 VN bị vây hãm và cũng vỡ òa niềm vui khi Nguyễn Quang Hải ghi bàn quá đẹp mắt, gỡ hòa cho đội nhà. Vấn đề cần nói tới là các nhà tổ chức sự kiện và báo chí. Dù thành tích cỡ mấy cũng không nên vì thế mà ba hoa rằng “thế nước mạnh, vận nước lên, lòng dân đồng thuận”.

Bóng đá là môn thể thao được ưa chuộng hơn cả nên mới gọi là môn thể thao vua. Nhưng các quốc gia mạnh về túc cầu không có nghĩa là mạnh về tất cả và các cường quốc không phải nước nào cũng giỏi về bóng đá. Argentina là một ví dụ còn Hoa Kỳ là ví dụ cho điều ngược lại. Mặt khác, dù thành tích đạt được ở Thường Châu tuy vượt quá mong đợi nhưng phong độ chưa thể nói là ổn định và chắc chắn. Điều này cần phải qua nhiều giải nữa mới có thể khẳng định. Vì vậy, nếu có sướng thì cũng nên vừa vừa, đủ để vui mừng. Đừng vì quá say sưa với thành tích mà đã tưởng đặt được cả Châu Á xuống dưới bàn chân.

3/2/2018