You are here

Nhìn lại năm 2017-những dấu hiệu lạc quan. (P.1)

Ảnh của songchi

Song Chi.

Khép lại một năm 2017, cảm giác chung của đa số người dân bình thường cho tới những người có quan tâm về tình hình chính trị xã hội và thường xuyên sử dụng mạng xã hội, báo chí độc lập để chia sẻ thông tin, viết bài…về thực trạng và tương lai của VN, có lẽ vẫn là nhiều tiêu cực, bi quan hơn là tích cực, lạc quan.

Đúng là nhìn chung, tình hình chính trị xã hội ở VN vẫn cứ ảm đạm, không có gì sáng sủa hơn nếu không muốn nói là ngược lại. Ngoại trừ một thiểu số dư dả, đại gia, quan chức…, với phần lớn người dân bình thường, đời sống ngày càng khó khăn, xăng dầu vật giá liên tục leo thang mà đồng lương, thu nhập thì không thấy tăng cho, rồi thì đủ loại thuế, phí đổ lên đầu dân, lo sống đủ qua ngày cũng đã hết hơi. Rồi thì thiên tai liên tiếp, cơn bão này vừa đi qua đã có cơn bão khác tới, rồi đất lở, mưa lũ, thủy điện xả nước khiến lũ chồng lũ…cứ mỗi đận bão lũ là vài trăm người chết, mất tích, hàng ngàn căn nhà lâm vào cảnh màn trời chiếu đất, bao nhiêu hecta đất, hoa màu mất trắng, gia cầm chết sạch…Người dân đã nghèo càng thêm khó khăn chồng chất.

Giới thanh niên, dù đã tốt nghiệp đại học, thậm chí có những người có bằng Thạc sĩ…vẫn thất nghiệp đầy rẫy, phải chạy xe ôm, lái taxi, hay trở về quê cất mảnh bằng, cất luôn ước mơ đổi đời để lại cắm mặt xuống ruộng vườn phụ giúp gia đình mưu sinh.

Trong toàn xã hội thì cái xấu cái ác ngày càng gia tăng, từ trong nhà ra tới ngoài đường: trẻ em bị bạo hành, bị đánh đập bởi cha mẹ cho tới người giúp việc, có những trường hợp chỉ mới 1 tháng, 4 tháng tuổi; trẻ bị lạm dụng tình dục, hiếp dâm bởi người thân cho tới người quen, người dưng…Những môi trường tưởng là an toàn nhất như nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường học, bệnh viện cho tới đồn cảnh sát…lại xảy ra đủ thứ bạo lực, ác tâm, khiến con người trở nên hung hăng, độc ác hơn: học sinh đánh nhau đổ máu, trò đánh thầy, thầy đánh trò, bác sĩ y tá xử tệ với bệnh nhân, bênh nhân hành hung lại bác sĩ, công an sử dụng bạo lực làm chết người v.v…Người ta chứng kiến một xã hội đang bị hủy hoại về mặt đạo đức và điều đó còn đáng sợ hơn những hậu quả tồi tệ khác mà một chế độ độc tài ngu dân có thể gây ra cho một quốc gia, một dân tộc.

Cuộc sống ngày càng trở nên bất an khi cái chết có thể đến từ bất từ đâu, từ bất kỳ lý do tào lao, vớ vẫn nào như tai nạn giao thông, chết do sập hố, cống, điện giựt…vào trời mưa, do tai nạn trong lao động vì sự bất cẩn, thiếu lương tâm của người khác, chết do bệnh tật, ung thư vì môi trường bị ô nhiễm, thức ăn nhiễm độc, chết do một kẻ tâm thần nhưng vẫn được phép sống bình thường giữa mọi người rồi một hôm nổi cơn điên xách dao ra chém người, chết do đang đi đường bị một nhóm giang hồ đang thanh toán nhau lỡ tay đâm trúng, do một tên cướp giựt túi, đạp ngã xe gây tai nạn, do sự vộ trách nhiệm, yếu kém về chuyên môn của một ông bác sĩ, bà y tá nào đó v.v…

Sự thiếu tinh thần trách nhiệm, thậm chí vô lương tâm, tràn lan trong mọi lĩnh vực, mọi ngành nghề khiến sinh mạng con người trở nên mong manh hơn bao giờ hết!

Đúng là nhìn chung, bức tranh toàn cảnh của VN vẫn cứ xám xịt, những mảng xanh tích cực rất hiếm. Đó là chưa kể đến tình hình chính trị, dưới chế độ cai trị độc tài của đảng cộng sản, VN ngày càng đi ngược chiều với nhân loại tiến bộ, ngày càng thụt lùi về mặt tự do, dân chủ, văn minh. Trong năm qua hồ sơ nhân quyền của nhà cầm quyền VN càng trở nên tệ hại khi số người bất đồng chính kiến, nhà hoạt động xã hội dân sự bị bắt nhiều hơn hẳn so với các năm trước; những người lên tiếng tiếp tục bị nhà cầm quyền xách nhiễu, khủng bố cách này cách khác, kể cả những trò bẩn quen thuộc như đánh vào uy tín, danh dự, đánh vào con đường mưu sinh, hay xử dụng côn đồ hành hung, gây tai nạn xe cộ…

Đó là chưa kể về đối ngoại, VN ngày càng trở nên đơn độc trong bối cảnh thế giới có nhiều thay đổi về chính trị, việc Anh rút khỏi khối EU làm khối này suy yếu hơn, Donald Trump lên làm Tổng thống Hoa Kỳ với chính sách “America first” và không hề quan tâm đến nhân quyền, kể cả bỏ lơ khu vực châu Á-Thái Bình Dương cho Trung Cộng; châu Âu rối ren với bao nhiêu chuyện và nạn khủng bố, chả ai còn quan tâm đến VN. Trong bối cảnh đó đảng cộng sản VN ngày càng bám chặt lấy Trung Cộng, hèn hạ bạc nhược hết mức trước Bắc Kinh để tồn tại khiến tương lai đất nước, dân tộc càng trở nên u ám hơn bao giờ hết.

Nhưng ngược lại, năm 2017 cũng là năm có những dấu hiệu tích cực, giống như đêm đã gần hết, chuẩn bị bình minh, hay những cơn sóng ngầm ngày càng cuồn cuộn bên dưới nay đã lộ hết lên bề mặt xã hội, chuẩn bị cho một cơn bão thay đổi phải đến.

1. Cuộc chiến “nhóm lò, đốt củi”, chống tham nhũng của ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngày càng trở nên căng thẳng, kịch tính.

Hàng loạt quan chức, đại gia “Đỏ” phải vào tù hoặc ra trước vòng móng ngựa, hoặc đang bị “sờ gáy”. Dù còn lâu mới bì được với chiến dịch “đả hổ, diệt ruồi” của Tập Cận Bình bên Trung Quốc do tầm vóc, uy tín và thế lực của Nguyễn Phú Trọng thua xa Tập Cận Bình, nhưng đã chạm tới hàng loạt quan chức ngân hàng, Bộ Công thương, tới cả Cựu Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam như Đinh La Thăng hay Thượng tá Công an, đại gia có máu mặt như Phan Văn Anh Vũ tức Vũ nhôm, hàng loạt thái tử đảng như Nguyễn Xuân Anh, từng là Bí thư thành ủy Đà Nẵng v.v…

Người viết bài này chưa bao giờ đặt lòng tin vào bất kỳ một cuộc chiến chống tham nhũng của bất kỳ một cá nhân nào trong bộ máy đảng và nhà nước cộng sản VN. Bởi một điều đơn giản, không thể chống và diệt tham nhũng khi nào đảng và nhà nước cộng sản còn tồn tại, khi chính cơ chế này đã tạo điều kiện và dung dưỡng cho nạn tham nhũng, trở thành một “quốc nạn” như hiện nay. Nhưng một khi chiến dịch đánh tham nhũng (thực chất là triệt hạ các phe phái không đồng thuận để bảo vệ vị trí Tổng Bí thư và phe mình của ông Nguyễn Phú Trọng) ngày càng lan rộng sẽ có nhiều kịch tính, nhiều biến cố xảt ra mà ngay chính “người đốt lò” là ông Trọng nhiều khi cũng không lường trước và kiểm sóat được.

Ở VN hay Trung Quốc cũng vậy, không một cá nhân nào có thể tham nhũng một mình mà tồn tại, ngược lại phải có phe cánh, dây mơ rễ má chẳng chịt, bắt một người sẽ lòi ra hàng chục người khác…Liệu sức của Tổng Trọng đến đâu, có đủ đi đến cùng tham vọng tiêu diệt những cựu thù như Nguyễn Tiến Dũng hay những đối thủ chính trị tương lai như Trần Đại Quang v.v..? Hay là những con cá to một khi biết bị sa lưới, sẽ cao chạy xa bay và ôm theo những bằng chứng có thể làm sụp đổ cả chế độ, hoặc sẽ tung đòn trả đũa khiến Tổng Trọng phải rơi đài trước khi kịp diệt cho bằng hết?

Vì Nguyễn Phú Trọng như đã nói, không phải và không bao giờ có cái tầm, cái thế như Tập Cận Bình, nên chưa biết chiến dịch này liệu chính ông Trọng có cầm cương được đến cùng. Nhưng dù ai thắng ai thua thì nhân cuộc đấu đá này nhiều kẻ phải mất hết hay phải vào tù, và người dân VN thì cứ việc ngồi xem bọn họ diễn kịch, truy sát nhau. Có thể nói không ngoa rằng 97-99% quan chức, chính khách trong cái bộ máy đảng và nhà nước cộng sản đều là bọn ăn tàn phá hại, bọn cõng rắn cắn gà nhà, phạm đủ thứ tội với dân với nước, để bọn họ tự diệt nhau càng tốt. Mà nếu từ chiến dịch này mà nội tình đảng cộng sản nát bét dẫn đến tự sụp đổ thì càng là hồng phúc của dân tộc.

2. Những hành động phản kháng của người dân đã tiến thêm một bước.

Khép lại năm 2017, hai sự kiện làm nhà cầm quyền đau đầu nhất, lại đến từ những người dân bình thường trong xã hội: Sự kiện Đồng Tâm, khi người dân thôn Hoành (Đồng Tâm, Mỹ Đức) bắt giữ 38 cán bộ, công an, đòi đối thoại với lãnh đạo Hà Nội và chuyện thu phí BOT, trong đó nổi bật là BOT Cai Lậy, khi các tài xế phản ứng gay gắt vì cho rằng trạm thu phí đặt sai vị trí, yêu cầu di dời, dẫn đến căng thẳng, buộc trạm phải xả liên tục và cuối cùng là ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phải hạ lệnh cho tạm ngưng thu phí trong hai tháng để xem xét, tính toán lại. BOT Cai Lậy chỉ là một ví dụ cho hàng loạt BOT giao thông từ Nam ra Bắc với tình trạng bóp cổ dân để thu thuế cho bằng được.

Hai sự kiện này thật sự có ý nghĩa ở chỗ đó là những hành động phản kháng ôn hòa, và bất tuân dân sự của người dân, những người thực hiện cho thấy họ biết dừng lại ở phạm vi nào để không bị khép vào tội “bạo lực, chống phá chế độ”, biết sử dụng luật pháp của chính VN để chống lại nhà nước VN bằng cả lý lẽ, lập luận và hành động, họ có lẽ phải và sự ủng hộ rộng rãi của người dân cho tới báo chí “lề đảng”, “lể dân”. Quan trọng nhất người dân đã bước qua sự sợ hãi, dám khôn ngoan đối đầu với nhà nước. Sự tráo trở của chính quyền Hà Nội trong vụ Đồng Tâm và sắp tới, có thể của chính quyền tỉnh Bình Dương trong vụ Cai Lậy hay tại những trạm thu thuế giao thông khác, sẽ chỉ càng làm cho người dân nhận ta ai đúng ai sai mà thôi.

Kết luận, chỉ mới là những chuyện “nhỏ”, nhưng nếu cứ tiếp tục xử sự theo cái kiểu không coi dân ra gì, chỉ chăm chăm đè đầu cưỡi cổ bóc lột dân, thậm chí cướp trắng đất của dân, thì rồi “tức nước vỡ bờ” thôi. Từ xưa đến nay, mọi chế độ coi dân như giẻ rách hoặc coi dân như kẻ thù, luôn tìm cách thắng dân, bao giờ cũng thảm bại.