Maria Kruczkowska – Lê Diễn Đức dịch
Hạn hán thế kỷ ở Trung Quốc - Ảnh: AP
Do hạn hán lớn, Bắc Kinh có thể bắt đầu mua lại lúa mì trên thị trường thế giới và nâng giá mua vào vốn đã rất cao. Điều này có thể làm tăng giá lương thực ở các nước Ả Rập đang nhập khẩu lúa mỳ và rồi lại bùng nổ các cuộc biểu tình đường phố tiếp theo.
Giá lương thực, theo Liên Hiệp Quốc, trong tháng Giêng vừa qua đã cao kỷ lục, tăng 15 phần trăm so với giá trong tháng 11 – cũng chính là một trong những ngòi nổ của cuộc cách mạng tại Ai Cập và Tunisia. - Giá đã đạt tới mức độ nguy hiểm - Giám đốc Ngân hàng Thế giới Robert Zoellick cảnh báo.
Bây giờ tình hình có thể còn tệ hại hơn. Một tuần trước tại năm tỉnh, nhà chức trách Trung Quốc đã cho bắn tên lửa chứa iođua bạc lên trời. Các trái bom "hóa học" tương tự từ máy bay quân sự cũng được thả vào những đám mây trên không trung. Nhưng việc làm này cũng chỉ tạo ra được lượng tuyết nhỏ rơi xuống đất khô nứt của các vùng Sơn Đông, Giang Tô, Hà Nam, Hà Bắc và Sơn Tây ở miền bắc và miền đông Trung Quốc.
Đây là những vùng đất nông nghiệp, nơi sinh sống của 350 triệu người, đang bị hạn hán nặng nhất kể từ 60 năm nay. Tại Giang Tô, trong tháng Chín chỉ rơi 12mm lượng nước mưa, và các phương tiện truyền thông trên thế giới đã đưa ra hình ảnh một người nông dân tuyệt vọng, tay nắm giữ những nhánh cây khô héo – là tất cả hoa màu được trồng trên thửa ruộng của mình.
- Hạn hán ở Trung Quốc có thể mang tới hậu quả toàn cầu – khuyến cáo của các chuyên gia về Thực phẩm và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc, những người gần đây đã báo cáo đầy đủ về tác động của nó. Mức độ liên đới tới 5,1 triệu mẫu Anh – một phần ba diện tích đất canh tác, cung cấp 60 phần trăm nhu cầu lúa mỳ của Trung Quốc. Vì thế người Trung Quốc có thể phá mọi giá mua vào - vì họ có tới 2,8 nghìn tỉ đôla dự trữ ngoại hối. - Họ có thể đánh bại bất kỳ ai - chuyên gia nông nghiệp Hoa Kỳ Robert S. Zeigler nhận định.
Cho đến nay 1,4 tỷ cư dân của nước này chỉ gây ảnh hưởng nhỏ lên thị trường lương thực toàn cầu, vì họ nhập khẩu tương đối ít - ngoại lệ chỉ với đậu tương nhập từ Hoa Kỳ, họ tự cung được tới 60 phần trăm nhu cầu.
Ở đây không phải là chỉ là sự tính toán kinh tế, mà là học thuyết của vấn đề an ninh. Bắc Kinh xem thực phẩm như là một vũ khí chiến lược và muốn tự cung tự cấp. Trung Quốc hiện là nhà sản xuất lúa mỳ và gạo lớn nhất trên thế giới, và cũng sản xuất một phần năm lượng ngô của thế giới.
- Việc thu hoạch ở Trung Quốc có ý nghĩa then chốt đối với thế giới – ông Zeigler giải thích, bởi vì nếu Bắc Kinh bắt đầu nhập khẩu lúa mì, thì giá sẽ leo thang. Bộ Ngoại giao Trung Quốc công bố các ốc đảo dự trữ đáp ứng đầy đủ, nhưng không biết liệu điều này có là thực sự hay không - rất nhiều dữ liệu về nông nghiệp là bí mật.
Các học giả về Trung Quốc lưu ý rằng, không phụ thuộc vào hạn hán năm nay, giá cả vẫn sẽ tăng, bởi vì khi có đời sống tốt hơn, chế độ ăn uống của dân chúng càng được cải thiện hơn. Người Trung Quốc hôm nay ăn thịt nhiều gấp đôi cách đây 30 năm. Trong năm 2008, David Cameron, cựu lãnh đạo của phe đối lập bảo thủ ở Anh, và bây giờ là thủ tướng, cảnh báo rằng giá lương thực thế giới sẽ tăng do chế độ ăn uống tốt hơn và cái bóp dày hơn của người Trung Quốc và Ấn Độ.
Trong trường hợp Trung Quốc mua lúa mì khẩn cấp, toàn thế giới sẽ gặp khó khăn, đặc biệt là các nước đang phát triển và nhập khẩu thực phẩm. Các nước đó chính là các quốc gia Ả rập, hiện đang có làn sóng biểu tình cách mạng đường phố và sự phản kháng.
Một trong những nhà nhập khẩu lúa mì lớn nhất thế giới là 80 triệu dân Ai Cập. Một đất nước mà nửa dân số sống dưới mức 2 đôla mỗi ngày, có tới phân nửa thực phẩm nhập về từ nước ngoài. Vì vậy, nhiều chuyên gia lo ngại rằng việc xây dựng nền dân chủ trên sông Nile có thể không dễ dàng. Cuộc cách mạng đã dẫn tới sự ra đi của khách du lịch và các nhà đầu tư, làm thiệt hại hàng tỷ đôla và thâm hụt ngân sách ngày càng tăng. Ước tính việc lật đổ chế độ độc tài của Husni Mubarak sẽ làm Ai Cập phải trả giá trong năm nay cho 2-3 điểm tăng trưởng GDP.
Khi giá lương thực, trước hết là bánh mì, tăng trở lại, những người biểu tình có thể quay lại Quảng trường Tahrir ở Cairo dưới khẩu hiệu mới. Chính phủ sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải trợ cấp thực phẩm. Và ngay cả trước khi cuộc cách mạng, Ai Cập đã chìm dưới sức nặng của nợ công – bằng 74 phần trăm GDP của Ai Cập. Do đó, Hoa Kỳ, một đồng minh thân cận của Cairo, công bố ngày hôm qua rằng họ sẽ chi viện cho Ai Cập ngay 150 triệu USD.
Rất nhiều các nước khác trong vùng Maghreb và vùng Vịnh nhập khẩu lúa mì, bao gồm cả Jordan và Iran, những nơi mà các cuộc biểu tình phản đối vẫn đang tiếp diễn.
Vấn đề cũng đang có với Iraq, nơi dân chúng cứ chốc chốc lại xuống đường phản đối chống lại giá thực phẩm đắt đỏ. Chính phủ ở Baghdad lo sợ tình hình đến mức đầu tuần này đã công bố tạm hoãn việc chi 900 triệu đôla mua 18 máy bay F-16 của Mỹ, mà dùng nó để tài trợ lương thực cho các gia đình nghèo. ■
-------------------------------------------------------------
* Tác giả bài viết là bà Maria Kruczkowska, ký giả Ba Lan gần gũi với người dịch, và rất ủng hộ các hoạt động báo chí tự do, dân chủ của anh chị em người Việt sống tại Ba Lan. Bà chuyên viết về đề tài Trung Quốc và các nước Á châu cho nhật báo hàng đầu Ba Lan “Gazeta Wyborcza”. Bà đã từng là kỷ giả thường trú nhiều năm tại Trung Quốc. Trong năm 2010, nhà chức trách Trung Quốc đã từ chối cấp visa nhập cảnh cho bà. Trong chuyến đi Việt Nam 2004 với vai du khách, khi trở về bà đã viết bài “Việt Nam: Con Rồng không bay” đăng trên nhật báo Gazeta Wyborcza ngày7/05/2004 (cũng do tôi dịch ra tiếng Việt).
* Bài dịch từ nguyên bản tiếng Ba Lan đăng trên nhật báo “Gazeta Wyborcza” ngày 18/02/2011
Bản Việt ngữ © 2011 Lê Diễn Đức
Bài bình luận gần đây