Tháng 10/2017, tôi chat với Châu Văn Thi, một người bạn trẻ đang lưu lạc ở xứ người để theo đuổi quyền được nói, quyền được sống theo giấc mơ tự do của minh. Và tôi đề nghị “chúng ta sẽ nói về Thi, nói về một cuộc cách mạng đời người bị ẩn giấu?”. Thoạt đầu Thi ngần ngừ, rồi sau đó đồng ý.
Và Thi viết trả lời trong bài phỏng vấn của tôi như vầy:
“Nói về cuộc đời một người là rất khó, nói về bản thân mình còn khó hơn”, tôi nói như thế khi được nhạc sĩ Tuấn Khanh đề nghị sẽ có một cuộc phỏng vấn về bản thân. Rồi tôi cũng bị thuyết phục khi nghe anh nói “biết đâu câu chuyện của tôi sẽ khuyến khích suy nghĩ các bạn trẻ khác”. Và thế là tôi viết để trả lời cho câu hỏi “Tại sao tôi chọn con đường đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền!”
Khác với những người xuất hiện trong loạt bài Những người bạn trẻ quanh tôi được giới thiệu trong năm 2017, Thi viết hẳn một mạch suy nghĩ của mình. Thi kể như không thở. Và tôi cũng gần như chết ngộp trong câu chuyện của một người tự lột bỏ những gì đóng lên thân thể, lên suy nghĩ của mình để tái sinh trong một tinh thần mới. Sự tái sinh đau đớn nhưng kiêu hãnh của Thi.
Tôi đọc bài viết của Châu Văn Thi một mạch, không dám sửa sang gì, và vội gửi vào dòng chảy cúa đời sống. Bởi tôi tin, đây sẽ là một dòng nước mát giữa cuộc sống đang quá khô cằn này.
Và, ý thức phản kháng đầu tiên?
Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình lao động nghèo ở Sài Gòn. Từ bé tôi đã ý thức được sự nghèo khó của gia đình mình và mong một ngày nào đó thoát ra khỏi cảnh đói kém bằng chính đôi chân của mình.
Đến bây giờ tôi vẫn nhớ như in những lần theo xe xích lô chở hàng phụ ba giữa đêm mưa lạnh, hay mướt mồ hôi phụ ông đẩy xe lên dốc đường Thi Sách. Khi đó ông đang chở vật liệu cho một đơn vị thi công sân khấu kỷ niệm Sài Gòn 300 năm. Đến nơi thì chiếc xe lật nghiêng, sơn tím trong thùng văng tung tóe, bắn cả lên người tôi.
Có lần tôi nói với mẹ: “Lúc chia gia tài con chỉ xin chiếc xe xích lô của ba và không giành giật gì tài sản như những trường hợp mà con thấy”. Vậy mà ước mong đó không thực hiện được từ sớm khi chiếc xe cũ nát cũng bị trộm cắt khóa rinh đi.
Năm đó ở thành phố người ta cấm xe xích lô nên ba tôi chuyển sang bán báo, tôi cũng chuyển từ bán vé số sang bán báo để phụ ba mẹ đồng thời có thêm tiền tiêu vặt.
Năm học lớp 11, mẹ bị té gãy tay không bán báo được, gia đình đã khó nay lại càng khó hơn. Tôi xin nghỉ học để đi làm hoặc nghĩ là sẽ vào 1 trường nghề nào đó để có việc lo cho gia đình.
Tôi nghỉ thật! Tôi cùng ba lên trường xin rút học bạ, thầy có hỏi tôi nói “em chán học” và trường cũng gạch tên tôi luôn. Được 1, 2 tuần gì đó thì lớp trưởng và vài đứa bạn tới nhà, xin ba mẹ cho tôi đi học lại và tụi nó hứa sẽ phụ tiền đóng học phí cho tôi.
Lúc đó tôi bật khóc và ước mong đi học trong tôi cháy bỏng trở lại. Rồi tôi đi học lại, nhanh chóng bắt kịp bạn bè và hoàn thành 12 năm đèn sách.
Tôi chưa từng vào Đại học và cũng chưa thi Đại học bao giờ. Chính xác hơn là tôi thi vào trường Cao đẳng kỹ thuật Cao Thắng. Lúc thi xong cứ “vái trời cho con rớt” để vào Trung học chuyên nghiệp, học chỉ 2,5 năm là ra trường.
Phản kháng đầu tiên của tôi có lẽ là ở ngôi trường này. Bãi giữ xe của trường Cao Thắng lúc đó giao cho tư nhân làm và những người này cũng không đàng hoàng cho lắm.
Vé giữ xe đạp chỉ có 500 đồng, nếu ở trường quá 12 giờ trưa sẽ bị thu thêm 500 đồng nữa. Số tiền không lớn nhưng tôi không nộp cho họ vì trên vé ghi là “Giá trị cho 1 lần gửi xe là 500 đồng”. Tranh cãi 1 hồi thì chủ bãi xe chỉ thẳng vào mặt tôi nói: “Mày có tin tao cho mày nghỉ học không”. Dĩ nhiên là tôi tin điều đó vì nghĩ rằng họ có quan hệ với nhà trường mới thầu được bãi xe. Hôm sau tôi phải viết tường trình gửi lên phòng Công tác Chính trị Học sinh - Sinh viên, và một ông thầy tên Dũng còn hỏi tôi đã làm gì đắc tội đến họ.
Và người ra đi không phải là tôi mà là những người thầu bãi xe! Năm sau bãi xe được chuyển giao cho đội Thanh niên công ích Quận 1 sau những lần kiến nghị của tôi trong các cuộc họp Bí thư đoàn các lớp. Tôi vui với những ý kiến của mình mặc dù sau lần phản kháng đó tôi phải mượn tiền bạn để thay vỏ ruột xe vì bị ai đó băm nát.
Bạn từng là một thanh niên hết sức yêu Đảng, yêu Bác, đúng không?
Trong quyển lưu bút của lớp 12A13 năm đó tôi đã ghi vào ước mong của mình là: “phấn đấu đứng vào hàng ngũ của Đảng”. Âu đó cũng là điều dễ hiểu khi bạn lớn lên trong “mái trường XHCN”.
Khi học ở trường Cao Thắng tôi là một Bí thư chi đoàn lớp tích cực, luôn có ý kiến mạnh mẽ trong các cuộc họp của đoàn trường. Lúc đi làm tôi cũng là người như vậy, đến khi gần nghỉ việc các đồng nghiệp bầu tôi làm Chủ tịch Công đoàn nhưng không được chấp nhận do “công an đang theo dõi thằng Thi”.
Ngày 5-6-2011, cùng với khoảng 3 ngàn người ở Sài Gòn tôi xuống đường biểu tình chống Trung Quốc một cách trong sáng. Đó có thể xem là ngày đánh dấu cuộc đời hoạt động của tôi.
Trước đó, năm 2008 tôi đã xem được những cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở Hà Nội, Sài Gòn trên YouTube, và nghe cả bài hát TRÁI TIM VIỆT NAM của nhạc sĩ Tuấn Khanh với lời hát “Việt Nam phải vẹn nguyên, không thẹn cùng tổ tiên!”
Tôi hỏi mình “lúc này mình ở đâu, làm gì, tại sao không biết mà tham gia” và tự nhủ nếu có cơ hội sẽ đi!
Và cơ hội cũng đến thật, ngày 26/05/2011, Trung Quốc táo tợn vào sâu trong lãnh hải Việt Nam cắt cáp tàu thăm dò dầu khí Bình Minh 02 và sau đó là tàu Viking II, gây nên sự phẫn nộ của nhiều người dân trong đó có tôi.
Bình Minh 02 là con tàu cá của Nga được hoán cải lại thành tàu thăm dò, sở dĩ tôi biết được điều này vì công ty tôi đã từng làm con tàu này vài tháng trước khi nó nằm ở nhà máy đóng tàu Ba Son.
Sáng ngày 5/6, một mình tôi tham gia cùng đoàn người, có lúc còn cầm chịch những tiếng hô Hoàng Sa, Trường Sa đến khản giọng và chỉ chịu về lúc hơn 1 giờ trưa khi nhóm cuối cùng được quyền cầm biểu ngữ “đi ngang qua” tòa Tổng lãnh sự Trung Quốc.
Đến lúc đó tôi vẫn tin những hành động của mình là giúp chính phủ có thêm tiếng nói phản đối Trung Quốc trên chính trường quốc tế. Chẳng phải sau đó phái đoàn Việt Nam đã có những tiếng nói mạnh mẽ phản đối Bắc Kinh ở cuộc Đối thoại Shangri-La đang diễn ra ở Singapore sao?!
Sáng sớm 17/07/2011, tôi đốt cho ba mình 3 cây nhang và cầu nguyện hồn thiêng sông núi sẽ phù hộ tôi an toàn trước khi đi biểu tình. Sở dĩ phải như vậy vì thông tin trên các tin lề trái cho rằng thứ trưởng ngoại giao Hồ Xuân Sơn đi chầu Bắc Kinh và được lệnh không cho các cuộc biểu tình chống Trung Quốc tiếp diễn.
Tôi lo là mình sẽ bị bắt và đã chuẩn bị cho mình một kịch bản để nói chuyện với an ninh khi lỡ may phải vào đồn uống trà.
Lúc đó chỉ có khoảng 20 người tập trung ở góc công viên 23/09, tôi nhận ra Paulo Thành Nguyễn vì những bài viết của nó trên Dân Làm Báo khi bị công an làm việc vì đi biểu tình.
30 phút sau khi chúng tôi căng biểu ngữ và tuần hành công an, an ninh sắc phục lẫn thường phục bao vây, cô lập và tóm gọn từng người lên xe.
Lúc này tôi mới ê chề nhận ra cộng sản là gì!
Chỉ 5 phút trước đó thôi, anh công an Quận 1 tên Cư đến bắt tay từng người và nói “Các em cuốn biểu ngữ và ra về đi, tụi anh ghi nhận lòng yêu nước của tụi em”. Vậy mà họ lại giở những ngón đòn “thăng long, hổ giáng” xuống thân thể của bạn bè tôi, những người đã hô vang “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam!”. Lần đầu tiên tôi trải nghiệm làm việc với an ninh tới 8 giờ tối mới được cho về, sau đó công ty bị an ninh kinh tế đến kiểm tra và hù dọa. Lệnh của ban lãnh đạo công ty là “không được nhắc tới Hoàng Sa & Trường Sa” trong 1 cuộc họp không vắng tôi.
Tôi có làm gì sai khi biểu tình chống bành trướng Bắc Kinh? Có gì không đúng khi tôi khẳng định chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải? Thế là tôi bắt đầu tìm hiểu, kết bạn và chọn cho mình con đường hoạt động.
Này, đừng nói rằng bạn bị xô vào cuộc dấn thân bằng bài hát của tôi chứ?
“Anh biết là Thi khó khăn, cầm tiền này xài đi, anh có nhiêu đây thôi và sau đó sẽ đưa thêm cho em”, một viên an ninh PA67 cầm 2 tờ 500 ngàn đồng nhét vào tay tôi trong một cuộc cà phê.
Lúc này tôi đã nghỉ làm vì bản thân muốn đóng góp cho công cuộc tranh đấu toàn thời gian.
Số tiền dành dụm đội nón ra đi vài tháng sau khi không kiếm được việc nào cả. Tôi khó khăn thực sự nhưng cũng tỉnh táo để không cầm số tiền mà an ninh đưa cho tôi, với yêu cầu dừng hoạt động và cung cấp thông tin cho công an, thậm chí họ còn đề nghị sẽ kiếm việc cho tôi.
Hơn 6 năm tham gia hoạt động từng chứng kiến nhiều người anh em đấu tranh dừng lại, làm công việc khác, hoặc tệ hơn là nằm vùng cho an ninh vì tiền hoặc bị đe dọa gì đó. Tôi ngoại lệ, tôi có lý tưởng của mình và sẵn sàng đi hết con đường này.
Cuộc cà phê này sau đó được nhắc lại bởi một nick Facebook ẩn danh xưng là an ninh thành phố khuyên tôi trở về sau vài năm ở Philippines.
Sau một thời gian hoạt động, làm phóng viên cho các trang tin lề trái tôi bị mất phương hướng, tôi nhận ra mình không được trang bị kỹ năng cần thiết của một nhà hoạt động.
Thế là tôi liên hệ với luật sư Trịnh Hội và tháng 8/2014 tôi cùng vợ mình sang Philippines tham gia lớp huấn luyện của VOICE về Xã hội dân sự.
Mặc dù chương trình lúc bấy giờ của VOICE không được đầy đủ như hiện nay, nhưng nó biến tôi trở thành một người chuyên nghiệp hơn và sau 6 tháng tôi có ngay hợp đồng làm việc với một đài truyền hình của người Việt ở Mỹ trong vai trò biên tập video.
Hiện nay tôi cộng tác với một đài phát thanh khác và tiếp tục tranh đấu bằng cách chuyển tải thông tin sự thật trên đài bằng ngôn ngữ báo chí. Dự định của tôi là tiếp tục học lên cao về báo chí, kỹ thuật video để sau này mở một đài Truyền hình tại Việt Nam ở thời điểm cho phép.
Và điều mà bạn muốn chia sẻ nhất với mọi người?
Sau khi ba qua đời vì ung thư năm 2010, mẹ là người tôi yêu thương nhất.
Đêm trước khi rời Việt Nam, tôi nói với mẹ rằng tôi và vợ sẽ đi hưởng tuần trăng mật ở Nha Trang sau vài ngày sẽ về. Bà đưa chai dầu gió xanh dặn đau bụng thì xức vào, rồi quay mặt vào trong, vai mẹ rung lên.
Tôi biết, bằng linh cảm của người mẹ bà biết tôi sẽ đi lâu lắm mới về…
Một đêm cuối năm 2015, khi đang ở Philippines tôi vội viết bức thư cho vợ dặn dò mọi thứ trước khi trở về Việt Nam. “Mẹ hấp hối”, anh tôi báo như vậy khi thấy bà yếu dần và nôn ra máu. Dù gì tôi cũng phải về, tôi không sợ phải ngồi tù, tôi chỉ sợ không được gặp mẹ.
Sáng ra người thân gọi điện thoại và cản không cho tôi về, chị cho tôi hay những viên an ninh đã “bao hết bệnh viện”. Bằng cách nào đó họ biết được tôi sẽ về và chuẩn bị “cất lưới”, cả mẹ cũng thều thào trong điện thoại kêu tôi không về.
Con bất hiếu đành lỡ hẹn, may mắn là mẹ tôi dần bình phục và được xuất viện về nhà.
Trong cuộc điện thoại vài ngày trước bà cũng dặn dò “nếu mẹ có chết thì cũng đừng về!”
Đã tham gia đấu tranh là chấp nhận mất mát, thiệt thòi kể cả người trong nước và ở nước ngoài, tuy nhiên cái được lớn nhất là sống thật với bản thân mình, không hổ thẹn khi trả lời câu hỏi của con sau này “Thời điểm nóng bỏng nhất của đất nước cha đã làm gì?”
(Tuấn Khanh thực hiện)
Bài bình luận gần đây