You are here

Bàn về ý thức Nô lệ của người Việt

Những người bạn giả dối giống như những chiếc bóng, chúng theo gót ta khi ra ngoài nắng, và rời bỏ ta ngay lúc ta bước vào bóng râm. (C.Obi)

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nổi bật và là tâm điểm của Hội Nghị APEC vừa kết thúc tại Đà Nẵng. Trong lần đến Việt Nam lần đầu tiên này của Trump trong bài bài "Vì sao Việt Nam yêu Trump" trên trang web Politico đã đánh giá rằng, đây là một trong số ít các nước nơi Tổng thống Mỹ được ưa chuộng. Ngoài ra, theo khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew, trong 37 nước, Việt Nam là một trong bảy nước có đa số dân thích ông Trump chiếm tới 58%.

Đây có lẽ là lý do khi nữ ca sĩ Mai Khôi đã giăng một biểu ngữ tiếng Anh lên án ông Donald Trump, khi đoàn xe của Tổng thống Hoa Kỳ đi trên đường phố Hà Nội, vào chiều tối ngày 11/11/2017, với những lời lẽ (được cho là) không mấy phù hợp với truyền thống văn hóa cũng như tinh thần "yêu Mỹ" của người Việt cả trong và ngoài nước.

Nữ ca sĩ Mai Khôi đã giăng một biểu ngữ tiếng Anh lên án Donald Trump, khi đoàn xe của Tổng thống Hoa Kỳ chạy trên đường phố Hà Nội,

Giải thích về lý do vì sao mình (ca sĩ Mai Khôi) có hành động đó, nói với BBC (http://bbc.in/2AG78ch) nữ ca sĩ này cho biết khá nhiều lý do, trong đó một lý do được người ta quan tâm đó là "Ông Trump thì không không gặp không nhắc đến, ngay cả Mẹ Nấm hay những tù nhân lương tâm, không chút quan tâm." mà theo ca sĩ này cho rằng "Một người có quyền lực như ông Trump có trách nhiệm phải quan tâm đến vấn đề nhân quyền. Đó là trách nhiệm của một người có quyền lực lớn như ông. Nếu như ông không quan tâm, dư luận phải làm cho ông quan tâm. Dư luận phải phê phán thái độ đó. Nhân quyền là vấn đề của tất cả nhân loại,".

Nhắc đến chuyện của ca sĩ Mai Khôi, hoàn toàn không phải do tôi bị "dính bẫy" việc cố ý tạo sự kiện gây sự chú ý của ca sĩ này, dù rằng tôi ủng hộ hành động tự do biểu thị quan điểm như thế. Nhưng điều tôi không đồng ý, không chỉ với nữ ca sĩ này cũng như số đông những người Việt có tư tưởng yêu chuộng tự do, dân chủ là luôn luôn có tư tưởng dựa dẫm, trông chờ vào nước Mỹ. Thực ra đây không chỉ là tư duy của một cá nhân hay một nhóm người trong giai đoạn lịch sử này, mà nó là cái thứ tư tưởng gọi là nô lệ của cả một dân tộc luôn chỉ biết dựa vào ngoại bang. Đó là lý do ở mọi triều đại trong lịch sử nước Việt, nhất là trong lịch sử cận đại đã không hiếm những kẻ đã "cõng Rắn về để cắn Gà nhà".

Tại sao việc quan tâm đến vấn đề nhân quyền tại Việt Nam phải là trách nhiệm của Donald Trump mà không phải là trách nhiệm của mỗi cá nhân (quan tâm đến vấn đề nhân quyền) người Việt? Điều đó không chỉ cho thấy tư tưởng ỷ lại để trông chờ vào sự tác động (can thiệp từ phía Hoa Kỳ) trong việc thúc đẩy nhân quyền của riêng ca sĩ Mai Khôi, mà của cả các tổ chức và cá nhân đấu tranh vì dân chủ trong và ngoài nước. Điều đó đã cho thấy sự trì trệ trong tư duy chính trị của họ, đó là lý do vì sao phong trào đấu tranh cho dân chủ ở Việt Nam ngày càng lụn bại mà không phát triển.

Dù rằng, “Hòa bình, Thịnh vượng, Công bằng và Dân chủ” vẫn là những nền tảng cơ bản trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ từ trước đến nay, song cái đó không phải là bất biến và đến nay nó đã thay đổi. Họ không biết rằng, theo Washington Post cho biết (http://bit.ly/2joUFFG), việc bảo đảm “an ninh, thịnh vượng và các lợi ích của Mỹ cũng như công dân Mỹ trên toàn cầu” sẽ là những mục tiêu chính. Hoa Kỳ có lẽ sẽ không đấu tranh cho một thế giới “công bằng và dân chủ” nữa. Theo đó, trong suốt chiến dịch vận động tranh cử ông Donald Trump đã tuyên bố: “Chúng tôi không tìm cách áp đặt cách sống của chúng tôi lên bất kỳ ai, và tốt hơn hết nên để nó tự tỏa sáng như một tấm gương để cho mọi người noi theo”.

Thật lạ chỉ trước đây ít ngày, nhiều người vẫn còn kỳ vọng vào việc phu nhân Tổng thống Mỹ bà Melania Trump sẽ tác động đến vấn đề của Mẹ Nấm - blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị Tòa án Nhân dân tỉnh Khánh Hòa tuyên án 10 năm tù về tội "Tuyên truyền chống phá nhà nước", trong lần đến Việt Nam để dự Hội nghị APEC ở Đà Nẵng vừa qua.

Sẽ có người đặt câu hỏi rằng, nếu như không dựa vào Hoa Kỳ thì chúng ta biết dựa vào ai? Mà họ quên rằng nội lực của một dân tộc mới là quan trọng, mà cái đó chính là sự đồng tâm, đồng lòng. Nội lực của một dân tộc nếu một khi biết khơi dậy và phát huy thì chúng ta sẽ làm được tất cả những điều chúng ta mong muốn và mơ ước cho đất nước cũng như dân tộc này.

Trong bài "Phải chăng nước Mỹ chỉ là hình mẫu để theo đuổi, chứ không thể là một chỗ dựa?" (http://bit.ly/2ACVgHa) trước đây tôi đã viết: "Lâu nay những người có tư tưởng cấp tiến hay những người tham gia đấu tranh cho dân chủ, thậm chí là những người dân bình thường ở Việt Nam thường coi nước Mỹ là một mô hình chuẩn mực để hướng đến và theo đuổi. Thậm chí luôn ấp ủ một giấc mơ Mỹ. Và tư tưởng lấy Mỹ làm chỗ dựa cho công cuộc đấu tranh trong hiện tại và là chỗ dựa trong tương lai là điều có thật, đang diễn ra.

Không thể phủ nhận tính ưu việt của nước Mỹ về sự năng động trong hầu hết mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội v.v... Song do sự khác biệt về quan điểm trong các chính sách, đặc biệt là chính sách đối ngoại của mỗi cá nhân tổng thống Mỹ hay các đảng Cộng Hòa hay Dân chủ thay đổi bất thường, cũng đã gây ảnh hưởng không nhỏ đối với các nước đối tác. Việc mới nhất là Donal Trump  vội vàng tuyên bố Mỹ rút khỏi hiệp định thương mại TPP là một ví dụ. Hay việc từ trước đến nay, đã có nhiều người chê cựu Tổng thống B. Obama có thái độ cải lương trong chính sách nhân quyền đối với Việt Nam, song nếu  biết trong diễn văn nhậm chức của tân Tổng thống Donald Trump không hề nhắc đến và bày tỏ thái độ trong vấn đề bênh vực quyền con người - một vấn đề hết sức khó hiểu.

Những bài học trong lịch sử, như thỏa thuận của tổng thống Nixon tại Bắc Kinh năm 1972 thông qua bản Thông cáo Thượng Hải, đã dẫn đến sự đổ vỡ của chế độ Việt Nam Cộng hòa là một ví dụ rõ ràng nhất. Đó là một nhược điểm của nền chính trị dân chủ nói chung và nền chính trị Mỹ nói riêng, cần phải được những nhà hoạt động chính trị, những người đấu tranh vì dân chủ... nghiêm túc xem xét tính đến.

Các bài học về nước Mỹ chỉ nên coi đó là tấm gương, hình mẫu để theo đuổi, chứ khó có thể coi đó là một chỗ dựa vững chắc. Vấn đề quan trọng là cần phải dựa chính vào nội lực của chính quốc gia mình, mà bài học trong sự phát triển của Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc đã chứng minh điều đó. Đó là sự khác biệt với các quốc gia khác luôn dựa dẫm kiểu như Philippines hay Việt Nam. "

Trước đây gần một năm, tân Tổng thống Donald Trump không hề nhắc đến và bày tỏ thái độ trong vấn đề bênh vực quyền con người trong diễn văn nhậm chức, thì đến hôm nay thực tế đã cho thấy những điều đó vẫn bị Donal Trump quay lưng lại. Tiếc rằng vẫn còn đa số chúng ta không nhận ra để rũ bỏ được ý thức trông chờ của kẻ nô lệ như thế?

Ngày 14 tháng 10 năm 2017

© Kami

 * Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA