Bão Damrey càn quét Phú Yên, Khánh Hòa, gây thiệt hại, tang thương không kể xiết; MC Phan Anh làm giám khảo cuộc thi hoa hậu và đưa ra lời phát biểu, đại khái “có ngừng cuộc thi hoa hậu thì thay đổi được gì? Nhà này có đám ma, nhà kia có đám cưới thì bớt vui đi một chút chứ dừng mới hài lòng hả bạn?...”; Sau bão, miền Trung lụt từ Huế đến Quảng Ngãi, số người chết, đến nay chưa thống kê đầy đủ (bởi một số nơi vẫn còn bị chia cắt do ngập nặng) đã lên 38 người. Cả ba trường hợp này tưởng như không có gì liên quan nhau, nhưng thực tế, nó cho thấy một hiện tượng: Vô Cảm Tập Thể.
Vì sao tôi gọi ba trường hợp này là Vô Cảm Tập Thể, vì bão Damrey có liên quan gì đến vô cảm, Phan Anh có liên quan gì đến vô cảm tập thể và người chết do lũ lụt thì liên quan gì đến vô cảm tập thể?
Có đó, vấn đề thiên tai thì đương nhiên khó mà lường được hết hậu quả của nó và chuyện chết chóc, tang thương là khó tránh khỏi, bão Damrey cũng vậy. Nhưng thái độ cũng như cách hành xử giữa người với người sau thiên tai mới là vấn đề đáng nói. Ở đây, tôi muốn nói đến tính vô cảm tập thể của không chỉ riêng một nhóm người gồm ban tổ chức và ban giám khảo cuộc thi hoa hậu Hoàn Vũ 2017 ở Nha Trang, Khánh Hòa.
Mà tính vô cảm nằm trong cơ quan chủ quản, cả một tập thể các hội, đoàn từ Hội Nông Dân đến Hội Phụ Nữ, Hội Cựu Chiến Binh, rồi Chủ tịch, Bí Thư, Phó Chủ tịch, Giám đốc trung tâm văn hóa và thể thao Khánh Hòa… Thậm chí ông Thủ tướng Việt Nam, ông Tổng Bí thư, ông Chủ tịch nước, ông Bộ Trưởng Bộ Văn Hóa thông tin và thể thao Việt Nam, bà Kim Ngân Chủ tịch Quốc Hội cùng hàng loạt các quan chức có thẩm quyền đều vô cảm.
Bởi: Lẽ nào các ông, các bà không nhìn thấy thiên tai? Lẽ nào các vị không có thông tin gì về cuộc thi hoa hậu? Tại sao nhìn thấy đồng bào bị thiên tai, bị chết chóc, tang thương, đi đâu, nhìn đâu cũng thấy thảm họa và đau buồn mà vẫn có một cuộc thi ba vòng ưỡn ẹo, đèn màu sặc sỡ ngay cái nơi tiếng khóc chưa kịp nguôi, nỗi đau còn uất nghẹn… Quí vị chẳng hề lên tiếng yêu cầu dừng cuộc thi hoặc giả dời cuộc thi sang thời điểm khác?
Tại sao các chân dài, những người ngoài việc thi nhan sắc còn thi về tài năng và độ thông minh lại có thể im lặng đồng lõa với cuộc thi này? Và đặc biệt, MC Phan Anh (người đã cầm số tiền khủng trên hai mươi tỉ đồng của những nhà hảo tâm để đi cứu trợ…) đã có phát biểu hết sức vô cảm và thiếu tình người như vậy là do đâu?
Tất cả, chung qui cũng vì xã hội Việt Nam, suy cho cùng, một bộ phận không nhỏ những kẻ có quyền, có thế lực hoặc có tiếng vang đã sống và tồn tại bằng chính bản chất vô cảm của họ thông qua những pha diễn sâu, lấy nước mắt của đồng loại để được việc bản thân. Thử nghĩ, với cơ chế hiện tại, việc xây dựng một thủy điện hay xây dựng trạm BOT dựa vào yếu tối nào?
Xin thưa là xây dựng thủy điện và xây dựng trạm BOT hoàn toàn không dựa vào khả năng, tài lực của bản thân mà dựa vào mối quan hệ với giới quan chức, dựa vào cái dù bên trên. Muốn xây dựng một thủy điện, tại Việt Nam, không cần bỏ ra đồng vốn nào vẫn có thủy điện. Việc đầu tiên là cần một mối quan hệ quyền lực thật tốt, sau đó mua một giấy phép kinh doanh, thành lập công ty với vốn điều lệ và vốn pháp định (cũng ảo nốt). Và vẽ ra dự án thủy điện. Dự án đã được duyệt là xem như có thủy điện mà không cần tốn đồng nào.
Bởi mục tiêu đầu tiên của “nhà đầu tư thủy điện” là khai thác rừng lòng hồ. Với trữ lượng gỗ khai thác được cũng đủ để ôm một khối tiền để xây nền móng, khởi công, sau đó kéo dài quá trình xây dựng, kêu rêu thiếu vốn, xin đi vay, bán cổ phần non để huy động vốn. Cuối cùng, khi thủy điện xây xong thì bán điện. Xem như tay không bắt được cọp trong hang. BOT cũng vậy, dựa vào mối quan hệ phe nhóm mà xin “làm nhà đầu tư”. Đường thì chẳng làm bao nhiêu mà chặn ngay cửa ngõ, nơi chẳng hề có đồng đầu tư nào rót vào để thu tiền người dân. Thử hỏi, có bao nhiêu trạm BOT trên đất nước này không thuộc phe nhóm con ông cháu cha, thế lực đỏ? Chắc chắn là không có bất kỳ trạm BOT nào không đính đến thế lực đỏ, con ông cháu cha!
Nói như vậy để thấy rằng từ trạm BOT cho đến thủy điện không mang lại bất kỳ mối lợi nào cho nhân dân ngoài nỗi khổ, hậu quả khó lường, thậm chí tai ương chết chóc. Nhưng mỗi khi xả lũ, gây ngập úng, hư hại tài sản của người dân, rồi gây chết người, có bao giờ thủy điện đứng ra đền bù hay xin lỗi người dân? Có bao giờ nhà nước, chính phủ đứng ra làm trọng tài, yêu cầu thủy điện phải giải quyết thỏa đáng, phải có thái độ hối cải và đền bù hợp lý cho dân? Không, hoàn toàn không có điều này!
Nói như vậy để thấy rằng câu chuyện lũ lụt do nhân họa và thủy điện phủi tay đứng nhìn, sau đó ném vài thùng mì tôm gọi là cứu trợ với câu chuyện Phan Anh kêu gọi cứu trợ, sử dụng tiền cứu trợ bất minh, sai mục đích rồi sau đó nghiễm nhiên tham gia ban giám khảo cuộc thi hoa hậu ngay cái nơi chết chóc thiên tai, tang tóc đau khổ, khi dư luận lên tiếng thì lại có những phát biểu vừa ngu ngốc vừa vô cảm… Là vì tất cả những sự việc này có mối liên đới trong một tập thể vô cảm có quyền lực.
Thử đặt câu hỏi: Tại sao Phan Anh nghiễm nhiên kêu gọi người trong và ngoài nước ủng hộ với số tiền hàng chục tỉ đồng mà an ninh không đụng đến anh ta trong lúc những nhà hoạt động xã hội khác kêu gọi không được bao nhiêu thì lại bị theo dõi, bị gây khó khăn? Câu trả lời cho đến giờ phút này đã rất rõ: Vì Phan Anh làm từ thiện theo mục tiêu của nhóm quyền lực đỏ, nó ngược hoàn toàn với các nhà hoạt động xã hội khác về mục tiêu.
Nếu như mục tiêu của các nhà hoạt động xã hội là giúp cho người dân thoát khỏi kiếp nạn do thủy điện gây ra và giúp người dân tự làm sáng tỏ vấn đề do đâu mình bị thiệt hại, mất mát, mình cần phải được đền bù ra sao… Thì Phan Anh làm theo một hướng khác. Trong lúc miền Trung bị nhiễm độc biển, bị lũ lụt, Phan Anh kêu gọi “giúp mỗi gia đình 500 ngàn đồng và một ký mắm ruốc, gạo thì đã có chính phủ lo…”. Lời kêu gọi này khác nào khuyến khích người dân dùng hải sản?
Và rõ ràng cú vận động từ thiện của Phan Anh, sau đó là vở kịch “đấu tố truyền hình” giữa Phan Anh và Tạ Bích Loan đã nhanh chóng tập trung mọi sự chú ý cũng như thiện cảm của người dân vùng lũ vào Phan Anh. Kết quả là Phan Anh trở thành ngôi sao từ thiện và là một tuyên truyền viên hot nhất của chế độ, của các nhóm lợi ích. Cuối cùng, người dân vùng lũ bị đánh lạc hướng bởi Phan Anh. Người ta quan tâm đến suất quà từ thiện do Phan Anh mang lại hơn là quan tâm đến vấn đề vì sao mình lại thiệt hại, mất mát. Các cuộc trò chuyện, bàn luận giữa các nạn nhân lũ lụt xoay quanh chuyện Phan Anh đã cho bao nhiêu, làm gì, bị đấu tố ra sao… Tâm lý chờ đợi quà từ thiện cũng lan tỏa khắp nơi.
Thử đặt một câu hỏi: Liệu có khi nào trong hàng chục tỉ đồng mà Phan Anh nhận được từ các nhà hảo tâm kia thực ra là khoản tiền trám miệng dân của các nhóm thủy điện? Thay vì đền bù hàng trăm, hàng ngàn tỉ đồng thiệt hại, chỉ cần xây dựng nên một “Phan Anh từ thiện” và mượn tay anh ta để nhét khéo, trét miệng người bị nạn để rồi mọi chuyện sẽ chìm xuồng, êm xuôi?
Đặt ra những câu hỏi như vậy để khỏi phải ngạc nhiên tại sao Phan Anh là một “nhà từ thiện lớn” mà lại có những phát biểu vừa ngu xuẩn vừa vô cảm với thiên tai đồng loại như vậy. Bởi từ sâu xa, đã có những kịch bản dàn dựng hết sức chi tiết và kĩ lưỡng. Một màn kịch đầy nước mắt của bầy linh cẩu dành cho những con cừu non mang tên Nhân Dân trên phông nền vô cảm tập thể!
Bài bình luận gần đây