You are here

Quan niệm cần thiết về Hiến pháp Dân chủ (tiếp theo và hết)

Ảnh của nguyenvubinh

...

3/ Quan niệm cần thiết về Hiến pháp Dân chủ

Hiến pháp Dân chủ là một trong số các định chế quan trọng nhất của thể chế dân chủ. Nhưng Hiến pháp Dân chủ cũng là một sản phẩm của nhận thức con người về nội hàm và cách thức xây dựng thể chế dân chủ. Nhận thức của chúng ta có thể đúng, có thể chưa đúng, hoặc chưa chính xác. Chúng ta không nên tôn sùng, đề cao vai trò của Hiến pháp quá mức, để rồi chính Hiến pháp sẽ lại là cái ràng buộc lại khi chúng ta cần thay đổi. Chỉ cần thấu suốt quan điểm này, chắc chắn chúng ta sẽ có một bản Hiến pháp đẹp và hiệu quả.

Đối với yêu cầu về sự ổn định của Hiến pháp, chúng ta vẫn cần đáp ứng. Trong số bốn nội dung quan trọng của Hiến pháp (Lời nói đầu hay mục tiêu chung quốc gia; Các điều khoản về quyền và nghĩa vụ công dân; Các điều khoản về tổ chức nhà nước; Các điều khoản đặc biệt), chúng ta có thể đóng khung hai nội dung đầu quan trọng. Tại sao lại đóng khung hai nội dung đầu? Bởi vì kiến thức, kinh nghiệm, sự đồng thuận của người dân đối với hai nội dung đầu không khó khăn để đạt được. Mặt khác, phần lớn đó là những mục tiêu cao đẹp một quốc gia hướng tới. Mục tiêu cao đẹp không khó xác định cũng như không khó tìm sự đồng thuận. Chỉ có khó khăn về phương pháp, biện pháp, con đường đi tới mục tiêu mà thôi.

Như vậy, chúng ta còn hai nội dung quan trọng để có thể xác định nội hàm, nội dung cũng như cách thức xây dựng thể chế dân chủ. Trước hết, dù nội hàm như thế nào thì về nguyên tắc chúng ta cần xác định không đóng khung các nội dung này, tức là có thể sửa đổi, thay thế khi hội đủ số yêu cầu, điều kiện cần thiết. Các Hiến pháp Dân chủ của các quốc gia hiện tại không phải không thể, không có các quy định về sự thay đổi, thay thế, mà sự quy định quá khó khăn, ngặt nghèo (ví dụ đòi hỏi sự đồng thuận rất cao, 70-75%...) cộng thêm tâm lý tôn sùng Hiến pháp làm cho khả năng có thể thay đổi, thay thế của Hiến pháp vô cùng khó khăn, phức tạp.

Trong mối tương quan với Dự án xây dựng Thể chế Dân chủ Việt Nam theo cách tiếp cận mới mà chúng tôi đề nghị, Hiến pháp Dân chủ cần quán triệt một số vấn đề sau.

- Cần đưa định chế dân chủ cốt lõi Tòa án Nhân quyền vào nội dung các diều khoản về tổ chức nhà nước. Khi cách tiếp cận cũ chưa có định chế dân chủ cốt lõi, định chế trực tiếp bảo đảm và bảo vệ các quyền con người, hay nói cách khác, bảo đảm và bảo vệ tự do của con người thì Tòa án Nhân quyền chính là định chế bảo đảm các yêu cầu đó. Vì vậy, định chế Tòa án Nhân quyền xứng đáng và cần thiết được đưa vào nội dung các điều khoản về tổ chức nhà nước.

- Hiến pháp dân chủ cần xác định các định chế hỗ trợ để thực hiện định chế cốt lõi, đồng thời xây dựng các định chế khác xoay quanh và phục vụ cho định chế cốt lõi Tòa án Nhân quyền. Hai định chế hỗ trợ quan trọng nhất của định chế Tòa án Nhân quyền là trang bị kiến thức về tự do, dân chủ, nhân quyền đầy đủ cho người dân và định chế về việc miễn phí cho người dân bảo vệ các quyền con người của mình ở Tòa án Nhân quyền.

- Định chế Tòa án Nhân quyền cần được xác lập ở tất cả các cấp: cơ sở, tiểu bang, liên bang và là một hệ thống độc lập với quyền lực tuyệt đối, không phụ thuộc vào tam quyền có sẵn của định chế tam quyền phân lập. Nếu có thể được, hợp lý nhất là các Tòa án Nhân quyền các cấp nằm trong Tòa an Hiến Pháp. Cấp độ cao nhất của Tòa án Nhân quyền, hay Tòa án Nhân quyền quốc gia (liên bang) chính là Tòa án Hiến pháp.

- Một vấn đề quan trọng nữa mà Hiến pháp Dân chủ cần lưu ý, đó là xu thế hội nhập, toàn cầu hóa của các quốc gia hiện nay. Tự do của con người cần tương thích và phù hợp với tất cả các quốc gia.

Hiến pháp Dân chủ với những nội dung được xác định ổn vững và những nội dung cần được bổ sung, sửa đổi, thay thế chính là yêu cầu cần thiết cho bất kỳ quốc gia nào. Khi đã xác định chính xác định chế dân chủ cốt lõi, tức là xác định đúng nội dung dân chủ cần được xây dựng, cũng như cách thức xây dựng thể chế dân chủ, chúng ta luôn hi vọng và tin tưởng rằng, Hiến pháp Dân chủ thể hiện được đầy đủ chức năng, vai trò của nó, đồng thời không gây ra những khó khăn, rào cản nào cho bất kỳ một sự thay đổi cần thiết nào, trong các nội hàm của dân chủ khi tình thế và hoàn cảnh thay đổi./.

Hà Nội, ngày 28/10/2017

N.V.B