Nếu có một con số thống kê cụ thể những câu nói của quan chức Việt Nam thì những câu nói ngớ ngẩn mà dân gian Việt Nam gọi là "Ngáo đá" trong thời đại rực rỡ nhất - "thời đại Hồ Chí Minh", theo lời của Nguyễn Phú Trọng - chiếm một tỷ trọng lớn nhất.
Người thanh tiếng nói cũng thanh
Xưa nay, nghe khẩu khí, nội dung câu nói của một người, thiên hạ sẽ biết và đánh giá họ như thế nào về học lực trình độ, tư cách cũng như khả năng của họ. Do vậy, khi đề cử một người làm quan chức thời "phong kiến thối nát", cha ông ta cũng lấy các tiêu chí về thi cử, văn phong và kết quả đó được đánh giá để bổ nhiệm họ giữ các chức việc phục vụ cộng đồng.
Chính vì vậy, nhiều khi những khoa thi cử, bài thi được đánh giá gắt gao và khắc nghiệt theo tiêu chuẩn của người xưa. Qua đó, người ta chọn ra những nhân tài lo việc dân, việc nước.
Điều đó cũng có cơ sở của nó, bởi lời nói, bài văn... của một người thể hiện về con người đó khá rõ nét. Cha ông đã đúc kết "Văn tức là người". Chính vì thế, dân gian có câu ca dao rằng:
Người thanh, tiếng nói cũng thanh
Chuông kêu, khẽ đánh bên thành cũng kêu.
Lời ăn, tiếng nói của quan chức lại càng được coi trọng và những phát ngôn của người có chức quyền, trách nhiệm càng phải cẩn trọng trong mọi trường hợp.
Có lẽ cũng vì vậy, người dân Việt Nam bao đời nay đã để lại những áng văn bất hủ không phải chỉ của các nhà văn, các danh nhân mà cả của các quan chức, vua chúa nhiều thời kỳ.
Những quan chức ngáo đá
Trong một bài viết trước đây, chúng tôi đã nói về "Hệ thống giáo dục và những quan chức ngáo đá", chúng tôi đã nói về hiện tượng quan chức ngáo đá" liên quan đến hệ thống giáo dục "hoàn toàn Việt Nam" đã sản sinh ra những quan chức "ngáo đá" phát biểu vô tội vạ, bất chấp những điều tối thiểu là vận động trí não trước mỗi lời nói.
Chẳng hạn bắt đầu từ ông Phạm Vũ Luận phát biểu: "Đã học kém thì không thể có đạo đức tốt được", hoặc “Quá trình dạy và học đã thay đổi, từ chỗ dạy cho số đông sang chú ý đến hình thành phát triển từng cháu. Trước đây giáo viên nói dạy 1 lớp 40 cháu nay chuyển sang dạy 40 cháu trong 1 lớp”.
Kế đến ông Bộ trưởng Quốc phòng phát biểu vô tư rằng: "Tôi thấy lo lắng lắm, không biết tuyên truyền thế nào, chứ từ trẻ con đến người già có xu thế ghét Trung Quốc. Ai nói tích cực cho Trung Quốc là ngại. Tôi cho rằng, cái đó là nguy hiểm cho dân tộc". Hay tại đối thoại Shangri-la 13 tập trung vào vấn đề Trung Quốc đang xâm lấn biển đông, ông ta nói: “Thưa các quý vị! Quan hệ giữa Việt Nam và nước bạn láng giềng Trung Quốc về tổng thể trên các mặt đang phát triển tốt đẹp, chỉ còn tồn tại vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông nên đôi khi cũng có những va chạm gây căng thẳng”.
Sau đó, Tổng TTCP Huỳnh Phong Tranh cho rằng "tham nhũng ở Việt Nam trong 3 năm qua (2012-2014) có tính chất ổn định" để báo cáo thành tích chống tham nhũng...
Rất nhiều ví dụ khác nhau về những lời quan chức mà cứ mỗi lần họ mở miệng thì thần dân được dịp giải trí với những trận cười vỡ bụng trong những cuộc rượu hay tụ họp đâu đó được đưa ra làm mẫu mực.
Để biện minh cho phong trào "cả nhà làm quan", "con vua thì lại làm vua" lan rộng khắp cả nước, Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND Tp HCM dõng dạc: "Con cái lãnh đạo làm lãnh đạo là hạnh phúc cho dân tộc". Và thực tế đã chứng minh cái hạnh phúc đó của dân tộc được trả giá bằng Nguyễn Xuân Anh (Đà Nẵng) mới đây.
Có thể kể đến vô vàn những mỹ từ, những sáng tác ngôn ngữ một cách quái gở của các lãnh đạo Việt Nam tại mọi ngành, mọi cấp trong thời kỳ "rực rỡ" này. Thậm chí đến mức trong dân gian hình thành một khẩu ngữ mới: "Ngu rực rỡ".
Không chịu kém phần các Thủ tướng, Bộ trưởng khác, ông Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát phát biểu tại Quốc hội rằng: “Đa số thực phẩm của chúng ta là an toàn, nhưng nhân dân không biết nên có cảm giác là tất cả không an toàn”.
Bị phản ứng dữ dội, ông ta đã phải xin lỗi. Dù lời xin lỗi đã được ông ta đưa ra, song điều đó không làm giảm đi được sự đánh giá trình độ và khả năng, cũng như lương tâm đạo đức của ông Bộ trưởng đối với người dân.
Nhớ đến lời xin lỗi, hẳn người dân Hà Nội và cả nước không mấy ai quên lời của Phạm Quang Nghị khi là Bí thư Thành ủy Hà Nội. Suốt mấy ngày lo tổng kết kinh nghiệm cướp đất Thái Hà và Tòa Khâm sứ cho các vụ cướp sau đó, nên khi chui ra khỏi bàn thì được hỏi về nạn lụt chết cả vài chục người ở Hà Nội cuối năm 2008 rằng: "tôi thấy nhân dân ta bây giờ so với ngày xưa ỷ lại Nhà nước lắm. Cứ chờ trên về, chờ cung cấp cái này, hỗ trợ cái kia chứ không đem hết sức ra tự làm"
Kể cả khi đó chưa có Facebook, thì hệ thống báo "không đihnhj hướng" và mạng Blog đã buộc Phạm Quang Nghị đưa ra lời xin lỗi cho câu nói dở hơi nhất của mình và bị phản ứng dữ dội. Dù buộc phải đưa ra lời xin lỗi, nhưng có sao.
Thậm chí, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Nafiqad), Bộ NN&PTNT nói rằng: “Một số mặt hàng thủy sản như tôm nếu bị trả do vấn đề chỉ tiêu vi sinh thì chỉ cần luộc lên là có thể ăn được”. Cả thiên hạ cười ồ, thì ra ông ta tưởng rằng trứng cóc luộc lên không ăn được chăng? Thưa rằng là ăn được, nhưng rồi chết. Có điều khác là các thứ thực phẩm kia chết từ từ mà thôi.
Một trưởng ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội đã phát biểu về nạn xô đẩy, chen lấn cướp nhau trong lễ hội hàng năm rằng: "Đây là cướp có văn hóa". Để phân tích điều này, chúng tôi đã có bài viết "Cướp có văn hóa và văn hóa cướp XHCN" để nêu lên bản chất của cái văn hóa Cướp XHCN quái gở.
Những tưởng với sự phản ứng dữ dội của dân chúng, báo chí... thì quan chức Việt Nam sẽ cẩn thận hơn, đỡ... nói ngu hơn.
Nhưng, như một căn bệnh không thể chữa, những lời "ngọc" lại tiếp tục được các miệng quan chức đưa ra giải trí cho thiên hạ.
Đê vỡ theo kế hoạch!
Mới những ngày gần đây, sau khi thiên tai đã mở ra cho cả thế giới biết rằng người dân Việt đang phải gánh chịu những "nhân tai" nặng nề của chế độ Cộng sản Việt Nam, một thể chế đã dẫn đến sự tàn phá không thương tiếc môi trường: từ môi trường sống tự nhiên đến môi trường xã hội.
Những trận lụt bão triền miên gây tai họa cho người dân Việt được phụ họa đắc lực của các chính sách, con người cộng sản đã lấy đi biết bao nhiêu sinh mạng người dân Việt Nam. Những nhà máy thủy điện chỉ biết lợi nhuận, ăn cắp và giá rẻ bao năm nay đã gây tai họa cho người dân Việt qua mỗi đợt xả lũ.
Những người dân Hà Tĩnh, Quảng Bình đã thấm cảnh sống ngâm da, chết ngâm xương, toàn bộ tài sản, tính mạng của người dân bị đe dọa và nhấn chìm trước những cơn xả lũ bất ngờ của các nhà máy thủy điện. Thế rồi tất cả đều hòa cả làng.
Nối tiếp miền trung, khắp cả nước từ Yên Bái cho đến Hòa Bình, Thanh Hóa, đâu đâu cũng thiên tai, lụt bão... đó là câu trả lời cho việc tàn phá rừng theo phương thức tận diệt.
Còn nhớ, cách đây từ rất lâu, 20 năm trước, chính phủ đổ không biết bao tiền của, công sức cho Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng hay dự án 661. Thế rồi thời gian qua đi, tiền của dân trôi đi nhưng rừng đâu chẳng thấy.
Một cán bộ kiểm lâm cho tôi biết: Khi thành lập nước VNDCCH, Việt Nam có 15 triệu ha rừng. Cho đến ngày nay, đến những vùng đất Tây Nguyên, nếu tìm kỹ, người ta thấy vẫn còn lại những dấu vết của rừng.
Đi đến đâu người ta cũng thấy nhan nhản câu khẩu hiệu lủng củng tối nghĩa được cho là của Hồ Chí Minh: "Rừng là vàng, nếu mình biết bảo vệ và xây dựng thì rừng rất quý". Oái oăm thay, những câu khẩu hiệu này được đặt ở những nơi mà sau đó chỉ có dấu tích của rừng hoặc ngay ở bãi gỗ vừa chặt phá rừng xong.
Chính vì vậy, mà lũ lụt thiên tai hoành hành.
Và trong thiên tai, cái thể hiện rõ nhất lại là nhân tai. Nhân tai ở đây ngoài việc con người để lại hậu quả cho môi trường, người ta còn nhìn thấy một mối nguy "Nhân tai" khác, đó là trình độ, tâm thức của quan chức cộng sản.
Khi tuyến đê Hữu Bùi ở Chương Mỹ bị vỡ, nước ngập nhấn chìm hàng ngàn hộ dân và hàng ngàn ha lúa màu, cơ ngơi người dân. Cả nước ngóng chờ thông tin để mà đau xót với người dân đang sống trong cảnh cơ hàn của lũ lụt, thì chính khi đó Ông Đỗ Đức Thịnh - Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội cho rằng, đê Hữu Bùi tại xã Hoàng Văn Thụ (Chương Mỹ - Hà Nội) “vỡ… theo kế hoạch”!
Điều ông nói có nghĩa là việc vỡ đê theo đúng quy trình, kế hoạch của nhà nước? Việc nhấn chìm sinh mạng, tài sản của người dân là có kế hoạch mà nói theo ngôn ngữ của đám quan chức cộng sản là "Đã có đảng và nhà nước lo"?
Bên cạnh đó, GĐ Sở NN&PTNT TP Hà Nội Chu Phú Mỹ: "Đê vỡ nhưng không phải vỡ tách đôi như mọi người hiểu, mà vỡ bề mặt sau đó sạt dần dần. Tràn sau đó sạt dần dần. Cái đấy theo quy hoạch là cho tràn nước qua bờ đê. Cơ bản dân ở đây đã thu hoạch sản xuất xong rồi. Nhà cửa chưa đánh giá cụ thể, nước chỉ ngập vào nhà thôi chứ không sập được".
Nghe những lời ráo hoảnh này khi tai họa đang ập lên người dân, người ta thấy ở đó sự vô cảm và né tránh trách nhiệm bằng những lời nói ngu xuẩn. Bởi vì dù có sạt dần hay tách đôi vỡ ba, thì đê vỡ vẫn là đê vỡ, vẫn là nước vào ngâm xác và tài sản người dân. Ông cho biết dân đã thu hoạch xong, nhưng nước ngập hết vào nhà thì nhấn chìm tất cả thì thà để ngoài đồng cho nó trôi đi chứ công sức người dân đều cuối cùng là đổ sông, đổ biển.
Người ta thấy lạ với những cách hành xử qua những lời "ngáo đá" nói trên.
Nguyên nhân
Có thể nói rằng, để xuất hiện những câu nói ngớ ngẩn, kiểu sáng tác ngôn ngữ như khi phóng viên bị công an đá vẹo sườn là "giơ chân hơi cao" và tát vặn mặt thì gọi là "gạt tay trúng má" này, tất cả bắt đầu bằng sự ngụy biện, che giấu và lấp liếm trước công luận mà không dám gọi tên sự thật.
Bởi những sự thật đáng xấu hổ đó nó quá mức bình thường mà bất cứ người nào trong xã hội có thể chấp nhận được. Do vậy mà người cộng sản không thể gọi đúng tên, chỉ đúng việc đã xảy ra. Vì thế cho nên người ta phải lấp liếm, che đậy bắt đầu từ ngôn từ, lời nói, những thông tin báo chí cho đến dùng công an, dùi cui, bắt bớ và nhà tù... Tất cả đều nhằm che đậy một sự thật là hệ thống công quyền Cộng sản đã hoàn toàn thối nát và trong cơn tan rã khó cứu chữa.
Cũng bởi trên hết, cả hệ thống này đang tôn thờ một thứ quái gở: Chủ nghĩa Mác - Lenin mà ở đó, sự dối trá được tôn thờ, bạo lực được lấy làm động lực xã hội.
Không chỉ sáng tác ngôn ngữ mà sự bệnh hoạn đó con thể hiện bằng những việc đánh tráo khái niệm rất... hài hước. hẳn chúng ta còn nhớ ông tướng ngành Cảnh sát giao thông đã nói rằng: "CSGT nhận dăm ba chục của lái xe đâu gọi là tham nhũng" - một câu nói để đời. Hay tối 28/9/2016, một CA thuộc Quận 3, Sài Gòn, đánh một người bán hàng rong toác đầu, máu me đầy mặt, đầy đầu, bàn tay công an còn dính cả máu. Nhưng đó được định nghĩa là hành động "vuốt tóc, xoa đầu khuyên nhủ.
Trước hiện tượng này, chúng tôi đã có bài viết: "Dự án Từ Điển Công an: Một yêu cầu khẩn cấp" nhằm giúp nhà nước có sự thống nhất trong bao biện, ngụy biện cho các hành động ngược đời của ngành công an.
Có thể nói rằng, ngoài vấn đề về trình độ cán bộ ngày càng lùn xuống bởi chính sách cả họ làm quan, con vua làm vua và đồng tiền đi trước, thì nguyên nhân cơ bản vẫn là sự băng hoại của một hệ thống công quyền lấy bạo lực, dối trá làm cơ sở tồn tại.
Vì thế mà người dân sẽ còn được nghe, được thấy những cán bộ từ lãnh đạo cao cấp cỡ Nguyễn Phú Trọng cho đến những cán bộ tép riu tuôn ra những lời hài hước.
Người xưa đã nói:
Người thanh, tiếng nói cũng thanh
Chuông kêu, khẽ đánh bên thành cũng kêu.
Với cả hệ thống đã như chiếc chuông vỡ, thì dù có nện bằng búa tạ, tiếng kêu vẫn cứ rè rè như trêu ngươi thiên hạ.
Do vậy mà kho tàng những câu nói ngáo đá sẽ còn dày thêm và ngày càng xuất hiện dày đặc trong thời đại "ngu rực rỡ" - Thời đại Hồ Chí Minh.
Ngày 15/10/2017
J.B Nguyễn Hữu Vinh
Bài bình luận gần đây