Chúng ta, nói chính xác hơn là người dân Việt Nam đã hoàn toàn đánh mất khả năng cảnh giác cũng như đề kháng trước cái ác, cái xấu. Bởi cái ác, cái xấu đã được chính thống hóa suốt nhiều chục năm nay và nó luôn luôn được ưu tiên trong hành xử của nhà nước, đảng Cộng sản đối với người dân bằng những lộ trình tâm lý.
Những lộ trình tâm lý làm tê liệt mọi khả năng phản kháng, càng lúc càng tinh vi. Câu chuyện Đoàn Ngọc Hải xuống đường dành vỉa hè với nhân dân nhân danh nhân dân và cả nước dành vỉa hè với nhân dân trên danh nghĩa “dành cho nhân dân”, sau đó là có những đội bắt chó, gọi là trật tự trị an chó do nhà nước tổ chức. Thực ra, đây là một công đoạn trong lộ trình tâm lý, mà đích đến của nó là vàng trong dân.
Cái lộ trình tâm lý này không phải chỉ diễn ra trong lần này mà nó vốn diễn đi diễn lại, người dân hình như không nhận ra hoặc mơ hồ nhận ra mà không dám nói. Bởi nó là đòn phép tâm lý, là lộ trình nên một khi đã dính phải lộ trình của nó thì mọi chuyện trở nên bất lực, mất khả năng đề kháng hoặc kháng cự một cách yếu ớt.
Những ngày mới thành lập đảng Cộng sản đã khởi động lộ trình bằng tuần lễ gạo, gọi là “hủ gạo nuôi quân”, mỗi gia đình phải nhín một phần gạo khi nấu cơm để bỏ hủ, chiều đến hoặc cuối tuần thì người của đảng đến thu hoạch gạo. Đương nhiên không có nhà nào dám để hủ trống, bởi người dân hiểu được mức độ trừng phạt phía sau những chiếc hủ trống kia. Và đương nhiên có những bài học về sự trừng phạt này để “làm gương” cho nhân dân.
Và nhân dân cũng không hay biết, không ngờ được rằng hủ gạo nuôi quân chỉ là khởi động của một lộ trình, để người dân tập quen với tâm lý giao nộp, cống nộp cho đảng. Ít ai biết được đằng sau những hủ gạo nuôi quân là một cuộc tập dượt tâm lý để nhân dân quen và liệt kháng với sự mất mát. Sự liệt kháng này lặm vào vô thức, người ta vừa sợ trừng phạt, vừa chấp nhận mất đi một phần ăn (thời đó chuyện ăn uống hết sức khó khăn, mất một phần ăn đau còn hơn cả bị đánh) để được tồn tại dưới “ánh sáng của đảng”.
Và mục tiêu cuối cùng là khi khả năng đề kháng trong nhân dân xuống mức thấp nhất, một cuộc trưng thu vàng, tài sản của nhân dân để sung vào tập thể, để nuôi quân trên toàn miền Bắc dưới danh nghĩa xây dựng đất nước xã hội chủ nghĩa. Lúc này, hầu như chỉ nghe tiếng kêu than đau đớn của nhân dân nhưng hiếm thấy sự phản kháng, dường như không có sự phản kháng bởi nó bị dập tắt một cách công khai trong sự cam chịu và có chút gì đó thỏa mãn theo kiểu “tao mất thì mày cũng mất, tao mất ít thì mày mất nhiều, mèo nào hơn mưỡu nào!”.
Chiêu bài lập lộ trình tâm lý vẫn chưa bao giờ cũ trong chính sách cầm quyền của đảng Cộng sản, mỗi khi cần thiết “huy động” vốn trong nhân dân, họ lại thiết lập một lộ trình tâm lý. Lần này, lộ trình tâm lý có vẻ tinh vi hơn những lần trước, bởi thời đại toàn cầu, những trăn trở về dân chủ, dân quyền trong nhân dân đã mạnh hơn, nếu không tinh đảng Cộng sản sẽ khó mà thành công trên lộ trình của họ. Dẹp vỉa hè, có thể nói đó là bước khởi đầu khá thuận lợi trong lộ trình tâm lý nhằm giảm thiểu tính đề kháng trong nhân dân.
Không phải Đoàn Ngọc Hải hoặc cán bộ đầu ngành ở các tỉnh ngu ngốc đến độ không có cách nào để lấy lại vỉa hè bị lấn chiếm một cách êm thắm nhất, bởi hiếm có chế độ chính trị nào giỏi công tác dân vận, giỏi tuyên truyền hơn chế độ Cộng sản. Họ chỉ cần dùng hàng triệu cái loa phường, hàng triệu cây bút của chế độ và hàng triệu tuyên truyền viên của họ trong vòng một tuần để “vận động, kêu gọi, cảnh báo và thông báo các biện pháp chế tài một cách hợp tình hợp lý”, sau đó các đội trật tự đi tác nghiệp, mọi chuyện sẽ đâu vào đó. Chuyện bắt chó cũng vậy, họ có thể dùng biện pháp tuyên truyền trong vài ngày là xong. Nhưng họ đã không chọn phương án này và cố tình làm cho mọi chuyện trở nên rối rắm. Vì sao?
Trước nhất, phải xem lại thái độ của Đoàn Ngọc Hải cũng như hầu hết các cuộc đập phá vỉa hè trên toàn quốc, sau đó xét cách làm của đội bắt chó nhà nước. Họ có chung một hành trạng là làm quá mức cho phép. Đoàn Ngọc Hải không những đi lấy lại vỉa hè mà cố tình đập bỏ cả bốt gác của ngân hàng, đập bỏ cả tam cấp của New World và cả tam cấp hành lang một bảo tàng ở quận 1. Ở các tỉnh khác cũng vậy, các đội dọn vỉa hè tha hồ đập phá theo kiểu ruồng hơn là vãng hồi trật tự đô thị. Sau đó, các đội bắt chó nhà nước cũng gặp chó là bắt theo kiểu chụp giật. Cả hai, dẹp vỉa hè và bắt chó đều làm cho nhân dân cuốn quýt, vội vả cất bàn ghế, dẹp mái quay, nhốt chó… để khỏi bị mất tài sản.
Cái tâm lý cuốn nhanh, cất nhanh không thì bị tịch thu, bị phạt diễn ra đều khắp, nó không giống với tâm lý của một người tự chủ, tự biết mình nên làm gì cho phù hợp với guồng máy hoạt động của một xã hội biết tôn trọng con người, có lòng yêu thương và có pháp luật thực sự, biết bảo vệ quyền con người. Ở đây, một kiểu tâm lý cuống quýt và trốn chạy của nhân dân xuất hiện trở lại sau thời gian tạm ngủ quên. Và người ta không kịp suy nghĩ ai đúng ai sai, cứ thấy đoàn nhà nước đến là lo chạy, lo nhốt chó, không dám nói lẽ phải, không dám đấu lý. Bởi có nói cũng không ai nghe, có nói cũng chẳng ai bảo vệ mình, thậm chí còn bị đánh đập.
Và thử tưởng tượng khi cả một cộng đồng dân cứ đứng trơ mắt nhìn các đoàn nhà nước làm việc sai trái, không rõ trắng đen, không đúng qui trình pháp luật và nhân danh tập thể (theo kiểu Đoàn Ngọc Hải tuyên bố “tôi làm là vì sáu triệu dân thành phố”) và nếu có người dân nào phản ứng thì người chung quanh không cần biết đúng sai, cũng chỉ đứng nhìn vì trong sâu thẳm tâm lý của họ có sự sợ hải, mặc kệ nó. Bởi họ nghĩ rằng chuyện không liên quan đến bản thân họ, vả lại tịch thu cái bàn, cái ghế hay bắt con chó thì cũng chẳng đến nỗi đói khổ, mất trắng. Chính vì kiểu suy nghĩ này mà người ta không bao giờ hoặc hiếm hoi có hành động đồng cảm hay bảo vệ cái đúng, cái lý đang bị lẻ loi trước các đoàn cường quyền.
Về lâu về dài, cái tâm lý ai mất gì, bị bắt chó hay bị thu bàn ghế cũng không đến nỗi chết đói và cũng không phải chuyện của mình sẽ thành một phản ứng thường ngày trong xã hội. Đến mức này, nhà nước sẽ dễ dàng tịch thu nhà cửa hay vàng bạc của một gia đình nào đó bằng cách dùng lực lượng quân đội, công an, dân phòng phong tỏa, cách ly, sau đó trưng thu, mà thực chất là cướp trên danh nghĩa chính thống/chính nghĩa) trước hàng ngàn, hàng chục ngàn con mắt thờ ơ, bàng quan của nhưng người dân chưa đến lượt. Và cứ như vậy, cách ly, phong tỏa, làm từng gia đình, từng gia đình theo kiểu tằm ăn dâu.
Cuối cùng, muốn huy động bao nhiêu vàng hay tài sản trong nhân dân mà không được. Cướp xong, lấy xong lại cấp cho một cái giấy chứng nhận mượn tạm trên danh nghĩa xây dựng quốc gia, dân tộc. Những nhà khác thấy vậy thì co cụm, lại lo giấu diếm, coi như xong, chẳng ai đứng ra đấu tranh bảo vệ cho ai bởi tất cả đã rớt vào lộ trình tâm lý của nhà cầm quyền, đã bị tê liệt khả năng đề kháng trước cái sai, cái xấu. Và sự tê liệt này được an ủi bằng một cuộc cướp chính thống/chính nghĩa hóa từ phía nhà nước, xem như đó cũng là một kiểu ném cho một chai thuốc đỏ sau khi làm cho bị thương tập thể!
Hiện tại, nếu xâu chuỗi hành vi đầy tính hồng vệ binh của Đoàn Ngọc Hải cũng như hàng loạt các đội dẹp vỉa hè ở các tỉnh, rồi hành vi bắt chó cứ như cướp giật giữa thành phố của các đội bắt chó nhà nước, sau đó xét lại quá trình lấy tài sản của dân mà nhà nước Cộng sản đã từng làm trong lịch sử cũng như động thái kêu gọi vàng trong dân, thành lập hợp tác xã kiểu mới bằng những con người bất hảo (thậm chí mất dạy như Võ Kim Cự) trong hệ thống đảng Cộng sản thì thấy ngay mục tiêu sắp tới của họ là gì!
Có một luật chơi rất rõ, nếu anh thờ ơ trước bất công của người khác thì người khác sẽ bất công trước thờ ơ của anh. Nếu anh chấp nhận và cam chịu sự vô lý thì anh sẽ là kẻ nhận chịu sự vô lý nặng nhất. Và nếu người Việt Nam tiếp tục chấp nhận kiểu làm của Đoàn Ngọc Hải cũng như đám bắt chó nhà nước mà không có phản ứng hợp lý, cái giá phải trả không phải là nhỏ. Bởi ở đây, phản ứng đóng vai trò tỉnh thức và cộng hưởng lẽ phải. Quốc gia, dân tộc chỉ tồn tại khi lẽ phải còn hiện hữu!
Bài bình luận gần đây