You are here

Linh mục Fx Võ Thanh Tâm: Viết yêu thương bên cạnh tiếng đau thương

Ảnh của nguyenhuuvinh

Tôi vừa viết xong mấy dòng suy tư về linh mục Pet. Đậu Đình Triều thì đã 3 giờ sáng, định tắt máy tính đi ngủ thì nhận được tin dữ: Linh mục Fx. Võ Thanh Tâm vừa qua đời. Ngài đã lặng lẽ về với Chúa một cách đột ngột.

Tôi lặng người, không nói được câu nào, chỉ kịp kiểm chứng lại thông tin và đưa lên một dòng thông báo.

Như vậy, chỉ trong hai ngày, hai linh mục - hai cây đại thụ của Giáo phận Vinh đã ra đi, cả hai không chỉ là vị cha chung của mọi tín hữu Công giáo mà còn đều là những ân nhân của gia đình tôi. 

Bối rối và đau buồn, tôi không biết nói điều gì trước những mất mát quá lớn này. Nghĩ về những người thân đã ra đi, nước mắt tự nhiên chảy dài hai dòng mà không sao cầm được. Những kỷ niệm về ngài cứ hiện dần lên trong tôi.

"Đời con lắm cảnh bi ai"

"Đời con lắm cảnh bi ai
Ruột đứt trăm đoạn, trăm bài thơ đau..."

Đó là hai câu thơ của ngài trong bài "Chiều tà" sáng tác năm 1965, trong tập Hương Trầm xuất bản năm 2014. Đây là thời kỳ cộng sản miền Bắc thẳng tay tiến hành "Cách mạng tư tưởng văn hóa" theo phong trào "Cách mạng văn hóa" ở Tàu. Bao đình chùa, miếu mạo bị đốt, tượng Phật đưa chẻ làm củi đun, nhà thờ, nhà nguyện bị chiếm, các trường chủng viện bị đóng cửa, chủng sinh, tu sinh buộc về lấy vợ hoặc... đi tù.

Nhiều linh mục, giáo dân tham gia chức việc trong giáo hội bị đưa đi cải tạo không hẹn ngày về, nhiều người bỏ xác trong nhà tù cộng sản ở một miền nào đó. Hầu hết các cha mà tôi biết thời kỳ đó, đều hoặc đã trải qua nhà tù Cộng sản, nhiều thì hàng chục năm như cha Tần đi 11 năm, cha Giuse Giuse Maria Phan Duy Thông, ít thì dăm bảy năm, nhẹ nhất là "an trí" - nghĩa là giam lỏng ở một nơi nào đó ngoài nhà tù như cha Nguyễn Văn Đức, Võ Thanh Tâm, Vũ Văn Giáo từ Đông Yên về an trí tại Tĩnh Giang, Linh mục Phùng Mai Lĩnh tại Kẻ Mui...

Đó là một giai đoạn khốn khó của Giáo hội Công giáo VN dưới bàn tay sắt cộng sản được che bởi bức màn sắt về thông tin với thế giới bên ngoài. Thời kỳ đó, như bao linh mục khác, ngài cũng bị "an trí" và bài thơ được sáng tác tại Yên Lĩnh, một giáo xứ ở miền Tây, Nghệ An.

Nhưng ngoài nỗi đau khổ chung của cả giáo hội, cả đất nước, thì bản thân ngài có những nỗi đau riêng.

Nhìn ngài, người ta thấy một linh mục lịch thiệp, hiểu biết, nhiệt tình và nhiều tính cách đáng quý không mấy ai biết được rằng ngài đã có những ngày thơ ấu và lớn lên trong khó khăn, nước mắt và mồ hôi mặn đắng.

Mồ côi cha khi còn nhỏ, lên 11 tuổi, cậu bé Võ Thanh Tâm côi cút bước vào con đường đi tu tại Tiểu chủng viện dự bị Xuân Phong. Thế rồi người mẹ cũng sớm qua đời, anh em ruột thịt tứ tán lưu lạc bắc nam.

Bước vào con đường tu hành chưa lâu thì Cộng sản cướp chính quyền, từ đó, cùng với giáo hội Công giáo VN, người tu sĩ bước qua những cuộc lưu đày ngay trên chính quê hương mình.

Chỉ riêng để có thể tồn tại, thì sự cố gắng đã là vượt bậc. Chỉ riêng người dân sống được, đã là một kỳ tích, nên với một người tu hành thì đó là sự mầu nhiệm.

Quãng đời đó, là quãng đời đầy nước mắt và mồ hôi của ngài, một linh mục của Giáo hội, mà tôi có viết trong bài về linh mục Pet. Đậu Đình Triều rằng: "Đó là lớp linh mục đã thành đá, thành tượng đồng trong lòng giáo dân khắp Giáo phận Vinh qua những thời kỳ khốc liệt nhất dưới bàn tay Cộng sản. Đó cũng là lớp linh mục nền tảng cho sự sống còn và phát triển của Giáo phận ngày hôm nay".

Một nhân cách khiêm nhường học hỏi, một tâm hồn với tình cảm chân thành

Mỗi khi nghĩ đến việc đọc sách tôi nghĩ ngay đến ngài - linh mục Fx. Võ Thanh Tâm. Ngài là Tiến sĩ về Giáo luật, nguyên Tổng đại diện Giáo phận Vinh.

Những năm 1990, khi đi xe máy từ Hà Nội về Hà Tĩnh, qua Nghệ An tôi thường ghé giáo xứ Thanh Dạ đến thăm ngài khi ngài đang quản xứ tại đó. Điều đầu tiên đập vào mắt tôi là kho sách của ngài. Một căn phòng rộng như thư viện, sách của ngài xếp ngang hàng thẳng lối từng quầy một theo từng chủ đề khác nhau. Từ sách Công giáo như Kinh Thánh, Giáo luật, các sách liên quan cho đến sách văn học, sách khoa học kỹ thuật từ xây dựng cho đến thiên văn... đủ mọi thể loại và hình thức.

Có lẽ, bất cứ ai, đến kho sách của ngài lần đầu sẽ không khỏi choáng ngợp với câu hỏi: Thời gian đâu để ngài đọc hết số sách đó. Năm 1993 khi chuẩn bị đi du học ở Roma, ngài đã cho đóng các hòm gỗ để cất giữ sách trong quá trình đi học. Mấy chục thùng gỗ sách có lẽ là tài sản quý giá nhất của ngài.

Ngài Tiến sĩ về Giáo luật, hiểu biết rộng rãi, thế nhưng bất cứ ai gặp ngài, cũng đều nhận được những cử chỉ và sự quan tâm ân cần.

Tôi nhớ mãi lần đầu tiên ghé nhà xứ Thanh Dạ, nơi ngài quản xứ, đó là chiều tối một ngày cận tết. Dù đã biết tên ngài từ khá lâu trước đó khi ngài còn quản xứ Thuận Nghĩa và bố tôi đã cộng tác với ngài thiết kế ngôi thánh đường một họ đạo ở đó nhưng đây là lần đầu tiên tôi gặp ngài. Sau khi đưa tôi thăm một vòng quanh khu thánh đường ngài đang kiến thiết, giới thiệu về một giáo xứ cực lớn cả chục ngàn giáo dân khu Quỳnh Lưu, Nghệ An vốn có máu anh hùng xưa nay, chúng tôi vào ăn cơm.

Tối hai cha con nói chuyện về kỹ thuật xây dựng, khi đó ngài chân thành hỏi han mọi điều chưa biết hết sức cầu thị và dễ chịu. Trước khi ngủ, ngài vào phòng mắc màn, giém chặt bốn phía cho tôi vì "Cha quen nên biết chỗ nào có cái đinh, chứ con lạ không biết thì mắc màn nó khó. Còn ở đây có cái bô đêm dậy con cần thì dùng, đừng ra ngoài mà lạnh. Sáng mai cha dậy sớm cho thanh niên chúng nó tập thể dục, con cứ ngủ đến khi nào chuông lễ thì ra".  Ngài đã đưa tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.

Đêm, gần 2 giờ sáng thì có người gõ cửa, giáo dân ở xa đến mời ngài đi kẻ liệt, nhưng đường không thể đi xe máy hoặc xe đạp mà phải đi bộ. Ngài xách đôi ủng cao su và cầm đèn pin đi trong đêm. Nhưng đúng 5h sáng, thì ngài đã dậy ra đánh trống liên hồi và thanh niên của giáo xứ rầm rập vào cùng cha xứ tập thể dục. Tập xong, mọi người về đi tắm và đi lễ.

Thánh lễ ở giáo xứ đông đúc như vậy nhưng ngày Chúa Nhật, giáo dân ngồi theo từng lớp, từng lứa tuổi thành hàng lối rất trật tự, kể cả khi lên rước lễ. Đặc biệt, khi đã vào khu vực Thánh đường, không ai cầm trên tay điếu thuốc lá, lễ chưa xong, không một ai ra khỏi nhà thờ.

Tôi ngạc nhiên vì cung cách ở đây. Thế nhưng, khi ngài dặn dò giáo dân chuẩn bị đón tết ra sao, cần làm những gì, dọn dẹp nhà cửa như thế nào cho đảm bảo vệ sinh, kể cả trời mưa quần áo khó khô thì đun ít nước nóng nhúng qua rồi phơi cho chóng khô... thì tôi không lấy làm lạ nữa.

Sáng hôm sau, tôi ra về, ngài gửi tôi ít đường, sữa cho bố tôi vì ngài nghe tin ông ốm. Tôi thoáng ngại ngùng vì ngài gửi khá nhiều. Ngài bảo:

- Không sao, con mang về biếu bố cho cha, cha chưa vào được. Giờ còn có đây chứ sau này đi học về không ở xứ thì không có những thứ này nữa đâu.

Thế rồi ngài đi du học ở Roma, sau khi trở thành Tiến sĩ Giáo luật, ngài trở về Giáo phận, tôi lại thỉnh thoảng có dịp để gặp ngài nhất là những khi xuân về, lễ lạt chúng tôi đi qua Tòa giám mục thì nhất định ghé qua thăm ngài.

Bất cứ khi nào, tôi về với ngài là khi trở về với người cha nhân hậu và cảm thông. Ngài có thể ngồi nói chuyện cả buổi chiều về những điều tôi chưa hiểu, về những sự việc đã xảy ra trong Giáo hội, trong quá khứ đối với nhiều giáo xứ, nhiều nơi... Câu chuyện về linh mục Phùng Mai Lĩnh (1903-1994) do ngài kể làm tôi ấn tượng mãi.

Đó là linh mục quản xứ Kẻ Mui, giữ gìn khu đất nhà thờ đó một thời gian dài bất chấp mọi thủ đoạn của nhà cầm quyền Cộng sản. Thời cải cách ruộng đất, ngài bị đội cải cách gọi là "địa chủ nhà chung" để đem ra đấu tố. Một "ông nông dân" được gọi lên đấu tố "tên Linh mục Lĩnh" đã bắt Ngài cúi đầu xuống và tố:
- Mày đã hiếp dâm cả 100 người đàn bà.
Ngài chỉ thủng thẳng trả lời nhỏ nhẹ:
- Có mà sức voi
Người đó đấu tiếp:
- Mày đã đưa cho con cháu cả bao tải tiền giấy
- Ngài vẫn thủng thẳng:
- Có mà lá mít.
Sau CCRĐ, nhân tuần chầu lượt, giáo xứ được đón Đức Giám mục Trần Hữu Đức về kinh lý, giáo dân hết sức vui mừng đã làm một câu đối hai bên cổng chào như sau:
- Con cái hân hoan mừng Cha Hữu Đức.
- Cháu chắt buồn rầu vì Bác Bất Nhân.

Kết quả của câu đối đó là 14 năm tù dành cho tác giả.

Những câu chuyện về các giáo xứ, các linh mục đã khó khăn với cộng sản ra sao và cách đối phó như thế nào... có thể lấy hết của chúng tôi cả buổi chiều khi nào chẳng biết.

Những câu chuyện về đối đáp, đối phó của ngài đối với sự hà hiếp của nhà cầm quyền nhiều khi trở thành những giai thoại vui. Còn nhớ, có dịp lễ lớn tại Tòa Giám mục, bên chính quyền cho người vào gặp ngài là Tổng Đại Diện Giáo phận, đề nghị cắm cờ đỏ sao vàng. Ngài bảo:

- Ở đây, chỗ quan trọng nhất thì đã treo cờ Hội Thánh, vậy theo các ông thì cắm cờ đỏ vào chỗ nào?
- Thì cụ cứ cho cắm một dãy bên hàng rào và đường đi.
- Thế này nhé, cờ cắm hàng rào, bên đường đi thì gọi là "cờ phu" - nghĩa là cờ như những người lính đứng chào quan khách. Nếu tôi cắm như vậy thì các ông đừng trách tôi là dùng cờ đỏ như phu phen.
- Vậy thôi thôi cụ ạ. Không có chỗ cắm thì thôi.

Vậy đấy, nhiều khi đơn giản, nhẹ nhàng nhưng không dễ bắt nạt. Trong các sự kiện như Tam Tòa, Mỹ Yên... ngài đã có những phản ứng mạnh mẽ.  

Năm 2002, ngài thay mặt Đức Giám mục Giáo phận sang Malaysia tham dự cuộc họp từ 9-13/4. Sau cuộc họp, ngài về Hà Nội giải quyết vài việc. Để khỏi bất tiện và tốn kém, tôi mời ngài đến ở nhà tôi. Khi đó, tôi càng hiểu hơn về tính cách nhân hậu và tình yêu thương của ngài.

Vợ tôi hơi hoảng, vì cả đời chưa biết các cha ăn uống ra sao và rất ngại là cứ nghĩ mua món gì để mời cha cho phù hợp. Thế nhưng, đến bữa ăn ngài ăn uống đơn giản đến bất ngờ. Sinh hoạt trong gia đình, như một người cha nhân hậu.

Con trai tôi lúc đó mới ba tuổi, hàng ngày ông cháu chơi với nhau, thằng bé đẩy cái xe nhựa đi rao bán kem còn ông thì giả vờ làm người mua kem. Hai ông cháu cứ đối đáp thật vui và ngộ nghĩnh, ông cứ luôn mồm khen: "Thằng cu này thông minh".  Đến tận sau này khi nghe biết về tuổi thơ gian nan của ngài - điều mà ít khi ngài kể với ai - nhớ nụ cười thoải mái và hiền hậu của ngài khi đó thì tôi cứ trào lên từng cơn xúc động.

Các con tôi được ngài yêu quí, nên khi về với ngài chúng như về với ông nội, đùa nghịch và thoải mái, chưa bao giờ ngài thấy khó chịu. Ngược lại, ngài để dành cho cháu từng quả cam, từng chiếc bánh hoặc quyển sách khi chúng thích.

Một tâm hồn bay bổng với tình mến Chúa và yêu người

Có lẽ, cảm nhận về linh mục Fx. Võ Thanh Tâm, trước hết là một tâm hồn thi sĩ, bay bổng nhẹ nhàng và thanh thoát. Ngay từ những ngày còn trẻ, trong gian lao, những vần thơ của ngài vẫn đều đều tuôn chảy.

Có lẽ ít ai người Công giáo không thích bài thờ "Hạnh phúc người Công giáo" được ngài sáng tác năm 1968. Ở trong đó, người ta đọc được chính mình, chính giáo họ, giáo xứ và làng mạc nơi mình ở. Ở đó, niềm tự hào rất riêng của người công giáo được thi sĩ linh mục nói nói ra tự nhiên như một dòng chảy được khơi thông.
"Ôi! Công giáo, Vatican, La Mã
Những danh từ quý đẹp biết bao nhiêu!
Tôi muốn biên lên mặt giấy rất nhiều
Và nhai nuốt cho hòa vào máu thịt"
.

(Trích Hạnh phúc người Công giáo - Võ Thanh Tâm)

Không chỉ là những vần thơ về giáo hội, về Thiên Chúa, với ngài những  trăn trở về đất nước, về thế sự và tình người vẫn luôn là một đề tài day dứt và được thể hiện bằng những vần thơ, nhiều khi như một điệu ca vui, nhiều khi khắc khoải.

"...Con khóc máu đã chảy tràn
Mấy dòng suối lệ quanh ngàn rú ri
Nhưng sầu vợi bớt dần đi 
Trước cây Thánh giá mỗi khi con nhìn".
(Trích Chiều tà - Võ Thanh Tâm)

Đó cũng chính là điểm đến, là nguồn ai ủi, cậy trông và hy vọng của ngài.

Thế rồi năm tháng trôi, đời người như bóng câu qua khe cửa. Cậu bé côi cút ngày xưa bước vào cuộc sống tu hành khi mới 11 tuổi ấy, đã là Tiến sĩ Giáo luật, nguyên Tổng Đại Diện Giáo phận, rồi sau một thời gian dài cống hiến cho tha nhân, ngài nghỉ hưu nhưng chưa hề nghỉ ngơi.

...Mùa xuân đến tôi nghĩ về năm tháng
Của đời tôi như nước chảy dưới cầu
Chảy sáng chiều ra lòng biển rộng sâu
Chảy ngày đêm, không bao giờ dừng lại...
(Nghĩ về năm tháng - Võ Thanh Tâm)

Và đêm nay, ngài đã lặng lẽ ra đi không ồn ào, không một lời kêu than. Ngài đã âm thầm vượt qua tất cả những gian nan, những gieo neo trong đời thì hôm nay, ngài lại lặng lẽ một mình vượt qua cửa tử để về với Thiên Chúa, niềm cậy trông và hy vọng của ngài.

Ngài đã tiếp tục "Viết yêu thương bên cạnh tiếng đau thương" 

Và thời gian của ngài trên dương thế đã dừng lại đêm nay, 2h30, ngày 18/8/2017 để ngài tiếp tục bước trên hành trình về với Thiên Chúa, đích đến của ngài.

Cha ơi!

Con viết vội mấy dòng lộn xộn, nước mắt hòa trong mỗi suy nghĩ của con về một con người đã hy sinh chính bản thân mình cho tha nhân, cho đồng loại, về một người cha đã thương yêu gia đình con hết mực.

Về bên Chúa, xin cha hãy luôn nhớ và cầu bầu cho con, cho gia đình và xã hội Việt Nam đang chìm trong những khổ đau vô vọng.

Xin Chúa luôn nâng đỡ và thương cha như đã quan phòng cha những ngày gian nan trên trần thế.

Hà Nội, 18/08/2017

J.B Nguyễn Hữu Vinh